Văn Hóa

Nhớ về một lăng mộ, chiều cuối thu

Tôi đến thăm lăng mộ của Otto von Bismarck cách nay hơn 20 năm. Dẫn tôi đi là mẹ của một người bạn.

Đó là chiều thứ bảy hay chủ nhật gì đó, sau khi thả bộ trên hè phố vắng vẻ ở Hamburg đầy lá rơi, tôi hỏi người bạn trẻ, khu mộ của Bismarck có gần đây không, tôi muốn ghé thăm. Anh bạn hiểu biết về Bismarck ù cạc như như thế hệ trẻ Việt Nam bây giờ biết về Lê Văn Duyệt. Nhưng mẹ anh, ngạc nhiên khi một người nước ngoài, đến từ một quốc gia châu Á xa xôi, lần đầu tiên đến Đức lại muốn đi thăm mộ Bismarck. Đó là ông thủ tướng cũ kỹ của Đức cách nay cả hơn 100 năm. Bà hỏi vì sao, tôi đáp ngắn gọn, ngưỡng mộ! Bà cụ bỗng linh hoạt hẳn lên, trở thành người hướng dẫn. Trên xe, bà nói với tôi về Bismarck, nhưng tiếng Anh của bà không khá lắm, nên ông con phải làm phiên dịch.

Otto von Bismarck được xem là thủ tướng đầu tiên của Liên bang Đức, mà trước đó là những quốc gia nhỏ lẻ, rải rác và phân hóa. Tôi thích tính thực dụng và quyết đoán của một chính khách Bismark, hết lòng vì đất nước, chứ không vì tham vọng viễn vông. Quyền bính chỉ là phương tiện.

Tôi không nhớ khu lăng mộ Bismarck nằm ở đâu, chỉ nhớ mang máng nằm trên một vùng đất cao vì đường đi ngoằn ngoèo, hơi dốc. Từ Hamburg đến đó khoảng 40 phút lái xe. Lăng mộ giống như một nhà nguyện nhỏ, nằm giữa khu vườn rộng – Không hẳn thế, một khoảng đất rộng có một số cây lớn. Trong “nhà nguyện” là hai ngôi mộ cạnh nhau, của Bismarck và vợ ông. Cửa “nhà nguyện” không đóng, khách đến thăm chỉ cần đẩy cửa là vào được.

Lúc đó là cuối tháng 11, có lẽ đã chớm sang đông, gió lạnh và bầu trời u ám. Mấy người chúng tôi là khách duy nhất, trông lại càng vắng vẻ. Sân vườn ngập lá vàng, lá đỏ, tôi không biết là lá cây gì. Khu lăng mộ chiều thứ bẩy lạnh lẽo, yên tĩnh và tuyệt đẹp. Đẹp một cách lãng mạn và buồn bã. Cho đến giờ, tôi vẫn chưa thấy nơi nào mang vẻ đẹp đầy “chất thân phận con người” như thế.


Tôi nói với bà cụ, Tôi biết thành phố Hamburg, đã bị tàn phá như thế nào trong chiến tranh (thế chiến thứ hai). Thế hệ hậu chiến nơi đây phải làm việc cật lực để xây dựng lại từ con số không. Họ chỉ biết bổn phận, làm việc, làm việc và quên hưởng thụ. Tôi cũng trải qua thời chiến, tôi hiểu thế nào là giá trị của sự tồn tại, của tình yêu, của sự chia sẻ và cho đi.

Khi tôi về nước, thỉnh thoảng bà cụ vẫn gửi quà cho tôi, thường là những vật lưu niệm nhỏ có hình ảnh nước Đức, bút mực và sách, trong đó có cả quyển sách dầy về Otto Von Bismarck.

Anh bạn trẻ nói với tôi, ba nó biết 5-6 thứ tiếng, nhà đầy sách triết học, sử học, xã hội học, văn học. Nó ngưỡng một về sự uyên bác của cha, nhưng ít khi nào đụng vào tủ sách đó. Có lần anh bạn hỏi, nên đọc những sách nào. Tôi đáp, tôi ít đọc tiểu thuyết hiện đại, nếu muốn hiểu về con người trong chiến tranh thì nên đọc, với Saint-Exupéry, Albert Camus, E.M.Remarque, Hemingway, CV Gheorghiu, Gabriel Marcel,… Sau này tôi còn “nắn gân” hắn thêm với Exodus của Leon Uris.

