Văn Hóa

Trạng nguyên Vũ Duệ cùng lứa học trò trung quân ái quốc

Trạng nguyên Vũ Duệ là tấm gương sáng về hiếu học và tấm lòng trung quân ái quốc, học trò của ông nhiều người là trụ cột triều đình. Ông được nhà Lê gia phong đứng tên trong bảng vàng 13 Danh thần Tiết nghĩa, được phong làm Thượng đẳng phúc thần và dựng đền thờ “Tiết Nghĩa từ” tại quê nhà, dân chúng đời đời tế lễ.

Cổng đền thờ Trạng nguyên Vũ Duệ. (Ảnh: Lichsuvietnam.edu.vn)

Từ đứa trẻ cõng em học lỏm đến Trạng nguyên

Sinh ra trong gia cảnh nghèo khó, Vũ Duệ vốn tên là Vũ Nghĩa Chi. Khi còn nhỏ tuổi cậu hàng ngày phải trông em và nấu cơm cho bố mẹ đi làm, nhưng vì ham học nên thường cõng em đứng ngoài lớp học lỏm.

Lâu dần thầy giáo phát hiện ra liền thử xem chữ nghĩa biết đến đâu thì bất ngờ phát hiện Nghĩa Chi còn giỏi hơn trò trong lớp, liền nhận vào lớp học. Thầy cũng đổi tên cho ông thành Vũ Công Duệ với hàm ý thông minh tài trí.

Đến năm 7 tuổi thì Vũ Nghĩa Chi đã nổi tiếng là “thất tuế thần đồng”.

Khi thi Hương, Vũ Công Duệ đỗ đầu tức Giải nguyên. Năm Hồng Đức thứ 21 (1490), dưới thời vua Lê Thánh Tông, Vũ Duệ đỗ trạng nguyên khi mới 22 tuổi. Vua Lê Thánh Tông lại cho Vũ Công Duệ đổi tên thành Vũ Duệ.

Sau thời gian làm quan, Trạng nguyên Vũ Duệ về quê nhà ở làng Trình Xá, phủ Sơn Vi, trấn Sơn Tây (tỉnh Phú Thọ ngày nay) dạy học. Nghe tiếng, học trò quanh vùng theo học rất đông.

Trong 28 năm dạy học, rất nhiều học trò của ông đỗ đạt, nhưng nổi tiếng nhất là 3 học trò cùng trấn Sơn Tây với ông là Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc, tiến sĩ Nguyễn Như Thức, tiến sĩ Nguyễn Trọng Đạt.

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc chết cùng nhà Lê

Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc được sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, nhiều người đỗ đạt khoa bảng. Cha ông là tiến sĩ Nguyễn Doãn Cung và làm quan đồng triều với thầy mình là Trạng nguyên Vũ Duệ.

Vì cùng làm quan nên Nguyễn Doãn Cung hiểu tài năng và phẩm chất của Vũ Duệ. Khi Vũ Duệ về quê mở lớp thì Doãn Cung đưa ngay con trai của mình là Nguyễn Mẫn Đốc đến bái sư xin học.

Được sự dìu dắt của thầy, chẳng mấy chốc Nguyễn Mẫn Đốc đã nức tiếng một vùng.

Tương truyền con đường từ làng Xuân Lũng của Nguyễn Mẫn Đốc đến nhà thầy ở làng Trình Xá dài đến 10 cây số. Có hôm ông mượn thầy cuốn “bắc sử” rồi về nhà đọc. Trên đường về nhà ông vừa đi vừa đọc, đến giữa đường thì hiểu cuốn sách rồi, bèn quyết định quay lại trả thầy để mượn cuốn khác. Thầy hỏi nội dung cuốn sách ông đều trả lời được.

Khoa thi năm 1518 thời vua Lê Chiêu Tông, Nguyễn Mẫn Đốc đỗ cao thứ hai tức Bảng nhãn, được cử làm Thượng thư bộ Lại. Ông làm quan đồng triều cùng với thầy, cha và anh mình.

Theo “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, năm 1522 Mạc Đăng Dung soán quyền phế truất vua Chiêu Tông. Vũ Duệ cùng học trò Nguyễn Mẫn Đốc không theo Mạc Đăng Dung mà trung thành với nhà Lê. Hai thầy trò thống suất hương binh phò tá vua Chiêu Tông chạy đến Thanh Hóa nhằm tập hợp lực lượng. Nhưng ở Thanh Hóa Trịnh Tuy không giúp còn bức Vua rời đi khiến hai thầy trò mất dấu không tìm được Vua.

Biết việc chẳng lành, hai thấy trò cùng những người trung thành với nhà Lê đến bái lăng tẩm nhà Lê ở Lam Sơn rồi tự vẫn.

Trọng thần Nguyễn Như Thức và Nguyễn Trọng Đạt

Nguyễn Như Thức và Nguyễn Trọng Đạt đều theo học với Trạng nguyên Vũ Duệ từ nhỏ. Riêng Nguyễn Trọng Đạt nhà ở xa tận Sơn Tây, nên thường phải ở nhà thầy để theo học, thầy Vũ Duệ cũng thương yêu kèm cặp rất chu đáo.

Cả hai trò cùng dự khoa thi năm 1499 thời vua Lê Hiến Tông. Sau khi vượt qua kỳ thi Hương và thi Hội, cả hai bước vào kỳ thi cuối cùng là thi Đình.

Sau khi thi xong cả hai trở về chia sẻ về bài thi Văn sách của mình. Thầy Vũ Duệ nói bài của Nguyễn Như Thức làm có tính sáng tạo, dựa vào sử cũ đối đáp tinh thâm, đồng thời dự đoán bài thi của học trò nếu cao nhất thì đỗ đến Thám hoa.

Nguyễn Như Thức về quê nhà ở làng Mạc, xã Cao Xá chờ kết quả. Khi được hỏi thì ông nói thầy cho rằng bài thi cao nhất thì đỗ được Thám hoa. Dân làng Mạc mừng rỡ nói từ nay làng mình có Thám hoa. Sau khi có kết quả thì cả Nguyễn Như Thức và Nguyễn Trọng Đạt đều đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên làng Mạc đã quen gọi Thám hoa rồi nên cứ gọi Nguyễn Như Thức là Thám hoa.

Nguyễn Như Thức và Nguyễn Trọng Đạt đều làm quan thanh liêm, giữ được phẩm hạnh của nhà Nho, đảm nhiệm những vị trí trọng yếu và được triều thần nể trọng.

*

Trạng nguyên Vũ Duệ đào tạo nên lứa học trò trung quân ái quốc, hết lòng phò giúp nhà Lê. Tổng đốc Sơn Tây Vũ Hiển Văn từng viết đôi câu đối ví ông với Văn Thiên Tường:

Bắc quốc Văn Thừa tướng,
Nam triều Vũ Trạng nguyên.

“Văn thừa tướng” là chỉ Văn Thiên Tường thời Nam Tông, đỗ Trạng nguyên trong hoàn cảnh nhà Tống sắp sụp đổ trước cuộc tấn công của đại quân Mông Cổ. Ông được cử làm Thừa tướng. Sau đó dù bị bắt và dụ dỗ theo Mông Cổ nhưng ông cương quyết từ chối. Đến khi nhà Tống bị diệt, nhiều người Tống đã theo Mông Cổ nhưng Văn Thiên Tường thà chết trung thành với nhà Tống, thể hiện chí khí kiên cường, tấm gương lưu lại ngàn thu.

Trạng nguyên Vũ Duệ cùng học trò Nguyễn Mẫn Đốc cũng trung với nhà Lê đến cùng, vì thế mà ông được ví là Văn Thiên Tường của nhà Lê.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video:

Trần Hưng

Published by
Trần Hưng

Recent Posts

Hàng loạt bộ trưởng Hàn Quốc muốn từ chức tập thể

Hầu như tất cả bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Han Duck-soo muốn…

1 giờ ago

Nghị sĩ Mỹ: Ông Musk đã đúng về lãng phí ngân sách quốc phòng

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã lên tiếng chỉ trích cách chi tiêu quốc phòng…

1 giờ ago

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc từ chức

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun đứng ra nhận trách nhiệm vụ thiết…

2 giờ ago

Cáp ngầm Bắc Âu liên tục bị phá hoại,  NATO triển khai tập trận quy mô lớn

Sau khi Nga và Ukraine khai chiến, xuất hiện nghi ngờ sự cố về tuyến…

4 giờ ago

Quảng Châu: Người dân biểu tình phản đối chính quyền thu phí ra vào làng

Khuya ngày 1/12, tại làng Đại Đôn ở Tp. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung…

5 giờ ago

Hà Nội tính cho thuê vỉa hè 123 tuyến phố, giá 20.000-40.000 đồng/m2/tháng

Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra 6 tiêu chí cho thuê vỉa hè để…

6 giờ ago