(Ảnh: Facebook Nguyễn Thị Bích Ngà)
Tuần trước, em gọi về từ nơi xa, sau mấy câu thăm hỏi, em rủ “Chị, nay mình nói về sự tử tế đi!” “Ờ.”
Mình cảm thấy vui trong bụng. Em không còn quá tập trung vào nỗi đau khổ như trước mà đã chủ động chuyển đề tài trò chuyện.
“Em thấy, ngày trước có vẻ như con người dễ sống tử tế hơn. Đơn cử một việc, khi đi đường gặp người xin quá giang hay cần giúp gì đó thì mọi người ngừng xe cho đi nhờ, giúp đỡ. Rồi về sau ngày càng nhiều thành phần không tốt, lợi dụng điều đó để gây ra những chuyện xấu, nên không có nhiều người ngừng xe để giúp người khác nữa. Em cũng có những lúc băn khoăn mình nên giúp hay không giúp? Giúp thì e ngại sợ gặp chuyện không hay, mà không giúp thì thấy áy náy. Sống tử tế khó quá ha chị!?”
…
Sau cuộc nói chuyện với em, câu nói của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao xẹt qua đầu mình. “Ai cho tao làm người lương thiện!?” Thật thú vị. Lần đầu tiên đọc truyện ngắn này, khoảng tám tuổi, mình đã cảm thấy câu hỏi tu từ của Chí chứa đầy mâu thuẫn.
Ký ức ùa về, hình ảnh ba mình xuất hiện trong đầu. Sáu, bảy năm nay hình ảnh của ba thường xuyên xuất hiện trong đầu mình hơn trước. Kèm theo đó là sự nhận biết, giúp mình giải đáp được rất nhiều thắc mắc bấy lâu.
Ba chết sớm, khi mình chưa được chín tuổi. Trước đó, ông bận đi làm cả ngày, khi nghỉ việc thì trở bệnh nặng phải thường xuyên điều trị trong bệnh viện, mình không có nhiều thời gian ở bên ba. Ký ức về ba là những ngày mình lẽo đẽo dính bên đít trong những ngày nghỉ ít ỏi ba ở nhà lụi hụi sửa cái mái nhà, đóng cái bàn, sửa cái tủ, làm cần đi câu, đi săn,… thường xuyên làm một việc gì đó, hiếm khi rảnh rỗi.
Ông cọ rửa mâm trà, mình ngồi một bên, nghe ông nói về việc dùng chanh và tro để làm sạch cặn bám, cách chùi rửa thế nào. Ông nấu nước pha trà, mình ngồi một bên, nhìn ông nhóm lửa, nghe ông nói về việc thêm bớt củi để điều chỉnh nhiệt, cách nghe tiếng nước reo để biết nhiệt độ, nghe tiếng nước chảy để biết nước đầy vơi. Ông đốn tre trúc làm cần câu, rổ rá, mình đứng một bên, nghe ông nói về việc chọn cây, cách đốn, cách kéo cây tre khỏi bụi, cách đốt lửa uốn cho thẳng hay cong tuỳ ý. Ông đóng bàn ghế, tủ giường, mình lê la một bên chơi với dăm bào mạt cưa, sờ vuốt ngắm nghía bộ đồ nghề làm mộc, thử đục đẽo cưa bào và lau chùi xếp gọn gàng ngăn nắp vô thùng gỗ sau khi ông làm xong. Ông chơi đàn, mình nằm lên đầu gối ông áp tai vào thùng đàn nghe âm thanh. Ông đi săn, mình theo sau từng bước chân, nín thở rình con mồi, nghe ông nói về cách giết con vật sao cho nó không chịu đau đớn. Nếu phát súng, mũi tên, lưỡi dao đó không đúng điểm chí tử thì không thực hiện. Nhìn, nghe, học. Mọi thứ “ăn” vô đầu mình một cách tự nhiên như vậy. Mình như miếng bọt biển hấp thụ mọi thứ, háo hức.
Mẹ mua về một cái tủ do cơ quan bán thanh lý. Mấy mẹ con đang hì hụi kê đặt thì ba về, bảo mẹ và mấy đứa con khiêng đi trả.
“Trong cơ quan còn những người chưa có để dùng, mình mua thì họ mất phần. Em trả đi để họ còn có cơ hội mua. Em cần tủ thì để anh đóng cho em.”
Ông đi nhặt nhạnh gỗ về cưa bào đục đẽo đóng cho mẹ cái tủ thiệt đẹp.
Câu chuyện đó in sâu vô não mình. Cả cuộc đời, mình luôn tự động tự nguyện đứng cuối trong mọi hàng, trong mọi hoàn cảnh, tình huống và không hề nghĩ đến những hơn thiệt, cũng không nghĩ đang nhường người khác. Mà đó là một lẽ tự nhiên, bình thường.
Họ hàng kéo tới trả lại đất đai chiếm dụng nhiều năm khi ba vắng mặt ở quê, ba nói ai đang ở đâu xin cứ ở yên đó canh tác mần ăn bình thường, ba không đòi không cần ai trả, bà con họ hàng anh em với nhau thì nên thương yêu chia sẻ, ba cho tặng luôn để họ khỏi mang tiếng chiếm hữu, khỏi áy náy.
Chứng kiến điều đó, mình nhận ra tình cảm quan trọng hơn mọi vật chất và cách trao tặng mà không làm người nhận phải tủi buồn.
Ai làm gì sai với ông, ông đều ứng xử điềm tĩnh, nhẹ nhàng, thản nhiên, chưa bao giờ mình thấy ba to tiếng.
“Người nào sai có phần người nấy. Nếu mình vì cái sai của họ mà ứng xử sai để đáp trả thì mình khác gì họ? Hai sai không thành một đúng.”
Ba cười cười trả lời khi người này người kia tức tối dùm ông.
Mình nhận ra cần chú ý không để cái sai của người khác biến đổi mình. Không phải lúc nào mình cũng thực hiện được điều này, có những lúc cảm thấy quá giới hạn sau khi nhận quá nhiều tổn thương, cảm giác phẫn nộ khiến mình bị cuốn vào cái sai mà không ý thức được. Nhưng, như một lẽ tự nhiên, gần như ngay lập tức cảm thấy có sự khó chịu dằn vặt, liền tự vấn, suy ngẫm và nhận ra mình ngã ở đâu, thế nào.
Lấy cái sai này đáp lại cái sai kia có thể thoả mãn cơn phẫn nộ trong giây lát nhưng luôn gây ra thêm những tổn thương cho chính mình và người khác, nhiều khi phần lớn cho những người không liên can. Đó chính là tai hại của những hành động khi ở trong trạng thái tức giận. Những va vấp như vậy khiến mình chú tâm hơn trong việc quan sát các trạng thái tâm mình, trong tương tác, ứng xử với người và vạn vật, giúp mình nhận hiểu chính mình, nghĩa là thông cảm, đồng cảm với người làm sai, không phán xét, mà luôn đặt câu hỏi mình có thể làm gì để giúp.
Ba không bao giờ nói hay dạy tụi mình hoặc thể hiện với mọi người rằng những điều ông làm, cách ông sống là thiện lành, lương thiện, tử tế hay to tát cao đẹp. Mà đơn giản đó chỉ là lối sống, ứng xử của một người bình thường. Một người bình thường làm những việc bình thường, sống cuộc sống bình thường, giản đơn.
Một người thường gặp rất nhiều hoàn cảnh, tình huống vui vẻ, dễ chịu, như ý, thuận lợi, mà mọi người gọi là thuận cảnh. Cũng vậy, một người có thể gặp rất nhiều hoàn cảnh, tình huống đau khổ mất mát, bất như ý trong đời, mà mọi người gọi là nghịch cảnh.
Đối trước thuận cảnh, một người có thể dễ dàng ở trong trạng thái bình thường: vui vẻ, thiện lương, tử tế, cao đẹp, tốt lành, yêu thương, chia sẻ…
Sáng thức giấc với những lời nói êm ái, ánh mắt nụ cười dịu dàng của người thân, trên bàn có món ăn ngon, ra đường nắng đẹp gió mát, mọi người đều như đang mãn nguyện tận hưởng việc họ đang làm, công việc suôn sẻ. Góc phố nhỏ có chàng thanh niên đỡ giúp người phụ nữ lạ cái túi nặng. Một người dừng xe kiên nhẫn đợi cụ già qua đường. Lâng lâng trong trạng thái bình thường, ta dễ dàng mỉm cười và muốn ôm trọn thế giới.
Đùng một cái, một đứa ném bọc rác ra đường suýt trúng vô người. Ngã tư có mấy người cảnh sát đang lén lút cầm tiền hối lộ của người vi phạm. Nhận cuộc gọi của cô giáo của con trai báo nó đánh nhau. Đang phi đến trường thì trời đổ mưa giông, cành cây gãy đổ khiến tắc đường hai tiếng. Lại ngập. Vợ nhắn bảo anh liệu mà dạy dỗ con trai anh đi, làm như mình phải chịu mọi trách nhiệm cho mọi sai lầm của nó. Như thể mọi việc còn chưa đủ tồi tệ, chiếc ô tô vụt qua khiến mình lãnh trọn nước cống từ đầu đến đít. Nghịch cảnh quá mà! Đến lúc này thì khó mà bình thường được nữa, phải không!? Ai cũng có thể có khả năng trở thành anh Chí!
“Ai cho tao làm người lương thiện!?” Thật thú vị. Không một ai, không một thế lực nào, không một tình huống, hoàn cảnh nào có thể cho, cũng như có thể tước đoạt sự lương thiện của người khác. Câu hỏi tu từ của Chí là một lời oán thán, cũng là lời ngụy biện, cho rằng vì chúng nó làm sai nên tao mới phải làm sai, vì hoàn cảnh abc nên tao mới thành ra như vầy. Chí, cũng như mình, như tất cả mọi người khác, đều hoàn toàn có tự do lựa chọn là một người bình thường, nghĩa là thiện lương tử tế, bất chấp người khác sai hay nghịch cảnh thế nào.
Con người, phần lớn, chỉ cần một sự bất như ý đã có thể chuyển đổi từ trạng thái bình thường sang trạng thái khác, huống chi hàng loạt kích thích diễn ra. Khi bị kích thích, trạng thái của ta biến đổi là việc bình thường. Nó diễn ra để ta trải nghiệm nhận thức các trạng thái bản thân trong mọi hoàn cảnh.
Nhưng nếu không nhìn thấy trạng thái của ta đang bị biến đổi do kích thích từ ngoại cảnh thì ta không phân biệt được hành động nào xuất phát từ trạng thái nào bên trong ta. Và sự mù mờ đó chính là mất ý thức. Khi mất ý thức, ta dễ dàng bị hành động sai của người khác dẫn dắt ta hành động sai theo. Và ngay đó, ta lệ thuộc vào họ. Ta không còn là ta nữa. Ta trở thành nô lệ. Ta không còn bình thường mà trở thành công cụ, cỗ máy cho người điều khiển. Ta tự đánh mất tự do. Và đó cũng chính là lúc mọi biện minh, che đậy, ngụy biện, đánh tráo khái niệm, nhân danh, đội lốt… bắt đầu, bên trong dòng suy nghĩ của ta.
Một người ném túi rác xuống đường, tôi có thể đơn giản nhặt túi rác cho vào thùng rác và đi tiếp, kết thúc cái sai của người ném rác. Tôi cũng có thể tức giận nhặt túi rác ném trả vào mặt họ, đáp trả cái sai đó bằng một cái sai khác. Tôi biết rõ mọi hành động của tôi xuất phát từ trạng thái nào và chấp nhận mọi hệ quả của hành động của mình. Nghĩa là nếu xảy ra đánh nhau sau đó thì có sức chơi có sức chịu, không đổ thừa tại vì mày ném rác nên tao mới phải dạy cho mày một bài học. Tại mày xấu nên tao mới xấu. Không. Tôi tức giận và hành động trong trạng thái tức giận nên tôi nhận hệ quả của hành động đó. Chấm hết. Không đóng vai nạn nhân, không nhân danh, không ngụy biện, không đổ thừa. Rõ ràng. Nhất quán. Quyết liệt. Trọn vẹn với mọi hành động của mình. Trung thực với chính mình.
Nhiều người hay nói sống trong một xã hội bất thường, nghĩa là có quá nhiều người làm sai, thì khó thể sống bình thường. Cũng đúng. Mình không nói nó dễ. Câu hỏi đặt ra ở đây là bạn, tôi, chúng ta có bình thường không hay chúng ta đã và đang để cho hoàn cảnh chi phối, biến đổi ta thành bất thường mà không ý thức được? Nhìn lại chính mình để nhận biết. Đó là một việc bình thường để một người luôn ý thức được trạng thái và hành động của mình. Chúng ta có muốn làm cái việc đơn giản này không hay chúng ta thích, muốn làm những điều to tát hơn!?
Bạn, tôi, chúng ta đều có tự do suy ngẫm để chấm dứt làm nô lệ cho cái sai của người khác, để sống bình thường, làm một người bình thường. Đó chính là trách nhiệm bình thường của mỗi người đối với bản thân và cộng đồng, xã hội vậy.
Bạn bình thường thì xã hội mới dần bình thường, vì bạn chính là người kiến tạo xã hội mà bạn sống. Bạn không thể đòi hỏi xã hội bình thường để tôi được làm người bình thường, đó là một trong những tư duy ngược rất vô trách nhiệm và khi tư duy ngược thì bạn không thể nào thay đổi được xã hội. Và cứ thế bạn sẽ không bao giờ phá vỡ được vòng lặp – tù đày của chính bạn và những người thân yêu.
Nguyễn Thị Bích Ngà
Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả
Xem thêm:
Theo Bộ Công an, từ ngày 15/9/2024 đến ngày 14/4, công an đã phát hiện…
Cơ quan tình báo nội địa của Đức đã chính thức xếp đảng cánh hữu…
Trung Quốc có thể đang tính tới khả năng đàm phán với Hoa Kỳ về…
Bộ Công an đề nghị hủy quyết định không khởi tố vụ án đối với…
Bé gái 7 tuổi, bị câm, được tìm thấy sau 2 ngày đi lạc trong…
Thị trưởng Barrie và các thành viên Quốc hội đã đích thân chủ trì lễ…