Đội quân Thiết Đột tinh nhuệ của nghĩa quân Lam Sơn
- Trần Hưng
- •
Lịch sử đã chứng kiến những đội quân lừng lẫy với những trận đánh vang dội như đội quân Bát Lỗ Doanh nổi tiếng của Mông Cổ với trận Dã Hồ Lĩnh, đội quân giáp sắt đen của Tần vương Lý Thế Dân, đội kỵ binh bay bất bại của người Ba Lan… Trong sử Việt thì nổi bật có đội quân Ngũ Yên tinh nhuệ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và đội quân Thiết Đột của nghĩa quân Lam Sơn. Đội quân Thiết Đột đóng vai trò then chốt trong việc đuổi sạch quân Minh, giúp dân tộc tránh khỏi bị đô hộ.
Bắt đầu từ một đội kỵ binh tinh nhuệ
Quân số ban đầu của khởi nghĩa Lam Sơn chỉ có khoảng 2.000 người. Theo “Lam Sơn thực lục”, Lê Lợi đã chú ý xây dựng một đội kỵ binh tinh nhuệ gọi là quân Thiết Kỵ với 200 người.
Chỉ huy đội quân Thiết Kỵ là Thứ thủ Lê Thạch, con người anh cả của Lê Lợi. “Đại Việt thông sử” viết rằng Lê Thạch thường cầm quân tiên phong đánh đâu thắng đó.
Ngoài việc làm quân tiên phong, đội quân Thiết Kỵ của Lê Thạch cũng nhiều lần giúp nghĩa quân Lam Sơn chống cự trước các cuộc tấn công của quân Minh.
Những trận đầu lập công
Năm 1418, nghĩa quân Lam Sơn khởi nghĩa. Khi nghĩa quân mới chỉ thành lập được 7 ngày, quân Minh quyết định tấn công ngay vào căn cứ nhằm tiêu diệt nghĩa quân.
Nghĩa quân rút lui và mai phục ở Lạc Thủy (ở thượng lưu sông Chu, phía trên Lam Sơn). Quân Minh tiến đến đây và bị mai phục. Lê Thạch cùng đội quân Thiết Kỵ đã giúp nghĩa quân tiêu diệt hàng nghìn quân Minh.
Cuốn “Lam Sơn thực lục” ghi chép rằng: “Lê Lợi liền tung phục binh ra đánh và sai con của người anh là Lê Thạch cùng các tướng như Đinh Bồ, Lê Ngân và Lê Lý đem quân xông trước vào trận giặc, chém được đến vài ba ngàn tên, quân trang khí giới bắt được kể có đến hàng ngàn”.
Ngay sau trận thắng ở Lạc Thủy, nghĩa quân di chuyển đến Mường Nanh (phía Tây Thanh Hóa, gần Lam Sơn). Quân Minh đóng ở các điểm bên ngoài tạo thành thế bao vây nghĩa quân.
Lê Lợi cho quân tấn công Mỹ Canh để tránh khỏi bị vây. Trận này Lê Thạch cùng Thiết Kỵ quân lại lập công đầu diệt hàng trăm quân Minh, bắt sống tướng giặc là Nguyễn Sao.
Đẩy lùi quân Minh, bẽ gãy quân Lan Xang
Một trận đánh đáng chú ý khác của Thiết Đột là với quân Lan Xang. Cuối năm 1421, Tham tướng Trần Trí cùng 10 vạn quân Minh từ Đông Quan (tên gọi của thành Thăng Long vào thời đó) tiến đánh nghĩa quân. Đến ải Kính Lộng (thuộc Cẩm Thủy, Thanh Hóa ngày nay) cách đại bản doanh nghĩa quân 50 dặm thì quân Minh đóng quân lại.
Nghĩa quân Lam Sơn quyết định tấn công ngay trong đêm để tiêu diệt bớt quân Minh. Lê Thạch cùng đội quân Thiết Kỵ lập công đầu, cùng nghĩa quân diệt hơn ngàn quân Minh trước khi rút đi.
Ngay sau khi quân của Trần Trí lui đi, quân Lan Xang đưa 3 vạn quân đến, nói là trợ giúp nghĩa quân. Vì quân Lam Sơn từng nhận trợ giúp của Lan Xang nên rất tin tưởng, doanh trại hai bên đóng kề nhau. Đến đêm thì quân Lan Xang bất ngờ tấn công.
Bị đánh bất ngờ, quân Lam Sơn bị thiệt hại nhiều. Trong tình thế lâm nguy, Lê Thạch cùng quân Thiết Kỵ một lần nữa đương đầu với quân Lan Xang, giúp nghĩa quân Lam Sơn kịp thời củng cố đội hình, diệt hơn 1 vạn quân Lan Xang. Số quân Lan Xang còn lại phải rút chạy về nước.
Nghĩa quân Lam Sơn đuổi theo quân Lan Xang suốt 4 ngày liền. Lê Thạch lo ngại quân Lan Xang chờ viện binh, quyết tâm diệt trừ hậu hoạn. Tuy nhiên trong trận thắng cuối, ông bị trúng tên mà tử trận.
Thiết Đột quân cùng những trận đánh oai hùng
Cùng với sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, đội quân tinh nhuệ Thiết Kỵ cũng được bổ sung đông hơn. Ngoài ra, nghĩa quân cũng bổ sung nhiều chủng quân đa dạng hơn. Vì thế Thiết Kỵ quân ban đầu được đổi tên thành Thiết Đột quân với 14 vệ quân khác nhau như: Thiết Đột, Xa Kỵ, Tráng Sĩ, Ngũ Uy, v.v…
Năm 1426, nhà Minh cử Vương Thông đưa thêm 5 vạn quân, hợp với số quân ở Giao Chỉ là 10 vạn.
Tuy nhiên trong trận mai phục ở Tốt Động – Chúc Động, 5 ngàn quân Lam Sơn đã đánh tan 10 vạn quân minh, tiêu diệt 5 vạn quân. Chiến công này có sự đóng ghóp quan trọng của Thiết Đột quân, nó cũng giúp cán cân nghiêng về nghĩa quân Lam Sơn.
Sau trận Tốt Động – Chúc Động, tháng 2/1427, tướng quân Minh là Phương Chính đánh úp quân Lam Sơn ở Từ Liêm. Cũng trong năm này, Vương Thông tiến đánh quân Lam Sơn ở Tây Phù Liệt, quân tại đây bị bao vây hoàn toàn phải xin quân đến cứu.
Lê Lợi cử Đinh Lễ và Nguyễn Xí cùng 500 quân Thiết Đột đến ứng cứu. Quân Thiết Đột dù chỉ có 500 người nhưng vô cùng dũng mãnh, đánh tan quân Minh, Vương Thông phải đưa quân tháo chạy.
Đinh Lễ cùng Nguyễn Xí cưỡi voi đuổi theo sát quân Minh. Tuy nhiên hai tướng hăng hái tiến nhanh khiến hậu quân không theo kịp. Đến My Động, Vương Thông thấy nghĩa quân đuổi theo ít nên cho quân quay lại đánh.
Quân Thiết Đột vô cùng anh dũng chống trả, nhưng do quân bị dàn trải, hy sinh quá nửa, voi của 2 tướng bị sa xuống đầm lầy nên bị bắt. Đinh Lễ thà chết không hàng nên bị giết chết. Nguyễn Xí nhân đêm mưa gió lừa được giặc mà trốn thoát trở về. Lê Lợi gặp được Nguyễn Xí thì mừng rỡ nói “Thực là sống lại” (“Đại Việt thông sử” của Lê Quý Đôn).
Ngoài ra quân Thiết Đột giữ vai trọng quan trọng trong những chiến thắng khác như trận chém đầu Liễu Thăng ở Chi Lăng, vây hãm Vương Thông ở Đông Quan, đuổi Mộc Thạnh ở ải Lê Hoa, v.v…
Xương sống của nghĩa quân Lam Sơn
Sau khi đánh đuổi được quân Minh, Lê Lợi mở đại hội ban thưởng cho các tướng sĩ. “Đại Việt Sử ký Toàn thư” chép rằng: “Tháng 2, định các mức khen thưởng cho những hỏa thủ và quân nhân của quân Thiết Đột có công lao siêng năng khó nhọc ở Lũng Nhai bao gồm 121 người”.
Quân Thiết Đột ở Lũng Nhai ban đầu có 200 người với tên gọi là Thiết Kỵ quân. Chỉ có 121 người được ban thưởng thì có lẽ do số còn lại đã hy sinh.
Với những chiến công oai hùng của mình, Thiết Đột quân chính là xương sống của nghĩa quân Lam Sơn, đưa nghĩa quân đi đến toàn thắng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nghĩa quân Lam Sơn