Đây là lý do người nghệ sĩ muốn vươn lên đỉnh cao, có ảnh hưởng lớn, có đóng góp nhiều bề cho cộng đồng, nhân loại thì phải miệt mài đọc.
Chuyện này được mô tả rất rõ trong cuốn “Đại học nghệ thuật Tokyo”. Ở đó tác giả kể rằng các sinh viên âm nhạc của Đại học nghệ thuật Tokyo phải đọc rất nhiều sách, phải học ngoại ngữ rất khắc nghiệt. Muốn biểu diễn một tác phẩm cổ điển, một vở opera nào họ phải đọc rất sâu về tác giả đó, đọc về bối cảnh xã hội mà nhân vật đó sống, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm… rồi suy ngẫm, tưởng tượng… Tất cả để khi biểu diễn, họ thể hiện tác phẩm bằng tất cả những gì thu lượm được chứ không thuần túy chỉ là thể hiện những gì được chỉ dẫn trên bản nhạc.
Bởi vậy, không giống như người ta hình dung, học đàn, học hát, học vẽ ở Đại học nghệ thuật Tokyo là một hành trình khắc khổ và kỉ luật, không phải là sự tùy hứng, tùy tiện và cầu may.
Hồi còn dạy ở một trường nghệ thuật tôi kinh ngạc khi thấy sinh viên rất ít khi đọc sách. Hỏi các em các em bảo chỉ đi học và đi diễn, không mấy khi đọc sách. Cả lớp tại chức cũng vậy. Tôi không dám bình luận gì nhưng tự hỏi nếu không đọc làm sao có thể rung động và có nền tảng kiến thức để nảy sinh ý tưởng… trong khi biểu diễn, sáng tạo nghệ thuật?
Nhưng tôi biết không chỉ sinh viên nghệ thuật. Sinh viên các ngành khác cũng rất… lười đọc ngay cả sinh viên sư phạm sẽ học để đi làm thầy. Bệnh chung của sinh viên là cả năm chơi bời học long dong, đến sắp thi tầm một tháng thì kiếm cuốn giáo trình hay bản đề cương có giới hạn nội dung (do thầy cô cung cấp hoặc tiết lộ) cày cuốc thật lực. Thi xong rồi thôi. Không có nhu cầu tìm kiếm, đọc, suy ngẫm gì thêm.
Học cách này ra trường vẫn bằng giỏi như thường vì bằng giỏi nghe bảo sắp phổ cập.
Khi tôi nói chuyện về văn hóa đọc, rất nhiều lần tôi được nghe câu hỏi phản biện lại rằng “Nhưng tôi thấy nhiều người có đọc gì đâu mà họ vẫn làm tốt công việc của họ, vẫn giàu có, vẫn sống bình thường đó thôi”.
Khi đó, tôi thường cười buồn bã trả lời rằng: “Vâng. Chúng ta vẫn sống. Thậm chí nhiều người vẫn giàu. Nhân loại cũng mới chỉ biết chữ và biết đọc 6-7 nghìn năm trở lại đây là cùng. Người Việt thì còn muộn hơn, chắc là tầm hơn nghìn năm gì đó. Và hiện nay trên thế giới có rất nhiều người mù chữ vẫn sống, nhiều người tốt nghiệp đại học, thạc sĩ… cũng chẳng đọc gì vẫn sống ngon ơ. Có điều, chúng ta đang sống và làm việc ở mức nào, chất lượng như thế nào? Có phải là chúng ta đang sống ở mức thỏa mãn các nhu cầu sinh tồn tối thiểu (ăn, mặc, ở, truyền giống) và làm việc ở mức từ trung bình khá trở xuống hay không?”.
Khi câu hỏi phát ra, người được hỏi và xung quanh im lặng.
Tôi biết rất khó cãi điều này vì ngay trong cuộc sống đời thường khi ta đi ăn phở ngoài phố, ngoài đường, ta dễ dàng kiếm được hàng nghìn quán phở ghi “Phở Cồ”, “Phở Nam Định”, “Phở Phố cổ”… Nhưng để kiếm cho một cái quán cả chủ và nhân viên biết mỉm cười cúi đầu chào khách khi khách đến và cảm ơn khi khách về là hiếm. Rất hiếm.
Hiếm hơn nữa là tìm quán có nhà vệ sinh sạch sẽ, đủ nước, giấy, thơm tho.
Và cuối cùng, hiếm khủng khiếp là kiếm đâu nhân viên biết cách cầm bát đĩa để không đụng tay vào phần thức ăn hay phần bát khách sẽ chạm môi hoặc sử dụng khi ăn…
Hiếm vô cùng.
Vậy nên, mấy trăm năm phở cứ bán, nhưng bát phở và cách bán phở mấy trăm năm cũng chỉ có vậy thôi. Tức là từ trung bình trở xuống!
Vì vậy nếu muốn mọi thứ từ trung bình trở xuống thì không cần đọc gì, suy ngẫm gì, tìm tòi gì. Chỉ cần lặp lại những gì ta nhìn thấy người khác làm là đủ.
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ tác giả, dịch giả để đặt mua sách
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa được thành lập để tiếp nhận nguồn viện…
Chứng khoán có dấu hiệu hồi phục nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức…
Bắc Kinh đang chuẩn bị trở thành nước nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân uranium…
Vì đại diện và biện hộ cho nhiều người tập Pháp Luân Công, ông Vương…
Ông Medvedev tuyên bố cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev có thể nhanh chóng…
Mình bỗng nhận ra rằng không cần phải làm thuyết khách thuyết phục bất cứ…