Đã bao lâu rồi mình chưa nghe một câu vọng cổ ở Sài Gòn, cái nôi của nghệ thuật cải lương? Tôi đã tự hỏi như thế khi bất chợt nghe thấy giọng ca Lệ Thủy ngọt ngào chân chất vang lên trong một trưa hè đứng nắng giữa bạt ngàn xanh miệt vườn Nam bộ. “Hỡi cô đi bán đèn hồng, đèn hồng cô bán má hồng cô bán không… Đèn hồng đã có người mua, má hồng thì đã nắng mưa phai rồi…”
Có lẽ không ở đâu mà một loại hình nghệ thuật lại có sức sống bền bỉ, gắn bó sâu đậm và được người dân yêu thích như cải lương ở Nam bộ. Ra đời mới khoảng gần 100 năm nhưng cải lương đã trở thành “máu thịt” của người Nam bộ, vượt qua những năm kháng chiến chống Pháp bị coi là “ướt át ủy mị”, vượt qua thời gian dài chia cắt Bắc – Nam, ngay ở miền Bắc ngoài Đoàn Cải lương Nam bộ tập kết còn có hàng chục đoàn “cải lương bắc”ở các tỉnh, vượt qua thời kỳ sau 75 khó khăn cùng cực mà sân khấu cải lương vẫn có những vở diễn trở thành kinh điển… Nhưng cho đến hôm nay thì nhiều người vô Sài Gòn, về miền Tây đã phải hỏi thăm “sân khấu cải lương Nam bộ đâu rồi? Còn không?”
Ừ nhỉ, từ bao giờ sân khấu cải lương thành phố không còn nhộn nhịp sáng đèn? Những “thánh đường” của Cải lương Sài Gòn đâu rồi? Rạp Aristo hay còn gọi là Trung ương Hý Viện, rạp Hưng Đạo, Olimpic, các rạp Nguyễn Văn Hảo, Thanh Bình, Hưng Đạo, Quốc Thanh, Khải Hoàn, Thành Xương, Hào Huê, Cao Đồng Hưng, Thủ Đô, Huỳnh Long, Quốc Thái, Cây Gõ… bây giờ đã biến thành gì? Các đoàn cải lương nổi tiếng như Kim Chung, gánh hát Nam Phi của bầu Năm Phỉ, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu. Đoàn cải lương Kim Thanh-Út Trà Ôn, đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, các đoàn Sài Gòn 1,2,3, Hương Mùa Thu, cải lương tuồng cổ Huỳnh Long… còn ai nhớ đến…?
Thế hệ nghệ nhân “khai sáng” sân khấu cải lương như các nghệ sĩ Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Út Trà Ôn… đã không còn nữa, “thế hệ vàng” của các nghệ sĩ Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Thanh Sang, Minh Vương, Mỹ Châu… cũng đã từ biệt sân khấu, lớp nghệ sĩ kế tiếp cũng bị mai một: người ra nước ngoài định cư, người ở lại chuyển sang tấu hài diễn kịch đóng phim lập gia đình bỏ nghề… Có ai nhớ được tên một nghệ sĩ cải lương nào thuộc thế hệ thứ tư không…?
Vậy nhưng cuộc thi “Bông lúa vàng” của Đài tiếng nói nhân dân TPHCM vẫn thu hút hàng ngàn lượt thí sinh tham gia, đủ lứa tuổi đủ nghề nghiệp, sống ở thành phố hay ở “tỉnh” vẫn say mê thuộc nằm lòng nhiều bài bản cổ… Vậy nhưng những chương trình ca cổ theo yêu cầu vẫn luôn nhận được hàng ngàn lời đề nghị, lời nhắn gửi… của người yêu gửi cho người yêu, của con gửi tặng ba má, của bạn gửi cho bạn, của trò gửi tặng thầy… Người Nam bộ vẫn yêu cải lương và coi nó như cách tỏ bày tình cảm một cách chân thành và thoải mái nhất. Trong các quán karaoke, “hát với nhau” không bao giờ thiếu những bài ca tân cổ giao duyên – một sự “cải biên” để thích nghi với đời sống thị thành hồi thập niên 1970 của cải lương. Và người Sài Gòn, người miền Tây luôn sẵn sàng ca một, hai câu vọng cổ khi bạn bè yêu cầu. Dù là karaoke nhưng khi hạ giọng “xuống xề” người ca vẫn nhận được những tràng pháo tay giòn giã của bạn bè. Chèo ở miền Bắc, hát bài chòi hay hát bội ở miền Trung có lẽ phải “ghen tỵ” với cải lương về hiện tượng này!
Gần đây Đờn ca Tài tử Nam bộ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa Phi vật thể của thế giới. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được công nhận khi chúng đã và đang có nguy cơ biến mất, biến dạng bởi những làn điệu lời ca mộc mạc chân chất không còn chỗ trong quay cuồng đời sống hiện đại, bởi con người không có sự hiểu biết đầy đủ để quý trọng và gìn giữ nó. Khi đó di sản văn hóa mới được vội vã “bảo tồn”. Một ngày nào đó có thể Cải lương cũng được vinh danh như thế… Lẽ nào sẽ có một Sài Gòn, Nam bộ không còn cải lương?
Miệt vườn vẫn lướt qua xanh ngát ngoài kia, nắng đứng bóng tiếng gà trưa vẫn eo óc ngoài kia, giọng ca Lệ Thủy vẫn ngọt ngào quyến rũ nhưng bản vọng cổ trưa bỗng buồn như tiếng thở dài…
Tạp bút, Nguyễn Thị Hậu
In trong cuốn “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”
TS. Nguyễn Thị Hậu là tác giả được yêu mến của nhiều cuốn sách về Sài Gòn như “Sài Gòn bao giờ cũng thế”, “Nghĩ ngợi đường xa”, “Cách nhau chỉ có một giấc mơ”, v.v.. Mời bạn đọc tham khảo thêm tại đây.
Facebook tác giả: Hậu Kc Nguyễn
Xem thêm cùng tác giả:
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…
Ba vị đồ đệ trong Tây Du Ký có pháp danh lần lượt là Tôn…
Các sợi lông lỏng lẻo trên bề mặt vải có thể dễ dàng được loại…
Tổng thống đắc cử Donald Trump trong quá trình tranh cử đã nhiều lần chỉ…
Ông Matt Gaetz hôm thứ Năm (21/11) đã tuyên bố rằng ông sẽ rút lui…
Có hơn 1.000 cây guitar acoustic và guitar điện không có chữ ký của ông…