Mạc Thái Tông: Một vị minh quân và 10 năm thịnh trị
- Trần Hưng
- •
Đại Việt vào cuối thời Lê Sơ thì xảy ra họa cát cứ loạn lạc, sau đó lại bước vào thời kỳ Nam Bắc triều với cảnh chiến loạn liên miên, thế nhưng giữa hai thời kỳ ấy lại có được 10 năm thịnh trị nhờ vào Mạc Thái Tông, một vị Vua được xem là minh quân thời nhà Mạc.
Mạc Thái Tông lên ngôi
Cuối thời Lê Sơ, các tôn thất nhà Lê lập cát cứ tranh giành ngôi Vua, đất nước loạn lạc. Nhà Lê phải dựa vào Mạc Đăng Dung chinh chiến khắp nơi để đánh dẹp mới giữ được Hoàng vị.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc, hiệu là Mạc Thái Tổ. Nhưng đất nước vẫn chưa được yên khi có nhiều lực lượng nổi dậy, đâu đâu cũng có cướp.
Năm 1530, vua Mạc Thái Tổ nhường ngôi cho con, lui về Cổ Trai. Thái tử Mạc Đăng Doanh lên nối ngôi, hiệu là Mạc Thái Tông.
Về lý do Mạc Thái Tổ nhường ngôi cho con, Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép: “Tháng 12 năm Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), Đăng Dung thấy nhân tâm trong nước chưa yên, bèn truyền ngôi cho con là Đăng Doanh, rồi tự xưng là Thái thượng hoàng, ra ở điện Tường Quan… Đăng Dung về Cổ Trai ở, là để trấn vững nơi căn bản và làm ngoại viên cho Đăng Doanh, nhưng vẫn định đoạt các việc quốc gia trọng đại”.
Giai đoạn thịnh trị ngắn ngủi
Mạc Thái Tông lên ngôi trong cảnh lòng người ly tán, đám giặc cướp nổi lên khắp nơi. Để đề phòng cướp, người dân ra đường đều mang theo vũ khí, vì thế mà cướp lẫn vào dân không sao phân biệt được.
Nhà Vua đã cất quân trấn áp các nơi, đồng thời nghiêm cấm dân chúng mang vũ khí ra đường. Điều này giúp quân Triều đình trấn áp được trộm cướp. Lê Quý Đôn viết rằng: “Đăng Doanh thấy trong nước còn nhiều trộm cướp, bèn ra lệnh cấm nhân dân các xứ, không được mang gươm giáo, dao nhọn và các đồ binh khí đi ngoài đường. Nếu kẻ nào trái lệnh, cho pháp ty bắt trị tội. Từ đấy, những người đi buôn bán chỉ đi tay không, không phải đem khí giới tự vệ. Trong khoảng mấy năm, trộm cướp biệt tăm, súc vật chăn nuôi, tối đến không phải dồn vào chuồng, cứ mỗi tháng một lần kiểm điểm thôi. ”
Từ khi Mạc Thái Tông lên ngôi, mùa màng cũng thuận hòa. Lê Quý Đôn chép: “Mấy năm liền được mùa, nhân dân bốn trấn đều được yên ổn.”
Đại Việt Sử ký Toàn thư thì chép rằng: “Ban đêm không còn trộm cướp, trâu bò thả chăn không phải đem về, chỉ cần mỗi tháng xem lại một lần, có khi sinh đẻ cũng không biết được là gia súc nhà mình. Trong khoảng vài năm, người đi đường không nhặt của rơi, cổng ngoài không phải đóng, được mùa liên tiếp, trong cõi tạm yên.”
Mạc Thái Tông chú trọng các kỳ thi khoa bảng nhằm chọn bậc hiền tài phụng sự Giang Sơn Xã Tắc, cứ 3 năm thì tổ chức khoa thi một lần. Các Trạng nguyên thời này đều là những bậc hiền tài giúp nhà Mạc thịnh trị như Trạng nguyên Nguyễn Thiến (khoa thi năm 1532), Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (khoa thi năm 1535), Trạng nguyên Giáp Hải (khoa thi năm 1538).
Đặc biệt Nguyễn Bỉnh Khiêm là người đoán việc như thần, suốt 9 khoa thi thời nhà Lê ông đều không tham dự vì biết nhà Lê đã vào giao đoạn suy vong, có thi đậu ra làm quan cũng không giúp được gì. Đến khi Mạc Thái Tổ lên ngôi Vua, qua 2 kỳ thi thời nhà Mạc ông cũng không tham gia. Phải đến thời Mạc Thái Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra thi và đỗ ngay Trạng nguyên khi đã 45 tuổi. Đây gọi là tôi hiền chọn Chúa.
Mạc Thái Tông cũng khuyến học nhằm có được nhiều hiền tài, năm 1537 Vua đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám làm lễ Thích điện, tế Chu Công, Khổng Tử và Tứ phối.
Đánh giá về vua Mạc Thái Tông
Năm 1540 Mạc Thái Tông qua đời. Vua mất, con trưởng là Mạc Phúc Hải lên ngôi nhưng còn rất nhỏ, vì thế mà quyền thần thao túng Triều đình. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã cố gắng để kiềm chế đám lộng thần hại dân hại nước. Trong một nỗ lực cuối cùng, ông dâng sớ xin trị tội 18 kẻ lộng thần, nhưng Vua nhỏ bị đám quyền thần khống chế đã không chấp nhận.
Biết không thể làm gì hơn, năm 1542 Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về quê.
10 năm ở ngôi Vua, Mạc Thái Tông giúp Đại Việt có một giai đoạn thịnh trị ngắn ngủi sau thời kỳ chiến loạn thời Lê Sơ.
Đánh giá về vua Mạc Thái Tông, các nhà sử học sau này, dù không ủng hộ nhà Mạc, cũng phải ghi nhận đây là thời kỳ thịnh vượng, quốc thái dân an.
Nhà sử học Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” đã viết rằng: “Mạc Đăng Doanh tính khoan hậu giản dị. Ông giữ pháp độ, cấm hà khắc tàn bạo, ít việc tạp dịch, nhẹ thuế khóa. Bấy giờ được mùa, nhà no, người đủ, trong nước gọi thời ấy là trị bình.”
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Mạc minh quân