Văn Hóa

Những người thầy tạo nên nhân cách vua Tự Đức

Tự Đức là vị Vua có tiếng là giỏi về văn chương thi phú, hiếu thảo với mẹ, cũng rất tôn sư trọng đạo, hiểu lễ nghĩa. Để có được những nhân cách ấy không thể thiếu công lao dạy dỗ của Thái hậu Từ Dụ cùng những người thầy của Vua.

Chân dung vua Tự Đức. (Tranh: Docteur Rieux, Wikipedia, Public Domain)

Nguyễn Đức Huy

Người thầy đầu tiên của Vua là Nguyễn Đức Huy, người huyện Duy Xuyên, dinh Quảng Nam. Cha ông vừa làm nghề dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh.

Nguyễn Đức Huy nổi tiếng là người con hiếu thảo, chăm sóc cha mẹ rất chu đáo. Khi cha mẹ tuổi cao sức yếu, ông thường tìm những món ăn ngon về cho cha mẹ.

Khi cha mẹ qua đời, ông dựng lều ở nơi đặt mộ ở suốt 3 năm liền, không ngại lam sơn chướng khí, không ngại có thể gặp thú dữ.

Nguyễn Đức Huy cũng là người thông kinh sử, y lý, nhưng khi đi thi lại toàn không gặp may. Ba lần dự thi Hương ông đều chỉ đỗ tam trường tức tú tài, trong khi phải đỗ cả tứ trường mới xem là đỗ Hương cống tức cử nhân.

Sau 3 lần dự thi, ông quyết định không dự thi tiếp mà mở trường dạy học. Nghe tiếng ông, học trò đến học rất đông, nhiều người sau này đỗ đạt vinh hiển.

Tiếng tăm về lòng hiếu thảo và tài năng Nguyễn Đức Huy bay xa đến tận Kinh thành. Năm 1840, vua Minh Mạng muốn tìm người dạy học cho con cháu, vì thế mà triệu Nguyễn Đức Huy vào Kinh thành dạy học cho Hoàng thân quốc thích. Ông dạy học cho đến tận thời vua Thiệu Trị, trong số những người ông dạy có cả Nguyễn Phúc Hồng Nhậm tức vua Tự Đức sau này.

Nguyễn Đức Huy dạy học trò hướng đến điều thiện, để lại tấm gương về đức hạnh. Danh sĩ Phạm Phú Thứ, học trò của Nguyễn Đức Huy, đã nói về người thầy của mình: “Lớn lao thay đạo đức bậc thầy, từ lâu nay mới một lần được thấy sự tôn nghiêm”.

Khi vua Tự Đức lên ngôi lập tức muốn thầy mình bàn chính sự để làm việc lớn. Tuy nhiên đến năm Tự Đức thứ 2 (1849) thì Nguyễn Huy Đức mất khi đang tại nhiệm.

Vua Tự Đức vô cùng tiếc thương, đưa linh cữu thầy về quê nhà. Vua truy phong cho thầy là Trung thuận đại phu Tán trị doãn Thái thường tự thiếu khanh, ban cho tên thụy là Đoan Cẩn, lại ban cho 20 tấm lụa và 400 lạng bạc. Dân chúng gọi mộ của Nguyễn Đức Huy là mộ ông Thầy.

Văn bia trên mộ ông có ghi rằng:

“Môn đồ trước sau hơn ngàn người cùng ngâm vịnh thi, thư. Có giới nho sĩ đông đúc, lớp quan lại cùng ngoạn du ở trong trường đức nghiệp. Con cháu vâng theo giáo huấn, quyết thân gần với hiếu đạo, với lối sống cần cù, thuận ý ruộng nương. Tiên sinh vững lập giáo huấn chỉnh nghiêm trong học tập, sùng yêu hiếu đạo, tấm gương sáng ấy, dẫu người xưa cũng ít người sánh kịp”.

Nguyễn Văn Siêu

Người thầy thứ hai của vua Tự Đức là Nguyễn Văn Siêu. Ông là danh sĩ bậc nhất lúc bấy giờ, nổi tiếng thông minh từ nhỏ, lớn lên thì kết bạn với các văn sĩ đương thời.

Dù học giỏi hơn người nhưng Nguyễn Văn Siêu vốn không thích công danh nên chẳng muốn đi thi. Mãi đến năm 26 tuổi ông mới đi thi Hương thử và đỗ Á nguyên, cao thứ hai, nhưng vì không thích chốn công danh nên ông ở nhà nghiên cứu văn ngôn (tức cổ văn) mà không dự thi tiếp. Sau 10 năm ông mới tiếp tục đi thi và đỗ Phó bảng (tức tiến sĩ).

