(Trong bài có hình ảnh hiện trường vụ tự vẫn tại trụ sở TAND tỉnh Bình Phước ngày 29/5/2020. Quý độc giả cân nhắc khi vào đọc bài. BBT chọn không che mờ khuôn mặt trong ảnh vì tôn trọng di nguyện của người đã khuất “muốn thức tỉnh nền tư pháp”).
“Nếu một cái chết của tôi làm thức tỉnh nền tư pháp tỉnh Bình Phước thì cũng đáng lắm chớ!” – Lời trăng trối trên Facebook của ông Lương Hữu Phước như mũi dao khứa vào con tim mỗi ai còn có lương tri!
Bị kết án oan sau hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lương Hữu Phước đã uống thuốc trừ sâu, đến TAND tỉnh Bình Phước lên lầu 2 nhảy xuống đất tự tử.
Hơn 2.247 năm trước, sau khi giới thiệu Kinh Kha cho Yên Đan để giết Tần Thủy Hoàng (227 TCN) Điền Quang đã tự vẫn. Bởi vì Yên Đan dặn Điền Quang đừng nói cho ai biết. Theo Điền Quang thì dặn đừng tiết lộ cho ai là đã nghi ngờ. Bởi vậy Điền Quang đã lấy cái chết để minh oan. Hơn 170 năm trước, các thi hào Nga Pushkin (1837), Lermontov (1841) cũng đã thiệt mạng sau các cuộc đấu súng vì danh dự.
Chỉ mới dặn đừng tiết lộ cho ai mà đã tự vẫn. Chỉ vì động chạm đến danh dự mà đấu súng sống chết. Để thấy, oan không kể to hay nhỏ, danh dự không phải vì giàu hay nghèo.
Ông Lương Hữu Phước tự tử không phải vì án tù 3 năm. Ông Lương Hữu Phước tự tự vì ông thấy các quan tòa từ bậc sơ thẩm đến bậc phúc thẩm đều không còn lương tâm, ở tòa nào ông cũng không tìm được công lý, chỉ có cái chết mới minh oan được cho ông, chỉ có cái chết ông mới hy vọng “thức tỉnh được nền tư pháp Bình Phước”!
Không phải là kẻ sỹ, không phải là quý tộc, đến bước đường cùng chỉ có cái chết mới chứng tỏ án oan – ai sẽ chịu trách nhiệm về cái chết của ông Lương Hữu Phước?
Ngày 16/6/2001, bà Lê Thị Thúy Loan 27 tuổi đã uống thuốc sâu tại phiên tòa phúc thẩm ở Ninh Thuận. Bà nói: “Tôi đã uống thuốc sâu để bảo vệ danh dự của tôi”. Bà khạc nhổ ra mùi thuốc sâu, đứng không vững, gia đình khóc lóc xin mang đi cấp cứu. Nhưng quan tòa không cho. Mãi sau khi phiên tòa kết thúc gia đình mới được đưa bà Loan đi cứu chữa. Bà Loan đã tử vong. Có quan tòa nào trên thế giới táng tận lương tâm như thế không?
Sau cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan, Đoàn kiểm tra đã liệt kê ra 12 sai phạm lớn cùa Tòa án Ninh Thuận (1). Ông thẩm phán Nguyễn Đức Sáu cho rằng cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan “là bài học xương máu cho ngành tòa án”. Nhưng ngành tòa án không bao giờ thức tỉnh.
Trong hàng ngàn án oan, có liên quan đến sai phạm do phía công an gây ra, trong số đó vô cùng nhẫn tâm là ép cung. Nhưng đến lượt mình, cán bộ ngành công an cũng không thoát được án oan. Oan đến mức cựu công an ông Huỳnh Văn Tới đã phải mổ bụng tại phiên tòa do TANDTC TPHCM xét xử lưu động tại Bạc Liêu (2). Sau vụ mổ bụng kêu oan của ông Huỳnh Văn Tới, ngành tòa án cũng không thức tỉnh.
