Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante – Kỳ II: Hỏa ngục – Ẩn đố tại U Minh
- Quang Minh
- •
Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
Tiếp nối kỳ I, sau khi Dante nhìn thấy những linh hồn thảm thương nhất không được địa ngục hay thiên đàng đón nhận, ông cùng thầy Virgil dừng chân bên bờ sông Acheron, nơi họ phải vượt sông trước khi tiến vào Hỏa ngục (Địa ngục). Tại đây, họ gặp người lái đò Charon, nhân vật huyền thoại trong Thần thoại Hy Lạp, là người duy nhất phụ trách việc đón đưa những linh hồn vào chốn Địa ngục.
Charon không muốn chở Dante qua sông vì Dante vẫn là người còn trên dương thế. Người lái đò tìm cớ thoái thác:
Hãy tìm đường khác, tìm bến khác,
Cũng mé sông này, nhưng không phải nơi đây,
Hai người cần đò nhẹ để sang sông
Tuy nhiên, nhà thơ Virgil đã giúp Dante bằng cách nói với Charon rằng: “Vuolsi così colà dove si puote”. Đây đã trở thành một câu nói rất nổi tiếng trong tiếng Ý, mang hàm nghĩa là việc Dante tới thăm Địa ngục là ý chí của bậc phi phàm, là ý chỉ của Thần linh. Chính vì vậy, lão Charon đã đồng ý cho Dante được qua sông.
Đáng tiếc là hành trình vượt con sông Acheron ngăn cách Địa ngục và thế gian đã không được Dante kể lại do ông bất ngờ bị ngất khi đang trò chuyện với Virgil ở trên đò:
Thầy vừa dứt lời thì cánh đồng đen tối,
Bỗng rung lên dữ dội,
Toàn thân tôi ướt đẫm mồ hôi!
Mặt đất liền đùng đùng nổi gió,
Một chớp đỏ rạch ngang trời,
Khiến tôi không còn cảm giác,
Đổ sụp xuống như người mê ngủ
Dante tỉnh dậy và thấy rằng mình đã qua khỏi sông Acheron, và Virgil dẫn đường cho ông tiến vào Địa ngục tầng thứ nhất: U Minh, nơi chính Virgil đang cư ngụ. Đây là nơi sinh sống của những người ngoại đạo chưa được rửa tội, tuy họ gìn giữ được đức hạnh của mình nhưng chưa tin theo Chúa trời.
Chính vì không có tín ngưỡng, nên những người ngoại đạo phải sống tại đây, trong một lâu đài có bảy cửa, tượng trưng cho bảy đức hạnh. Mặc dù họ không phải chịu đựng hình phạt nào, nhưng họ cũng không được nhìn thấy sự diệu kỳ của thế giới Thần tiên.
Xem thêm Kỳ I: Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục!
Tuy nhiên, màn hỏi đáp tiếp theo của Dante và Virgil lại là một ẩn đố khác. Dante hỏi:
Tôi hỏi thêm vì muốn được yên lòng,
Về Đức Tin đã thắng mọi sai lầm.
“Thế không một ai được thoát khỏi nơi đây,
Vì công tích, vì người khác, hay vì được ban phúc?”
Và Virgil trả lời:
Thầy hiểu ngay những lời tôi kín đáo,
Và trả lời: “Cõi này ta đã tới, cũng chưa lâu,
Ta đã thấy đến đây một bậc kỳ vĩ,
Vòng hào quang chói lọi quanh đầu!
Ngài đã đưa khỏi bóng đêm anh hồn thủy tổ,
Anh hồn của con trai Aben và cả Nôê,
Của Môixê, vị luật gia hiếu thuận.
Cụ Abờraham, trưởng lão và vua Đavít,
Và Ítxraen, cha của ông cùng các con,
Cả nàng Rakenlê mà Ngài ưu ái.
Nhiều người khác cũng được Ngài ban phước,
Ta muốn con hiểu rằng trước họ,
Chưa hề một ai từng được gia ân”.
Khi đọc những dòng thơ này, chúng ta có thể sẽ cảm thấy thắc mắc, tại sao Dante lại hỏi những lời đó? Chẳng phải những kẻ ngoại đạo, không tin theo Kitô giáo thì không được phép nhìn thấy thế giới Thần linh sao? Câu trả lời của Virgil về những “ngoại lệ” lại càng làm người ta khó hiểu.
Thực ra, trong tín ngưỡng của phương Đông lẫn phương Tây, luôn có một dạng người được gọi là “không tu Đạo mà đã ở trong Đạo”, có nghĩa là mặc dù họ không có tín ngưỡng, nhưng vì luôn sống không vụ lợi, luôn vì người khác, luôn giữ vững tâm của mình, nên cuối đời họ vẫn “thành Đạo”. Hơn nữa, phương Tây không chỉ có mình Kitô giáo, mà còn rất nhiều tín ngưỡng Thần linh khác, đều tin vào một đấng tối cao là Chúa trời. Chính vì thế, Dante mới hỏi lại Virgil một cách nghi ngờ. Và Virgil đã nói với Dante rằng ông thấy Noah, Moses, Abraham, David, và Rachel, và một số người khác nữa đã được một vị Thần dẫn lên Thiên đường.
Thật ra, người đi theo tôn giáo thì chưa chắc đã được lên thiên đường, người không vào tôn giáo thì chưa hẳn là sẽ xuống địa ngục. Nói cho cùng, tôn giáo chỉ là tôn giáo, là một hình thức bề ngoài của tín ngưỡng. Tín ngưỡng chính là niềm tin vào Thần, niềm tin vào những giá trị mà Thần truyền cho con người, chính là đạo đức, niềm hy vọng, sự vị tha, tấm lòng bao dung không ích kỷ. Những con người đức độ, những bậc thánh nhân, dù không tuân theo tôn giáo, nhưng chính là đã hành xử tuân theo các giá trị “Thần truyền”. Vậy thì tất nhiên họ cũng xứng được Thần linh dẫn lối. Người coi tôn giáo như một lớp vỏ bọc bảo vệ những thói xấu của bản thân thì không thể được coi là một “tín đồ” đích thực. Đó chính là lời giải cho ẩn đố tại U Minh.
Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ XI: Bí ẩn dự ngôn về cái chết ở chốn thiên đường
Quay lại chuyến du hành tại tầng U Minh, Dante đã được gặp những nhà thơ cổ vĩ đại, đó là Homer, Horace, Ovid, và Lucan. Cùng với Virgil, họ là những bậc thầy thi ca trong lịch sử.
Dante đã vinh dự được họ công nhận, trở thành người thứ 6 trong nhóm.
Trước mắt tôi một tao đàn tuyệt mỹ,
Vị chúa tể với bài ca bất tử,
Như phượng hoàng bay lượn trên cao.
Họ trò chuyện cùng nhau giây lát,
Rồi quay về phía tôi làm dấu hiệu cúi chào,
Và Thầy tôi mỉm cười sung sướng.
Họ ban cho tôi một vinh dự lớn lao:
Được đứng trong Tao đàn của họ,
Làm người thứ sáu trong đám hiền giả đó
Sáu người cùng nhau đi tiếp, và Dante đã chứng kiến các nhân vật quen thuộc trong cuộc chiến thành Troy như Electra, Hector, Aeneas, chứng kiến Julius Caesar trong bộ chiến phục, chứng kiến nữ hoàng Camilla và Penthesilea của rừng Amazon, chứng kiến Saladin thống lãnh quân đội Hồi giáo.
Dante cũng có cơ hội được gặp những nhà triết học nổi tiếng như Aristotle, Socrates và Plato, cũng như Democritus, Anaxagoras, Thales, Empedocles, và Heraclitus, v.v., những nhà hình học là Euclid và Ptolemy, những thầy thuốc như Hippocrates và Galen, v.v.
Có thể nói, U Minh là nơi quy tụ của những con người nổi tiếng trong lịch sử nhân loại.
Hết U Minh, Dante được Virgil dẫn lối đi tới tầng thứ 2 của Địa ngục…
Nhà hiền triết dẫn đường đưa tôi theo hướng khác,
Ra khỏi chốn lặng yên, nơi không khí không xao động,
Đến một nơi không còn ánh sáng…
(Còn tiếp)
Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.
Quang Minh
Từ khóa vũ trụ địa ngục Dante Thần khúc nghệ thuật Phục Hưng thiên đường