Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất phức tạp tại các quốc gia ngoài Trung Quốc Đại lục.
Trung Quốc Đại lục (*)
- Trung Quốc đã quyết định lùi kỳ họp quốc hội dự kiến khai mạc đầu tháng 3 nhằm đối phó virus corona, động thái chưa từng có tiền lệ trong 25 năm. “Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 13 sẽ được hoãn lại một cách thích hợp. Thời gian cụ thể của cuộc họp sẽ được quyết định thêm bởi Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc”, CCTV đưa tin.
- Bốn tỉnh của Trung Quốc là Vân Nam, Quảng Đông, Sơn Tây và Quý Châu hôm 24/2 đã hạ thấp các biện pháp ứng phó khẩn cấp đối với dịch COVID-19. Trước đó, tỉnh Cam Túc đã hạ thấp mức ứng phó khẩn cấp hôm 21/2, sau đó đến Liêu Ninh hôm 22/2.
Những tin đã đưa sáng 24/2:
- UB Y tế Nhà nước Trung Quốc công bố số ca nhiễm là 77.345, tăng 409 ca so với hôm qua. Số ca tử vong là 2.592, tăng 150 ca so với hôm qua.
- Ông Tập Cận Bình thừa nhận dịch COVID-19 là “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng lớn nhất” trong lịch sử Trung Quốc kể từ khi thành lập năm 1949 và thừa nhận cuộc khủng hoảng này là “một bài kiểm tra lớn” với đất nước. Ông Tập nói rằng Trung Quốc cần phải “rút kinh nghiệm từ những thiếu sót rõ ràng đã được phơi bày” trong cách ứng phó với dịch. Lãnh đạo Trung Quốc cũng cho rằng dịch bệnh “chắc chắn sẽ tác động lớn đến nền kinh tế, xã hội”, nhưng nhấn mạnh các tác động này là “ngắn hạn” và có thể kiểm soát.
- Người đứng đầu ủy ban chính trị và pháp luật của ĐCSTQ cho biết hệ thống nhà tù nước này cần “rút ra bài học” sau khi hơn 500 tù nhân nhiễm virus corona.
- Thêm một bác sĩ tại Vũ Hán vừa qua đời sau khi nhiễm virus corona tên là Xia Sisi, 29 tuổi, làm việc tại Bệnh viện Vũ Hán Xiehe Jiangbei. Ủy ban Y tế Nhà nước Trung Quốc hôm 14/2 cho biết đã có tổng cộng 3.019 nhân viên y tế nước này mắc bệnh. Tới nay, ít nhất 16 người đã tử vong. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn vì nhiều trường hợp có thể không được ghi nhận.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Xem thêm:
Thế giới
- Hàn Quốc: số ca nhiễm tăng nhanh lên 833 ca, thêm 70 ca so với sáng nay và tăng 231 ca so với ngày hôm qua – mức tăng ca nhiễm tính trong một ngày cao nhất tại Hàn Quốc kể từ khi phát hiện bệnh nhân đầu tiên. Số ca tử vong cũng tăng lên 8 ca. Các nhà chức trách vẫn đang điều tra nguyên nhân chính xác của vụ bùng phát, bởi “Ca nhiễm thứ 31” gần đây không đi du lịch nước ngoài. Chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng dịch COVID-19 ở nước này vẫn chưa đạt đỉnh và số người nhiễm có thể tăng nhanh trong vài tuần tới.
- Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/2 cho biết đã có 11 binh sĩ được xác nhận nhiễm virus corona chủng mới (gồm 8 binh sĩ bộ binh, 1 người trong lực lượng Hải quân, 1 người thuộc Không quân và 1 người thuộc Thủy quân lục chiến). Khoảng 7.700 người khác đang bị cách ly nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong doanh trại.
- Hai hãng bay Korean Air và Asiana Airlines của Hàn Quốc cho biết họ đang tạm dừng các chuyến bay đến Daegu, thành phố hiện là tâm dịch của đất nước.
- 6 quốc gia hiện cấm người Hàn Quốc nhập cảnh gồm: Israel, Bahrain, Jordan, Kiribati, Samoa và Samoa thuộc Mỹ.
- Truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm 24/2 đưa tin Bình Nhưỡng đã cách ly khoảng 380 người nước ngoài nhằm ngăn chặn dịch bùng phát ở nước này.
- Ý cũng tăng 138 ca so với ngày hôm qua, lên tổng số 217 ca tính đến chiều 24/2 (giờ Việt Nam). Số ca tử vong đã tăng thêm 1, lên tổng cộng 4 ca.
- Iran đã có 61 ca nhiễm COVID-19, tăng 32 ca so với ngày hôm trước, theo Bộ Y tế Iran. Chính quyền Iran báo số ca tử vong là 12, tăng 4 ca so với trước đó. Tuy nhiên, kênh thông tấn Al Arabiya dẫn lời Nghị sĩ Iran Ahmad Amirabadi Farahani cho biết số ca tử vong tại Iran đã lên đến 50 trong khi số ca nhiễm cũng vượt xa con số của chính phủ. Ông Farahani nói thêm rằng đây là lỗi của Bộ trưởng Y tế. Tuy vậy, Bộ Y tế Iran đã phủ nhận con số trên.
- Afghanistan và Bahrain thông báo về các ca nhiễm đầu tiên, trong khi Kuwait đã có 3 ca nhiễm.
- Hồng Kông có 5 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 79.
- Đài Loan có 2 ca nhiễm mới so với sáng nay, nâng tổng số lên 30.
- Tổ chức Y tế Thế giới cho biết họ không sử dụng thuật ngữ “đại dịch” đối với COVID-19, nhưng dịch bệnh “vẫn là một trường hợp khẩn cấp quốc tế có khả năng lan rộng thêm nữa.”
- Ủy ban châu Âu cho biết Liên minh châu Âu chưa xem xét đình chỉ việc đi lại trong khu vực Schengen sau khi dịch COVID-19 ở Ý bùng phát, nhưng họ đang chuẩn bị kế hoạch dự phòng cho việc này.
- Qatar sẽ yêu cầu hành khách đến từ Iran và Hàn Quốc cách ly tại nhà hoặc cơ sở kiểm dịch trong 14 ngày.
- Hồng Kông đang đối mặt với tình trạng thiếu quan tài. Các nhà tang lễ Hồng Kông cảnh báo lượng quan tài tồn kho chỉ đủ dùng đến cuối tháng 2, khi nguồn cung chính từ Quảng Đông bị cắt.
> Từ đại dịch COVID-19: Tổn thất vì “toàn cầu hóa” hay vì phụ thuộc Trung Quốc?
Những tin đã đưa sáng 24/2:
- Việc không xác định được nguồn gốc các ổ dịch xuất hiện tại các nước bên ngoài Trung Quốc Đại lục khiến virus corona bùng phát đang trở thành mối lo ngại chính cho cơ quan y tế các nước.
- Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia Paul Hunter cho biết thế giới đang tiến gần đến đỉnh điểm lây lan dịch COVID-19 toàn cầu và căn bệnh này đang vượt ra ngoài những nỗ lực ngăn chặn hiện nay.
- Ý: số ca nhiễm mới tại nước này đã tăng lên 157 đến sáng 24/2 với 3 ca tử vong. Ý hiện là nước có nhiều ca nhiễm nhất ngoài châu Á. Đa số ca nhiễm được ghi nhận tại phía bắc Italy, trong đó có 110 ca tại vùng Lombardy, với thủ phủ là thành phố Milan. Giới chức Ý vẫn chưa tìm ra người đầu tiên nhiễm virus tại nước này, được gọi là “bệnh nhân số 0”. Ý cũng đã công bố các biện pháp hạn chế trên diện rộng ở các vùng phía bắc, bao gồm lệnh cấm tổ chức sự kiện công cộng ở 10 đô thị, đóng cửa các tòa nhà công cộng, hạn chế giao thông, giám sát và cách ly các cá nhân có thể đã tiếp xúc với virus tại những khu vực bị ảnh hưởng. Nhiều sự kiện thời trang, bóng đá, diễu hành đã bị huỷ.
- Iran: Số ca nhiễm tại nước này đã tăng lên 43 trường hợp, với 8 ca tử vong (theo số liệu chính thức của Chính phủ) hay 18 ca tử vong (theo các nguồn tin riêng của báo Al Arabiya). Dịch bệnh đã khiến số người đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội thấp kỷ lục (chỉ có 42%, thấp nhất trong lịch sử kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979). Lãnh tụ tối cao Iran đã cho rằng “các kẻ thù của Tehran” đã dùng “chiêu bài” đe dọa lây nhiễm virus corona mới để ngăn mọi người đi bỏ phiếu. Trong khi đó, một giáo sĩ tôn giáo cấp cao tại Iran đổ lỗi dịch bệnh do Tổng thống Mỹ Donald Trump. Xem chi tiết.
- Afghanistan, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Iraq và Kuwait tuyên bố đóng cửa các cửa khẩu biên giới với Iran và đình chỉ các chuyến bay trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của COVID-19. Ả Rập Xê Út cũng đã ngừng việc đi và đến Iran.
