Điều 25: Việc tích lũy sống trọn vẹn cho hết mỗi giây phút sẽ tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và luôn trẻ trung. (1)
Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng
Giờ phút hiện tại chỉ có trong giây lát. Tích lũy việc sống trọn vẹn cho hết mỗi giây phút sẽ tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và đem tới cho bạn sự trẻ trung (2).
*
Có lẽ đã 10 năm, từ khi tôi có cơ hội gặp nhà điêu khắc gỗ Hirakushi Denchuu 平櫛田中(3) do có cơ duyên với ông.
Ông Hirakushi là nhà điêu khắc đứng đầu của giới điêu khắc gỗ Nhật Bản, sanh năm Minh Trị thứ 5 và đã sống qua 3 thời đại Minh Trị, Đại Chính và Chiêu Hòa. Khi gặp, ông gần 100 và tôi đã quá 70 tuổi. Khi đó ông nói với tôi: “Này ông Matsushita, 60 hay 70 tuổi là trẻ con hỉ mũi chưa sạch, tuổi đầy sức sống của đàn ông là từ 100 tuổi. Do đó thanh xuân của tôi là từ đây đó ông”.
Theo thường thức thì đối với tuổi của ông và của tôi có thể nói là tuổi về hưu nhưng nghe ông nói như trên, tôi phải ngạc nhiên và cảm phục nghĩ thầm “Đúng là người có tâm hồn thật trẻ trung”. Nghe đâu ông thường lập đi lập lại lời nói này như một thói quen, và ngoài ra ông cũng thích nói những câu như “Bây giờ không làm thì chờ đến khi nào mới làm” hoặc “Tôi không làm thì ai làm đây?”
Sau đó vài năm, khi mà ông Hirakushi tròn 100 tuổi, tôi tình cờ biết được ông chứa trong vườn nhà ông lượng gỗ dùng điêu khắc cho 50 năm tới.
Lần đầu tiên gặp ông, tôi đã cảm thấy “ông đúng là người có tâm hồn thật trẻ trung” nhưng đến khi biết ông tích trữ gỗ để điêu khắc cho 50 năm ở 100 tuổi tôi mới thật sự hiểu rằng lời ông nói “Tuổi đầy sức sống của đàn ông là từ 100 tuổi” không phải chỉ ở cửa miệng. Việc này một lần nữa làm cho tôi phải nghĩ rằng “Ông thật sự nghĩ rằng để hoàn thành nghệ thuật của ông, ông phải tiếp tục điêu khắc gỗ trong 50 năm nữa. Lòng nhiệt tình và ý muốn sáng tạo tác phẩm đang có của ông mạnh mẽ đến mức độ có thể nói là ‘cố chấp không chịu bỏ cuộc’” (nguyên văn là chấp niệm執念).
Trong thực tế sau khi hơn 100 tuổi ông Hirakushi cũng vẫn tiếp tục cố gắng hoạt động sáng tác và khi 102 tuổi ông có gửi đến nguyệt san PHP (4) của chúng tôi một bài viết ngắn, trong đó có câu
“Tôi còn có những tác phẩm mà nếu không sống thêm một chút nữa thì tôi không thể nào hoàn thành nghĩa vụ của mình. Năm hay sáu tác phẩm nữa. Không, không phải vậy, dù có phải hạn hẹp số lượng tác phẩm hơn nữa, ít nhất tôi cũng phải làm thêm 4 tác phẩm nữa.
Gần đây, ngoài 4 tác phẩm vừa nói, tôi còn thử làm một tác phẩm tổng kết nhưng không được thuận lợi như ý. Tôi đã mất 3 năm nhưng vẫn còn khó khăn chưa giải quyết được. Từ khổ tâm này đến khổ tâm khác, rồi tôi mới thống thiết thấm thía rằng việc tu nghiệp trau dồi nghề nghiệp của tôi là giả tạo, không thật. Trong khoảng thời gian từ khi bắt đầu học tập điêu khắc cho đến 5 năm hoặc 10 năm, dù cho thế nào đi nữa, người điêu khắc phải lấy việc đem vật đối tượng vào gỗ làm căn bản, làm cơ sở nhưng tôi đã không làm được việc này. Có nghĩa là từ trước đến nay tôi chỉ xử lý khéo léo, khéo tay mà thôi.” (5)
Khi đọc lời trên tôi bị xúc động mãnh liệt và tiếp nhận được một khích lệ lớn lao.
