Vào nửa cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 lực lượng hải tặc hoạt động rầm rộ ở vùng biển phía nam Trung Hoa và phía đông Đại Việt. Tàu thuyền quốc tế đi qua vùng này đều bị tấn công. Vì thế các hòn đảo nhỏ ở những khu vực này được bản đồ phương Tây gọi là đảo hải tặc.
Thời kỳ này ở Trung Quốc, áp lực kinh tế khiến một lượng lớn người dân phải dùng thuyền kiếm sống rồi dần dần chuyển thành hải tặc. Ở Đại Việt, nhà Tây Sơn đã quyết định tận dụng các nhóm hải tặc này để phục vụ cho mình.
Một hải tặc Trung Hoa nổi tiếng là Trần Thiên Bảo, người dân tộc Choang, quê ở Liêm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Năm 1780, Bảo cùng vợ và hai con đánh cá thì gặp bão, thuyền trôi dạt vào đến vùng biển của Đại Việt. Ông cùng gia đình ở lại làm nghề đánh cá xung quanh vùng Thăng Long. Năm 1783, Trần Thiên Bảo bị quân Tây Sơn bắt sung quân.
Nhờ có công giúp Tây Sơn đánh chúa Trịnh nên Bảo được phong làm Tổng binh, được quân Tây Sơn giúp đỡ chiêu mộ các hải tặc người Hoa để thành lập một đội quân phục vụ cho Tây Sơn. Đội quân của Trần Thiên Bảo đã giúp đỡ Tây Sơn đánh bại chúa Trịnh.
Năm 1788 khi quân Thanh tiến đánh Đại Việt, Nguyễn Huệ phong tước Bảo Đức Hầu cho Trần Thiên Bảo, giao nhiệm vụ ngăn cản quân Thanh tiến theo đường thủy. Khi Nguyễn Huệ lên ngôi vua, tiến đánh quân Thanh ở thành Thăng Long, thì Trần Thiên Bảo cũng dẫn thủy quân theo trợ lực.
Trong thời gian này 2 thủ lĩnh hải tặc nổi tiếng của Trung Hoa là Trịnh Thất và Mạc Quân Phù cũng mang quân theo về với Trần Thiên Bảo, nâng số tàu chiến lên thành hơn 100 chiếc.
Năm 1792, Trần Thiên Bảo nhận lệnh Tây Sơn, mang theo các thủ lĩnh hải tặc theo mình là Mạc Quan Phù, Trịnh Thất, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài đánh phá vùng duyên hải Trung Quốc. Tháng 3, 4 âm lịch hàng năm quấy nhiễu vùng biển các tỉnh Quảng Đông, Chiết Giang, Phúc Kiến, tới tháng 9, 10 nhiều giông gió thì lại rút về.
Thời gian này hải tặc Trung Hoa trở thành nguồn cung cấp tài chính cho nhà Tây Sơn, giáo sư George Dutton, khoa Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á, đại học University of California Los Angeles trong nghiên cứu của mình đã viết rằng:
Được đánh giá cao do khả năng hạn chế các hoạt động của con người, bọn hải tặc cũng có ích về mặt tài chánh cho nhà Tây Sơn. Đổi lại với việc cung cấp cho hải tặc nơi trú ẩn an toàn trong Vịnh Bắc phần, nhà Tây Sơn nhận được một tỷ lệ phần trăm những của cải mà tàu thuyền của chúng cướp được. Với những nhà giàu có đi qua vùng biển này, hoạt động tuần tra có lợi rất nhiều cho cả hai phía. Cứ mỗi mùa xuân và mùa hè, các tàu hải tặc bắt đầu mùa cướp bóc, rồi khi mùa thu đến thì chúng quay về nơi trú ẩn an toàn. Murray viết rằng các hải tặc sẽ nộp của cải cướp được cho nhà Tây Sơn (ít nhất về mặt lý thuyết); Tây Sơn lại mang bán chúng ở Đại Việt rồi hoàn từ 20 đến 40% tiền thu được cho hải tặc.
Gặp dịp hải tặc tịch thu được toàn bộ tàu, có ít nhất một trường hợp tàu được mang đến Phú Xuân, sử dụng trong đội thủy quân Tây Sơn. Đôi khi các lãnh đạo Tây Sơn ban ra những hướng dẫn đặc biệt cho đồng minh hải tặc của họ, chẳng hạn như yêu cầu chúng mở những chiến dịch cướp bóc trên đất Quảng Đông hay những tỉnh duyên hải khác của Trung Quốc. Trong những trường hợp khác, nhà Tây Sơn cung cấp tàu cho hải tặc và khuyến khích chúng dùng những tàu này để tuyển mộ thêm người vào hàng ngũ của chúng.