- Hàn Quốc: Tổng số ca nhiễm đến hết ngày 23/2 là 602 ca, trong đó có 6 ca tử vong. Sáng 24/2, Hàn Quốc có thêm 161 ca nhiễm mới, tổng số lên 763, cao thứ nhì thế giới sau Trung Quốc Đại lục, vượt qua con số nhiễm trên du thuyền Diamond Princess. Trong số những người nhiễm mới, có 18 trường hợp nhiễm virus corona sau khi họ cùng tham gia một chuyến hành hương tới Israel. Hàn Quốc đã nâng báo động quốc gia lên mức cao nhất. Tổng thống Moon Jae In yêu cầu chính phủ cũng như chính quyền các địa phương không do dự trong sử dụng “các biện pháp mạnh mẽ chưa có tiền lệ”, có thể “không bị giới hạn bởi các quy định” nhằm kiềm tỏa sự lây lan của virus. Ông Moon đề nghị người dân Hàn Quốc không tham gia các hoạt động tập thể trong thời gian nhạy cảm hiện nay, cho biết tình hình tuy đang rất trầm trọng nhưng có thể vượt qua, và chính phủ có đầy đủ năng lực cần thiết và sự tự tin để kiểm soát và xử lý sự lây lan của bệnh truyền nhiễm.
- Đại sứ Israel tại Trung Quốc Zvi Heifetz hiện đã bị cách ly ở Bắc Kinh sau khi đi chung chuyến bay từ Tel Aviv đến Seoul vào cuối tuần trước với một nhóm người Hàn Quốc sau này bị phát hiện nhiễm virus corona, theo Bộ Ngoại giao Israel. Người phát ngôn của Đại sứ quán Israel ở Bắc Kinh cho biết mặc dù ông Heifetz có mặt trên chuyến bay, ông đã ngồi hạng thương gia cách xa các khách du lịch và đeo khẩu trang trong suốt chuyến đi. Bộ Y tế Israel yêu cầu tất cả người Israel về nước từ Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản đều phải cách ly trong hai tuần.
- Du thuyền Diamond Princess báo cáo có thêm 57 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 691. Ngoài ra, 1 ca tử vong thứ 3 cũng vừa được xác nhận là một cụ ông người Nhật trong độ tuổi 80. Trước đó, 2 trường hợp tử vong đầu tiên từ những hành khách trên du thuyền Diamond Princess cũng là các công dân Nhật ở trong độ tuổi 80.
- Nhật Bản có 8 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 146. Bộ trưởng Y tế Nhật hôm 22/2 đã lên tiếng xin lỗi sau khi 23 hành khách từ Diamond Princess lên bờ mà không được kiểm tra đúng cách và vì đã để xảy ra trường hợp 1 người phụ nữ nhiễm virus rời khỏi tàu Diamond Princess. Hiện tại, nhiều người đang hoài nghi liệu Thế vận hội Mùa hè 2020, tổ chức vào tháng 7 có được tổ chức hay không.
- Anh có thêm 4 hành khách cho kết quả dương tính với nCoV vào ngày 23/2 sau khi được sơ tán khỏi tàu du lịch Diamond Princess ở Nhật Bản.
- Israel cũng xác nhận ca nhiễm thứ hai, bệnh nhân cũng nằm trong số những hành khách trở về từ du thuyền Diamond Princess. Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận vào ngày 21/2.
- Hồng Kông có 4 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 74.
- Úc và Canada mỗi nước có thêm 1 ca nhiễm mới, nâng tổng số lần lượt là 22 và 10.
- Đài Loan thông báo 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 28.
Xem thêm:
Việt Nam
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chưa chốt việc “cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3” sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày phương án cho học sinh, sinh viên cả nước sẽ quay trở lại trường học từ ngày 2/3. Xem chi tiết.
- Từ 15h ngày 23/2, người nhập cảnh từ Hàn Quốc qua tất cả cửa khẩu phải thực hiện tờ khai y tế bắt buộc, theo Bộ Y tế. Người bị sốt, ho, khó thở… sẽ được cách ly theo quy định.
- Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, chiều 24/2 rằng Việt Nam sẽ cách ly tập trung 14 ngày những người nhập cảnh nếu họ đến hoặc đi qua vùng dịch Trung Quốc (31 tỉnh thành) và 2 địa phương ở Hàn Quốc (thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk).
- Việt Nam khuyến cáo công dân không đến thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsangbuk; không khuyến khích người nước khác quá cảnh ở hai địa phương này và nhập cảnh vào Việt Nam. Thứ trưởng Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết đường bay từ Daegu và Gyeongsangbuk đến Việt Nam từ 10h45 hôm nay 24/2 đã không còn chuyến bay nào; các tuyến bay khác giữa Hàn Quốc và Việt Nam hiện lượng khách đã giảm 70 – 80%. Nhiều lao động Việt Nam ở Hàn Quốc chuẩn bị thu xếp về Việt Nam.
