Sợ điều chưa xảy ra, hay còn gọi là rối loạn lo âu, là một trạng thái sợ hãi những điều không có thật, do tâm trí tưởng tượng ra. Nỗi sợ này thuộc về tâm lý.

Để hiểu rõ về nỗi sợ điều chưa xảy ra, trước tiên cần tìm hiểu sợ là gì?

Sợ là một trạng thái tự nhiên, nguyên thủy giúp con người có khả năng nhận ra nguy hiểm để bỏ chạy hoặc chiến đấu chống lại.

Ví dụ: Khi đứng trước vực thẳm, cảm giác sợ giúp cho ta nhận biết nguy hiểm và lùi lại. Khi đối diện với một con thú ăn thịt, cảm giác sợ giúp cho ta nhận biết nguy hiểm nên cảnh giác, đánh giá tình huống và lựa chọn bỏ chạy hoặc chiến đấu.

Nỗi sợ giúp cho con người tránh xa những nguy hiểm, phục vụ cho mục đích sinh tồn. Nó không xấu, không tốt, đơn thuần chỉ là một chức năng như mọi chức năng khác của cơ thể mà ai cũng có, trừ một số trường hợp hiếm hoi bị bệnh tật khiếm khuyết mất khả năng sợ hãi.

Khi đối diện với tình huống nguy hiểm, nỗi sợ ập đến khiến mọi giác quan, hệ thần kinh căng thẳng, toàn bộ cơ thể được đặt vào trạng thái chuẩn bị ứng phó: chiến đấu hoặc bỏ chạy. Nhịp tim tăng cao, hơi thở gấp, có người cảm thấy lạnh toát sống lưng, nổi gai ốc. Khi nguy hiểm trôi qua thì nỗi sợ cũng tan biến, trả lại trạng thái bình thường cho cơ thể.

Trong cuộc sống hiện đại, đa số con người có mái nhà để trú ẩn, có thức ăn sẳn, có gần như đầy đủ các điều kiện vật chất hỗ trợ để đảm bảo an toàn về mặt thể chất nên không mấy khi thực sự đối mặt với những tình huống nguy hiểm tính mạng. Ngoài tạo ra rất nhiều cơ sở vật chất để đảm bảo an toàn thể chất thì con người còn tạo ra rất nhiều hệ thống, quy định, luật lệ để nhằm bảo đảm an toàn, tránh xa nỗi sợ. Nhưng đa số con người vẫn sống trong sợ hãi và phần lớn là những nỗi sợ thuộc về tâm lý.

Nỗi sợ không phải là vấn đề, nó chỉ trở thành vấn đề khi con người đem nó vào trong tâm trí, biến nó thành nỗi sợ tâm lý.

Trải qua một tình huống nguy hiểm, ví dụ như đi đường xém bị xe đụng, trải qua cơn sợ hãi căng thẳng, nhưng khi khoảnh khắc ấy trôi qua thì nỗi sợ đã tan biến, không có gì để nỗi sợ tiếp diễn. Trí óc tự động ghi nhớ sự kiện. Đây là điều bình thường, trí óc liên tục ghi nhớ mọi trải nghiệm mà con người trải qua. Không có vấn đề gì. Nó chỉ trở thành vấn đề khi một người nhớ lại và suy nghĩ phân tích, bình luận về sự kiện trong đầu, kể lại và…thêm thắt hoặc cắt gọt, suy diễn, bóp méo sự kiện. Tâm trí lặp đi lặp lại sự kiện, khiến cơ thể lặp đi lặp lại cảm giác sợ hãi. Đây là nỗi sợ thuộc tâm lý, nó không có thật, nhưng ta lại duy trì, kéo dài nó mỗi khi ta nghĩ về nó, nhắc đến nó. Vì vậy ta đặt cơ thể, hệ thần kinh vào trạng thái căng thẳng liên tục. Cơ thể, hệ thần kinh phải ở trong trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy giả tạo thường xuyên, không được ở trạng thái thả lỏng thư giãn tự nhiên như nó vốn dĩ phải vậy. Năng lượng của cơ thể thường xuyên bị tiêu hao vào trạng thái căng thẳng giả, nên khi đối diện với tình huống nguy hiểm thực sự thì không có đủ năng lượng để ứng phó tinh nhạy, do đó đa phần rơi vào trạng thái đông cứng, cuống quýt, không biết ứng phó ra sao hoặc xử lý sai.