Anh bạn trẻ này là con út, sanh ra sau thế hệ “baby booming” (1946-1964) vài ba năm, nên dù biết, không cảm nhận được hết sự cho đi của thế hệ trước. Có lần anh bạn nói, nếu cha anh còn sống thì sẽ trả lời được những câu hỏi của tôi. Sau khi cha mất vì đột quỵ, anh ta khủng hoảng, muốn đi xa, và chọn Việt Nam là nơi đầu tư. Tôi quen anh ta từ hồi đó. Đôi khi tôi thấy hắn mơ mộng, Việt Nam rồi sẽ trở thành như Hamburg, chỉ cần quên đi quá khứ, nhìn vào tương lai như người dân Hamburg. Tôi cười gượng, dân Việt Nam không phải là dân Hamburg.

Hôm rồi hai thằng ngồi ở quán bia Đức, nói chuyện lung tung, rồi lan qua chuyện bầu cử ở Mỹ. Tôi không bộc lộ quan điểm của tôi về chính trị Mỹ, chỉ nói rằng, một xã hội công bằng là một xã hội tạo điều kiện cho mọi người tiến thân như nhau, chứ không phải là “cào bằng” (equity) rộng rãi, nấp sau những ngôn từ hoa mỹ, thu hút giới trẻ và giới tinh hoa sa lông. Equity hiện nay đã bị lạm dụng quá mức cho những chính khách mị dân, và những tập đoàn kinh tế trục lợi. Equality và Equity cần phải được cân bằng để kinh tế phát triển, để con người, tùy khả năng riêng được bộc lộ ở mức cao nhất. Tất cả đều thăng tiến trong một xã hội mà trong đó giá trị gia đình là nền tảng, chứ không phải là hưởng thụ bất tận.

Tôi nói “Merry X Mas” vì nghĩ anh bạn sẽ về Đức trước lễ Noel như mọi năm. Nhưng nó cười buồn, từ hồi mẹ mất, nó ít về Đức dịp Giáng Sinh, mà trốn đi xó xỉnh nào đó ở nước Đông Nam Á. Tôi nhắc lại chuyến đi thăm khu lăng mộ Bismark với vẻ đẹp buồn bã không thể nào quên. Một đời người rồi cũng như thế! Cũng 21 năm trôi qua rồi…

Bây giờ anh bạn trẻ tuổi đã gần 60. Hắn chợt hỏi tôi, nên đọc thêm những sách gì. Tôi buột miệng: Hermann Hesse. Nước Đức là mảnh đất của triết học đầy lý tính, nhưng không hiểu sao lại nảy sinh ra một H.Hesse cảm nhận được tinh thần Đông phương rất sâu sắc. Đọc tác phẩm nào của Hess cũng được, nhưng đừng bỏ qua “Câu chuyện dòng sông”. Tôi đọc quyển này qua bản dịch của Phùng Khánh và Phùng Thăng nên không biết tựa đề gốc là gì. Tôi nói thêm, nếu nội dung truyện có nhân vật Siddhartha Gautama thì chính là “Câu chuyện dòng sông”.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm cùng tác giả:

Vũ Thế Thành

Published by
Vũ Thế Thành

Recent Posts

Nấu cháo nhầm lá hẹ với lá hoa thủy tiên, 2 cháu bé ngộ độc

Nấu cháo chữa ho cho các bé, tuy nhiên, người lớn nấu nhầm lá cây…

8 phút ago

Hunter Biden bị cáo buộc nợ hơn 300.000 USD tiền thuê nhà

Sau khi được cha ân xá vô điều kiện,  Hunter Biden phải đối mặt với…

17 phút ago

Trung Quốc phản ứng trước lời đe dọa đánh thuế BRICS của ông Trump

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố hôm…

49 phút ago

Bộ máy Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc sau sắp xếp tinh gọn

Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu…

2 giờ ago

Hải Phòng xây thêm cầu, cạnh cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện 2 sẽ được xây dựng bên trái…

3 giờ ago

Đăng ký học chơi Pickleball cho con trên mạng, người phụ nữ bị lừa 400 triệu đồng

Pickleball đang là môn thể thao thu hút nhiều người trong thời gian gần đây,…

4 giờ ago