Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
Tiếp nối kỳ II, sau khi Dante tới thăm U Minh, nơi quy tụ của những con người nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, ông được Virgil dẫn lối tới tầng thứ 2 của Địa ngục là Nhục dục. Có thể nói, Địa ngục thực sự bắt đầu từ tầng thứ 2, bởi vì trước khi bước vào đây, Dante được chứng kiến Minos, vị vua xứ Crete, con của thần Zeus và Europa:
Từ tầng một xuống tầng hai,
Không gian hẹp dần, nhưng nỗi đau càng lớn!
Càng nhiều hơn tiếng rền rĩ khóc than!
Minốt đứng đó, nghiến răng khủng khiếp,
Khảo tội từng người mới tới,
Phán xét, rồi đuổi đi, theo số vòng roi xoay tít!
Xin nói rõ: khi một linh hồn khốn khổ,
Đến trình diện và cung khai tất cả,
Thì vị chuyên gia về tội trạng
Cân nhắc chỗ giam thích đáng,
Xoay roi mấy vòng,
Để chỉ định số tầng Địa ngục!
Trong thần thoại Hy Lạp, sau khi chết đi, nhà vua Minos trở thành kẻ phán xét linh hồn người chết tại Địa ngục. Nhân vật Minos mang khá nhiều điểm tương đồng với Diêm vương trong tín ngưỡng phương Đông, cả hai đều đóng vai trò như một vị quan tòa có thể phân rõ tội trạng của những linh hồn tới Địa ngục.
Minos tỏ vẻ ngạc nhiên về việc Dante có mặt tại Địa ngục và thốt lên: “Ô, sao ngươi cũng tới đây, nhà khách thập phương đau khổ?”. Ông ta thậm chí đã sững sờ đến nỗi quên cả phận sự phán xét linh hồn của mình. Lúc này, Virgil lên tiếng nói với Minos rằng sự có mặt của Dante là do đấng “quyền uy” quyết định và khuyên Minos không cần phải gặng hỏi làm gì.
Trong khi Minos và Virgil đối thoại, Dante bắt đầu hướng sự chú ý tới những tiếng rền rĩ khóc than bên trong những luồng gió ngược chiều:
Bây giờ tôi mới nhận thấy mọi cảnh khổ đau,
Tôi đã tới và đã được nghe,
Muôn vàn tiếng khóc than ùa tới!
Nơi đây, mọi ánh sáng đều tắt ngấm,
Chỉ nghe tiếng gầm rít như biển đang bão tố,
Giằng xé nhau những luồng gió ngược chiều!
Trận cuồng phong như không bao giờ dứt!
Cuốn các âm hồn theo cơn điên của nó,
Bị vần xoay, bị va đập, bị quấy rầy!
Những cơn cuồng phong đó cuốn các linh hồn lên không như những “đàn sếu” dài dằng dặc, khiến cho họ bị giày vò không chút nghỉ ngơi. Thấy cảnh tượng đau lòng đó, Dante đã hỏi thầy Virgil lý do, và nhận được lời hồi đáp:
Người đầu tiên trong số người con muốn biết,
Bây giờ Thầy tôi cất tiếng – Là một nữ hoàng,
Xưa từng cai trị nhiều bộ tộc.
Bà ta là người quỷ quyệt,
Đã biến thói dâm ô thành luật pháp,
Mong thoát khỏi mọi lời đàm tiếu.
Đó là Xêmiramít mà người ta biết được,
Là hoàng hậu kế vị Ninô,
Cai quản đô thành mà quốc vương từng cai trị.
Kế đến là người phụ nữ đã vì tình mà tự sát,
Phản lại nắm xương tàn của chồng cũ Xikêô,
Rồi Cờlêôpát, nữ hoàng dâm đãng,
Còn kia là Elêna, vì nàng,
Đã nổ ra cả một thời thê thảm,
Kia là Akinlê vĩ đại, cuối cùng đã chiến đấu với Tînh yêu!
Người thấy Parítxơ, Tơrítxtanô và hơn nghìn người khác
Thầy kể tên và lấy tay chỉ trỏ,
Những linh hồn mà Ái tình đã loại khỏi trần gian!
Lúc này Dante mới vỡ lẽ, rằng tầng thứ 2 của Địa ngục là nơi giam giữ những linh hồn từng bị chi phối bởi dục vọng. Những kẻ đã phạm tội lỗi đó sẽ bị cuồng phong vĩnh hằng giày vò đến thảm thương. Những trận cuồng phong không dứt này tượng trưng cho sự ham muốn mất kiểm soát, đã lôi kéo người ta khỏi con đường ngay thẳng.
Xem thêm: Kỳ I – Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Vậy tội lỗi nhục dục đó là gì? Hãy cùng điểm qua một số người mà Dante nhắc tới:
Như vậy theo Thần khúc của Dante thì người ta phạm phải tội lỗi nhục dục khi không làm chủ nổi mình mà làm điều sai trái, hoặc phản bội vợ/chồng, hay lôi kéo người khác phản bội vợ/chồng, hay thậm chí là cả việc phản bội người vợ/chồng đã khuất. Có thể nói, những tiêu chuẩn đạo đức được đề cập tới tại phương Tây cũng khá tương đồng với văn hóa truyền thống phương Đông thời xưa.
Xem thêm: Kỳ II – Ẩn đố tại U Minh
Thật ra hôn nhân trong văn hóa truyền thống của nhân loại không chỉ giản đơn là một sự ước hẹn lứa đôi mà còn là lời thệ ước với chư Thần. Tại phương Tây, người ta làm lễ thành hôn tại nhà thờ với ẩn ý rằng sự kết hợp đó được Chúa trời chứng giám. Tại phương Đông, trong tam bái thì bái thứ nhất chính là bái thiên địa, hàm nghĩa rằng hôn nhân là một lời thề trước Trời đất. Chính vì thế, trong tín ngưỡng truyền thống, việc người ta phản bội lời thệ ước đó được coi là một tội lỗi nghiêm trọng, và những kẻ đồng lõa hay xúi giục cũng không tránh khỏi bị phán xét.
Ngoài những người nói trên, Dante còn dành riêng một đoạn thơ để nàng Francesca kể về câu chuyện giữa nàng và Paolo. Theo đó, Francesca đã được gả cho Giovanni Malatesta vì mục đích hàn gắn mâu thuẫn giữa hai dòng họ. Tuy nhiên, Francesca lại yêu em trai của Giovanni là Paolo, một người đã có vợ. Francesca kể rằng nàng và Paolo đã bị ảnh hưởng bởi câu chuyện ngoại tình giữa Lancelot và Guinevere mà gây ra tội lỗi:
Một hôm cùng đọc truyện Lansialốttô,
Biết ái tình đã chiếm đoạt ra sao chàng tuổi trẻ,
Chỉ có hai chúng tôi và không có gì đáng ngại…
Nhiều lần cuốn truyện khiến chúng tôi ngước lên,
Mắt trong mắt, và cả hai cùng tái mặt!
Chỉ một điểm thôi: cả hai cùng khuất phục!
Đọc đến chỗ khoé miệng cười ham muốn
Nhận được nụ hôn của người tình yêu quý,
Từ đó không bao giờ chàng xa lìa tôi nữa!
Cái miệng hôn tôi, cực kỳ run rẩy,
Galêốttô là cuốn sách và ai đã viết ra,
Từ ngày ấy chúng tôi không dám đọc gì thêm!
Francesca đã bình luận về cuốn truyện “Lancelot du Lac” nguyên văn tiếng Ý là “Galeotto fu ‘l libro e chi lo scrisse”. Từ Galeotto có nghĩa là kẻ xúi giục, mang hàm nghĩa rằng, đó là một cuốn sách khiến người ta bị hãm vào dục vọng.
Như vậy là thông qua Thần khúc, Dante đã không chỉ lên án những kẻ không biết giữ lấy mình, mà còn lên án cả những cuốn sách tình cảm “lãng mạn” đã hủy hoại tiêu chuẩn đạo đức của con người ta một cách không tự biết. Điều đó thật sự còn đúng cho đến thời điểm hiện tại, khi mà sách báo và phim ảnh tràn đầy những cảnh chăn gối, khơi gợi dục vọng, làm cho người xem vô tình hạ thấp thước đo đạo đức của bản thân.
Chỉ vì “Lancelot du Lac” mà rơi vào tội lỗi nặng nề, cả Francesca và Paolo đều hối hận đến khôn tả:
Trong lúc người này kể,
Người kia nức nở khóc hoài!
Còn nhà thơ Dante, cảm thương cho số phận của những kẻ không thể vượt qua nhục dục, đã quặn lòng ngã quỵ xuống, kết thúc Khúc thứ V trong Thần khúc, đóng lại những đau thương ở tầng Nhục dục:
Còn tôi, lòng quặn đau muốn chết,
Ngã quỵ xuống như một thây ma
(Còn tiếp)
Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.
Quang Minh
Xem thêm:
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mike Rounds đại diện tiểu bang Nam Dakota đã…
Bộ Tài chính Mỹ cho biết họ đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới…
Với mức thu từ 18.000-20.000 đồng/tháng, số tiền thu hộ, chi hộ "nước uống của…
Tổng thống Ukraine Zelensky đã thừa nhận rằng Kiev không có khả năng thực hiện…
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…