Phan Văn Lân: Vị tướng trụ cột của quân Tây Sơn

Phan Văn Lân là vị tướng trụ cột hàng đầu dưới thời vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và Quang Trung Nguyễn Huệ. Binh sĩ không chỉ cảm phục võ nghệ mà còn cảm phục cách cư xử ôn hòa yêu thương binh sĩ của ông.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Cháu của Thám hoa

Thời Lê Trung Hưng ở làng Vĩnh Gia, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Song Lộc, Huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có hai vợ chồng nhà Nho nghèo. Chồng là Phan Quan từng đỗ tam trường, được ban hàm Thiếu đoãn; người vợ thuộc dòng họ vọng tộc, khoa bảng.

Cuối năm 1715, hai vợ chồng sinh được một người con trai đặt tên là Phan Kính. Năm 1722, xã Lai Thạch có cuộc thi sát hạch, Phan Kính mới chỉ 7 tuổi, chưa đủ tuổi tham gia nhưng vẫn bí mật ghi tên dự thi và xuất sắc đỗ đầu.

Năm 1724 dù mới 9 tuổi, Phan Kính đã xuất sắc đỗ đâu kỳ thi Hương. Thấy con học giỏi, ông Phan Quan cho con ra Thăng Long học. Năm 1730, có 400 sĩ tử trình văn ở Quốc tử giám. Bài của Phan Kính được chấm cao nhất, khi ấy cậu mới chỉ 15 tuổi.

Từ đó Phan Kính nổi tiếng và đứng đầu trong “Nghệ An Ngũ Tuyệt” (5 người văn chương tuyệt tác của xứ Nghệ ở Thăng Long).

Cụ Nguyễn Danh Nho trọng tài đức của Phan Kính mà gả người con gái là Nguyễn Thị Dinh cho. Bà Nguyễn Thị Dinh chính là chị gái của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Năm 1743, Phan Kính đi thi Hội, trên đường đến trường thi làm thủ tục thi thì gặp gia đình có người vừa mất nên nhờ ông viết giúp điếu văn. Thương cảm gia đình có người thân vừa mất ông đồng ý ở lại viết giúp điếu văn mặc cho có thể bị chậm giờ.

Viết giúp điếu văn xong ông vội vã đến trường thi làm thủ tục nhưng đã hết giờ. Lệ thi rất nghiêm, chậm làm thủ tục thì không được dự thi và phải chờ thêm vài năm nữa đến khoa thi tới. Phan Kính dù rất tiếc nhưng cũng không thể làm gì. Đến sáng hôm sau vào ngày thi thì trời đổ mưa to, lều chõng của các sĩ tử ướt nhem khiến không thể thi được như dự kiến. Nhà Vua cho hoãn thi đồng thời lại cho phép những ai chưa làm thủ tục được tiếp tục làm thủ tục để dự thi.

Nhờ đó Phan Kính mới được làm thủ tục dự thi. Không chỉ thế, khoa thi ấy ông vượt qua tứ trường kỳ thi Hội. Vào đến thi Đình, bài văn sách của ông xuất sắc và được chẫm đỗ cao nhất tức Thám hoa (khoa thi này không lấy Trạng nguyên và Bảng nhãn).

Thám hoa Phan Kính có người con trưởng là Phan Chu, rồi Phan Chu sinh được người con trưởng là Phan Văn Lân.

Trụ cột của quân Tây Sơn

Là cháu đích tôn của Thám hoa Phan Kính nhưng từ bé Phan Văn Lân lại thích võ nghệ, lớn lên có dáng vẻ thư sinh nhưng võ nghệ lại cao cường, dù rất khiêm tốn ít nói về mình.

Trong thời kỳ loạn lạc, Phan Văn Lân đi theo quân Tây Sơn. Nhờ rộng lượng, khảng khái và quý trọng hiếu lễ với mọi người, lại có võ công cao cường nên ông trở thành tướng lĩnh trụ cột trong hàng ngũ quân Tây Sơn.

Năm 1775, Nguyễn Nhạc bắt dân Quy Nhơn phục dịch xây thành Hoàng Đế tại vị trí Chà Bàn của Chiêm Thành xưa để làm Kinh đô của mình. Dân chúng đang trong cảnh đói khổ phải phục dịch xây thành thì oán thán.

Năm 1778, sau khi chiếm được dải đất dài từ Quảng Nam đến Hà Tiên, Nguyễn Nhạc lên ngôi, xưng là Thái Đức Hoàng Đế, đóng đô ở thành Hoàng Đế. Nguyễn Nhạc phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhượng tướng quân, Nguyễn Lữ làm Tiết chế, Phan Văn Lân làm Nội hầu, Trần Quang Diệu làm Thiếu phó.

Như vậy trong Triều đình nhà Tây Sơn thuở ban đầu, Phan Văn Lân được phong Hầu và chỉ dưới quyền 3 anh em nhà Tây Sơn.

Chứng kiến mâu thuẫn giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ

Sau khi quân Tây Sơn chiếm được phú Xuân, Nguyễn Huệ lại muốn tiến tiếp ra Thăng Long. Nguyễn Nhạc cho rằng Đàng Trong của chúa Nguyễn vốn bị quyền thần Trương Phúc Loan làm cho suy yếu nên quân Tây Sơn mới lợi dụng mà chiếm được, nhưng tiến quân ra bắc thì khó, chưa phải lúc. Từ đó mâu thuẫn Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ nổ ra.

Nguyễn Huệ tiến quân ra bắc không xin phép anh mình, Nguyễn Nhạc cho người đến chặn lại nhưng không kịp.

Sau khi Nguyễn Huệ đánh bại chúa Trịnh, Nguyễn Nhạc biết em mình vào phủ Chúa đã cướp được rất nhiều của cải, liền yêu cầu nộp lại, nhưng Nguyễn Huệ không chịu, mâu thuẫn càng thêm nặng.

Khi Nguyễn Huệ tự ý sắp đặt hệ thống quan lại mà không tấu trình, Nguyễn Nhạc gọi em vào Quy Nhơn nhưng Nguyễn Huệ cũng không đến.

Nguyễn Nhạc liền đưa quân đến Phú Xuân hỏi tội. Quân hai anh em đánh nhau một trận, Nguyễn Huệ đánh bại Nguyễn Nhạc và tiến đến vây thành Hoàng Đế. Sau đó nhờ có sự khuyên bảo của mẹ và Nguyễn Lữ nên Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ mới làm hòa.

Đánh quân Thanh

Năm 1788, Nguyễn Huệ tự lập làm vua. Sau đó Quang Trung Nguyễn Huệ đưa quân ra bắc đánh quân Thanh, Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân chỉ huy cánh quân tiên phong xung trận đầu tiên.

Theo gia phả họ Phan thì Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đã sai quân lấy ván ghép lại che rơm trát bùn thành một tấm mộc lớn, cho binh lính khiêng tấm chắn đi trước chắn tên đạn của quân Thanh, bộ binh cùng voi chiến theo sau xông lên, nhờ đó mà giành chiến thắng.

Trấn thủ Bắc hà

Sau khi vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, việc trông coi 11 trấn Bắc hà rất quan trọng. Vua quyết định giao cho Phan Văn Lân (võ tướng) và Nguyễn Văn Danh (quan văn) cai quản 11 trấn Bắc hà. Một số tài liệu cho rằng Ngô Văn Sở trấn giữ Bắc hà, nhưng Ngô Văn Sở lúc này được giao chỉ huy thủy quân nên không thế trấn giữ 11 trấn Bắc hà được.

Trong bức thư của vua Quang Trung gửi cho quan Hộ đạo chánh đường họ Lâm của nhà Thanh cũng viết: “Tôi đã sức cho quan lưu thủ thành Thăng Long là Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh sai trấn mục các xứ mau chóng sửa sang quán xá, cầu đường như lệ cũ và cử các quan văn võ lên cửa quan đón tiếp…”

Phan Văn Lân giữ vị trí chủ chốt trong những thời điểm quan trọng khi vua Thái Đức ở ngôi và khi vua Quang Trung mới lên ngôi, cho thấy anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đều rất tin tưởng ông.

Phan Văn Lân trả ấn tướng

Sau khi vua Quang Trung mất, vua Cảnh Thịnh lên thay, Triều đình Tây Sơn rối loạn, các tướng nghi kỵ lẫn nhau, rất nhiều tướng chọn sang đầu quân cho Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh đang được lòng dân Gia Định lúc đó.

Năm 1792, Nguyễn Phúc Ánh đưa quân đánh thành Quy Nhơn (tức thành Hoàng Đế trước đó) của Thái Đức Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc bị vây suốt 3 tháng khiến lương thực cạn kiệt, không còn cách nào khác đành cầu viện cháu mình là vua Cảnh Thịnh.

Khi quân vua Cảnh Thịnh phái đến giải được vây thì Nguyễn Nhạc cũng đã mang nhiều vàng bạc ra khao thưởng. Tuy nhiên tướng Phạm Công Hưng thừa biết Nguyễn Nhạc khi làm thủ lĩnh Tây Sơn đã thu và lấy rất nhiều vàng bạc châu báu, nên ngang nhiên cho kê biên toàn bộ kho tàng tài sản của Nguyễn Nhạc.

Uất ức vì bị coi chẳng ra gì, lại thấy của cải bao nhiêu năm làm thủ lĩnh của mình bỗng dưng bị mất sạch, Nguyễn Nhạc liền thổ huyết mà chết.

Nhận thấy quân Tây Sơn bên trong thì anh em chú cháu hại nhau, nội bộ lại nghi kỵ đấu đá; bên ngoài thì không được lòng dân, tất không thể lâu dài, Phan Văn Lân chán nản trả lại ấn tướng về quê.

Việc Phan Văn Lân trả lại ấn tướng rời khỏi Tây Sơn cũng được mô tả trong sách “Nhà Tây Sơn” như sau:

“Phan Văn Lân, đang lo việc biên phòng, nghe tin Cảnh Thịnh chiếm đoạt sự nghiệp của vua Thái Đức liền than dài: Luân thường đã dứt, sự nghiệp này không thể nào bền vững được lâu!… Than rồi, ông giao việc quân cho viên phó tướng, về An Thái thắp hương trước mộ thầy, rồi đi.”

Còn theo gia phả dòng họ Phan thì sau khi vua Quang Trung mất, nhà Tây Sơn lục đục, các tướng nghi kỵ nhau, nên Phan Văn Lân trả lại ấn tướng về ở ẩn. Khi vua Gia Long lên ngôi, quân Nguyễn truy tìm tàn quân Tây Sơn, ông phải trốn xuống miền biển ở Đan Hải, Nghi Xuân (Hà Tĩnh) làm nghề cá .

Đánh giá về Phan Văn Lân, danh sĩ Nguyễn Trọng Trì cho rằng:

“Phan Văn Lân trí dũng hơn người, đánh giặc rất giỏi. Hễ được ban thưởng là đem hết ra để khao quân, không mấy khi nhắc đến việc nhà. Ông ra vào giản dị, chẳng khác người hầu. Quân Thanh sợ ông, gọi ông là ‘Phi tướng quân’, có nghĩa là vị tướng ở trên trời bay xuống.”

Còn giáo sư Nguyễn Khắc Thuần cho rằng:

“Tài ba, đức độ và sự khiêm tốn của Phan Văn Lân khiến cho quân sĩ rất kính phục. Thường hễ có công lao ông đều quy hết cho những người dưới quyền, còn bản thân thì không hề màng đến.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Một ứng viên xin rút công nhận chức danh phó giáo sư năm 2024

HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…

33 phút ago

Ông Vương Đình Huệ bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…

1 giờ ago

Ông Musk và ông Ramaswamy viết bài xã luận trên WSJ vạch ra tầm nhìn về DOGE

Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…

2 giờ ago

Kiev: Nga dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công Ukraine

Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…

3 giờ ago

Việt Nam và Malaysia nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện

Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…

4 giờ ago

TP.HCM đề xuất xóa nợ quá hạn, khó thu hồi cho người nghèo

UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…

5 giờ ago