Hương Canh nay thuộc Từ Liêm, Hà Nội, là vùng đất văn hiến, được biết đến qua câu “Mỗ, La, Canh, Cót – tứ danh hương”. Tổng Hương Canh xưa có 7 làng nằm trong 2 xã. Trong đó nổi bật là làng Kim Hoàng thuộc xã Vân Canh.

Vùng đất cổ

Tổng Hương Canh có tên như vậy bởi nơi đây có 7 làng mang tên Canh. Đây là vùng đất cổ. Theo Ngọc phả vào đời vua Hùng thứ 18 có ông Phan Thanh Nhạc từ Ái châu đến Hương Canh cư ngụ, sau đó theo Tản Viên Sơn Thánh đánh quân Thục, được vua Hùng gả con gái và phong ấp ở vùng Hương Canh. Từ đó Hương Canh càng phát triển và có thêm dân chúng về đây sinh sống.

Làng Kim Hoàng nằm trong tổng Hương Canh. Đình làng Kim Hoàng có kiến trúc chữ “Đinh” với 5 gian. Người xưa có câu “cầu Nam, chừa Bắc, đình Đoài” tức đình làng to đẹp nhất tập trung ở xứ Đoài, trong đó có Kim Hoàng. Những cột gỗ được chạm khắc rất tinh xảo mô tả cuộc sống làng quê như cảnh đấu vật, hội làng, cưỡi ngựa bắn cung. Năm 1990 đình làng được công nhận là dị tích quốc gia. Lễ hội của làng được tổ chức hàng năm từ ngày 10 đến 12 tháng 2 âm lịch.

Người dân làng Kim Hoàng giỏi canh tác nghề nông, cây ăn trái. Cam ở làng Kim Hoàng nổi tiếng nhất, chính là cam trong câu “cam Canh, bưởi Diễn”. Ngoài ra dân làng còn rất khéo về mỹ nghệ, nơi đây nổi tiếng với nghề sơn, thêu… nhưng nổi tiếng nhất là làm tranh dân gian truyền thống.

lang kim honag 1
Kim Hoàng là đất khoa bảng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Theo truyền thống, hàng năm cứ vào ngày rằm tháng 11 là ngày giỗ tổ nghề tranh ở Kim Hoàng. Người thợ vẽ và in tranh trên ván gỗ và giấy trong suốt cả tháng, đến rằm tháng 12 làm lễ tế Thánh sư, xong rồi đem tranh ra chợ bán. Người thợ làm tranh chủ yếu làm trong thời điểm này vì người mua tranh dân gian chủ yếu là mua thời điểm cận Tết Nguyên Đán, rồi sẽ treo ở nhà trong cả năm, đến cuối năm lại mua tranh khác để chuẩn bị cho năm mới.

tranh dan gian
Tranh dân gian Kim Hoàng. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Vùng đất khoa bảng

Kim Hoàng còn được biết đến là hiếu học và có nhiều người đỗ đạt. Dù là vùng đất cổ nhưng làng có người đỗ đạt khá muộn, người đỗ khai khoa cho làng là Trần Hiền, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1733 đời vua Lê Thuần Tông. Sau đó làng có họ Trần và Lý Trần (gốc là họ Đặng) có nhiều người liên tiếp đỗ đạt.

Trần Hiền đỗ kỳ thi Hương, rồi mở trường dạy học, số học trò khá đông. Khoa thi năm 1733, ông đỗ tiến sĩ cùng với 3 người học trò của mình. Ông làm quan đến chức Hàn lâm viện Đãi chế.

Trần Hiền có người con trai là Trần Huân đỗ cử nhân khoa thi năm 1745 được bổ nhiệm làm Tri phủ Lâm Thao. Con của Trần Huân là Trần Bá Lãm đỗ đầu Giải nguyên kỳ thi Hương năm 1779, đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1787, được bổ nhiệm Đốc đồng xứ Hải Dương, hàm Đông các Đại học sĩ. Đất nước lúc này vào giai đoạn cuối cùng thời nhà Lê Trung Hưng rất loạn nên Trần Bá Lãm không có cơ hội phụng sự nhiều cho Xã Tắc.

Trần Bá Lãm có con là Trần Bá Kiên đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương năm 1807, được cử làm Chánh sứ đi sứ nhà Thanh.

Làng Kim Hoàng ngoài họ Trần có 4 đồi liên tiếp đỗ đạt, còn có dòng họ Lý Trần (gốc họ Đặng) có nhiều người đỗ đạt, khởi đầu là Đặng Trần Diễm. Ông sinh năm 1705 trong gia đình nghèo khó nhưng lại rất ham thích chữ Thánh hiền.

Thám hoa Vũ Thạnh là bậc danh sư tiếng tăm nhất thời đó. Vũ Thạnh dựng trường Hào Nam bên bờ hồ bảy mẫu phía nam Kinh thành Thăng Long, rất nhiều trò giỏi và gia đình danh giá đều đến làm học trò Vũ Thạnh.

Dù ở làng Kim Hoàng rất xa Kinh thành, Đặng Trần Diễm vẫn đến xin học với Thám hoa Vũ Thạnh. Ông phải đi dạy học cho trẻ để có tiền trang trải cuộc sống và học tiếp.

Đỗ thi Hương, Đặng Trần Diễm được giao giữ các chức quan nhỏ. Nhưng là người có đức hạnh, dần dần ông được giữ những chức vụ cao như Tri huyện Đông Ngàn đến Hiến sát sứ Hải Dương, rồi Tri phủ Trường Khánh, vốn là những chức vị dành chỗ những người đỗ cao.

Sau đó bằng tài năng và đức hạnh của mình, Đặng Trần Diễm được phong chức Đông các đại học sĩ, vốn là chức vụ dành cho những ai đỗ tiến sĩ, thậm chỉ nằm trong Tam khôi (3 người đỗ đầu).

Đặng Trần Diễm dù đã có tuổi nhưng vẫn chưa có con, ông thường đến đền Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng cầu mong có con.

Sau đó vợ ông sinh được 3 người con trai. Để tỏ lòng biết ơn, ông cho con mang họ Lý, họ lót là Trần. Cả ba người con đều học giỏi thành tài. Lý Trần Quán đỗ tiến sĩ năm 1766, Lý Trần Dự đỗ tiến sĩ năm 1769, Lý Trần Thản đỗ tiến sĩ năm 1769 (đỗ cùng khoa với anh mình).

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: