Nguyễn Hữu Đạo là bậc danh y kỳ tài chữa bệnh cho gia đình của nhà Vua, nhưng cả đời ông trị bệnh cứu người không nhận tiền. Ông để lại 2 bộ sách y thuật, nhưng cao quý hơn hết chính là cuộc đời và tấm gương y đức của ông.
Nguyễn Hữu Đạo sống vào thời Lê Trung Hưng, là người làng Đống thuộc xã Cổ Nhuế, gần Kinh thành Thăng Long. Từ nhỏ ông học rất giỏi, một khi đọc sách là đọc say mê không cách nào dứt ra được.
Khi sắp đến kỳ thi Hương, Hữu Đạo đang say mê đọc sách thì được tin mẹ bị ốm nặng. Vì đang say mê đọc, Hữu Đạo không để ý, cho rằng mẹ chỉ bị ốm như bình thường. Kết quả Hữu Đạo thi đỗ kỳ thi Hương nhưng trở về nhà thì mẹ đã mất.
Nguyễn Hữu Đạo vô cùng đau xót, cảm thấy con đường hoạn lộ khoa bảng công danh bỗng trở nên vô nghĩa, ân hận vì không ở bên mẹ lúc ốm nặng. Vì vậy ông quyết định từ bỏ con đường khoa cử mà chỉ chuyên nghiên cứu y thuật cứu người.
Dần dần Nguyễn Hữu Đạo bốc thuốc chữa được bệnh cho dân chúng quanh vùng. Ông chữa bệnh không lấy tiền, nhất là với người nghèo. Ông chữa bệnh là vì cứu người, nên dường như trí huệ càng khai mở, khiến ông trị bệnh mát tay nổi tiếng khắp vùng.
Bấy giờ, vợ của quan Tổng trấn Sơn Tây bị bệnh nặng, các thầy thuốc có tiếng quanh vùng đã đến nhưng vẫn không sao chữa được. Nghe tiếng Nguyễn Hữu Đạo, quan Tổng trấn liền cho mời đến. Nhờ đoán đúng bệnh mà sau vài thang thuốc, Hữu Đạo đã đẩy lùi cơn bệnh.
Nguyễn Hữu Đạo chữa khỏi bệnh nhưng không nhận bất kỳ lễ vật nào và nói rằng trước nay vẫn vậy, khiến quan Tổng trấn vô cùng áy náy, nhớ mãi trong lòng và tìm cách trả ơn.
Một lần nọ vua Lê Hiển Tông bị bệnh, các Thái y bốc thuốc mà bệnh vẫn không hết, vị quan tổng trấn không bỏ qua cơ hội giới thiệu Nguyễn Hữu Đạo. Vua liền cho gọi Nguyễn Hữu Đạo vào cung. Ông chữa khỏi bệnh, được Vua phòng làm Thượng ngự y trong Thái y viện, ở trong cung chữa bệnh cho Hoàng thân quốc thích.
Lúc này ở ở Đàng Trong quyền thần Trương Phúc Loan thao túng Triều đình, vơ vét quốc khố khiến dân chúng ca thán, Đàng Trong suy sụp. Nhân cơ hội này chúa Trịnh cử Hoàng Ngũ Phúc đưa quân nam tiến đánh Đàng Trong, binh lính gặp lam chướng, do không quen khí hậu nên bị ốm rất nhiều. Nguyễn Hữu Đạo xin được vào nam chữa bệnh cho binh lính, học thêm được các bài thuốc chữa bệnh từ cây thuốc phương nam. Nhờ lập công chữa bệnh cho binh sĩ, ông được phong làm “Tướng sĩ thứ lang y học huấn khoa phủ Trường Khánh”.
Nguyễn Hữu Đạo làm việc tại Thái y viện đến lúc già thì xin nghỉ hưu. Về quê nhà ông lại chuyên tâm bốc thuốc chữa bệnh cứu dân nghèo mà không lấy tiền. Trong cung mỗi khi có ca bệnh khó lại đưa xe ngựa mời ông đến chữa trị.
Một lần vua Hiển Tông tiện đường kinh lý đã ghé thăm ông. Thấy ông là danh y chữa khỏi bao nhiêu bệnh trong hoàng cung mà cuộc sống rất thanh bần thì ái ngại hỏi: “Khanh làm quan mà liêm khiết như thế thì con cháu sống làm sao được?”. Hữu Đạo đáp: “Thần có ruộng, con cháu cày cấy đủ ăn. Thần muốn để đức lại cho con cháu đời sau chứ không ham để của”.
Sau khi trở về Vua lệnh cho người đến dựng cho ông ngôi nhà lớn bằng gạch Bát Tràng, có 36 cột gỗ dâu đen.
Vào những năm cuối đời, Nguyễn Hữu Đạo vẫn chữa bệnh cho dân chúng mà không nhận tiền. Ông cũng hướng dẫn cho dân biết dược tính của từng loại cây để sau này ông mất thì dân vẫn biết cách tự chữa bệnh.
Sau khi ông mất, ngôi nhà ông ở trở thành nhà thờ ông. Trải qua thời gian lâu dài cộng với chiến tranh đã làm ngôi nhà bị sập. Con cháu dựng lại nhà thờ nhỏ hơn trên nền đất cũ gọi là “Thái y miếu”.
Nguyễn Hữu Đạo để lại 2 tập sách cho nền y học nước nhà là “Mạch học” và “Y lý tinh ngôn về lâm sàng bệnh học”, nhưng di sản cao quý nhất để lại chính là cuộc đời và tấm gương y đức của ông.
Ngày nay “Thái y miếu” vẫn còn lưu giữ nhiều câu đối, sắc phong và bài thơ mừng tặng Nguyễn Hữu Đạo. Đặc biệt có bài thơ của vua Lê Hiển Tông tặng ông khi xây xong ngôi nhà mới cho ông:
Âm Hán Việt:
Xa tiền, sở trí lục mao nghề
Thục đoán sinh ca tiểu lộng đề
Đại phụ xuân thâm hoa tan tịch
Tiền hồ phong tống nguyện đông tê
Giang Sơn thắng khí quy long nhân
Châu khổn nhàn du sách mã đề
Nhật tử thiên môn hồi có hậu
Hương phiêu quế phụ ảnh cao đê
Tạm dịch:
Xa tiền đưa đón vui trẻ già
Nhạc sáo theo sau rộn tiếng ca
Tuổi cao sức yếu cần thuốc bổ
Tiền hồ hiệu nghiệm tựa xuân về
Non nước nơi đây phong cảnh đẹp
Thong thả nhàn vui tìm mã đề
Vị thuốc thiên môn lòng ưu ái
Quốc phụ hương thơm ngát lẫy lừng.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Y học cổ truyền Trung Hoa thường nói rằng “nuôi thận là nuôi dưỡng sự…
Một vụ nổ xảy ra tại khu dân cư ở Tân Châu (tỉnh Sơn Đông,…
Bà Sara Duterte, hiện là Phó Tổng thống, từng dọa giết Tổng thống đương nhiệm…
Các chuyên gia cho rằng, không gian sống xanh như công viên, rừng và đồng…
Lượng mưa tại đỉnh Bạch Mã (tỉnh Thừa Thiên Huế) trong vòng 48 giờ qua…
Phó Tổng thống Kamala Harris đã giữ thái độ kín tiếng kể từ khi thua…