“Hoàng Minh Tổ huấn” nhà Minh và lời căn dặn không nên đánh Đại Việt
- Trần Hưng
- •
Dù Minh Thái Tổ đã soạn “Hoàng Minh Tổ huấn” căn dặn con cháu, nhưng hoàng đế đời sau vẫn không nghe lời đem quân tiến đánh Đại Việt, để lại một vết nhơ hổ thẹn trong lịch sử .
Nhà Minh chèn ép Đại Việt
Vào cuối thời kỳ nhà Trần, triều đình suy yếu, Hồ Quý Ly chuyên quyền, Minh Thái Tổ theo dõi tình hình Đạ Việt nhằm cân nhắc việc tiến quân.
Năm 1377, vua Trần Duệ Tông đưa 12 vạn quân tiến đánh Chiêm Thành, do không nghe lời đại tướng quân Đỗ Lễ nên quân nhà Trần đại bại, vua Trần Duệ Tông cũng bị bỏ mạng tại kinh thành nước Chiêm (Xem bài: Hạ nhục đại tướng quân, vua Trần tử trận giữa thành Đồ Bàn).
Được tin, Minh Thái Tổ có ý tiến đánh Đại Việt. Tuy nhiên thượng hoàng Trần Nghệ Tông đã nhanh chóng lập con trai thứ của Duệ Tông lên ngôi, hiệu là Phế Đế, triều đình nhà Trần lại ổn định.
Biết Minh Thái Tổ có ý đánh Đại Việt, thái sư Lý Thiện Trường can rằng: “Em chết vì nạn nước mà anh lập con của em lên. Xem việc người như vậy, thì có thể biết được mệnh trời”. Minh Thái Tổ nghe theo, chưa vội đánh Đại Việt.
Nhưng sau đó nhà Trần ngày càng suy yếu, Hồ Quý Ly thao túng triều đình, nhưng nhà Minh còn nhiều việc phải đối phó nên không có ý định đánh Đại Việt, mà chỉ hù dọa chèn ép, yêu cầu cống nạp cao:
- Tháng 9 năm 1384, nhà Minh yêu cầu phải cung cấp lương thực cho quân Minh đang ở Vân Nam.
- Tháng 3 năm 1385, yêu cầu Đại Việt phải nộp 20 tăng nhân (nhà sư).
- Tháng 2 năm 1386, nhà Minh lại đòi phải nộp các loại cây ăn quả quý, cấp 50 thớt voi để đánh Chiêm Thành.
- Tháng 6 năm 1395, quân Minh tiến đánh quân phản loạn ở Quảng Tây, yêu cầu Đại Việt phải cung cấp 5 vạn quân, 50 vạn thạch lương, 50 thớt voi . Về yêu cầu này nhà Trần chỉ nộp lương thực, quân Minh yêu cầu phải nộp tiếp tăng nhân, thanh niên và phụ nữ phục vụ chiến trường.
“Hoàng Minh Tổ huấn” căn dặn con cháu đời sau
Năm 1395, thấy sức khỏe của mình suy yếu, biết không còn sống được lâu nữa, Minh Thái Tổ bắt đầu chỉnh sửa “Hoàng Minh Tổ Huấn” nhằm căn dặn các đời hoàng đế nhà Minh sau này.
Năm 1398, Minh Thái Tổ qua đời, trước khi mất yêu cầu con cháu cùng các công thần phải tuân thủ “phép tắc của tổ tông”, nhấn mạnh rằng kẻ nào sửa đổi điều tổ tông đặt ra thì giết không tha.
Trong “Hoàng Minh Tổ Huấn” chép rằng không nên cậy giàu mạnh mà tham chiến công, tiến đánh các quốc gia láng giềng, tập trung việc phòng thủ ở phía bắc:
“Những nước Tứ Di đều núi ngăn biển cách, lánh tại một góc, lấy được đất họ không đủ để cung cấp, thu được dân họ không đủ để sai khiến. Nếu họ không tự biết suy xét mà đến gây nhiễu biên giới thượng quốc thì đấy là điều không may. Nhưng bên ấy không làm hại Trung Quốc mà ta lại dấy binh đi đánh họ thì cũng là điều không may vậy. Trẫm sợ con cháu đời sau cậy vào sự giàu mạnh mà tham chiến công một thời, vô cớ dấy binh dẫn đến tổn hại mạng người, hãy nhớ kĩ là không được làm như vậy! Nhưng người Hồ – Nhung kề biên giới phía tây bắc, liền tiếp lẫn nhau, nhiều đời tranh chiến, thì phải chọn tướng rèn binh, lúc nào cũng nên phòng giữ cẩn thận. Nay đề tên những nước Di không được đánh, xếp đặt ở sau đây:
Phía đông bắc: Nước Triều Tiên.
Phía chính đông lệch bắc: Nước Nhật Bản.
Phía chính nam lệch đông: Nước Đại Lưu Cầu , Nước Tiểu Lưu Cầu (2 nước này thuộc Okinawa).
Phía tây nam: Nước An Nam (tức Đại Việt), Nước Chân Lạp (Campuchia ngày nay), Nước Xiêm La (Thái Lan ngày nay), Nước Chiêm Thành (Việt Nam ngày nay), Nước Tô Môn Đáp Lạt (Sumatra), Nước Tây Dương, Nước Trảo Oa (Indonesia ngày nay), Nước Bồn Hanh, Nước Bạch Hoa, Nước Tam Phật Tề (Srivijaya), Nước Bột Nê (Borneo)”
Nhà Minh xâm lược Đại Việt
Theo “Hoàng Minh Tổ huấn” thì Đại Việt nằm trong danh sách không nên đánh bởi “lấy được đất họ không đủ để cung cấp, thu được dân họ không đủ để sai khiến”. Thế nhưng đến đời Minh Thành Tổ đã không nghe lời căn dặn của cha mình mà đưa quân tiến đánh Đại Việt.
Kết quả quân Minh đánh thắng nhà Hồ, thực hiện chính sách cai trị rất tàn ác. Nhưng nhà Minh chưa bao giờ thực sự chiếm trọn Đại Việt vì các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi, khiến quan quân phải vất vả chống trả.
Quân Minh cai trị Đại Việt luôn không có đủ lương thực bởi sự phản kháng của người dân, lương thực phải chuyển từ nhà Minh sang tập kết ở bến Vân Đồn nhằm chi viện cho quân Minh đàn áp các cuộc khởi nghĩa.
Các cuộc khỡi nghĩa nổ ra khắp nơi, đáng chú ý có cuộc khởi nghĩa của nhà Hậu Trần khiến nhà Minh hao tốn rất nhiều binh tướng và của cải. (Xem loạt bài: Nhà Hậu Trần – P8: Chỉ tiếc không lật ngược được thế cờ)
Cuối cùng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã tạo thành sức mạnh to lớn đánh bại hoàn toàn quân Minh vào năm 1427. Trong hoàn cảnh đó, Đại Việt quyết định tha chết cho 10 vạn quân Minh.
Ngày 22/11/1427 diễn ra hội thề Đông Quan lịch sử. Vương Thông đại diện cho các tướng sĩ quân Minh đọc “bài văn hội thề” thề rằng sẽ ngừng chiến mà rút quân về nước. Việc rút quân về nước sẽ hoàn tất trong vòng 5 tháng, trên đường rút về không thực hiện việc cướp bóc sách nhiễu dân chúng, không tái diễn xâm lược Giao Chỉ.
Kết thúc hội thề quân Minh xấu hổ thề không bao giờ xâm phạm Giao Chỉ. “Tất cả đều tới dinh Bồ Đề lạy tạ mà về. Bọn Phương Chính vừa xúc động vừa hổ thẹn đến rơi nước mắt.” (Đại Việt Sử ký Toàn thư).
“Minh sử kỷ sự bản mạt” chép:
“Vương Thông lực yếu mà phải xin hoà, Liễu Thăng lại sang rồi bị thua chết. Sau đó lại xuống chiếu sai sứ sang giao hảo và rút quân về, nhục nhã thực bằng Tân, Trịnh hội thề dưới chân thành, hổ thẹn ngang với Kính Đường cắt đất giảng hoà vậy”.
Từ đó trở đi nhà Minh không bao giờ còn dám tiến đánh Đại Việt nữa.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Tha chết cho 10 vạn giặc Minh; Người Việt đã từng là một dân tộc “đại nghĩa”
- Truyền kỳ về vị nữ thần y của nghĩa quân Lam Sơn
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Minh khởi nghĩa Lam Sơn nhà Hậu Lê