Không chỉ thường dân, người có chức bị oan cũng phải tự tử để minh oan. Ngày 02/7/2018, ông Bùi Hữu Tuấn 58 tuổi, cựu trưởng thôn Đạo Ngạn (Hợp Đồng, Chương Mỹ, Hà Nội) đã tự thiêu tại cổng trụ sở Ban tiếp công dân Trung ương (số 1 Ngô Thì Nhậm, Quang Trung, Hà Đông) để phản đối bản án phúc thẩm số 98-2018/HSPT ngày 07/3/2018 của TAND TP Hà Nội (3). Sau vụ tự thiêu của ông Bùi Hữu Tuấn, ngành tòa án cũng không thức tỉnh.
Thử gõ ba từ “ nhảy lầu ở” thì lập tức hiện ra ngay 10 dòng: Bình Phước, Hà Nội, tphcm, gold view, hồ gươm plaza, bắc giang, chung cư hoàng anh gia lai 3, parkson hùng vương, mỹ đình, chung cư…, cùng với 7.030.000 kết quả trong vòng 0.37 giây. Thử gõ thêm 3 từ “tự thiêu ở” thì cũng lập tức hiện ra 9 dòng: Bình Dương, Quảng Bình, Ninh Hóa, Quảng Thọ, Huế, Ba Đồn, Thủ Đức, Sài Gòn, Dinh Độc Lập với 8.790.000 kết quả trong vòng 0.40 giây. Làm sao mà liệt kê cho xuể?
Trong một stutus trên Facebook của mình, Luật sư Nguyễn Đình Hải đã viết: “Người ta chỉ quan tâm “oan sai” đối với án giết người. Hàng ngàn vụ oan sai trong án dân sự, hành chính âm thầm nuốt lệ một mình”.
Cho nên, liệt kê thêm vài chục vụ án oan thì thấm thía gì với hàng vạn vụ án oan mà người dân ngậm đắng nuốt oan ức vào lòng? Mổ bụng, uống thuốc sâu, nhảy lầu, tự thiêu… đủ mọi phương thức minh oan, nhưng ngành tòa án chưa thức tỉnh.
Bởi thế, cũng như cái chết của bà Lê Thị Thúy Loan, vụ tự mổ bụng của ông Huỳnh Văn Tới, vụ tự thiêu của ông Bùi Hữu Tuấn… – phải đau xót mà trả lời rằng – cái chết của ông Lương Hữu Phước sẽ không thức tỉnh được nền tư pháp Bình Phước. Lương tâm các quan tòa đã mục nát đến mức không còn chỗ nào để mà thức tỉnh.
Nếu ở các nước ‘tam quyền phân lập’, tòa án độc lập, thì trách nhiệm án oan thuộc về tòa án. Đó là điều dễ hiểu. Nhưng ở nước ta, tòa án không hoàn toàn độc lập. Án oan đương nhiên là lỗi của tòa án, nhưng còn có thể là lỗi liên quan đến viện kiểm sát và công an. Ngoài những tên vừa nêu, thì án oan ở Việt Nam còn liên quan đến Bộ Tư pháp. Vì Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính Phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Nếu có một sự cố nghiêm trọng xảy ra ở một trường học, thì ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT không tránh khỏi bị nêu tên. Trong khi đó, một vụ án oan dẫn đến tự tử để minh oan như trường hợp ông Lương Hữu Phước mà ông Chánh án Tòa án Tối cao, ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bộ trưởng bộ Tư pháp lại vô can thì thật là phi lý. Ở điểm này, công bằng mà nói, ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bị “thiệt thòi ” hơn so với các ông Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Án oan nhiều đến mức kêu mỏi mồm các ông Chánh án Tòa án Tối cao, ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao mà chưa nghe thấy lời đáp. Bây giờ thì đành phải kêu oan đến ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
TS Nguyễn Ngọc Chu
Đăng theo Facebook Nguyen Ngoc Chu với sự đồng ý của tác giả. Tựa bài do TTVN đặt lại. Vui lòng đọc bài gốc tại đây.
Chú thích:
Moskva đã bổ sung căn cứ phòng thủ tên lửa mới mở của Hoa Kỳ…
Cảnh sát Nhật Bản cho biết đã nộp đơn xin lệnh bắt giữ một thiếu…
Các đại biểu đồng thuận cho rằng máy điều hòa không phải mặt hàng xa…
Tối 20/11 một vụ đâm chém người đã xảy ra tại ký túc xá của…
Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng dự án nghị quyết của Quốc hội…
Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…