(The Tây Sơn Upising – University of Hawaii Press 2006, trang 223 -224)
Sau đó Trần Thiên Bảo nhận lệnh đem quân chống lại Nguyễn Phúc Ánh và lập một số chiến công, được vua Quang Trung phong làm Đại đô đốc chỉ huy đám hải tặc Trung Hoa. Đội quân này được cơ cấu thành lực lượng tinh nhuệ, các thủ lĩnh đều được phong chức Tổng binh. Quân của Trần Thiên Bảo ngày càng hùng mạnh.
Năm 1799, Nguyễn Phúc Ánh đem quân ra bắc chiếm thành Quy Nhơn và đổi tên thành này là thành Bình Định. Năm 1800, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng dẫn quân vây chặt thành Bình Định.
Đầu năm 1801 thủy quân nhà Nguyễn đánh bại thủy quân Tây Sơn tại Thị Nại. (Xem bài: Trận thủy chiến hỏa công bậc nhất sử Việt vào đầu thế kỷ 19)
Dù quân chủ lực Tây Sơn đang vây quân Nguyễn ở thành Bình Định, nhưng Nguyễn Phúc Ánh quyết định hy sinh thành Bình Định, đem quân tiến binh ra kinh thành Phú Xuân của Tây Sơn. (Xem bài: Câu chuyện trung nghĩa đằng sau cuộc chiến giữa quân Nguyễn và quân Tây Sơn tại thành Bình Định)
Tại Phú Xuân quân hải tặc Trần Thiên Bảo và quân Nguyễn chạm trán nhau. Quân hải tặc bị đánh bại, quá nửa số tàu chiến bị đánh chìm, 3 vị tổng binh Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài bị bắt. Vua Quang Toản dẫn tàn quân chạy về Thăng Long. Trần Thiên Bảo cùng đám hải tặc Trung Hoa biết rằng Tây Sơn đã tận, không thể cứu vãn, nên rút trở về Trung Quốc.
Trần Thiên Bảo cùng 30 tay chân thân tín đầu thú chịu tội. Hoàng đế Gia Khánh tha tội cho Bảo cùng gia quyến về phủ Nam Hùng (nay là thành Nam Hùng, tỉnh Quảng Đông). Ba thủ lĩnh hải tặc là Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài sau khi bị quân Nguyễn bắt được thì đưa sang trả cho nhà Thanh và bị Hoàng đế Gia Khánh khép vào tội chết.
Trước khi quân Tây Sơn cùng hải tặc thất bại ở Phú Xuân, năm 1795, Trịnh Thất đã tách ra khỏi Tây Sơn đưa quân về tận sào huyệt ở căn cứ Giang Bình (nay thuộc thành phố Đông Hưng trong Khu tự trị dân tộc Choang ở Quảng Tây). Tại đây Trịnh Thất thành lập Hồng Kỳ bang, trở thành bang nhóm hải tặc mạnh nhất tại Trung Quốc, uy hiếp vùng biển từ Quảng Đông đến Đại Việt, thậm chí nhiều lấn tấn công vào các thành trì của nhà Thanh, quan quân nhà Thanh nghe tiếng Hồng Kỳ đều phải tránh xa.
Năm 1801 nghe tin quân Tây Sơn thất bại phải chạy về Phú Xuân; đồng bọn là Mạc Quan Phù, Lương Văn Canh và Phàn Văn Tài bị bắt; Trịnh Thất liền đem quân giúp Tây Sơn đánh quân Nguyễn để trả thù và cứu các thủ lĩnh hải tặc là đồng bọn.
Trịnh Thất mang theo 200 tàu chiến theo vua Quang Toản đem 3,5 vạn quân quyết lấy lại Phú Xuân, nhưng gặp quân Nguyễn phòng thủ ở Trấn Ninh (Quảng Bình). Quân Nguyễn do đích thân Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh phòng thủ tại đây. Trận đánh rất ác liệt cuối cùng quân Tây Sơn và đám hải tặc thất bại. Thua trận, Trịnh Thất đưa quân về sào huyệt ở Giang Bình.
Nguyễn Phúc Ánh xin vua Thanh được phép đánh Giang Bình tiêu diệt hải tặc. Đám hải tặc Hồng Kỳ bang xưa nay tự tung tự tác triều đình cũng không làm gì được, nay lại có người xin được đánh thì vua Thanh rất mừng nên đồng ý ngay.
Thủy quân nhà Nguyễn tiến đánh, sau các chiến thắng đã vào đến tận sào huyệt hải tặc ở Giang Bình, công phá và san bằng căn cứ này, Trịnh Thất bị bắt và bị xử trảm.
Sau này phó tướng Trịnh Nhất (em họ của Trịnh Nhất) lên làm thủ lĩnh Hồng Kỳ bang, thu thập tàn quân tiếp tục phát triển ở Trung Quốc.
Nhà Tây Sơn bị diệt, hải tặc Trung Hoa không còn nơi nương tựa ở Đại Việt nữa nên tập trung hết về Trung Quốc. 12 bang phái hải tặc tranh giành địa phận thôn tính tiêu diệt lẫn nhau, cuối còn chỉ còn lại 6 bang , trong đó Hồng Kỳ bang mạnh nhất. 6 bang hải tặc liên minh với nhau và tôn thủ lĩnh Trịnh Nhất là “minh chủ”.
Nhưng đến năm 1807 Trịnh Nhất bị chết tại vùng của của Đại Việt, có nguồn sử liệu cho rằng thuyền của Trịnh Nhất bị bão lớn đánh chìm xuống đáy biển, không một ai sống sót; còn cuốn “Tĩnh Hải phân ký” cho rằng tàu của Trịnh Nhất bị tàu quân nhà Nguyễn của Đại Việt dùng đại pháo bắn hạ.
“Minh chủ” bị chết, liên minh các bang hải tặc đứng trước nguy cơ bị gãy đổ, các bang hải tặc khác nhân cơ hội này tìm cách thôn tính Hồng Kỳ bang. Vợ của Trịnh Nhất là Trịnh Nhất Tẩu thay chồng làm thủ lĩnh Hồng Kỳ bang, giúp bang này ngày càng phát triển.
Trịnh Nhất Tẩu lo củng cố xây dựng lực lượng, mua sắm các loại vũ khí hiện đại nhất. Hồng Kỳ bang có 200 chiến hạm rất mạnh, mỗi chiến hạm trang bị 20 đến 30 khẩu thần công, 800 tàu chiến loại trung, 1.000 thuyền nhỏ và 4 vạn chiến binh thường trực, lúc đông nhất có đến 10 vạn thuộc hạ.
Các nhà sử học đánh giá Trịnh Nhất Tẩu là thủ lĩnh hải tặc quyền lực và hùng mạnh hơn bất kỳ thủ lĩnh hải tặc nào trong lịch sử thế giới, bà trở thành Nữ Hoàng hải tặc.
Các nhóm hải tặc Trung Hoa hoạt động suốt vùng biển từ Triều Tiên đến Malaysia, các thương thuyền và tàu vãng lai quốc tế đều phải đóng tiền bảo kê mới được phép đi lại, gây thiệt hại rất lớn, ảnh hưởng rất lớn đến các tàu buôn phương Tây.
Năm 1809 triều đình nhà Thanh bỏ ra 80.000 lạng bạc liên minh cùng Anh và Bồ Đào Nha thành lập hạm đội liên quân hùng hậu tấn công vào sào huyệt của Hồng Kỳ bang ở Đại Nhĩ Sơn (hòn đảo lớn nhất ở Hồng Kông).
Tuy nhiên các cuộc tấn công của liên quân đều gặp thất bại. Dù Anh và Bồ Đào Nha liên tiếp đưa thêm các tàu chiến đến bổ sung, nhưng liên minh 6 bang hải tặc do Trịnh Nhất Tẩu đứng đầu đánh lui tất cả các đợt tấn công của liên quân.
Triều đình nhà Thanh đành chuyển kế sách, thay vì tấn công thì ra chiếu chiêu an, hai bang hội mạnh nhất lần lượt ra hàng. Sau Hắc Kỳ bang ra hàng, Trịnh Nhất Tẩu đưa 8 vạn thuộc hạ nhận chiếu chiêu an ra hàng. Toàn bộ số tài sản của hải tặc được giữ lại mà không phải nộp cho triều đình, 8 vạn hải tặc được xóa toàn bộ tội trạng (chỉ 126 tên bị hành quyết và 250 tên bị phạt tù vì những tội ác nghiêm trọng)
Từ đó nạn hải tặc hoành hoành trên biển cũng biển mất, chấm dứt lịch sử tung hoàng một thời của các bang nhóm hải tặc Trung Hoa.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…
Ông Vương Đình Huệ có sai phạm trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vi…
Ông Musk và ông Ramaswamy đã cùng chấp bút một bài xã luận đăng trên…
Quân đội Ukraine thông báo trong sáng Thứ Năm Nga đã tiến hành không kích…
Hai nước Việt Nam-Malaysia vừa nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện,…
UBND TP.HCM vừa đề xuất dùng ngân sách địa phương để xử lý nợ quá…