Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante – Kỳ I: Thảm thương nhất là những kẻ phải ở ngoài địa ngục
- Quang Minh
- •
Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
Xem thêm: Vũ trụ trong “Thần Khúc” của Dante – Lời tựa
Thần Khúc bắt đầu bằng cảnh Dante bị lạc trong một khu rừng tăm tối khi ông đã đi được nửa quãng đường đời, cũng mang nghĩa ẩn dụ là ông đã bị sa vào những toan tính và dục vọng ở nơi trần thế:
Đến nửa đường đời,
Tôi thấy mình lạc trong rừng tối:
Lạc mất đường chính đạo!
Ôi, nói sao cho hết bao điều cay đắng,
Rừng hoang vu, hiểm trở, trập trùng…
Dante cảm thấy mình như một người kiệt sức vừa mới thoát lên bờ từ biển cả mênh mông. Tuy nhiên ông đã tìm được hy vọng với một “tình yêu thần thánh”:
Đó là lúc bình minh vừa rạng
Mặt trời lên giữa các vì sao,
Và tình yêu thần thánh.
Khơi dậy bao điều tốt đẹp,
Như cho lòng tôi hy vọng
Dường như Dante đang nói tới Beatrice, người con gái mà ông chỉ gặp có hai lần, một lần khi cả ông và nàng còn nhỏ, và lần còn lại là 9 năm sau, khi Beatrice đang đi trên một con đường của Florence. Nàng nhận ra Dante và quay qua chào ông. Chỉ hai lần gặp mặt ngắn ngủi nhưng Dante đã nảy sinh một “tình yêu thần thánh” với Beatrice, một tình yêu mà ông không thể diễn tả bằng lời. Một tình yêu không giống với tình yêu trần tục nào khác…
Trong những khổ đầu của một tác phẩm khác là “La Vita Nuova”, Dante đã mô tả lại một giấc mơ trong đó ông gặp Chúa trời, Ngài đang bồng Beatrice đang ngủ và nói chuyện với ông, khai thị cho ông. Chính vì thế, tình yêu của Dante với nàng Beatrice là một sự ngưỡng mộ, tình yêu những điều thánh thiện, chứ không phải là tình cảm bình thường giữa hai người khác giới.
Tuy nhiên, 8 năm sau cái lần gặp gỡ thứ hai đó, Beatrice mất. Dante lại tiếp tục lạc lối trong cõi đời, và nhà thơ mô tả điều đó bằng ba hình ảnh ẩn dụ: một con sư tử, một con báo, và một con sói cái, ba con vật đã xuất hiện và đuổi theo Dante trong rừng rậm. Ông hoảng sợ, nhưng không chạy trốn được, và cũng không tìm được một “con đường đúng đắn”. Những cám dỗ và tội lỗi thế gian đã khiến Dante tự đánh mất chính mình:
Như một kẻ máu mê thèm thắng bạc,
Nhưng lại gặp hồi đen thua sạch,
Chỉ còn biết đau khổ than vãn!
Con thú kia cũng khiến tôi như vậy,
Nó đến để tấn công tôi,
Đẩy tôi lùi về phía tối ánh mặt trời.
Trong khi chìm vào nơi sâu thẳm của tội lỗi ấy, Dante đã may mắn gặp được một linh hồn cứu giúp ông, đó là nhà thơ cổ La Mã Virgil, tác giả của trường ca Aeneid. Virgil là người đã có ảnh hưởng rất lớn tới thơ ca của Dante, và được Dante coi như một vị thầy chưa từng gặp mặt.
Virgil nói rằng nàng Beatrice, vốn tuân theo sự chỉ dẫn của Đức mẹ Mary, đã phái Virgil tới để cứu thoát Dante và dẫn ông vào một cuộc hành trình trong thế giới của các linh hồn. Virgil hé lộ:
Hãy đi theo ta – ta sẽ là người hướng đạo
Dẫn ngươi đi khỏi nơi đây, tới chốn vĩnh hằng!
Ngươi sẽ nghe những tiếng kêu tuyệt vọng,
Sẽ thấy những âm hồn đau đớn,
Khóc than vì phải chết lần thứ hai!
Ngươi sẽ thấy cả những người an tâm trong lửa ngục,
Vì hy vọng một ngày mai
Được sống giữa những người hằng phúc.
Ở đây có một ẩn đố, cũng là một chi tiết mà hiếm người để ý. Trong văn hóa phương Tây, luân hồi dường như là một đề tài ít người biết. Nhưng thực chất, luân hồi đã từng được một số tu sĩ phương Tây cổ xưa truyền bá. Chỉ là khái niệm luân hồi không được Nhà thờ Cơ đốc công nhận và bị gạt bỏ. Cần nói thêm rằng, Cơ Đốc giáo chỉ tin vào sự phục sinh của một linh hồn, từ chốn trần gian trở thành một linh hồn thánh khiết được cứu rỗi – Nghĩa là sau khi người ta chết đi, thì một là lên Thiên đàng, hai là xuống địa ngục, có vậy thôi. Nhưng qua những vần thơ, Virgil lại tiết lộ một chi tiết rằng:
Ngươi sẽ thấy cả những người an tâm trong lửa ngục,
Vì hy vọng một ngày mai
Được sống giữa những người hằng phúc.
Khi đọc đến dòng này, hẳn sẽ có người liên tưởng tới những gì được giảng trong Phật giáo phương Đông: Những linh hồn phải hoàn trả tội lỗi nơi địa ngục thông qua các hình phạt đau đớn khôn tả. Nhưng khi tội lỗi đã được hoàn trả xong rồi, thì họ lại có cơ hội làm người. Và trong khi làm người, họ lại có cơ hội được cứu rỗi. Với những linh hồn đó, họ vẫn còn “hy vọng” được “sống giữa những người hằng phúc”. Đây quả là một ẩn đố chỉ được hóa giải khi kết nối hai nền văn hóa Đông Tây, vì vốn các tín đồ Cơ Đốc giáo hiện nay không tin rằng luân hồi có tồn tại.
Quay trở lại câu chuyện của Dante, ông được linh hồn của Virgil dẫn bước tới một cánh cổng, nơi được chạm khắc 9 dòng chữ sau:
Qua khỏi đây là xứ thảm sầu,
Qua khỏi đây là đau thương vĩnh viễn!
Qua khỏi đây là thế giới của bọn người vô vọng!
Công lý Tạo hoá, quyền uy Thánh Thần,
Đã tạo ra Ta,
Trí tuệ tuyệt vời cùng Tình yêu thứ nhất.
Trước Ta chưa có gì được tạo lập,
Chưa có gì vĩnh cửu; còn Ta, Ta tồn tại vĩnh hằng.
Hỡi chúng sinh, khi bước vào đây, hãy vứt lại mọi niềm hy vọng!
Đó chính là cánh cổng địa ngục. Và tại đây, trước khi bước vào địa ngục, Dante đã nghe thấy được một điều khiến ông ấn tượng mạnh mẽ:
Đó đây, tiếng thở dài, tiếng kêu khóc gào rống,
Ầm ầm trong không gian chẳng một vì sao,
Mới thoạt nghe, nước mắt tôi đã tuôn trào!
Những ngôn ngữ khác nhau, những thổ âm khủng khiếp,
Những ngôn từ đau đớn, những ngữ điệu điên khùng,
Những tiếng quát to, khàn khàn và tiếng bàn tay…
Dante hỏi Virgil rằng đó là thứ gì mà khiến ông trào nước mắt, và Virgil đã trả lời như sau:
Tình cảnh đớn đau này,
Dành cho những linh hồn nhàm chán,
Sống không hèn nhưng chẳng dám khen, chê.
Chúng hòa theo bản đồng ca của đám thiên thần,
Không phản Chúa, nhưng cũng chẳng trung với Chúa,
Chỉ vì mình, chỉ vì chúng mà thôi!
Thiên đình tống chúng đi, để Thượng giới khỏi giảm phần tươi đẹp,
Địa ngục thẳm sâu cũng chẳng thèm nhận chúng,
Vì sợ đám tội đồ lại có cớ để vênh vang!
Nếu ai đã từng được tiếp xúc với trường ca “Thiên đường đã mất” của Milton thì đều biết về một trận chiến trên Thiên đàng, giữa một bên là kẻ từng là Tổng lãnh Thiên thần Lucifer dẫn đầu các Thiên thần nổi loạn và một bên là Tổng lãnh Thiên thần Michael dẫn đầu các Thiên thần tuân theo sự dẫn dắt của Chúa trời. Kết thúc trận chiến, Lucifer (bấy giờ đã bị đổi tên thành quỷ Satan) và tất cả các Thiên thần theo y bị đuổi khỏi Thiên đàng như là một sự trừng phạt đối với cuộc nổi dậy của chúng. “Thiên đường đã mất” của Milton đã miêu tả một cách sinh động trận chiến này.
Xem thêm: Tìm hiểu nghệ thuật Phục Hưng – Kỳ VII: Chúa Jesus vượt qua cám dỗ của ác quỷ
Lại nói tiếp về sự phán xử các Thiên thần, trong khi những Thiên thần tuân theo Chúa được ở lại, và những kẻ phản Chúa bị đuổi khỏi chốn Thiên đàng, thì Virgil tập trung vào nhóm Thiên thần thứ ba – Những kẻ “sống không hèn nhưng chẳng dám khen, chê”. Điều đáng nói ở đây là việc Virgil đã nhấn mạnh với Dante rằng, thảm thương nhất không phải là các linh hồn đang ở trong địa ngục, mà là những kẻ đang ở ngoài địa ngục. Tại sao lại như thế?
Ta sẽ nói với con rất vắn tắt.
Đến cái chết, chúng cũng không còn hy vọng,
Chỉ sống tiếp cuộc đời mù loà thấp kém,
Nên ước ao bất kỳ số phận nào!
Đọc đến đây, người ta không thể không đặt câu hỏi: Tại sao những Thiên thần không làm điều ác lại nhận lấy một kết cục đáng sợ đến như vậy? Lại trở thành những linh hồn lang thang không có chốn trở về? Ngoài ra chúng ta còn cảm giác rằng dường như nó không có gì đáng sợ lắm so với những hình phạt ở chốn địa ngục. Chẳng phải trước cửa địa ngục có đề dòng chữ “Hỡi chúng sinh, khi bước vào đây, hãy vứt lại mọi niềm hy vọng!” sao?
Để lý giải điều này, có lẽ người ta lại phải quay về tín ngưỡng phương Đông một chút. Thật ra các linh hồn trong địa ngục chẳng phải vẫn còn một tia hy vọng sao? Đó là hoàn trả hết tội lỗi thì lại được đầu thai làm người, lại được có lại hy vọng. Chẳng qua thời gian hoàn trả tội lỗi của họ dường như dài đến vô vọng mà thôi. Nhưng Virgil chẳng phải đã nói rằng:
Ngươi sẽ thấy cả những người an tâm trong lửa ngục,
Vì hy vọng một ngày mai
Được sống giữa những người hằng phúc.
Vậy như thế nào mới là hết hy vọng? Trong Phật giáo phương Đông có nói đến những kẻ bất ngờ chết trước khi số mệnh kết thúc sẽ cô hồn dã quỷ không có lối về, những kẻ không được ăn uống, sống trong vô vọng, cần được các thầy tu làm lễ siêu độ, giúp họ có nơi chốn để về, cũng tức là quay lại vòng luân hồi và tiếp tục có “một tia hy vọng” được giải thoát.
Chính là như vậy! Những Thiên thần bàng quan trước trận chiến trên Thiên đàng đã phải đối mặt với một hình phạt to lớn: “Không còn hy vọng!”. Họ “ước ao bất kỳ số phận nào!” bởi vì bất kỳ số phận nào, dù là trong những hình phạt thảm khốc chốn địa ngục thì vẫn còn có một tia cơ duyên được giải thoát. Một linh hồn không còn hy vọng là một linh hồn đau khổ nhất – Đó là các Thiên thần đã bàng quan trước cái ác.
Ngoài các linh hồn đã từng là Thiên thần đó ra, Dante còn nhìn thấy một nhóm những kẻ tương tự, sống mà chỉ biết nghĩ tới mình, không dám lên tiếng trước tội lỗi xảy ra, những kẻ này cũng không được phép bước vào địa ngục. Cả hai nhóm này đều chịu sự trừng phạt khủng khiếp vô tận, đó là ra sức chạy theo một lá cờ, tượng trưng cho sự ích kỷ của bản thân:
Tôi nhìn quanh và thấy một lá cờ,
Vừa quay tròn, vừa lướt chạy cực nhanh,
Hình như chẳng bao giờ nghỉ.
Cuốn theo sau một đoàn người dằng dặc,
Đông đến mức tôi không thể nào tin được,
Kèm theo đó là sự báo ứng không ngừng nghỉ, và tuyệt đối không còn hy vọng:
Đây đúng là lũ người tệ mạt,
Cả Chúa Trời lẫn địch thủ đều khinh!
Lũ khốn này chưa bao giờ dám sống,
Chúng trần truồng và bị quấy nhiễu liên hồi,
Bởi lũ ruồi và ong vò vẽ.
Mặt chúng bị rạch ngang rạch dọc,
Máu hoà nước mắt, ròng ròng chảy xuống chân,
Nơi dòi bọ thối tha đang chờ uống!
Qua số phận của nhóm Thiên thần sa ngã và các linh hồn này, có lẽ Virgil, hay Dante, hay cũng rất có thể là Chúa trời và các Thiên thần chân chính, đã thông qua Dante mà nhắn nhủ tới thế nhân một bài học sâu sắc nhất, một bài học mà nhân loại ngày nay vẫn đang quằn quại để hiểu được:
Kẻ làm ác thì tất nhiên sẽ chịu ác báo, nhưng kẻ đứng ngoài chưa chắc đã là người vô tội. Những kẻ ích kỷ, làm ngơ trước cái ác, bàng quan trước cái ác, sẽ phải chịu ác báo, sẽ phải trả giá. Và đôi khi sẽ phải trả bằng thứ quý giá nhất của sinh mệnh bản thân mình – Hy Vọng!
Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.
Quang Minh
Từ khóa Văn hóa Thần truyền địa ngục Cơ đốc giáo thiên đàng thiên thần