Lý do là ông Hirakushi lớn hơn tôi 22 tuổi và đã quá 100 tuổi, thế mà ông không những nhiệt tình ham muốn làm việc mà còn biết phản tỉnh sự tu nghiệp trau dồi chuyên môn của mình và muốn tìm kiếm nghiên cứu để đạt đỉnh cao của đạo (con đường) (6) điêu khắc gỗ. Hình ảnh nghiêm túc hết mức của ông đã truyền đạt mãnh liệt qua lời nói trên.
Đáng tiếc là vào ngày 2 tháng 10 năm 1979, sắp đến ngày sinh nhật 108 tuổi ông đã qua đời, và đã không sử dụng hết các gỗ tích trữ dùng cho 50 năm. Tuy nhiên, mặc dù ông đã để lại gỗ nhưng từ nhiệt tình và ý muốn cải tiến đối với công việc của ông đã tiếp tục cho đến giờ phút cuối cùng của đời ông, phải chăng chúng ta có thể nói ông là người đã sống trọn vẹn hết cuộc đời một cách tuyệt vời hoàn hảo, là người đã sống hết sức cho sinh mệnh của mình.
Khi thử suy nghĩ, tôi cảm thấy rằng lý do mà ông vẫn trẻ trung và khỏe mạnh như đã trình bày ở trên mặc dù ông đã quá 100 tuổi là bởi vì ông đã sống tận hết mỗi giây phút hiện tại với tâm tình “bây giờ không làm thì bao giờ mới làm” và “ta không làm thì ai làm đây” đối với điều mà ông nên làm.
Con người chúng ta, không ai có thể biết khi nào sẽ phải ra đi vĩnh viễn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ai cũng có mong ước là vừa sống vừa làm việc mình nên làm của mình cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mình. Tuy nhiên trong thực tế của đời người, việc thực hiện được mong ước này không phải dễ dàng. Bản thân tôi đã sắp 90 tuổi nhưng đôi lúc tôi cảm thấy khó khăn của mong ước này. Đối với mọi người chúng ta, cách sống của ông Hirakushi phải chăng cho chúng ta một khích lệ to lớn hiếm có?
Nguyễn Sơn Hùng, 3/2/2023
Đăng lại từ Diễn Đàn Khai Phóng (DienDanKhaiPhong.org)
(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.
Nhận xét của người dịch
1. Lời ông Hiratsuki “60 hay 70 tuổi là trẻ con hỉ mũi chưa sạch, tuổi đầy sức sống của đàn ông là từ 100 tuổi”, có thể đúng với người đã sống được gần tròn 100 năm nhưng đối với người dịch mới sống được 70 năm thấy nói “hỉ mũi chưa sạch” là hơi quá đáng. Đối người dịch sau khi về hưu thấy được nhiều điều mà lúc còn “đi làm” không nhận thấy ra. Điều này có thể do “hỉ mũi chưa sạch” hoặc không có “thảnh thơi tinh thần” để nghĩ ra, có thể do môi trường làm việc ở Nhật Bản khác hơn những quốc gia khác.
Trong bài 4 chương 2 Vi Chính của sách Luận Ngữ , Khổng tử nói “Ngũ thập tri thiên mệnh” (50 tuổi hiểu được mệnh trời). Người dịch hiểu “thiên mệnh” là “quy luật tự nhiên của xã hội con người”, quy luật tự nhiên này rất phức tạp nên khoa học xã hội chưa khám phá hoặc làm rõ ràng đầy đủ một cách khách quan được. Ngoài ra, người dịch cũng hiểu “thiên mệnh” là “đạo lý” hoặc chân lý, hoặc nhân sinh quan mà làm người nên sống theo. Ngoài ra, người dịch nghĩ rằng điều mà Fukuzawa Yukichi trong chương 4 “Tri thức và đạo đức của người dân một nước” trong tác phẩm “Khái Lược Văn Minh Luận” gọi là “thời thế”, gọi là “khí chất con người đương thời”, gọi là “tình trạng tri thức và đạo đức của xã hội con người đương thời” cũng là một phần của “thiên mệnh”. Với tuổi đời trên 50 năm kinh nghiệm sống hoặc dài hơn giúp con người chúng ta thấy được hoặc “giác ngộ” được những điều mà trước đó chúng ta chưa nhận ra. Những điều thấy được có thể thuộc về 3 loại của “thiên mệnh” nói trên.
Do đó đối với người dịch, “tuổi sau về hưu” trên mặt nào đó chính là “tuổi đầy sức sống” mà ông Hiratsuki đã đề cập. Không những của đàn ông mà cả của phái nữ, đặc biệt đối với những người có nghề nghiệp trong xã hội. “Tuổi sau về hưu” bao gồm ý nghĩa chúng ta có thời giờ để làm được những gì chúng ta thích làm, không còn bị ràng buộc quá nhiều vấn đề sinh kế.
Đối với người dịch, đời người có 2 thời kỳ đẹp: 1) Thời kỳ thanh thiếu niên: mặc dù “hỉ mũi chưa sạch” nhưng nhiệt tâm lập chí hoặc lý tưởng và gắng sức nỗ lực thực hiện, 2) Thời kỳ sau về hưu: đã biết “hỉ mũi” sao cho sạch và có thời giờ tự do để thực hiện những gì chưa thực hiện trước đó. Do đó nói theo kiểu của Hiratsuki “thanh xuân” của người dịch là “sau tuổi về hưu”.
2. Đại ý của bài viết “Tích lũy việc sống trọn vẹn cho hết mỗi giây phút sẽ tạo cho bạn cuộc đời phong phú, mãn nguyện và đem tới cho bạn sự trẻ trung”. Tuy nhiên một điều kiện cần thiết không thể thiếu để có được kết quả của lời nói này là: để có cuộc đời phong phú và mãn nguyện chúng ta cần phải có mục tiêu của cuộc đời và xem đó là sứ mệnh của bản thân mà trời giao cho. Có lẽ do tác giả đã viết trong bài khác (7) trong cùng tác phẩm nên không lập lại trong bài này.
Chúng ta nên lưu ý đây là mục tiêu dài hạn, ngoài mục tiêu này chúng ta nên có những mục tiêu ngắn hạn hơn như mục tiêu mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm… Nên nhớ đối với mục tiêu ngắn hạn chúng ta không nên đặt mục tiêu cao khó thực hiện. Trước tiên nên đặt mục tiêu dễ đạt và sau đó nếu đã đạt được sẽ từ từ nâng cao hơn. Người dịch nhớ có nhiều nhà chuyên môn cho biết: việc đạt được mục tiêu giúp chúng ta phấn khởi, trở nên tích cực hơn và giúp chúng ta yêu đời hơn, thấy cuộc sống vui vẻ hơn, và nhờ đó mà trẻ trung hơn.
Ngoài ra, người dịch còn thích và thường tự nhủ: “Có bắt đầu bước đi thì có thể đến, xác suất đến được là 50%; không bắt đầu bước đi là chắc chắn không bao giờ tới, chọn cái nào?” May mắn thay, trời cho con người chúng ta được 2 lần để có thể sống đẹp.
Nguyễn Sơn Hùng, viết xong ngày 25/5/2023
Ghi chú:
(1) Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
(2) Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
(3) Hirakushi Denchuu 平櫛田中(1872~1979):Tên thật là Takutarô. Cho đến trên 50 tuổi vẫn còn phải khổ cực trong cảnh ngộ nghèo khó. Ông có 3 người con nhưng 2 người qua đời vì bệnh lao. Ông để lại những lời sau: “Con người có thể chịu đựng với nghèo khó nhưng không có gì đau khổ bằng việc mất con”, “tôi phải mất 3 năm mới hết đổ lệ”. Tác phẩm “Ấu Nhi Cẩu Trương Tử” ông đã lấy hình ảnh con trai trưởng ném đồ chơi cho con chó tên Trương Tử làm mẫu. Tác phẩm “Tầm Ngưu” là tác phẩm trước khi ông qua đời. Tầm Ngưu là giai đoạn đầu tiên của tác phẩm thi họa “Thập Ngưu Đồ”, tác giả là thiền tăng Khuếch Am廓庵 để diễn tả 10 giai đoạn tiến tới ngộ của thiền đạo.
(4) Nguyệt san PHP: tạp chí phát hành hàng tháng của viện nghiên cứu PHP.
(5) Nội dung quá ngắn nên hơi khó hiểu hoặc có thể người dịch không diễn tả hết hoặc sai nội dung tác giả muốn truyền đạt. Có thể ý ông muốn nói là không diễn tả được “hồn”, mặt tinh thần mà đối tượng ông điêu khắc truyền đạt.
(6) Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…
Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…