Thi đỗ, Nguyễn Văn Siêu làm quan qua các chức vụ khác nhau. Sau khi vua Minh Mạng mất, vua Thiệu Trị nối ngôi đã phong cho ông làm Thừa chỉ ở Nội các, ít lâu sau thì ông kiêm thêm chức Thị giảng để giảng dạy cho các Hoàng tử, trong đó có cả Nguyễn Phúc Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức sau này).

Nói về Nguyễn Văn Siêu, sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết rằng:

“Nguyễn Văn Siêu ở Hàn Các đã lâu nên các văn điển sách của triều đình phần nhiều do ông soạn thảo cả. Vì thế, văn học của ông được vua biết đến. Người đương thời đều tôn trọng ông. Tới tuổi già rút lui, (ông) thích bảo ban kẻ hậu học, mà giảng sách biện biệt ngay thẳng chỗ giống chỗ khác lấy nghĩa lý làm chủ”.

Phạm Phú Thứ

Người dạy thứ ba cho vua Tự Đức là Phạm Phú Thứ. Ông sinh năm 1821 ở Điện Bàn, Quảng Nam. Từ nhỏ ông học hành rất thông minh, xem một lần là nhớ, lại ham học nên đến năm 12 tuổi đã nổi tiếng khắp vùng.

Năm 1842 Triều đình mở khoa thi, Phạm Phú Thứ 21 tuổi đi thi Hương và đỗ đầu tức Giải nguyên, được lọt vào thi Hội. Năm sau (1843), ông lại tiếp tục đỗ đầu tức Hội nguyên. Vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình, ông nằm trong 3 người đỗ cao nhất tức Tiến sĩ cập đệ (nhưng không nêu rõ cụ thể thứ mấy).

Phạm Phú Thứ là người tài năng và đức độ nên được vào cung làm ở tòa Kinh Diên trực tiếp giảng sách cho vua Tự Đức.

Phạm Phú Thứ. (Ảnh: Jacques-Philippe Potteau, Manhhai, Flickr, CC BY-NC 2.0)

Năm 1850 một lần trời mưa lụt liên miên, Phạm Phú Thứ chờ nhưng không thấy Vua đến nghe giảng theo lệ, cũng không hỏi han gì đến chuyện học hành. Hơn nữa Phạm Phú Thứ cũng thấy dạo đó Vua ham chơi bỏ bê cả Triều chính, vì thế ông quyết định dâng sớ kể tội cả Vua, lời nói nặng nề:

“Lễ đại đình ít thấy ra triều thị, nhạc nội uyển kèn trống suốt cả đêm, nhà Kinh Diên lâu không tới giảng, chốn triều đình lâu không ban hỏi, thần tử ở bốn phương phủ huyện cũng lâu không được thừa chỉ thanh vấn. Lại nói: thái y phương thuốc điều hòa, thực cũng quá ư nghệ thuật, quần thần dâng sớ thỉnh an, vì tình khuất cả lời nói.”

(Đại Nam Liệt truyện tập IV, quyển 34).

Vua Tự Đức lúc này mới 21 tuổi và lên ngôi mới 3 năm, tuổi trẻ nên ham chơi bỏ bê công việc, nhận được sớ kẻ tội thì rất tức giận. Dù nhiều người xin khoan thứ cho lời nói thẳng của Phạm Phú Thứ, nhưng Vua vẫn tước hết chức vụ cả thầy của mình, đưa đi làm lính ở trạm Thừa Nông (Huế).

Thái hậu Từ Dụ lâu ngày không thấy thầy của con mình là Phạm Phú Thứ liền hỏi thăm, biết chuyện liền hỏi Vua rằng: “Ông Phạm dâng sớ khuyên con, ông ta được cái gì?”. Vua đáp: “Dạ! Ông ấy không được gì cả. Nhưng con thấy làm bề tôi mà trách Vua với lời lẽ nặng nề như thế là phạm thượng”. Bà hỏi tiếp: “Thế từ khi bị giáng làm lính, ông ta có tỏ lời oán hận gì không?”. Vua Tự Đức đáp rằng: “Con không nghe chuyện ấy. Nhưng biết rằng, ông ta mỗi chiều thường thả thuyền trên sông ngắm cảnh làm thơ ngâm vịnh”.

