Chiến thuật kinh điển của Tam Quốc Diễn Nghĩa tái hiện trong sử Việt
- Trần Hưng
- •
Thuyền cỏ mượn tên là một chiến thuật nổi tiếng trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa nhằm làm nổi bật tài năng của nhân vật Gia Cát Lượng. Chiến thuật này cũng được Nguyễn Huệ áp dụng trong cuộc tiến quân đánh bại chúa Trịnh ở Bắc Hà.
Sau khi diệt được chúa Nguyễn, chiếm Phú Xuân, đầu tháng 7/1786, Nguyễn Huệ đưa quân vượt sông đánh chiếm vùng Thanh Hóa – Nghệ An, nhanh chóng chiếm Vị Hoàng, chuẩn bị đưa quân đến Thăng Long.
Chúa Trịnh Khải hay tin liền cho quân đến chặn lại, quân thủy bộ tập trung ở trấn Sơn Nam (nằm ở phía Nam Thăng Long). Quân bộ đóng ở bờ sông Phù Sa. Còn Đinh Tích Nhưỡng đem thủy quân giữ chặt cửa sông Luộc với chiến thuyền mang theo đại pháo sẵn sàng nhả đạn. Hỏa lực quân Trịnh rất mạnh, quyết chặn quân Tây Sơn.
Ngày 17/7/1786, Nguyễn Huệ đưa quân đến trấn Sơn Nam. Trước thế trận chắc chắn của quân Trịnh, Nguyễn Huệ phải suy nghĩ mưu kế để phá địch. Lúc này kế thuyền cỏ mượn tên của Gia Cát Lượng được tính đến.
Thuyền cỏ mượn tên
Trong tiểu thuyết Tam Quốc Diễn Nghĩa, danh tướng khai quốc của Đông Ngô là Chu Du nhận thấy Gia Cát Lượng có tài năng trí tuệ rất lớn, nên tìm cớ giết đi để trừ họa cho Đông Ngô. Chu Du giao cho Gia Cát Lượng phải làm ra 10 vạn mũi tên trong 10 ngày, nếu không sẽ bị xử theo quân lệnh, rồi nói sẽ cho người giúp Gia Cát Lượng.
10 ngày làm 10 vạn mũi tên quả là việc không thể, vậy nên Chu Du đoán Gia Cát Lượng sẽ nghĩ lý do thoát thác, định tìm cớ ép, nào ngờ Gia Cát Lượng chỉ cười nói rằng chẳng cần ai giúp mình cả, mà ông cũng không cần đến 10 ngày – chỉ 3 ngày là đủ. Chu Du nghe thế thì ngạc nhiên nhưng cũng mừng rỡ, vì chỉ cần Gia Cát Lượng không làm đủ và đúng hạn thì sẽ đem xử theo quân lệnh mà giết đi.
Ngày thứ nhất trôi qua, rồi ngày thứ hai lại trôi qua mà không thấy Gia Cát Lượng có động tĩnh gì. Đến ngày thứ ba, Gia Cát Lượng chuẩn bị các thuyền, kết rơm thành binh lính giả, rồi đến lúc sương mù dày đặc thì cho các thuyền này đến doanh trại quân Ngụy.
Do sương mù dày đặc, quân Ngụy không quan sát rõ, tưởng là thuyền do thám, nên Tào Tháo ra lệnh cho quân bắn tên ra như mưa, chẳng mấy chốc các thuyền đã thu được đầy tên rồi trở về.
Mưu kế của Nguyễn Huệ
Trong cuộc chiến với quân Trịnh, Nguyễn Huệ học kế của Gia Cát Lượng xưa kia, cũng nhân lúc trời chưa sáng, tận dụng chiều gió mà thả các thuyền chở hình nộm tiến đến phía quân Trịnh.
Thấy thuyền Tây Sơn tiến đến, Đinh Tích Nhưỡng cho quân dàn trận thành hình chữ nhất chắn ngang sông, rồi đạn pháo, cung tên trút hỏa lực tối đa vào các thuyền Tây Sơn.
Khi thuyền của Tây Sơn đến gần, “quân Nhưỡng vội vứt cung và lấy súng ra nhằm bắn quân Tây Sơn; tên đạn như mưa. Thế mà trên thuyền Tây Sơn, những người bơi chèo, giữ lái hoặc cầm kích, cầm giáo đều không động đậy gì cả, chỉ thấy các thuyền cứ sừng sững tiến lên. Nhưỡng càng dốc tên đạn và thuốc súng, đốc thúc các quân đánh mạnh.” (Lịch triều tạp kỷ).
Thuyền Tây Sơn bị đắm một chiếc. Nhưng lạ lùng thay, quân Trịnh không thấy phía Tây Sơn có phản công, cũng chẳng hề có động tĩnh gì. Các thuyền khác cũng cứ lừ lừ tiến tới, không hề thoái lui. Do không có lệnh dừng bắn, nên quân Trịnh vẫn tiếp tục tấn công.
Khi các thuyền đến gần, Đinh Tích Nhưỡng sai người nhìn xem thì mới biết rằng trong thuyền đều là hình nộm cả. Biết bị mắc mưu, nhưng thuốc đạn đã cạn rồi, quân Trịnh đang chưa biết phản ứng ra sao thì quân Tây Sơn bấy giờ mới đánh tới.
Liệu thế không địch nổi, Đinh Tích Nhưỡng vội sai quân quay thuyền về, lên bờ chạy trốn. Quân Tây Sơn thúc trống reo hò tiến lên đánh bại quân Trịnh.
Đây là chiến thắng quan trọng nhất trong cuộc chiến Tây Sơn – chúa Trịnh, nhờ đó mà thủy quân Tây Sơn rộng đường thẳng tiến đến Thăng Long đánh bại quân Trịnh.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chuyên đề “Điều gì khiến nhà Tây Sơn bại bởi nhà Nguyễn?”
- Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt vào đầu thế kỷ 19
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam Gia Cát Lượng Tây Sơn