Chuyện Trời và người cùng cảnh tỉnh nhà Mạc
- Trần Hưng
- •
Cuối thời Lê Sơ, các tôn thất nhà Lê lập cát cứ tranh giành ngôi Vua, đất nước loạn lạc. Nhà Lê phải dựa vào Mạc Đăng Dung chinh chiến khắp nơi để đánh dẹp mới giữ được Hoàng vị. Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê lập ra nhà Mạc, hiệu là Mạc Thái Tổ. Nhưng đất nước vẫn chưa được yên khi có nhiều lực lượng nổi dậy, đâu đâu cũng có cướp.
10 năm thịnh trị dưới thời Mạc Thái Tông
Sau 3 năm ở ngôi, năm 1530, Mạc Thái Tổ nhường ngôi cho con, lui về Cổ Trai.
Lên ngôi trong cảnh giặc dã khắp nơi, lòng người ly tán, Mạc Thái Tông thể hiện là một vị minh quân trị quốc, nhờ đó lòng người ổn định, giặc dã cũng không còn.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhân tài lớn nhưng suốt 11 khoa thi trước đó đều không muốn ra thi. Đến thời Mạc Thái Tông, ông mới chịu ra thi và đỗ ngay Trạng Nguyên, từ đó có được cơ hội tốt phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.
Tuy nhiên nhà Mạc cũng chỉ thịnh trị được 10 năm dưới thời Mạc Thái Tông. Sau khi Mạc Thái Tông mất thì nhà Mạc hoàn toàn suy sụp. Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ xin trị tội các lộng thần không được, biết nhà Mạc sẽ suy nên cáo quan về quê ở ẩn.
Trời và người cùng cảnh tỉnh
Nhà Mạc mục nát dần, đến khi Mạc Mậu Hợp lên ngôi thì Mạc Kính Điển (con thứ 3 của vua Mạc Thái Tông) giữ chức Phụ chính, phải cố gắng chèo chống, không chỉ cố giữ ổn định lòng người mà còn chống lại quân Nam Triều của nhà Lê – Trịnh.
Trong khi đó vua Mạc Mậu Hợp chỉ lo ăn chơi, tửu sắc, không để ý gì đến việc nước. Một số quan lại có tâm dâng tấu sớ khuyên can Vua nhưng vô dụng.
Một Triều đại để mất lòng dân, trước khi suy sụp thường có cảnh báo. Năm 1578, Mạc Mậu Hợp bị sét đánh. Sách sử chép như sau: “Năm Sùng Khánh thứ 13 (1578), sét đánh vào cung ông thành ra bán thân bất toại, mới đổi niên hiệu” (Lịch triều hiến chương loại chí). Nhiều người cho rằng đây là điềm trời phạt, nhưng Vua cũng chẳng có gì thay đổi so với trước đó.
Các nhân sĩ có tâm huyết muốn góp sức giúp Giang Sơn Xã Tắc, nhưng trước một Triều đình suy sụp thì chán nản. Chẳng hạn quan Thái bảo Giáp Trưng từng nói với Mạc Mậu Hợp: “Tri túc bất nhục” (Biết đủ thì không nhục). Tuy nhiên Vua không nghe theo. Khi Giáp Trưng từ quan về quê thì Vua liền cố giữ lại. Giáp Trưng lại tâu rằng: “Tiên Hoàng thường xử: Niên túi tiện quy” nghĩa là đủ tuổi thì về, khiến Vua không thể giữ được.
Năm 1580, trụ cột chèo chống Triều đình là Mạc Kính Điển mất, từ đó quan lại chỉ lo đục khoét làm giàu cho bản thân. Chú của Vua là Mạc Đôn Nhượng giữ chức Phụ chính giúp Vua nhưng cũng chẳng màng việc Triều chính.
Năm 1581, Mạc Mậu Hợp lại bị chứng nhìn không rõ, nhưng Vua cũng chẳng có thay đổi gì, sau khi chữa hết bệnh lại lo ăn chơi, khiến Triều đình ngày càng be bét.
Năm 1582, Mạc Mậu Hợp cho xây điện Giảng Học. Đặt tên như thế nhưng thực chất điện này là nơi hội họp yến tiệc chơi bời. Một buổi tối ngôi điện này bị hỏa hoạn cháy rụi, tiêu tốn rất nhiều quốc khố và công sức của dân.
Những việc như sét đánh, mắt mờ, cung điện bị hỏa hoạn có thể nói là lời nhắc nhở của Trời. Mà trong suốt thời gian này các trung thần cũng dâng tấu lên Vua. Nhưng tất cả đều không thay đổi được Mạc Mậu Hợp.
Nhà Mạc suy bại
Bấy giờ lão tướng Nguyễn Quyện có 2 người con gái, con gái đầu trở thành Hoàng hậu của Mạc Mậu Hợp, con gái thứ là Nguyễn Thị Niên là vợ của tướng quân Bùi Văn Khuê.
Năm 1592, Nguyễn Thị Niên vào cung thăm chị, Mạc Mậu Hợp thấy em vợ rất đẹp liền giữ lại luôn ở trong cung, rồi dự tính triệu Bùi Văn Khuê vào cung để giết đi nhằm cướp vợ.
Nguyễn Thị Niên bị giữ lại trong cung, lo lắng bèn tìm cách để người hầu cận đi báo cho chồng biết. Bùi Văn Khuê biết chuyện liền đưa quân trấn giữ vùng Gia Viễn. Mạc Mậu Hợp mấy lần mời Bùi Văn Khuê vào cung nhưng ông không tuân lệnh. Mạc Mâu Hợp bèn cho quân đến hỏi tội.
Bùi Văn Khuê vừa chống đỡ vừa sai con đến gặp Trịnh Tùng xin hàng và mong được cứu. Trịnh Tùng nhân đó đưa quân Nam Triều tấn công, liên tiếp 10 tướng nhà Mạc vì bất mãn mà đầu hàng Nam Triều.
Trịnh Tùng đưa quân tiến vào Kinh thành Thăng Long, dẫn đến việc nhà Mạc bỏ trốn. Quân Trịnh tấn công công truy kích, Mạc Mậu Hợp phải giả làm sư trốn trong chùa Mô Khuê ở hạt Phượng Nhãn. Dân chúng biết được đi báo, Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị khép vào tội chết.
Quân Nam Triều chiếm được Thăng Long, Hoàng thân quốc thích nhà Mạc phải đổi họ bỏ trốn, tàn quân nhà Mạc phải chạy đến tận Cao Bằng.
Nhà Mạc khởi đầu từ khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, việc cướp ngôi này khiến lòng người không phục. Nhà Mạc lại không lo chuyện Triều chính, vua Mạc Mậu Hợp chỉ lo ăn chơi hưởng thụ, dù có điềm báo cũng không tỉnh ngộ, dẫn đến kết cục thảm bại.
Trần Hưng
Xem thêm:
- Chân dung người đánh bại nhà Mạc, khôi phục nhà Lê
- Các đời chúa Nguyễn mở rộng lãnh thổ – P1: Đánh Chiêm Thành
Mời xem video:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà Mạc