Trần Văn Bảo là vị Trạng nguyên tâm huyết với việc nước. Trong bối cảnh Vua quan nhà Mạc chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, không chăm lo quốc sách, ông đã nhiều lần dâng sớ can gián, tha thiết mong vua Mạc thay đổi. Cuối cùng khi bất lực trước tình hình triều chính, ông đã từ quan về quê, mở trường dạy học.
Vào thế kỷ 16 ở làng Cổ Chử, trấn Sơn Nam (nay là làng Dứa, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) có vợ chồng ông Trần Công và bà Trần Thị Từ Huệ có tiếng là ăn ở hiền đức. Năm 1524 thì họ sinh được người con trai đặt tên là Trần Văn Bảo. Theo lời bà mụ, cậu bé cất tiếng khóc chào đời không ré lên như những đứa trẻ khác, mà khóc cứ như cười, ánh mắt lộ vẻ thông thái.
Sinh con chẳng được bao lâu thì ông Trần Công mất vì bệnh, bà Huệ phải vất vả kiếm sống nuôi con, gia cảnh từ đấy rất nghèo khó. Đến mùa thu hoạch bà đi cấy lúa thuê kiếm sống. Ngày thường thì bà buôn thúng bán mẹt, tối đến lại mong chờ nước xuống để ra bãi bồi mò cá, bắt cáy, bắt tôm đem bán, gom nhặt từng hào nuôi con.
Một lần bà Huệ trở về nhà thì trời đã tối lại rất rét, lúc này ngoài trời chẳng còn ai, bà nằm trên gò đất ở xã Lạc Đạo rồi mất ở đó. Lập tức mối đùn kín lên thành mộ, đây gọi là ngôi mộ thiên táng.
Sau này gia phả của dòng họ có ghi chép rằng: Về phong thủy, ngôi mộ này trước sinh nhân sau đắc địa (nghĩa là trước sinh người sau phát đạt).
Trần Văn Bảo lớn lên trong sự đùm bọc của xóm giềng. Cậu bé rất ngoan lại siêng năng học tập, vì sáng dạ nên hay đươc thầy khen trước chúng bạn. Nhiều người thích, nhưng có những đứa trẻ nhà giàu có thì không thích.
Một lần Bảo đi đến trường, đám học trò nhà giàu chặn lại nói: “Mày học ít thôi, không chúng tao bị vạ lây, bị thầy mẹ cho ăn đòn là do thua mày đấy!”. Nghe vậy, Trần Văn Bảo đáp lại: “Các cụ nói rằng ‘yêu thì cho vọt, cho roi; ghét thì ban mật, ban đường’ đó thôi! Thầy mẹ các đằng ấy cho đòn là thương yêu đấy!”. Đám trẻ xông tới đánh cậu bé, xé hết sách vở rồi tung hết cả bút nghiên ném lên trời.
Lúc đó đầu tháng chạp, trời mùa đông giá rét nhưng Trần Văn Bảo vẫn lội xuống ngòi để tìm bút nghiên. Lúc đó có người phụ nữ đi ngang, xuống con ngòi kéo cậu bé lên rồi hỏi rõ sự tình. Nghe chuyện người phụ nữ này thương lắm, liền sắm đủ quần áo, bút nghiên, sách vở cho Bảo để học tiếp.
Người phụ nữ này là Lưu Thị Thế người làng Đỗ Xá, từ đó nhận luôn Bảo làm con nuôi của mình, chăm nom như mẹ đẻ.
Trần Văn Bảo học hành ngày càng tấn tới, đến khoa thi năm 1550 đời Mạc Phúc Nguyên, Trần Văn Bảo đỗ đầu tức Trạng nguyên.
Nhà Mạc trọng dụng người tài bổ dụng ông làm quan. Năm 1578, ông được nhà vua thăng chức Thượng thư Bộ hình, năm 1582 làm Thượng thư Bộ lại.
Là một trong những vị quan trụ cột của nhà Mạc, Trần Văn Bảo rất được xem trọng, mẹ nuôi vì thế mà cũng hưởng phúc. Bà Lưu Thị Thế được Vua ban sắc phong, với danh trọng Lưu Thị Thế Tổ.
Là người mẹ hiền đức, cụ Lưu Thị Thế là người tin theo Phật, về già cho khởi công xây dựng chùa Vai, ngôi chùa này vẫn còn đến tận ngày nay.
Làm quan cho nhà Mạc, Trần Văn Bảo đem hết tài năng để phụng sự Triều đình, trung quân ái quốc. Ông nhiều lần dâng sớ lên Vua, đều là những việc lớn vì dân như vấn đề đê điều trị thủy, ngoại giao, bồi dưỡng trọng dụng hiền tài v.v..
Trong thời gian diễn ra cuộc chiến Nam Bắc triều giữa nhà Mạc và nhà Lê, nhà Mạc ở Bắc triều mạnh hơn nhiều. Nhưng đến năm 1580, trụ cột của nhà Mạc là Mạc Kính Điển mất, Mạc Đôn Nhượng được cử làm Phụ chính nhưng không quản giáo được vua Mạc Mậu Hợp, khiến Vua càng lớn càng hư hỏng. Mạc Đôn Nhượng cũng chẳng màng việc Triều chính, nhiều người có tâm huyết gửi tấu sớ lên nhưng không có hồi âm.
Triều đình từ Vua đến quan chỉ lo ăn chơi hưởng lạc, những quốc sách trước vốn làm rất tốt thì nay bị lãng quên. Nhiều quan đại thần trong Triều liên tiếp dâng sớ tâu lên mong Vua chăm lo chuyện chính sự nhưng Mạc Mậu Hợp không hề thay đổi.
Nhận rõ cứ theo đà này thì nhà Mạc sẽ sụp đổ, Trần Văn Bảo dâng sớ từ chức lên Vua, chỉ rõ sự suy đồi của nhà Mạc. Bản sớ có đoạn:
“…Những tờ sớ của các vị đình thần trước sau đã tâu bày, đều nói thẳng những sự sai lầm, có thể như những liều thuốc hay, rất đáng cứu xét để tu tỉnh.
Bệ hạ tuy đã ban chỉ dụ khen ngợi, mà vẫn chưa thấy mở rộng lượng theo lời can gián, như bệ hạ dạy rằng: lời này có thể làm theo, mà sao vẫn chưa thấy thi hành thực sự; như việc nọ đã qua bàn luận rất nên châm chước thi hành, mà sao vẫn không thi hành; như văn bản kia lưu ở trong cung, rất nên truyền ra, mà sao vẫn chưa phát ra…
Không biết đó có phải là do ý định của bệ hạ mà tạo ra tình trạng đó hay là hoặc có kẻ làm mờ ám thông minh, lừa dối bệ hạ chăng?
Những việc như thế, rất trái với đường lối trị nước. Cho nên thể thống triều đình, ngày càng rối loạn, những lời công luận, ngày càng bế tắc.
Kính mong bệ hạ, sợ oai trời, sửa đức mình, ban sắc lệnh cho phụ chính ứng vương phải hết sức tu tỉnh, giúp việc triều đình, để tâm vào việc giữ yên hoàng gia, nằm gai nếm mật, lấy việc diệt quốc thù làm trách nhiệm của mình.
Lại cần đòi hỏi các vị đại thần, tin dùng những lời can gián trung thực; cải cách các điều lỗi, sắp đặt hết mọi việc. Như vậy là nhân sự đã hoàn thiện, thì thiên ý tự khắc vãn hồi, và thiên hạ quốc gia sẽ ngày một thịnh vượng thái bình. Nếu không thì thời kỳ bại vong khó tránh được.
Hạ thần không xứng chức, tự hạch xin miễn chức, và tới trước cửa khuyết để đợi tội, hoặc biếm hoặc truất, kính theo mệnh của bệ hạ.”
Đọc xong bản sớ Mạc Mậu Hợp không đồng ý cho Trần Văn Bảo từ chức, nhưng Vua cũng không hề có thay đổi gì.
Năm 1582, Mạc Mậu Hợp cho xây điện Giảng Học. Đặt tên như thế nhưng thực chất điện này là nơi hội họp yến tiệc chơi bời. Một buổi tối ngôi điện này bị hỏa hoạn cháy rụi, tiêu tốn rất nhiều quốc khố và công sức của dân.
Nhân sự kiện này Trần Văn Bảo lại dâng sớ nhắc nhở Vua:
“… Nay bệ hạ mới ngự ngôi điện mới dựng, đáng lẽ là lúc bắt đầu ban bố chính sự và giáo hoá, thế mà lại tới đấy để thoả vui yến tiệc, không có đề phòng, đến nỗi ngôi điện bị cháy, việc này không thể đổ cả cho trời được, đó chính là bởi nhân sự xui lên vậy….
Kính mong bệ hạ, kính sợ lời răn của trời, nghĩ tới vương đạo, đừng cho lời nói của hạ thần là viển vông. Đến như sự sửa sang lại kinh thành, trù hoạch quy củ, dự định dựng ngôi điện, để bệ hạ tới ngự, cũng là một cơ hội trung hưng thứ nhất… “
Mạc Mậu Hợp đọc bản sớ khen rất hay rồi nói “trẫm đang suy nghĩ” rồi lại vẫn y như cũ mà không hề có thay đổi gì. Trần Văn Bảo lại xin từ chức nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không chấp nhận.
Năm 1586, Trần Văn Bảo xin tu sửa trường Quốc học, định lại lễ nhạc thể hiện sự tôn sư trọng đạo, mở rộng và khuyến học, nhưng Mạc Mậu Hợp vẫn không theo.
Thấy mình làm quan chẳng giúp gì được cho dân, năm 1686 ông trả lại ấn tín, từ quan đến ở làng Phù Tải, huyện Bình Lục (nay thuộc xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), mở trường dạy học.
Sau nhà Lê Trung Hưng có mời ông ra làm quan, nhưng “tôi trung không thờ hai chủ”, ông từ chối.
Năm 1610, Trần Văn Bảo mất, thọ 87 tuổi. Dân làng Phù Tải tôn ông làm Đương Cảnh Phúc Thần, mộ và đền thờ ông ở làng Phù Tải rất khang trang.
Con cả của ông là Trần Đình Huyên đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1586, làm quan đến chức Công khoa Đô cấp sự (giám sát công việc của Bộ công). Con Thứ là Trần Văn Thịnh làm quan đến Thượng thư. Con út là Trần Ngọc Lâm làm đến Tri huyện.
Đến thời vua Tự Đức nhà Nguyễn, làng Cổ Chử quê ông mới lập đền thờ Trạng nguyên Trần Văn Bảo với đôi câu đối:
Phụ tử Trạng nguyên Tiến sĩ
Cổ kim thiên lý nhân tâm
Nghĩa là: Cha con đều đỗ Trạng nguyên và Tiến sĩ, xưa nay lẽ trời vẫn xem lòng người.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…