Bà Từ Dụ liền nói: “Thế người này đáng trọng lắm! Dâng sớ trách như vậy vì thương vua, vì muốn vua lo việc nước tốt hơn. Thương vua, giúp vua lại bị nạn mà không một lời than vãn, đành cam chịu thế càng tỏ dạ trung thành. Đó là bậc trượng phu không vui ở chức tước được người trên trọng hay khinh mà vui ở việc làm chân chính. Con nên nghĩ lại!”.

Vua Tự Đức vốn rất hiếu thảo với mẹ, lại được giáo dục từ nhỏ bởi những hiền thần như Nguyễn Đức Huy và Nguyễn Văn Siêu, nên cũng nhận ra và gọi Phạm Phú Thứ về lại Kinh thành.

Năm 1866, vua Tự Đức vẫn ham chơi lại tiêu pha có phần lãng phí, và vẫn chỉ có Phạm Phú Thứ tận tâm nhắc nhở học trò.

Lúc này Phạm Phú Thứ đang là Thự (quyền) Thượng thư Bộ Hộ, muốn khuyên bảo Vua nhưng rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này ông cùng 3 vị đại thần có uy tín khác cùng làm tờ sớ dâng Vua nhắc nhở với lời lẽ nhẹ nhàng:

“Rất mong Hoàng Thượng cân nhắc việc làm, bỏ bớt hư phí, mà chú ý chấn chỉnh việc thực… Hiện nay việc đánh giặc đã xong, biên giới tạm yên nhưng dân còn ốm chưa tỉnh hết, giặc Tàu chưa sạch hết, giặc biển chưa yên hết, việc phải làm của các bộ còn nhiều, xin Hoàng Thượng xét định kỹ càng, gìn giữ cẩn thận, giảm bớt đi chơi, trước làm việc dễ, sau làm việc khó, tu sửa nơi gần rồi đến nơi xa…”.

Lần này nhận được sớ của thầy, vua Tự Đức không tức giận như lần trước mà chân thành sửa lỗi:

“Các bậc đế vương tuyệt không vui chơi khó lắm, chỉ không dám bừa bãi mà thôi. Trẫm đức ít tài mọn chưa rõ mưu xa trị nước. Việc lỗi từ trước đã không lấy lại được, từ nay về sau vẫn muốn ít lỗi mà chưa được cho nên nhiều lần phê bảo đã thổ lộ hết, không dấu giếm gì, mà bụng nghĩ biết lỗi để sửa, chẳng lúc nào dám quên.”

(Đại Nam thực lục, Tập 7)

Rất nhiều bản tấu của Phạm Phú Thứ đều được vua Tự Đức nghe theo. Nhưng khi ông đi sứ từ phương Tây về tấu trình các biện pháp cải cách học hỏi từ phương Tây, thì tiếc rằng các đại thần trong Triều khi đó chưa ra nước ngoài bao giờ nên phản đối các đề xuất này của ông, khiến vua Tự Đức không phê chuẩn.

Vua Tự Đức cũng nhiều lần ban sâm, quế, gấm, trà quý, tiền bạc cho thầy của mình.

Năm 1882 Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà, vua Tự Đức thương tiếc xuống chỉ dụ rằng:

“Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi đông sang tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc tới trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân gian chỉ chứa ác ở Quảng Yên, ông tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu…”.

(Đại Nam liệt truyện).

Cuốn sử nhà Nguyễn là “Đại Nam liệt truyệt” cũng dùng những lời ngọc để mô tả về Phạm Phú Thứ, người thầy mẫu mực của vua Tự Đức.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Nấu cháo nhầm lá hẹ với lá hoa thủy tiên, 2 cháu bé ngộ độc

Nấu cháo chữa ho cho các bé, tuy nhiên, người lớn nấu nhầm lá cây…

7 phút ago

Hunter Biden bị cáo buộc nợ hơn 300.000 USD tiền thuê nhà

Sau khi được cha ân xá vô điều kiện,  Hunter Biden phải đối mặt với…

16 phút ago

Trung Quốc phản ứng trước lời đe dọa đánh thuế BRICS của ông Trump

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm (Lin Jian) tuyên bố hôm…

49 phút ago

Bộ máy Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc sau sắp xếp tinh gọn

Bộ máy của Chính phủ sẽ được tinh gọn từ 30 xuống còn 21 đầu…

2 giờ ago

Hải Phòng xây thêm cầu, cạnh cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam

Cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện 2 sẽ được xây dựng bên trái…

3 giờ ago

Đăng ký học chơi Pickleball cho con trên mạng, người phụ nữ bị lừa 400 triệu đồng

Pickleball đang là môn thể thao thu hút nhiều người trong thời gian gần đây,…

4 giờ ago