Cổ ngữ nói rất hay rằng: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Trong thế giới phồn hoa, phức tạp này, mỗi người chúng ta hàng ngày đều phải đối mặt với rất nhiều vấn đề, đôi khi khó có thể giữ được một tâm thái bình hoà, chẳng thể kiềm chế bản thân để có được một tâm trạng tốt, từ đó rất dễ nói sai lời, làm sai việc. Người thân đêm ngày bầu bạn cùng chúng ta là những người cần được nghe những lời ôn tồn nhưng lại thường dễ dàng bị chúng ta xem nhẹ nhất. Một gia đình hạnh phúc cần được chở che bằng một trái tim yêu thương và hàm ơn. Nếu muốn sống hạnh phúc, suy cho cùng vẫn phải bắt đầu từ việc nói năng ôn tồn.
Cuối tuần tôi tới nhà cậu ăn cơm, thì gặp đúng ngày sinh nhật của mợ. Cô em họ vẫn đang thực tập, nhưng vì muốn tạo sự bất ngờ cho mợ, nên dẫu rằng lương không nhiều, cô bé vẫn tiết kiệm tiền mua một bó hoa thật to về tặng mẹ.
Mọi người đều khen em thật hiếu thuận, không ngờ mợ lại nói: “Rốt cuộc là con kiếm được bao nhiêu tiền vậy? Mà còn mua cái thứ chỉ để ngắm chẳng có tác dụng gì thế này. Còn không biết tiết kiệm, để bố mẹ khỏi phải lo lắng sao?”
Em gái đang cười như hoa nở nghe vậy cúi gằm xuống, ấm ức chạy vào trong phòng. Những giọt nước mắt trào ra, rơi trên mặt đất. Sau đó tôi lại nhìn thấy mợ đang lâng lâng nâng bó hoa lên, cẩn thận cắm vào bình hoa đẹp nhất trong nhà, mỉm cười, khuôn mặt đầy vẻ mãn nguyện.
Không phải mợ không thích bó hoa đó, cũng không phải mợ không cảm kích trước tấm lòng của con gái, mà mợ đã chọn sai cách biểu đạt tình cảm của mình.
Đây là cách làm của một số bậc phụ huynh. Họ dường như không muốn dành tặng cho con em mình những lời khen ngợi, không phải vì họ không biết nghĩ cho con cái, chỉ là họ hiểu lầm rằng nói vài lời như vậy mới có thể giúp chúng có chí tiến thủ hơn.
Vậy nên chúng ta thường nghe thấy một vài ông bố bà mẹ nói với con mình như sau: “Con xem, bạn này bạn nọ giỏi giang làm sao. Con chỉ cần bằng phân nửa người ta, mẹ cũng phải cảm tạ Trời đất lắm rồi!”, “Nếu con vẫn muốn làm thế thì tuỳ! Chuyện đơn giản vậy mà cũng không làm được, thì còn làm nên trò trống gì?”….
Cách giáo dục này có thể đặt tên là “Giáo dục kiểu đả kích”.
Rất nhiều đứa trẻ vì vậy mà tâm hồn non nớt bị tổn thương. Đặc biệt là những đứa trẻ mới lớn, ở giai đoạn tâm lý còn chưa trưởng thành, vẫn đang không ngừng tìm kiếm sự khẳng định bản thân, thì rất dễ vì những lời đả kích mà mất tự tin hay tự ti. Cuối cùng chúng không muốn nói chuyện, thậm chí còn xa lánh bố mẹ mình.
Người ta nói rằng tụi trẻ thà bị gai xương rồng làm đau mình, chứ không hề muốn nghe những lời nói mát, châm chọc của người lớn. Bởi lẽ vết thương thì có thể nhìn thấy được, nhưng sự tổn thương vì những lời nhiếc móc lại là thứ vô hình.
Là cha là mẹ không cần phải thi thố, kiểm tra, nhưng vẫn phải học hỏi. Nói năng ôn tồn là bài học bắt buộc cho mỗi ông bố bà mẹ.
Tôi từng được nghe kể về một mẩu đối thoại thế này của một đôi vợ chồng đã kết hôn 6 năm.
Chồng đi công tác về.
Vợ: Anh vất vả quá!
Chồng: Cảm ơn vợ, nhà cửa gọn gàng quá. Hôm nay chúng mình ăn gì nhỉ?
Vợ: Ăn lẩu được không anh? Em làm 2 cân thịt dê để anh tẩm bổ.
Chồng: Anh cũng thích ăn lẩu, nhưng hôm qua tiếp khách cũng ăn lẩu nóng quá.
Vợ: Thế ạ? Nhưng em làm xong hết rồi. Thế này nhé, chúng mình không cho ớt vào, lát cho ít củ cải là có thể hạ nhiệt.
Chồng: Cũng được, lẩu nhà làm đảm bảo sức khoẻ hơn bên ngoài, sao anh lại không nghĩ ra nhỉ?
Vợ: Em ngâm ít mộc nhĩ mẹ mang ở quê lên, cho vào nổi lẩu anh nhé?
Chồng: Vợ anh vất vả quá!
Vợ: Vất vả gì đâu, anh xem ti vi đi, em chuẩn bị đồ ăn, lát chúng mình cùng ăn nhé.
Chồng: Ừ.
Rất nhiều người mới nghe thì nói rằng đối thoại gì mà như trong sách giáo khoa, ngày nào cũng nói chuyện như vậy không mệt sao? Nhưng người kể cho tôi nghe mẩu chuyện thì lại nói: “Họ thực sự rất tình cảm, là tấm gương cho chúng tôi, họ đối xử với hàng xóm cũng rất tốt.”
Ban đầu, tôi không tin những lời này lại được nói ra bởi cặp vợ chồng đã kết hôn 6 năm. Sau này tự mình chứng kiến tôi mới hiểu rằng, họ trò chuyện như vậy không phải là vì khách sáo, coi nhau như người ngoài. Chỉ là họ vẫn luôn giữ thói quen nói năng như vậy, không chỉ với bạn đời, mà với cha mẹ, con cái mình.
Những lời đối thoại kiểu “sách giáo khoa” này lại chính là bí quyết giữ gìn tình cảm vợ chồng. Những cặp vợ chồng biết nói năng ôn tồn, thì hạnh phúc càng mạnh mẽ. Những gia đình không hạnh phúc, ngày qua ngày cãi vã, mâu thuẫn, đa phần cũng đều bắt đầu từ việc “nói năng chẳng ôn tồn”.
Vợ đang ốm, chồng rõ ràng rất quan tâm tới vợ, nhưng ngoài miệng lại nói: “Sốt rồi hả? Đáng đời! Ai bảo em mặc phong phanh thế ra ngoài đường? Trời lạnh rồi em còn không biết à?” Vợ vốn chỉ muốn nhắc chồng bên bên ngoài có mưa, mau mau rút quần áo vào trong nhà, nhưng đến khi nhấc điện thoại lên thì lại thành ra thế này: “Anh làm gì thế? Ngoài trời đang mưa cũng không biết? Thật chẳng biết lo toan gì!”
Rất nhiều cặp vợ chồng ở với nhau lâu rồi, thì sự nhẫn nại không còn, dẫu là vì muốn tốt cho nửa kia, nhưng lời nói ra lại chẳng để tâm tới cảm nhận của họ. Lời ra đến miệng lại trở thành những lời chỉ trích và oán trách, lâu dần, cuộc sống gia đình dần xuất hiện những vết rạn nứt và nguy cơ tiềm ẩn.
Có câu rằng: Khi yêu nhau, họ có biết bao chuyện nói không hết, sau khi kết hôn, họ lại có bao cuộc cãi vã chẳng ngưng.
Không biết nói năng ôn tồn chính là “hung thủ” bóp chết những mối quan hệ thân mật. Khoảng cách, những cuộc cãi vã và chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng, đa phần đều là do “không biết nói năng ôn tồn” mà nên.
Nhưng trong hôn nhân cả hai đều nên minh bạch rằng, gia đình là nơi trọng tình cảm, không phải là nơi bàn luận đúng sai, lại càng không phải là chiến trường làm tổn thương trái tim của đối phương bằng những ngôn từ sắc bén. Trong hôn nhân không có “thắng thua”, trong tình cảm nào có “đúng sai”. Nổi giận với người bạn đời lâu năm nhất, yêu thương nhất, chung sống dài lâu nhất quả là một hành vi xuẩn ngốc.
Nói năng ôn tồn mới là bí quyết giữ gìn gia đình hạnh phúc.
Một nữ nhà văn đã kể lại câu chuyện khi xưa vì không biết nói năng đã khiến người khác phải tổn thương như sau:
Người cha 60 tuổi muốn chơi trò Line, nhưng không biết làm cách nào, chỉ vì muốn tải Line mà nhiều lần nhờ con gái trợ giúp. Vì công việc bận rộn không có thời gian trò chuyện với cha, nên chuyện này cô vẫn cứ gác lại.
Một hôm, cha cô lại tới hỏi làm thế nào mới có thể tải được Line xuống. Đúng lúc cô ấy đang nói chuyện với tổng biên tập vô cùng hào hứng về đề mục mới thì cha cô đột nhiên hỏi chen vào, cắt dứt dòng suy nghĩ của cô. Thế là cô không kiềm chế được khó chịu mà rằng: “Cha à, cha không thấy con đang bận chút việc sao? Được rồi, được rồi, cha đợi chút được không ạ?” Cha cô không nói lời nào, chỉ lặng lẽ ngồi bên cạnh cô.
Sau khi con gái xong việc, cha cô ngậm ngùi nói: “Giờ cha chẳng còn được trọng dụng nữa rồi, chuyện gì cũng phải có người dạy. Con nói là dạy cha tải Line, mà cả nửa năm nay, tới giờ con vẫn không dạy cha. Con xem thái độ của con khi nãy khiến cha tổn thương biết bao. Cha là cha của con, nhưng con lại để cha phải chờ đợi cả nửa năm.”
Nghe xong những lời này của cha, cô mới ý thức được sự sơ xuất của mình, trong lòng vô cùng xấu hổ.
Chúng ta vẫn thường cho rằng, hiếu thuận là mua đồ ăn ngon, quần áo đẹp, cố gắng đáp ứng mọi yêu cầu của cha mẹ. Nhưng kỳ thực, sự hiếu thuận thực sự chính là nói năng ôn tồn với cha mẹ, là biết suy xét từ góc độ của cha mẹ, thấu hiểu sự bất an, vỗ về những âu lo trong lòng cha mẹ. Đây mới là cách tốt nhất báo đáp công ơn dưỡng dục của bậc sinh thành.
Cổ nhân có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng”. Những lời làm tổn thương người khác, dẫu vô tình hay hữu ý, kỳ thực đều là bạo lực ngôn từ ở một mức độ nào đó. Muốn thay đổi cách truyền tải này, thì cần học cách dùng tình yêu và sự bao dung để lắng nghe nhu cầu của nhau, chứ không phải chỉ là sự kiềm chế cảm xúc nhất thời.
Kỳ thực, sở dĩ chúng ta không thể nói năng ôn tồn với những người thân quanh mình, đại khái là vì mọi người chung sống đã lâu. Chúng ta sớm đã quen với cuộc sống luôn có nhau, chẳng bao giờ nghĩ rằng sẽ có một ngày mất đi họ. Vậy nên hễ nổi giận là ta lại nói những lời gây tổn thương tới người khác.
Kỳ thực, mỗi một ngày trôi qua thì thời gian cha mẹ chúng ta sống trên cõi đời này lại rút ngắn lại một ngày. Nếu chúng ta có thể ý thức được điều này, bớt đi những lời oán trách, bớt đi những sự lạnh lùng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn biết bao.
Trong “Thi Kinh” có câu: “Ai ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” (Tạm dịch: Thương thay cha mẹ, sinh ta vất vả!). Một gia đình hạnh phúc cần được chở che bằng một trái tim yêu thương và hàm ơn. Hiếu thuận ấy chính là nói năng ôn tồn với cha mẹ.
Chúng ta thường nói rằng, nói chuyện là một nghệ thuật, lời nên nói nhẹ nhàng. Nhưng thường thì gia đình lại là nơi dễ bị chúng ta xem nhẹ nhất. Chúng ta thường bày tỏ thái độ tốt đẹp nhất với những người lạ, nhưng lại tỏ thái độ không tốt với những người thân quanh mình. Có một nhà văn nói: “Con người sống ở trên đời suy cho cùng thì cũng chỉ trò chuyện với 7, 8 người mà thôi. Chinh phục được 7, 8 người này cuộc sống của bạn sẽ trở nên tốt đẹp hơn.” Trong số 7, 8 người ấy thì cha mẹ, bạn đời, con cái đã chiếm phân nửa.
Muốn gia đình hạnh phúc, suy cho cùng, đều cần bắt đầu từ việc học cách nói năng ôn tồn.
Theo Sound of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…