Nguyễn Công Trứ sinh ngày mồng 1, tháng 11, năm Mậu Tuất 1778 ở huyện Quỳnh Côi, Thái Bình, nay là xã Quỳnh Phụ, Hưng Yên. Cha ông là Đức Ngạn hầu Nguyễn Công Tấn người làng Uy Viễn, nay là xã Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm quan trải qua 4 đời Vua nhà Nguyễn là Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Dù là người có tài, chính trực nhưng ông lại ngông nghênh khiến nhiều kẻ ghét, vì thế mà ông làm quan thăng giáng thất thường, có khi từ quan Thượng thư đứng đầu bộ Binh (tương đương đại tướng quân) bất ngờ trở thành lính hầu. Có nhiều giai thoại về ông được truyền tụng lại mãi về sau.

tuong nguyen cong tru
Tượng Nguyễn Công Trứ ở Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Banhtrung1, Wikipedia, CC0 1.0)

“Ai anh hùng, ai hào kiệt, trong trần ai, ai dễ biết ai!”

Cha của Nguyễn Công Trứ được phong Hầu thời Lê Trung Hưng. Khi quân Tây Sơn tiến ra bắc, cha ông khởi nghĩa chống lại quân Tây Sơn nhưng thất bại, gia trang bị tàn phá, gia cảnh từ đó nghèo khó.

Lúc nhỏ Nguyễn Công Trứ có tên là Củng, sau khi học hết chữ thầy làng thì cậu bè Củng lên tỉnh học. Lúc đầu lên tỉnh rất bỡ ngỡ, đang lang thang ngoài phố thì bỗng gặp đàn xe ngựa của quan tuần phủ đi tuần, cậu bé không biết phải làm thế nào liền bị toán lính bắt lại giải đến quan vì tội vô lễ dám cản đường.

Khi được hỏi tại sao thất lễ thì câu bé Củng thưa rằng nguyên là sĩ tử ở làng, chỉ mới lên đây chưa biết phép tắc. Viên quan nói rằng nếu là sĩ tử thì sẽ cho vế đối, nếu đối được thì tha không thì bị phạt.

Rồi viên quan ra vế đối: “Khách khoa bảng, khách văn chương, giữa quan khách, khách lại gặp khách”.

Cậu bé Củng đối ngay rằng: “Ai anh hùng, ai hào kiệt, trong trần ai, ai dễ biết ai!”

Viên quan tuần phủ hết lời khen ngợi cậu bé tuổi còn nhỏ mà có chí khí lớn lao, chẳng những không phạt mà còn thưởng cho một quan tiền.

Xin nhường làm anh

Cậu bé Củng lên tỉnh học thì dần dần nổi tiếng hay chữ khắp cả phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh). Đầu phủ là Nguyễn Trùng Quang vốn tự phụ mình hay chữ trong vùng, nghe tiếng Củng thì liền cho mời đến xem thế nào.

Cậu bé Củng đến thì thấy trước nhà có dán câu đối chữ Hán: “Sinh nê nhi bất nhiễm, Hữu xạ tự nhiên hương”. Nghĩa là: “Sinh nơi bùn mà không nhiễm, Có chất xạ tự nhiên thơm”. Câu này có ý rằng dù hoàn cảnh như thế nào cũng không bị thui chột, có tài đức, có thực chất tốt đẹp thì sẽ được biết đến mà không cần phải tự phô ra.

Cậu bé Củng vào trong nhà lại thấy trên bàn có sẵn một tờ giấy trắng, một cây bút lông và một đĩa mực mài. Biết là chủ nhà đã chuẩn bị sẵn để mình viết câu đối. Cậu bé liền viết: “Cửa sấm dám đâu mang trống lại, Đất người đành phải vác chiêng đi.”

Chủ nhà vừa bước ra đọc câu đối thì tấm tắc khen hay, bèn tặng khách câu: “Khắc chấn danh gia năng hữu tử, Bất tài tiện đệ nhượng vi huynh”. Nghĩa là: “Nối nghiệp danh gia sinh con tài giỏi, Kém tài tiện đệ xin nhường làm anh”. Ý của Trùng Quang là thấy mình kém tài nên nhận là em, nhường cho cậu bé Củng làm anh dù lớn tuổi hơn.

Trước khi tiễn khách về, Trùng Quang còn tặng thêm câu: “Kinh nhân văn tự đề giai cú, Tuyệt thế anh tài kiến thiếu niên”. Nghĩa là: “Đề câu thơ hay văn tự kinh người, Thấy kẻ thiếu niên anh tài tuyệt thế”.

Làm thơ tự nhắc nhở mình

Nguyễn Công Trứ khi trẻ có treo một bức tranh vẽ cảnh buổi chiều tà, ngang trời là đàn chim vỗ cánh giăng giăng bay về núi, lại có một ngư ông ngồi bên cầu buông cần câu cá, dáng vẻ đang nghĩ ngợi điều gì, rồi thêm vào đó câu thơ:

Chim bay về núi tối rồi,
Sao không lo liệu còn ngồi chi đây.

Câu thơ nhắc nhở ông rằng, dù có lúc vui thú nhưng không được quên chí nam nhi, nếu không sẽ quá muộn.

den tho nguyen cong tru 3
Đền thờ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, Ninh Bình. (Ảnh: Kien1980v, Wikipedia, Public Domain)

Dạy dỗ cách làm quan

Khi Nguyễn Công Trứ nghỉ hưu, ông về quê nhà ở huyện Nghi Xuân. Lúc này có viên quan trẻ mới được bổ nghiệm làm Tri huyện Nghi Xuân. Thường các quan khi đến nhậm chức sẽ đến yết kiến cụ Trứ, viên quan này cũng nghe nói đến cụ nhưng không hiểu sao lại không đến.

Sau khi nhậm chức được 3 ngày, viên quan cho đi công bố các nơi khi nào quan mới sẽ đến để các thôn xã biết mà tiếp đón. Sau một thời gian phục dịch đón quan, dân chúng vất vả nên dần thấy chướng mắt, xì xào bàn tán. Chuyện này đến tai cụ Trứ.

Cụ Trứ tay vác cuốc, tay dắt bò đến con đường mà viên quan hay đi qua rồi cho bò ăn cỏ. Một lát sau đoàn xe ngựa chở viên quan đi tới, lính lệ đi trước hô lớn nhắc dân chúng tránh đường cho xe quan đi qua.

Cụ Trứ vờ như không nghe thấy cứ cuốc cỏ, rồi ngồi xuống nhặt cỏ. Đám lính tới nơi hô lớn nhưng cụ cứ làm bình thường. Viên quan nhảy xuống tức giận hét: “Hay cho lão già nhà quê vô lễ!” rồi giật cuốc ném xuống sông, bắt cụ phải thay một người lính khiêng kiệu cho quan, còn con bò thì cho dắt theo.

Đang đi thì đoàn lại gặp một anh đồ Nho tới, thấy cụ Trứ thì hốt hoảng nói: “Bẩm, lạy cụ lớn! Sao cụ lớn lại phải khiêng như thế ạ?”

Viên quan giật mình hỏi cụ này là ai, anh đồ Nho thưa rằng là Binh bộ Thượng thư trí sĩ. Viên quan giật mình, nhảy xuống lạy như tế sao, xin cụ tha thứ.

Cụ Trứ nói: “Tôi bắt tội, bắt tình quan huyện làm chi? Quan huyện bắt tôi khiêng quan từ đâu đến đây, thì bây giờ quan phải khiêng tôi từ đây tới đó, thế là công bằng. Còn cái cuốc của tôi, quan quăng đi, thì quan tìm mà trả lại cho tôi, thế là xong việc”.

Viên quan phải cõng cụ Trứ lại chỗ cũ. Dân chúng thấy chuyện hiếu kỳ thì rủ nhau đến xem rất đông, nhiều người được chứng kiến cảnh này. Viên quan cõng cụ Trứ đến chỗ cũ, nhưng cái cuốc ném xuống sông rồi không tìm được, nên xin được mua cái khác tốt hơn cái cũ.

Cụ Trứ liền nói: “Không được! Hơn ba năm nay, với cái cuốc xấu xí, cũ kỹ ấy, tôi đã cuốc cỏ cho bò ăn, và cuốc rau má cho tôi cùng người nhà tôi ăn, tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc sâu đậm biết chừng nào! Người ta ở đời, có gì đáng quý bằng tình nghĩa hay không? Nay quan ỷ thế nhiều tiền nhiều bạc, vứt cuốc tôi xuống sông, để rồi mua cái khác đền lại. Tiền bạc thì quan có thể bồi thường được, còn tình nghĩa giữa tôi và cái cuốc thì có thể lấy tiền bạc mà bồi thường được không”?

Viên quan lúc này chỉ có thể hối hận, thưa rằng vì không biết cụ nên mới làm thế.

Cụ Trứ liền nói rằng: “Cái chức Thượng thư của tôi là thân ngoại chi vật, quan muốn biết hay không muốn biết, là tùy quan. Nhưng cái đầu bạc trắng của một người gần tám mươi tuổi, thì mọi người trông thấy, không có lý gì mà quan không thấy? Đối với tôi mà quan còn hách dịch đến thế, thử hỏi đối với những người dân đen thấp cổ bé họng thì quan sẽ tác oai tác quái đến độ nào?”

Viên quan chỉ có thể xin tha, hứa sẽ không làm phiền dân chúng nữa, cụ Trứ mới tha cho.

Trần Hưng tổng hợp

Xem thêm:

Mời xem video: