Chút suy ngẫm về nhà Hậu Lê và 8 đời vua bị giết
- Trần Hưng
- •
Nhà Hậu Lê là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam, suốt 360 năm từ khi Lê Lợi đánh thắng quân Minh lên ngôi Vua năm 1428 đến đời Lê Chiêu Thống năm 1789 thì kết thúc, ở giữa có xen lẫn vào giai đoạn hỗn loạn thời kỳ Nam Bắc triều. Trải qua 27 đời Vua, nhà Hậu Lê không chỉ kéo dài nhất mà còn có đến 8 vị Vua bị giết chết.
Hai đời Vua liên tục bị giết
Sau khi vua Lê Thái Tổ mất, nhà Lê rơi vào giai đoạn bất ổn kéo dài. Vua Lê Thái Tông lên kế vị nhưng bị chết năm 1442 trong vụ án Lệ Chi Viên lịch sử. Vua Thái Tông mất, Thái tử Bang Cơ mới 1 tuổi 6 tháng lên nối ngôi, hiệu là Lê Nhân Tông.
Ngày 3/10/1459, anh của vua Nhân Tông là Lê Nghi Dân nhờ có vệ binh trong cung làm nội ứng, đang đêm sai hơn 100 thủ hạ bắc thang chia làm 3 đường vào cung giết chết vua Nhân Tông ở tẩm điện, đến hôm sau thì giết luôn cả Thái hậu.
Lê Nghi Dân lên ngôi Vua, nhưng chỉ tin dùng bọn nịnh thần, thay đổi nhiều pháp chế khiến người người oán giận. Sau một năm ở ngôi Vua, năm 1460, các đại thần là Nguyễn Xí, Đinh Liệt làm binh biến giết chết Lê Nghi Dân.
Hai đời vua liên tục bị giết là: Nhân Tông, Lê Nghi Dân.
Một số nguồn còn cho rằng vua Lê Thái Tông bị đầu độc mà chết và Nguyễn Trãi cùng phu nhân bị oan, ở đây tạm thời chưa xét tới.
Bốn đời Vua liên tục bị giết
Năm 1504, vua Lê Uy Mục lên ngôi, đây là vị Vua tàn bạo. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư mô tả rằng: “Vua thích uống rượu, hiếu sắc, làm oai, giết hại người tôn thất, giết ngầm tổ mẫu, họ ngoại chuyên quyền, trăm họ oán giận, người đời gọi là Quỷ vương, điềm loạn hiện ra từ đây!”.
Năm 1509, Giản Tu Công Oanh đưa quân tấn công kinh thành bắt Lê Uy Mục, không ai bảo vệ Vua cả. Giản Tu Công Oanh giết được Lê Uy Mục thì lên ngôi Vua, hiệu là Lê Tương Dực. Giai đoạn đầu vua Lê Tương Dực chăm lo trị quốc, chỉnh đốn triều chính, sửa sang giáo dục, khôi phục văn miếu, biên chép sử sách. Nhưng chỉ vài năm sau Vua lại sa đọa, ăn chơi xa xỉ, bắt dân lao dịch xây nhiều công trình phục vụ cho mình ăn chơi, khiến ngân khố cạn kiệt, lòng dân oán thán.
Dân chúng khởi nghĩa khắp nơi, trong khi các tướng lo chống đỡ thì Vua lại chỉ lo chơi bời hưởng lạc. Các quan đầu Triều phối hợp cùng các tướng bắt và giết chết vua Lê Tương Dực vào năm 1516.
Sau khi Lê Tương Dực bị giết, Lê Chiêu Tông lên nối ngôi khi mới 11 tuổi và chỉ ở ngôi có 7 năm. Vì Vua còn nhỏ, nên các đại thần trong Triều nắm quyền tranh giành nhau, bên ngoài nổi loạn khắp nơi, Vua phải nhờ vào tướng Mạc Đăng Dung cầm binh đánh dẹp các cuộc nổi loạn.
Mạc Đăng Dung dần dần nắm hết quần bính trong Triều đình, năm 1522 vua Lê Chiêu Tông được sự trợ giúp của thân tín lén trốn khỏi Kinh thành, Mạc Đăng Dung cho quân đuổi theo nhưng không bắt được liền lập Vua mới là Lê Cung Hoàng lên ngôi.
Sau đó Mạc Đăng Dung bắt được Lê Chiêu Tông, đến năm 1527 thì bí mật sai người giết đi.
Sau khi giết Chiêu Tông, đến ngày 15/5/1527, Mạc Đăng Dung bắt vua Lê Cung Hoàng nhường ngôi cho mình, lập ra nhà Mạc, hiệu là Mạc Thái Tổ.
Mạc Đăng Dung đưa Lê Cung Hoàng cùng Thái hậu giam ở Tây cung, sau lại bức bách khiến hai người phải tự vẫn mà chết.
Bốn đời vua liên tiếp bị giết là: Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng.
Lê Anh Tông chống lại chúa Trịnh, bị giết
Năm 1556, vua Lê Trung Tông mất, dòng đích của Lê Lợi không còn ai. Trịnh Kiểm lập cháu 5 đời của anh trai Lê Lợi là Lê Duy Bang lên ngôi, hiệu là Lê Anh Tông.
Khác với các đời Vua trước vốn dựa hoàn toàn vào chúa Trịnh chống nhà Mạc, vua Lê Anh Tông nhiều lần trực tiếp cầm quân giao chiến với quân Mạc.
Sau khi Trịnh Kiểm mất, hai con là Trịnh Cối và Trịnh Tùng tranh giành quyền lực, vua Anh Tông ủng hộ Trịnh Tùng, quan hệ Vua và Chúa ban đầu rất tốt đẹp. Sau đó một số quan lại có lời gièm pha, cho rằng quyền hành Trịnh Tùng quá lớn cần trừ khử để lấy lại quyền hành cho nhà Lê.
Tuy nhiên mưu bị lộ, vua Lê Anh Tông phải cùng các hoàng tử bỏ Kinh thành mà chạy. Trịnh Tùng cho quân đuổi theo và bắt được Vua, rồi sai Tống Đức Vị giám sát Anh Tông. Năm 1573, Đức Vị bức bách giết Vua nhưng phao tin là Vua thắt cổ chết.
Trịnh Tùng đưa hoàng tử còn nhỏ lên ngôi Vua, hiệu là Lê Thế Tông. Từ đây nhà Lê chỉ còn là bù nhìn, các đời chúa Trịnh mới là người nắm quyền thực sự ở Đàng Ngoài.
Theo sách sử, cháu nội Lê Anh Tông là Lê Kính Tông xấu hổ mà tự vẫn chết, có nguồn cho rằng là bị Trịnh Tùng ép chết, ở đây tạm thời chưa xét tới.
Lê Duy Phường bị thắt cổ
Năm 1729, dưới tác động của chúa Trịnh Cương, vua Lê Dụ Tông lên làm Thái thượng hoàng, truyền ngôi cho con là Duy Phường.
Tháng 10/1729, chúa Trịnh Cương mất, Trịnh Giang lên thay. Năm 1732, Chúa ép Vua ra ở cung riêng.
Tháng 8/1732, chúa Trịnh Giang cho rằng Lê Duy Phường tư thông với vợ của chúa Trịnh Cương nên phế bỏ, lập con trưởng của vua Dụ Tông là Lê Duy Tường lên thay, hiệu là Thuần Tông.
Đến năm 1735 khi sự việc qua đi chúa Trịnh Giang sai người thắt cổ Lê Duy Phường đến chết, lúc đó mới 27 tuổi.
Nguyên nhân sự bất ổn của nhà Hậu Lê
Nhà Hậu Lê dù kéo dài lâu nhất trong lịch sử, nhưng có những khác biệt cơ bản với nhà Lý và nhà Trần trước đó. Nhà Lý, Trần trọng có nhiều triều Vua trọng Đạo, Đạo giáo, Phật giáo và Nho giáo đều cùng phát triển. Tín ngưỡng khiến cho Xã ắc ổn định, Giang Sơn hùng mạnh, thiên hạ thái bình. Nhà Lý đánh bại liên minh gọng kìm Tống – Chiêm – Khmer. Nhà Trần 3 lần đánh bại đội quân Mông Cổ hùng mạnh thế giới.
Các Vua thời đầu nhà Lý, Trần rất ít cảnh tranh giành ngôi báu, đâm chém lẫn nhau. Thậm chí vào thời nhà Trần, các Thái tử còn muốn nhường ngôi vị vì không muốn làm Vua, chỉ thích tu luyện. Các Vua Trần thấy Thái tử khôn lớn thì liên nhường ngôi cho con để lên ngôi Thượng Hoàng chuyên tâm tu luyện hơn. (Xem thêm: Trần Nhân Tông: Vị minh quân không muốn làm Vua, chỉ muốn tu luyện)
Trong khi đó nhà Hậu Lê trải qua 27 đời Vua nhưng cơ bản là độc tôn Nho học, áp chế Đạo giáo và Phật giáo. Hơn thế nữa, những đời Nho sĩ sau này càng ngày càng kém dần. Thời Lê Trung Hưng, Chúa vượt quyền vua nhưng triều đình hầu như không có ai dám chỉ ra sự bất trung, bất nghĩa đó.
Cũng vì không trọng Phật giáo, Đạo giáo, với Nho giáo thì lại duy trì ở mức “nửa vời”, nên nhiều đời Vua Hậu Lê chỉ lo ăn chơi vô độ, chém giết lẫn nhau, hoặc không có thực quyền.
Vào thời kỳ Lê Trung Hưng, ở vùng đất phương nam, chúa Nguyễn chỉ có trong tay vùng đất Thuận Hoá – Quảng Nam nhỏ bé. Nhưng trải qua 200 năm 8 đời Chúa Nguyễn, lãnh thổ đã kéo dài đến tận vùng cực nam.
Trái với Đàng Ngoài, các chúa Nguyễn đã chiêu hiền đãi sĩ, loại bỏ nịnh thần, dùng người có chí khí, hồng dương Phật Pháp, dùng Phật Pháp giáo hóa muôn dân khiến trăm họ an cư, thịnh vượng, thái bình, đó cũng là nền tảng giúp cuộc nam tiến được thuận lợi.
Sự phát triển lịch sử qua các đời nhà Lý, nhà Trần, nhà Hậu Lê, chúa Nguyễn một lần nữa cho thấy sự khác biệt giữa các triều đại là nằm ở nền tảng niềm tin tín ngưỡng trị quốc. Chỉ có trọng Đạo, có nền tảng tín ngưỡng chân chính, không “nửa vời”, mới có thể giúp quốc thái dân an, trăm họ thái bình.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Điều giúp nhà Trần ba lần đánh bại đội quân mạnh nhất thế giới
- Đại Việt thịnh trị khi Vua là người tu luyện (P1)
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Hậu Lê