Người Hà Nội không ai là không biết đến cầu Thê Húc, chiếc cầu màu đỏ uốn lượn dẫn đến đền Ngọc Sơn cổ kính với Tháp Bút – Đài Nghiên. Nhưng nguồn gốc và câu chuyện cổ xưa của chiếc cầu này là thế nào?

Chuyện cầu Thê Húc gắn liền với Nguyễn Văn Siêu, một danh sĩ của nhà Nguyễn. Ông sinh năm 1799 ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Đại Kim quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội). Từ nhỏ Nguyễn Văn Siêu nổi tiếng thông minh, lớn lên theo học với Tiến sĩ Phạm Quý Thích, và kết bạn văn chương với Cao Bá Quát.

Nguyễn Văn Siêu dự thi Hương đỗ Á nguyên nhưng vì không thích công danh nên ông ở nhà nghiên cứu văn ngôn (tức cổ văn) mà không thi tiếp. Sau 10 năm ông mới tiếp tục đi thi và đỗ Phó bảng (tức tiến sĩ).

Nguyễn Văn Siêu được bổ nhiệm làm quan qua các vị trí khác nhau trong triều Nguyễn. Khi vua Thiêu Trị lên ngôi, biết tài của ông nên giao cho làm Thừa chỉ trong nội các, kiêm thêm cả chức Thị giảng tức phụ trách giảng dạy cho Thái tử cùng con cháu Hoàng thân.

nguyen van sieu
Nguyễn Văn Siêu. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)
Nguyen Van Sieu cau the huc 01
Tranh vẽ cảnh Nguyễn Văn Siêu dạy học. (Tranh: Daderot, Wikipedia, Public Domain)

Năm 1854, Nguyễn Văn Siêu xin nghỉ hưu và trở về quê nhà tại làng Kim Lũ. Người thời bấy giờ đánh giá Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát rất cao, xem Nguyễn Văn Siêu và “Thần Siêu”, “hay văn như Siêu”, còn Cao Bá Quát là “Thánh Quát”.

Năm 1862, Nguyễn Văn Siêu kêu gọi dân chúng cùng góp tiền và công sức nhằm tu bổ lại đền Ngọc Sơn, đến năm 1865 thì việc tu sửa bắt đầu

Bên cạnh đền Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Siêu lại cho xây mới Tháp Bút – Đài Nghiên, đình Trấn Ba và cầu Thê Húc để đi đến đền Ngọc Sơn.

Đình Trấn Ba mang ý nghĩa bảo tồn văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tháp bút có khắc 3 chữ “Tả thanh thiên” (viết lên trời xanh). Cạnh Tháp Bút là Đài Nghiên tạc từ tảng đá xanh bổ đôi chiều dọc được khoét lõm.

Thân của Đài Nghiên có khắc bài Minh của Nguyễn Văn Siêu, nguyên văn Hán Việt bài này là:

Cổ hữu huyệt địa chi nghiễn chú Đạo đức kinh, chước phương nghiễn trứ Hán xuân thu: Thạch tư nghiễn dã, phi tượng hà tượng, bất phương bất viên, diệu tồn chư dụng, bất cao bất hạ, vị hồ quyết trung, phủ Hoàn Kiếm thủy, ngưỡng Thạch bút phong, ứng Thượng Thai nhi vân vật, hàm nguyên khí nhi ma hư không.

Bản dịch của Viện nghiên cứu Hán Nôm như sau:

Xưa có:
Dùng thẳng hốc đất làm nghiên,
Chú giải Kinh Đạo đức.
Đẽo nghiên lớn hình vuông,
Chép Kinh Xuân thu đời Hán.
Còn chiếc nghiên đá này,
Hình gì cũng chẳng giống.
Không vuông cũng không tròn,
Nhưng khéo chứa công dụng.
Không thấp cũng không cao,
Vị trí vào khoảng giữa.
Cúi soi nước Hồ Gươm,
Ngửa trông ngọn bút đá.
Ứng sao Thượng Thai nhả lời hay,
Hợp nguyên khí mài vòm trời rộng.

thap but
Tháp Bút với ba chữ “Tả Thanh Thiên” màu đỏ trên thân tháp. (Ảnh: Rungbachduong, Wikipedia, Public Domain)

Còn về cầu Thê Húc, Thê Húc (棲旭) mang ý nghĩa “nơi lưu lại ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm”. Cầu bằng gỗ màu đỏ hướng về phía đông tức hướng mặt trời mọc để nhận sinh khí. Cầu nối từ hồ Hoàn Kiếm đến hòn đảo nhỏ nơi có đền Ngọc Sơn, chữ Thê Húc được thếp vàng. Cầu gồm 15 nhịp, chống đỡ cầu là 32 chân gỗ trong được xếp thành 16 đôi. Mặc dù mô tả như vậy, nhưng bấy giờ cầu Thê Húc rất thô sơ.

Sau khi xây xong, các công trình nơi đây trở thành biểu tượng của kẻ sĩ Bắc hà.

Cầu thê Húc
Cầu dẫn vào đền Ngọc Sơn thời Pháp thuộc, ảnh do bác sĩ Hocquard chụp vào năm 1884. Cầu Thê Húc thô sơ lúc này đã xuống cấp nhiều. (Ảnh: Public Domain)

Năm 1882, quân Pháp tiến đánh Hà Nội, một viên quan Pháp đã vào ở trong đền ngọc Sơn. Một thanh niên là Nguyễn Văn Minh thấy chướng mắt viên quan Pháp, đã đốt cầu vào năm 1887. Sau đó cầu được sửa chữa, lát ván dọc theo cầu để người dân có thể vào được đền Ngọc Sơn.

Screenshot 8
(Ảnh: Embe Mattrang, Flickr)
Cầu thê Húc
(Ảnh: Embe Mattrang, Flickr)

Trong đêm giao thừa năm 1952, người dân đi dự lễ ở đền Ngọc Sơn quá đông khiến cầu Thê Húc bị sập. May là nước hồ Gươm năm đó cạn nên không ai bị chết đuối. Thị trưởng Hà Nội là Thẩm Hoàng Tín quyết định dỡ cầu cũ, làm cầu mới. Ông Tín cho tổ chức cuộc thi mẫu thiết kế, hơn 30 mẫu thiết kế của các kiến trúc sư Pháp và Việt Nam tham dự, cuối cùng mẫu của kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Diệm được chọn.

Mẫu thiết kế này giữ được dáng vẻ truyền thống của cầu, mặt và thành cầu vẫn là kết cấu bằng gỗ màu đỏ như xưa, nhưng dầm ngang và dầm dọc được đúc bằng bê tông giúp cầu chắc chắn. Dáng cầu hình vòng cung được Nguyễn Ngọc Diệm thiết kế cong hơn, khiến cầu uyển chuyển, mềm mại.

Nguyễn Ngọc Diệm giữ nguyên 16 hàng cọc tròn, nhưng các đầu trụ được vuốt nhọn nhằm tưởng nhớ Ngô Quyền năm xưa đã cho đóng cọc nhọn trên sông Bạch Đằng đánh tan quân Nam Hán, chấm dứt ngàn năm bắc thuộc, mở ra thời kỳ tự chủ cho dân tộc.

Cầu thê Húc
(Ảnh: Embe Mattrang, Flickr)

Cầu xây xong vẫn giữ được nét truyền thống, nhưng to đẹp và chắc chắn hơn nhiều, người dân yên tâm nô nức đến đền Ngọc Sơn. Nhà thơ Trần Tuấn Khải xúc động mà làm bài thơ mô tả như sau:

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai xây dựng nên non nước này.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: