Văn Hóa

Tham gia – ngăn cản, kiểm soát

Nửa tháng trước.

“Mẹ ơi. Con ở nhà với mẹ ngoài đưa mẹ đi ăn sáng, nấu hai bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa loanh quanh chỉ mất có một chút thời gian, còn lại cả ngày rảnh rỗi không làm gì, con buồn tay buồn chân quá. Con định đồ thúng xôi, chiều tối đem ra công viên hoặc chợ đêm bán. Chiều chị về, có người ở nhà với mẹ, thì con đi bán được. Con làm vài món xôi Bắc. Xôi xéo, xôi lạc, xôi hạt sen ăn với muối vừng, giò lụa, chả, ruốc (chả lụa, chà bông), gói lá chuối lá sen. Bảo đảm vừa ngon vừa lành, đông khách. Con tự làm giò lụa, làm ruốc luôn cho ngon. Mình làm ngon thì bán đắt khách. Giò lụa, chà bông bán riêng cũng đắt khách, bán qua mạng cũng được. Ban ngày con ở nhà vừa trông mẹ vừa chuẩn bị đồ xôi làm chả các thứ. Tối ra bán đôi tiếng là xong. Vừa hợp lý thời gian vừa có thu nhập, lại đỡ uể oải người.”

Mẹ nghe xong lập tức xụ mặt.

“Thôi thôi. Không bán xôi. Không được đâu. Bán ế lắm. Thôi thôi.”

Mình tụt hứng. Nhưng không bất ngờ. Mẹ sợ mình bán ế. Hồi xưa có thời mẹ cũng buôn bán xôi, cháo lòng.., những bữa ế cả nhà phải ăn tràn bản họng, nên ám ảnh việc ế hàng. Một nguyên do nữa là cũng có chút sĩ diện, mẹ không muốn mình – đứa con mà mẹ nghĩ là giỏi giang, có thể làm đủ việc khác để có địa vị xã hội – lại chường mặt ra đường bán xôi. Hiểu vậy, biết tâm lý của mẹ nên mình cười cười không bàn thêm.

Mấy bữa sau mình nhắc lại. Mẹ vẫn thôi thôi. Rồi bảo.

“Làm chà bông bán qua mạng thôi. Làm cái đó được.”

Mình phì cười. Món đó lâu hư nên không sợ ế đây mà.

Chiều mẹ nên mình chưa thực hiện cái dự định đồ thúng xôi ra chợ đêm bán.

Sáng nay, nắm tay đưa mẹ đi ăn sáng, dọc đường mình thủ thỉ.

“Hôm nay chị ở nhà. Lát nữa con đi hỏi mua lá, dặn thịt. Bảo người ta đem thịt vào sớm. Thịt vừa mổ ra còn nóng, họ giao luôn cho mình thì giã giò mới ngon, ướp rim làm ruốc mới ngọt. Con làm bán loanh quanh ở đây. Nếu được thì gởi về Sài Gòn bán.”

“Thôi thôi. Không làm giò chả. Làm ruốc thôi.”

“Ơ. Sao mẹ chỉ muốn con làm ruốc thôi?”

“Ờ. Mẹ muốn vậy đó. Làm một thứ thôi.”

“Không cực nhọc gì đâu. Con làm nhoằng cái là xong. Đơn giản lắm.”

“Thôi thôi. Làm ruốc thôi. Đừng giò chả gì hết. Mẹ tham gia vậy đó.”

“Ủa. Cái này đâu phải là tham gia mà là ngăn cản đó chớ.”

“Mẹ không có cản, chỉ tham gia thôi.”

“Ấy, mẹ đang lẫn lộn hai khái niệm với nhau. Tham gia là khi con nói muốn đồ xôi làm chả làm ruốc bán thì mẹ sẽ bảo: có vốn chưa, biết nấu biết làm chưa, có đủ dụng cụ chưa, nấu xôi thì nếp, lạc phải ngâm, rang ruốc vầy vầy mới ngon, đi bán thì cần nói năng vầy vầy. Tham gia là giúp cho con thực hiện thành công điều con muốn làm. Còn ngăn cản là bảo thôi thôi đừng làm cái này, không được làm cái kia, không làm cái nọ. Mẹ thấy đó, tham gia và ngăn cản rất khác nhau.”

“Không nhe. Đây chỉ tham gia chứ không cản nhe. Ừ, muốn làm gì thì làm đi.”

Mẹ dằn dỗi. Buông phắt bàn tay đang nắm tay mình. Ngoe nguẩy đi một mình.

Mình cảm nhận một sự hụt hẫng thoáng qua. Trong một khoảnh khắc chớp nhoáng hình ảnh cả cuộc đời mình lướt qua trong mắt. Hơn bốn mươi năm mình luôn nghe theo lời mẹ và chấp nhận kể cả những lúc không phục, chịu đựng sự kiểm soát chặt chẽ đến ngạt thở vẫn không nói đi nói lại. Khoảng hai năm nay, sau cơn bạo bệnh, không còn đủ sức để kiểm soát và do mình thủ thỉ chia sẻ nhiều cộng với việc mẹ chịu nghe giảng pháp thì mẹ mới buông phần lớn việc kiểm soát chặt chẽ mọi người mọi việc mọi thứ.

Sự việc xảy ra cho thấy cơn kiểm soát của mẹ vẫn còn ở đó và trỗi lên khi có dịp. Nó khiến mẹ khó chịu, bực bội và thậm chí sẵn lòng dứt đứt sự kết nối yêu thương. Hành động buông bàn tay và câu nói “muốn làm gì thì làm đi” là thái độ biểu hiện của suy nghĩ trong đầu: “Mày là con mà tao nói không nghe thì tao không cần, không quan tâm, không yêu.”

Mọi điều này hoàn toàn thuộc về vô thức.

Mình cười, chọc.

“Ái chà! Con cái nói lại mình mấy câu cái là mình bèn dỗi kìa. Buông tay luôn hén! Không thèm luôn kìa! Ái chà chà! Sao mẹ?! Hết cơn chưa? Giờ có nắm lại không hay vẫn dỗi?! Ha ha.”

Thấy thái độ giọng nói của mình vẫn tưng tưng bình thản đùa giỡn, nét mặt mẹ giãn ra, cười hi hi, xấu hổ vì bị bắt trúng tim đen.

Ăn sáng xong về nhà, mình đi pha ấm trà, ra mé rạch ngồi ngó nước chảy, gõ bài này. Đương viết thì mẹ kêu, tưởng chuyện gì, mẹ móc túi đưa hai tờ năm trăm.

“Nè. Cho con nè!”

“Á à. Mẹ cho tiền con làm gì? Sao tự nhiên mẹ cho tiền con vậy?”

“Cầm đi! Cho làm vốn!”

Mẹ cười lỏn lẻn.

Đó. “Hối hận”, sửa sai đây mờ. Mình cười, cầm lấy.

“Mẹ cho con vay.”

Mình kể chuyện để qua đó các ba mẹ để ý, nhận diện chính xác thái độ biểu hiện của các trạng thái tâm lý của bản thân và người khác, cũng như của con cháu, để có sự đúng đắn trong việc kết nối, quan tâm.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng có chỉnh sửa dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Góc tự học” tại đây.

Xem thêm:

Nguyễn Thị Bích Ngà

Published by
Nguyễn Thị Bích Ngà

Recent Posts

Chuyến lưu diễn toàn cầu Shen Yun 2025 trở lại với chương trình hoàn toàn mới

Trong thế giới nơi tự do bị hạn chế, đầy tuyệt vọng và bạo lực,…

50 phút ago

Tổng thống Putin: Nga sẽ “tất tay” nếu Ukraine có vũ khí hạt nhân

Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ sử dụng mọi vũ khí có…

1 giờ ago

Hamas tuyên bố sẵn sàng ngừng bắn, Israel vẫn “cứng rắn”

Hamas đã tuyên bố với các nhà trung gian quốc tế rằng họ sẵn sàng…

1 giờ ago

Đồng Nai giữ được hơn 150.000 ha rừng liền mạch

Ngoài Vườn quốc gia Cát Tiên rộng hơn 70.000 ha, Đồng Nai còn ghi dấu…

2 giờ ago

Nghiên cứu: Hấp thụ calo sau 5 giờ chiều có thể gây hại cho cơ thể

Việc tiêu thụ hơn 45% lượng calo hàng ngày sau 5 giờ chiều có thể…

2 giờ ago

Tổng thống Nga Putin: Ông Trump ‘không được an toàn’

Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump…

2 giờ ago