Không ngừng ở đó, phần lớn con người phóng chiếu nỗi sợ tâm lý của mình lên người khác. Một người trải qua nỗi sợ đuối nước hoặc chỉ nghe thấy nỗi sợ bị chết đuối của người khác sẽ có nhiều khả năng ngăn cấm con cháu không được đến gần bờ sông. Một người trải qua tai nạn giao thông hay chứng kiến hoặc nghe người khác kể về nỗi sợ khi gặp tai nạn giao thông thì sẽ có xu hướng sợ ra đường, cấm con cháu ra đường. Nếu không thể không ra đường, không thể ngăn chặn việc phải ra đường thì họ luôn lo lắng căng thẳng trong suốt quá trình di chuyển hoặc bất an hồi hộp cho đến khi con cháu về đến nhà an toàn.

Hầu hết chúng ta đều cho rằng đó là những lo lắng tự nhiên và gọi tên đó là sự quan tâm, yêu thương. Chúng ta không nhận diện và gọi đúng tên trạng thái sợ hãi của mình mà lại khoác cho nó một cái áo gấm và cương cường giữ chặt.

Một khi nỗi sợ tâm lý đã hình thành thì nó liên tục phát triển bộ rễ bám chặt tâm trí, mọc cành trổ nhánh. Nỗi sợ trong tâm lý khiến con người hình thành đủ dạng sợ hãi vô hình, đa phần về những điều chưa xảy ra, kể cả những điều không hề đem lại nguy hiểm thực sự mà chỉ là do tâm trí phân định xếp loại vào thích – không thích, nên – không nên, phải – trái, đúng – sai.. Những phân định của tâm trí này đa phần không chính xác, bởi chúng thường dựa trên những dữ liệu mà con người tiếp nạp từ kiến thức do người khác tuyên truyền như: truyền thống, văn hóa, kinh nghiệm.. Một người mẹ mang nỗi sợ hãi trong tâm lý sẽ gieo rắc nỗi sợ của cô ấy lên những đứa con của mình.

Người bà la toáng lên: “Đừng cho nó chơi cái đó, nó chọc vô mắt vô mũi bây giờ” khi thấy đứa nhỏ một tuổi cầm cái muỗng ăn cơm. “Đừng cho nó cầm hủ tăm, trời ơi, nguy hiểm lắm.” Bà không hề nhìn thấy hủ tăm đã bị khoá lại. “Thôi thôi, không được, dơ đó.” Người mẹ ngăn chặn không cho đứa trẻ chạm vào đất. “Đừng có chạy. Té đó.” “Thôi thôi, không được leo.” “Không được chơi cái đó, ướt bây giờ.” “Dơ, tránh ra.” “Không được chơi với đứa đó.” “Không được quen thằng đó.” “Không được…” “Không được…”

Sáng nào mẹ cũng dậm chân, khua gậy, cố nạt nộ lớn tiếng để đuổi con chó nhỏ chơi bên ngoài hàng rào.

“Sao mẹ lại mất công đuổi nó làm gì?”

“Sợ nó vô sân đái ỉa.”

“Nó đang chơi bên ngoài mà, có vô sân đâu. Có cổng, rào mà, nó có vô được đâu.”

“Hôm trước nó vô sân đái rồi đó.”

À, mẹ không thích việc đó lặp lại nên ngăn chặn trước, bất chấp thực tế là con chó đang chơi bên ngoài và không hề có ý định vô sân đái ỉa. Sợ điều chưa xảy ra sẽ xảy ra nên tốt nhất là chặn trước, nên mẹ hành động, cứ thấy nó là mẹ vội hao phí năng lượng để dậm chân, khua tay, la hét để đuổi và tốn năng lượng vào cảm xúc khó chịu vì nhiều lúc đuổi mà nó không đi.

“Mẹ kệ nó. Nếu nó vô sân đái thì cũng đâu có sao. Khi nào nó đái thì con xách xô nước dội rửa, việc làm chỉ tốn có vài phần trăm năng lượng của con thôi, mẹ đuổi nó như vậy vì sợ điều chưa xảy ra, muốn ngăn chặn điều chưa xảy ra thì mẹ tốn năng lượng nhiều gấp nhiều lần việc dọn bãi nước đái.”

Mẹ không hiểu mình nói gì. Người bà, người mẹ, hầu như mọi người không hiểu mình nói gì khi mình nhắc họ đừng sợ điều chưa xảy ra. Họ rất khó chịu khi mình bình thản không sợ như họ, không lo lắng như họ.

Mẹ gãy xương đùi, trong những ngày nằm trong bệnh viện chờ xét nghiệm xem có đủ điều kiện để phẫu thuật không thì nỗi sợ trong tâm lý khiến bà bị đông cứng. Sợ không thể phẫu thuật, phải nằm một chỗ cho đến khi chết. Sau một loạt xét nghiệm, bác sĩ kết luận đủ điều kiện để phẫu thuật thì mẹ sợ ca mổ không thành công. Sau khi mổ thành công thì mẹ sợ vết mổ sẽ bục ra.. Đủ nỗi sợ liên tục tiếp diễn chiếm lĩnh toàn bộ tâm trí. Thấy người bệnh cùng phòng bị tiêu chảy, uống thuốc, mẹ cũng đòi uống thuốc tiêu chảy dù không hề bị tiêu chảy. Sợ đau nên chưa chạm vào hoặc chỉ mới chạm nhẹ mẹ đã rúm người kêu đau, nhẹ thôi. Nỗi sợ điều chưa xảy ra khiến mẹ không dám rời khỏi bệnh viện khi bác sĩ cho về. Sợ về nhà “con cái không có chuyên môn nên không thể giúp tập đi.” Về nhà, sợ ngồi lên sẽ đau nên nằm hoài. Ngồi lên được thì sợ đứng nên không dám tập. Sợ…

Chứng kiến mẹ và hầu như tất cả những người bệnh ở bệnh viện sợ hãi điều chưa xảy ra nên tự hành hạ bản thân và phóng chiếu nỗi sợ lên người khác, tự khó chịu, tạo ra căng thẳng trong tâm lý ảnh hưởng các mối quan hệ, tự tiêu tốn năng lượng vô ích vào những hành động vô nghĩa thay vì dồn năng lượng vào việc chữa trị, mình dở khóc dở cười bởi hàng trăm tình huống dở cười dở khóc liên tục diễn ra hằng ngày. Không thể giải thích, không thể thuyết phục, chỉ có thể chiều ý dù ý của họ đều là những hành động tự hại.

Lặng lẽ quan sát, lắng nghe toàn bộ những sự kiện, diễn tiến đó nơi mẹ, nơi mọi người xung quanh, thấy rõ hậu quả của nỗi sợ tâm lý lên chính người mang nỗi sợ và những người xung quanh thì mới thấy nó gây ra nỗi khổ khốc liệt ra sao.

Nhìn ra thế giới mà chúng ta đang sống, Á hay Âu, dân chủ hay độc tài, nghèo đói hay giàu sang, thấp kém hay địa vị, đâu đâu ai ai chẳng sống trong nỗi sợ.

Nước này sợ nước kia sẽ gây chiến tranh với mình nên mình đánh nó trước. Quốc gia A sợ quốc gia B sẽ abc nên mình phải ydf và khi ydf thì lại khiến quốc gia B dlm.

Con người không sống, không thực sự sống khi bị nỗi sợ chiếm lĩnh tâm trí. Khi tâm trí bị nỗi sợ tâm lý chiếm hữu thì tình yêu vụt qua cửa sổ. Mọi người đều bất chấp mọi thứ để làm mọi việc chỉ để cảm thấy an toàn trong tâm lý.

Người ta đến với nhau, tạo dựng mối quan hệ cũng chỉ để tìm sự an toàn tâm lý. Nếu A không đem lại cho B cảm giác an toàn trong tâm lý thì B lập tức rời đi, kiếm C. Chẳng phải vậy sao? Cái mà ta gọi là tình cảm, yêu đương đó thật ra chỉ là sự vận hành của suy nghĩ trên hành trình tìm kiếm sự an toàn tâm lý cho bản thân.

Và đó là một cuộc tìm kiếm không có hồi kết bởi không hề có cái gọi là an toàn tâm lý. Ngừng tìm kiếm an toàn tâm lý thì nỗi sợ hãi trong tâm lý chấm dứt.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm:

Mời xem video:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Hãng tin Bloomberg: Nga và Ukraine đang tổ chức “các cuộc đàm phán hạn chế”

Theo hãng tin Bloomberg, hai bên Nga và Ukraine đang tổ chức "các cuộc đàm…

3 giờ ago

Israel và Hamas cáo buộc nhau cản trở việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn

Israel đã lên tiếng cáo buộc phong trào Hamas ở Dải Gaza rút lại một…

4 giờ ago

Sự tha thứ – Phương thuốc kỳ lạ cho một anh hùng của ngày 11/9

Loại thuốc nào an toàn, hiệu quả, miễn phí và chỉ cần một sự thay…

6 giờ ago

Cựu Chủ tịch Nhà xuất bản Giáo dục bị tuyên phạt 12 năm tù

Ông Nguyễn Đức Thái bị tuyên phạt 12 năm tù về tội "Nhận hối lộ".

8 giờ ago

Cựu Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng khai mang 4,2 tỷ đồng nhận hối lộ đi làm từ thiện

Liên quan đến phiên xét xử vụ án Sài Gòn Đại Ninh, ông Trần Văn…

9 giờ ago

Hàn Quốc phát hiện 11 người Việt trốn trên xe tải

Nhà chức trách Hàn Quốc phát hiện 11 người Việt đang cố gắng từ đảo…

9 giờ ago