Cho dù ngày càng bất đồng sâu sắc về nhiều thứ trong quá trình nhìn nhận thế giới và tìm kiếm hình dạng mới cho giáo dục, phần lớn các nhà giáo dục trên thế giới đều đồng ý rằng trải nghiệm của trẻ em hiện nay, nhất là trải nghiệm về cuộc sống ngoài trường học đang trở nên ngày một nghèo đi và đơn điệu. Tôi đã từng viết một bài báo có tựa đề “Gà bốn chân Nhật và gà công nghiệp Việt” phân tích về thực trạng thiếu trải nghiệm phong phú này ở cả Việt Nam và Nhật Bản.
So với các thế hệ trước, các thế hệ trẻ em, thanh niên hiện nay rất khác vì môi trường sống, học tập, sinh hoạt của họ đã khác xa các thế hệ trước.
Nếu như thế hệ thanh niên thế hệ 8X như tôi trở về trước sinh ra ở nông thôn còn được chăn trâu, tắm sông, chạy nhảy bắt châu chấu, bắt chuột, bắt cá, bắn chim… ở ngoài đồng thì các thế hệ sau từ 9X, 10X trở đi cho dù sinh ra ở nông thôn cũng không có những trải nghiệm đó nữa. Một phần đồng ruộng bị biến thành khu công nghiệp, sông ngòi bị ô nhiễm, các động vật sống ngoài tự nhiên biến mất, phần khác các em đã bị trường học lấy đi phần lớn thời gian trong ngày, trong tuần, việc học tập để phục vụ thi cử ở trường, ở trung tâm luyện thi, lớp học thêm… đã chiếm phần lớn thời gian của các em. Bố mẹ các em thì chỉ nghĩ đơn giản rằng học nhiều, học chăm, học giỏi, điểm cao thi đỗ là tốt, là có tương lai. Bởi vậy, không gian sinh hoạt, không gian đặt bản thân mình vào và hoạt động của các em chỉ giới hạn ở trong gia đình và trường học. Tức là trong bốn bức tường chật hẹp với những thành viên không mấy khi thay đổi.
Ngay cả trong không gian gia đình trải nghiệm của trẻ cũng bị thu hẹp và đơn điệu hóa. Trước kia việc trẻ tham gia vào các hoạt động sản xuất cùng gia đình như làm việc nhà, chế tạo đồ thủ công, làm việc đồng áng như băm rau, chăn trâu, cắt cỏ thậm chí cày, bừa, cấy, gặt… là rất phổ biến và bình thường. Trẻ em ở các gia đình có nghề công thương thì gia công, lắp ráp, giao hàng, bán hàng cùng cha mẹ. Cha mẹ trong nhiều gia đình cho con làm việc này chưa chắc đã có ý thức coi nó là hoạt động giáo dục mà thuần túy chỉ là muốn con đỡ việc cho mình, để cải thiện kinh tế gia đình nhưng thông qua các hoạt động đó, trẻ em cũng học hỏi và “xã hội hóa” cá nhân khá tốt.
Tuy nhiên tình hình hiện nay thì sao? Từ thành phố tới nông thôn, từ gia đình khá giả tới nghèo khó đều ưu tiên tất cả, hi sinh tất cả cho con học. Trẻ chỉ cần cắp sách tới trường và ngồi vào bàn học là được. Không phải làm việc gì, không cần phải giúp đỡ cha mẹ. Thậm chí ở nhiều gia đình ngay cả những việc tự lập tối thiểu của các em như gấp chăn màn, quần áo, chuẩn bị đồ dùng tới trường cũng do cha mẹ làm cả… Tệ hơn, nhiều trẻ em đã học tới lớp 4, 5 thậm chí trung học phổ thông vẫn phải có người gọi dậy, thúc giục ăn uống, đi học…
Ở trường học cũng vậy, các hoạt động chỉ gói gọn và tập trung vào những gì phục vụ thi cử, những gì không trực tiếp hữu ích cho thi cử đều dễ dàng bị loại bỏ. Các hoạt động khác có tính nghi lễ, sự kiện chỉ được tổ chức để làm truyền thông, mang tính chất thời vụ trong chốc lát và thiếu sự cân nhắc tới giáo dục. Các trường tư ít nhiều còn năng động đôi chút trong các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ hay trải nghiệm ở bên ngoài nhờ vào kinh phí đóng góp từ phụ huynh. Ở các trường công, đặc biệt là trường công ở khu vực nông thôn mọi việc sẽ trở nên khó khăn hơn. Trường học Việt Nam trong suốt khoảng nửa thế kỉ qua đã được thiết kế với tư duy lạc hậu cho nên không gian vật lý của trường rất chật hẹp, phần không gian đáng kể nhất trong trường là các lớp học và sân trường. Sân trường thường lại được phủ bê tông để phục vụ các hoạt động có tính chất nghi thức, ở đó trong các sự kiện có tính chất nghi lễ học sinh ngồi nghe là chính. Trường học rất thiếu các không gian khác để học sinh trải nghiệm, học tập toàn diện như: sân vận động, nhà thi đấu đa năng, bể bơi, vườn cây, hồ nước, xưởng thủ công, các phòng thí nghiệm… Nếu các bạn biết rằng ở Nhật từ vài chục năm trước các trường tiểu học đều có bể bơi thì hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên vô cùng khi thấy ở Việt Nam cho đến nay các trường tiểu học hầu như không có bể bơi trừ một vài trường tư ở các các thành phố lớn. Lý luận giáo dục ở Việt Nam cũng không chú trọng hay nhận ra vai trò của việc tiến hành các hoạt động giáo dục ở không gian ngoài trường lớp theo kiểu liên không gian nên phần lớn hoạt động học tập của học sinh diễn ra thuần túy trong lớp học với sách, vở, bút, bản đồ, tranh ảnh. Hiếm khi giáo viên cho học sinh tiến hành điều tra điền đã, quan sát thực tế, trải nghiệm cuộc sống để học các bài học trong sách giáo khoa hoặc các chủ đề do giáo viên tự thiết kế. Ngay trong không gian trường học, nhà trường cũng không có vườn trường, khu vực chuồng trại nuôi động vật, hồ ao, xưởng thủ công, phòng thí nghiệm… để học sinh học và tác nghiệp. Thư viện trường học tuy có trên danh nghĩa nhưng gần như “chết lâm sàng”, trở thành kho đựng sách cũ. Hầu như giáo viên phổ thông Việt Nam không có thói quen dạy học gắn bó với thư viện như vừa dạy vừa kết hợp cho học sinh tra cứu ở thư viện để phát hiện, giải quyết vấn đề… Tất cả chỉ xoay quanh sách giáo khoa, sách tham khảo và đề cương giáo viên đưa cho học sinh. Hoạt động đọc sâu, đọc rộng, tìm tòi, khám phá không có cơ hội để phát triển.
Thiếu trải nghiệm phong phú sẽ làm cho cá nhân khó có thể có được nền tảng hiểu biết cơ bản để có khả năng suy xét toàn diện, khách quan và khám phá ra các giá trị ở bản thân mình.
Để khắc phục, trong bối cảnh Việt Nam hiện tại, nhất là đối với các bạn trẻ sinh ra và lớn lên trong các gia đình có điều kiện kinh tế hạn chế, cần phải tận dụng tối đa mọi không gian, mọi cơ hội, mọi phương tiện sẵn có, có thể có để trải nghiệm và học hỏi.
Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ đặt mua sách
Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:
Mời xem video:
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…
Bệnh tiểu đường có thể gây ra rất nhiều tác hại đối với cơ thể,…
Trước tình hình căng thẳng, Hungary đang lên kế hoạch triển khai hệ thống phòng…
Chuẩn Đô đốc Thomas Buchanan tuyên bố rằng Mỹ sẵn sàng sử dụng vũ khí…
Putin: Nếu Mỹ muốn chiến thì Nga cũng phải theo, và tên lửa bắn vào…
HĐGSNN vừa công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm…