Tây Kỳ vương Nguyễn Kính: Công thần phụng sự 5 đời Vua nhà Mạc

Vào cuối thời kỳ Lê Sơ, Triều đình hủ bại, binh tướng cát cứ các nơi, chiến loạn liên miên. Đất nước có 2 vua Lê cùng lúc khiến càng thêm loạn. Trong hoàn cảnh đấy nổi lên có Nguyễn Kính đánh dẹp các nơi, phụng sự trải qua 5 đời Vua nhà Mạc.

(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Tướng quân thời loạn lạc

Vào cuối thế kỷ 15 có một nhà Nho biết xem địa lý đi khắp nơi tìm đất để định cư. Khi đến làng Cổ Nậu ở Thạch Thất thì ông thấy nơi đây có một gò cao nhiều cây cối, có thể định cư được, liền cùng vợ đến đây sinh sống. Khu gò này chính là làng Dị Nậu ngày nay.

Hai vợ chồng sinh được người con trai đặt tên là Nguyễn Kính. Ngay từ khi con còn nhỏ cha Nguyễn Kính đã nói với vợ rằng đứa bé này có dung mạo khác thường, cần nuôi dạy cẩn thận.

Lớn lên Nguyễn Kính thi đỗ Sinh đồ. Tuy nhiên thời điểm này vua Lê tăng thuế, vơ vét tiền dân chúng để lo ăn chơi hưởng thụ, khiến dân chúng lầm than, cát cứ mọc lên khắp nơi, tướng võ được trọng dụng, quan văn bị xem nhẹ. Nguyễn Kính không theo con đường khoa cử, mà liên kết với các hào kiệt, rèn sĩ tốt, trấn giữ một vùng, thanh thế nổi lên khắp xứ Đoài.

Triều đình nhà Lê thuyết phục Nguyễn Kính quy thuận. Ban đầu Nguyễn Kính không chịu, nhưng sau đó quyết định đi theo Trần Chân vốn có công lớn đối với nhà Lê lúc đó.

Trần Chân giúp nhà Lê trụ vững trước các cuộc khởi nghĩa cũng như binh biến của các tướng lĩnh. Tuy nhiên trong Triều, nhiều kẻ gièm pha Trần Chân với Vua.

Vua Lê Chiêu Tông mới chỉ 12 tuổi không rõ trắng đen, trong Triều cũng chẳng có ai nói giúp, nên tin lời mà giết chết công thần Trần Chân vào năm 1518.

Các bộ tướng của Trần Chân trong đó có Nguyễn Kính cho quân tiến vào Kinh thành yêu cầu Triều đình giải thích rõ về cái chết của chủ tướng. Triều đình phải điều quân các nơi về ứng cứu, tuy nhiên đều bị Nguyễn Kính cầm quân đánh bại.

Về việc này Đại Việt sử ký Toàn thư đánh giá rằng:

“Hợp cả Nguyễn Kính, Nguyễn Áng mà bàn, thì hai người này là tướng dưới trướng của [Trần] Chân, mài chí phục thù, dốc lòng trừ gian, liều mình cứu mạng cho chủ, trên là để báo lại ơn đức xưa nay, dưới là giải được mối oan khiên uất ức, phù trì chính khí cho ức vạn năm, diệt bọn gian hùng cho ngay lúc ấy, đạo thờ thầy đã sáng rõ lắm rồi”.

Bấy giờ Vua Lê Chiêu Tông còn nhỏ, bi loạn thần lôi kéo, không thể làm chủ được Triều chính, khiến loạn quân cát cứ các nơi. Bởi vậy, một võ tướng là Trịnh Tuy cùng quan văn là Nguyễn Sư lập một hoàng thân là Lê Bảng lên ngôi, hiệu là Đại Đức, đồng thời cho mời gọi Nguyễn Kính theo về với mình. Nguyễn Kính cùng các bộ tướng của Trần Chân liền theo về với Trịnh Tuy.

Tuy nhiên Trịnh Tuy không đủ tài khi đối đầu với Mạc Đăng Dung, bị đánh bại và phải chạy vào Thanh Hóa năm 1519. Nguyễn Kính cũng theo với nhà Lê. Tuy về với nhà Lê, nhưng Nguyễn Kính độc lập đóng quân ở Sơn Tây, làm chủ toàn bộ vùng đất phía tây Kinh thành Thăng Long.

Hai vua Lê đối địch nhau

Trước việc các tướng cát cứ các nơi, vua Lê Chiêu Tông phải phụ thuộc vào Mạc Đăng Dung nhằm giữ được ngôi vị. Mạc Đăng Dung tìm cách giết hại hết những ai chống đối mình, bức bách Vua.

Năm 1522, vua Lê Chiêu Tông chạy trốn khỏi Kinh thành, chạy đến phía tây nhờ quan tướng các nơi cứu giúp chống Mạc Đăng Dung. Bấy giờ phía tây Kinh thành chính là đất của Nguyễn Kính.

Mạc Đăng Dung cho người đuổi theo, đến huyện Thạch Thất thì đuổi kịp. Vua Chiêu Tông nhờ các quan ở Thạch Thất cứu giúp mà đánh bại được quân Mạc Đăng Dung đuổi tới đây. Vua Chiêu Tông được quan văn là Đàm Thận Huy cùng các tướng đi theo phò tá.

Trong Triều đình, Mạc Đăng Dung liền lập em của Chiêu Tông lên ngôi, hiệu là Lê Cung Hoàng, đồng thời tuyên bố phế truất Chiêu Tông. Trong khi đó ở bên ngoài một số tướng theo phò tá Chiêu Tông. Đất nước rơi vào cảnh loạn lạc có đến hai vua cùng nhà Lê đối địch nhau.

Trong tình huống này, Nguyễn Kính quyết định theo phò tá cho vua Chiêu Tông, vì thế mà lực lượng vua Chiêu Tông rất mạnh, ngoài xứ phía tây của Nguyễn Kính ra, còn có được cả phía bắc và phía nam.

Nhờ có lực lượng mạnh của Nguyễn Kính, vua Chiêu Tông cho quân tiến vào Kinh thành. Mạc Đăng Dung phải đưa vua Lê Cung Hoàng chạy đến Hải Dương, cố gắng thủ giữ vùng đất phía đông.

Sau đó Mạc Đăng Dung đưa quân tấn công các tướng của Chiêu Tông, cuộc chiến bất phân thắng bại.

Vua Lê Chiêu Tông nhiều lần giết hại công thần

Trước đó vua Chiêu Tông có mời Trịnh Tuy ở Thanh Hóa ra giúp, nhưng Trịnh Tuy thấy vua Chiêu Tông không tin dùng người giỏi mà chỉ nghe kẻ tiểu nhân nên không giúp. Nhưng sau thấy Nguyễn Kính cũng nhiều tướng khác theo vua Chiêu Tông rồi, Trịnh Tuy liền lệnh cho thuộc tướng là Bá Kỷ đưa 1 vạn quân đến giúp vua Chiêu Tông.

Nhưng lúc này, có kẻ gièm pha nói xấu Bá Kỷ, vua Chiêu Tông nghe lời liền sai chém Bá Kỷ rồi báo cho Trịnh Tuy biết. Trịnh Tuy thấy Chiêu Tông không thay đổi, chỉ nghe kẻ tiểu nhân giết hại người theo mình, liền lập kế bắt Chiêu Tông.

Trịnh Tuy đến Dịch Vọng nói là để gia cố tuyến phòng thủ nơi đây, rồi bắt ngờ đưa quân tấn công vào thành bắt vua Chiêu Tông đưa về Thanh Hóa. Trịnh Tuy yêu cầu Vua bãi binh các lực lượng theo mình, vua Chiêu Tông buộc phải nghe theo.

Trước hành động của Chiêu Tông, nhiều tướng không muốn theo phò giúp nữa. Nguyễn Kính thấy vua Lê đã tận mạt rồi, nhiều lần nghe kẻ tiểu nhân giết hại người có công nên không muốn theo phò giúp, lại thấy Mạc Đăng Dung là hậu duệ của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, con gái của Trần Chân cũng lấy con trưởng của Mạc Đăng Dung là Mạc Đăng Doanh, nên liền quyết định đi theo.

Từ đó Nguyễn Kính đi theo Mạc Đăng Dung đánh dẹp các nơi. Đến năm 1525 thì Nguyễn Kính đánh tan quân của Chiêu Tông, khiến Trịnh Tuy thua trận bỏ chạy rồi chết.

Công thần phụng sự cho 5 đời Vua nhà Mạc

Năm 1527, Mạc Đăng Dung lên ngôi Vua, lập ra nhà Mạc. Nguyễn Kính có công lao lớn được phong tước Tây Thanh hầu rồi Tây quận công trấn giữ vùng Sơn Tây.

Từ khi đi theo Mạc Dăng Dung, Nguyễn Kính cả đời tận trung với nhà Mạc. Khi hai Vua khai quốc là Mạc Đăng Dung và Mạc Đăng Doanh mất, các Vua sau này đều lên ngôi khi chưa đầy 10 tuổi. Mỗi lần Triều đình xảy ra tranh chấp, Nguyễn Kính cùng các con của mình đều tận trung với nhà Mạc bảo vệ Vua nhỏ.

Năm 1546, vua Mạc Hiến Tông mất, truyền ngôi cho con là Mạc Phúc Nguyên. Tuy nhiên Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi giữ chức Thái úy trong triều, nắm giữ quân đội lại phản đối việc lập Mạc Phúc Nguyên lên ngôi, lấy lý do là còn nhỏ, nên lập em của Mạc Thái Tông là Hoằng vương Mạc Chính Trung .

Phụ chính cho nhà Mạc là Mạc Kính Điển không đồng ý, theo lời căn dặn của Vua quyết đưa Mạc Phúc Nguyên lên ngôi. Phạm Tử Nghi liền cùng Chính Trung khởi binh chống lại.

Phạm Tử Nghi giữ chức Thái sư nắm giữ quân đội trong Triều nên lực lượng rất mạnh. Trong lúc nguy nan Mạc Kính Điển phải cử người đưa Vua mới đi lánh nạn, còn bản thân bày quân cố giữ Kinh đô.

Mạc Kính Điển nhờ Lê Bá Ly và Tây Quận công Nguyên Kính giúp đỡ, mới giữ được Kinh thành. Phạm Tử Nghi nhiều lấn tấn công nhưng đều bị đánh lui. Tử Nghi bị hao binh tổn tướng phải đem Chính Trung rút đến Quảng Yên (Quảng Ninh).

Năm 1547, Mạc Kính Điển, đại tướng Lê Bá Ly cùng Tây quận công Nguyễn Kính tập hợp lực lượng thủy bộ đánh bại được Phạm Tử Nghi. Thua trận, Mạc Chính Trung và Phạm Tử Nghi chạy sang nhà Minh. Nguyễn Kính đưa binh đuổi theo sang tận Trung Quốc, chiếm giữ Khâm châu, Liêm châu cùng một số Châu huyện khác thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay.

Nhà Minh trách cứ khiến nhà Mạc lo sợ, triệu Nguyễn Kính về. Đến năm 1551 thì nhạc Mạc đánh dẹp được quân của Tử Nghi.

Do có công lao với nhà Mạc giúp bảo vệ Kinh thành, Nguyễn Kính được phong làm thái uý, Tây quốc công, được mở phủ riêng ở Cần Kiệm (Thạch Thất).

Tại đây Nguyễn Kính giúp dân khai khẩn đất hoang, lập làng trị thủy, thao luyện binh sĩ, mỗi khi Triều đình có biến thì đưa quân đến giúp.

Năm 1572 thời vua Mạc Mậu Hợp, Tây Quốc công Nguyễn Kính mất, mộ ông được đặt tại Cần Kiệm (Thạch Thất). Nhà Mạc truy tặng ông là Tây Kỳ vương. Ông là công thần khai quốc duy nhất của nhà Mạc sống cả 5 đời vua Mạc là Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, Mạc Phúc Hải, Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp.

Do có nhiều công lao giúp dân, nên người dân làng Phú Đa, làng Phú Lễ thuộc xã Cần kiệm huyện Thạch thất, thôn Cổ Liễn xã Cổ Đông thuộc thị xã Sơn Tây, làng La Gián xã Cổ Đông và rất nhiều nơi đã tạc tượng và phong ông làm Thành hoàng của làng.

Hàng năm và ngày giỗ của ông (mùng 6 tháng 4 âm lịch), các làng đều có tổ chức lễ tế theo hình thức hội làng. Riêng hội làng Phú Đa, Phú Lễ từ 11 đến 13 tháng giêng tổ chức thi gói bánh chưng thờ, thi gà thờ, thi đấu vật, têm trầu cánh phượng, v.v…

Trần Hưng

Tham khảo:

  • Đại Việt Sử ký Toàn thư
  • Đại Việt thông sử

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Bị phạt 20 tháng tù vì hỗ trợ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công tại Mỹ

Ông Trần Quân (John Chen) bị kết án vì cùng đồng phạm hỗ trợ ĐCSTQ…

2 phút ago

Biểu tình bảo vệ quyền lợi ở Trung Quốc tăng mạnh – Báo cáo của Freedom House

Các cuộc biểu tình tại Trung Quốc trong quý 3 năm nay đã tăng 27%…

20 phút ago

Ngoại trưởng Ukraine Andrey Sibiga bác bỏ khả năng nhượng bộ lãnh thổ

Ngoại trưởng Andrey Sibiga cho biết Ukraine sẽ không chấp thuận nhượng bất kỳ lãnh…

26 phút ago

Chuyện danh y thời Tống tích âm đức cải biến mệnh

Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…

37 phút ago

Cuộc sống vốn dĩ là một vòng xoay…

Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…

41 phút ago

Bộ Tư pháp Mỹ: Google cần bán Chrome để chấm dứt độc quyền tìm kiếm trực tuyến

Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…

41 phút ago