- Đà Nẵng: 80 hành khách từ TP Daegu (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng được cách ly 14 ngày, giới chức y tế phát hiện một người bị sốt. Cũng trong sáng nay, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tiếp nhận thêm 3 trường hợp là người dân địa phương được cách ly để theo dõi, do có yếu tố dịch tễ nghi vấn sau tiếp xúc với khách Trung Quốc, Hàn Quốc. Hôm qua, Bệnh viện Phổi cũng tiếp nhận một bệnh nhân là người Việt Nam trở về từ Hàn Quốc; Bệnh viện Phụ sản – Nhi tiếp nhận một bệnh nhi 6 tuổi đến từ vùng dịch của tỉnh Vĩnh Phúc.
- Một số hãng hàng không thông báo tạm dừng đường bay giữa Hàn Quốc và Việt Nam: Bamboo Airways cho biết hãng hủy tất cả chuyến bay Nha Trang, Đà Nẵng đi Incheon và ngược lại từ ngày 26/2 đến khi dịch bệnh được kiểm soát; Vietnam Airlines sẽ tạm dừng 1 số chuyến bay giữa Hà Nội và Incheon; Korean Air dừng khai thác các chuyến bay mang số hiệu KE 483, KE 484 chặng Incheon – Nội Bài từ ngày 25/2 đến ngày 23/3; Air Seoul cũng thông báo tạm dừng đường bay Hà Nội – Seoul từ 1 – 28/3. Hiện hãng còn khai thác đường bay Seoul – Đà Nẵng, Nha Trang; Asiana Airlines dừng đường bay Seoul – Hà Nội trên các chuyến bay mang số hiệu OZ 727, 728 từ 18/2 đến 9/3; T’Way Air dừng tất cả đường bay đi và đến giữa Hà Nội và Hàn Quốc từ nay đến 28/3; riêng Vietjet Air chưa có thông báo điều chỉnh.
Những tin đã đưa sáng 24/2:
- Chiều 23/2, trước diễn biến COVID-19 tại Hàn Quốc, Nhật Bản…, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố Hà Nội đã họp đột xuất để cập nhật tình hình và bàn công tác triển khai những biện pháp cần thiết để đối phó với dịch bệnh. Sở Y tế Hà Nội đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét việc cách ly tại nhà với những người đến từ vùng dịch ở Hàn Quốc, trước mắt là thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk. Đối với người Việt Nam đi từ vùng có dịch về, vẫn áp dụng cách ly theo quy định.
- Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung yêu cầu tăng cường kiểm soát người nước ngoài đến từ các quốc gia có dịch, đồng thời, giao cơ quan chức năng xây dựng kịch bản chi tiết phòng, chống dịch, nhấn mạnh “không được chủ quan.” Ông Chung khuyến cáo người dân không tụ tập đông người; những nơi dễ hình thành ổ dịch như quán bar, karaoke… nên tạm dừng hoạt động.
- Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội đang phối hợp với lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình theo dõi sức khỏe một sinh viên Việt Nam về từ thành phố Daegu. Sinh viên này đã đi taxi từ sân bay Nội Bài về Thái Bình. Tài xế taxi ở Ứng Hòa (Hà Nội) sau đó được cách ly tại nhà, còn sinh viên thì cách ly ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.
- Đà Nẵng hiện cũng đang cách ly một người nghi nhiễm nCoV về từ vùng dịch Hàn Quốc có biểu hiện sốt nhẹ, ho và sổ mũi. Ngoài ra, một em bé 6 tuổi ở vùng giáp xã Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) đến Đà Nẵng cũng được máy đo thân nhiệt tại sân bay phát hiện sốt, hiện đang cách ly ở Bệnh viện Phụ sản – Nhi.
- Sở Y tế TP HCM ngày 23/2 đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép khai báo y tế, cách ly kiểm dịch với người nhập cảnh từ hoặc đi qua Hàn Quốc. Sân bay Tân Sơn Nhất hiện đã tiến hành kiểm tra thân nhiệt và giám sát những người có triệu chứng hô hấp trên các chuyến bay đến từ Hàn Quốc.
- Theo Bộ Ngoại giao, hiện có khoảng 200.000 công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và lao động tại Hàn Quốc, tại tỉnh Gyeongsangbuk là 18.502 người, riêng tại thành phố Daegu là 8.285 người, có 333 người tại quận Cheongdo – nơi có tổ chức tôn giáo Tân Thiên địa liên quan đến gần 100 ca nhiễm bệnh. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cho biết đến nay tình hình sức khỏe của khoảng 200.000 người Việt ở Hàn Quốc vẫn ổn định, chưa phát hiện trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm nCoV.
- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, theo đúng trách nhiệm và thẩm quyền, sớm có quyết định chính thức về việc điều chỉnh kế hoạch, thời gian năm học 2019-2020. Trường hợp Bộ GD-ĐT, Bộ LĐ-TB&XH không quyết định thì Thủ tướng sẽ quyết định.
(tiếp tục cập nhật)
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm: