Từ đại dịch COVID-19: Tổn thất vì ‘toàn cầu hóa’ hay vì phụ thuộc Trung Quốc?
- Nguyên Hương - Chân Hồ
- •
Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trong đại dịch COVID-19 đang gây nên nhiều bất ổn từ sản xuất tới thương mại trong nền kinh tế toàn cầu, đồng thời tiếp tục bộc lộ điểm yếu của những nền kinh tế phụ thuộc vào quốc gia này.
Kinh tế Đại lục vốn đã có dấu hiệu đi xuống trong những quý cuối năm 2019 do tăng trưởng nóng từ thập kỷ trước, và ảnh hưởng từ thương chiến Mỹ – Trung với việc phải chịu nhượng bộ để ký vào bản Hiệp định thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1 có điều khoản mua nhiều nông sản hơn từ nông dân Mỹ, thuộc gói 200 tỷ USD hàng hóa dịch vụ mà Trung Quốc cam kết tăng mua trong hai năm.
Đợt bùng phát của virus corona (nCoV) vào hồi đầu tháng 12/2019 như một đòn nặng giáng vào nền kinh tế Đại lục khi giao thông trong nước bị tê liệt, các công ty nước ngoài đóng cửa chi nhánh (ví dụ: chuỗi cafe Stabucks, nhà bán lẻ nội thất IKEA…), các chuyến bay quốc tế đến Đại lục bị hủy bỏ, các cửa khẩu được kiểm soát gắt gao, dòng lưu chuyển hàng hóa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, Nhà nước phải bơm thanh khoản để cứu thị trường chứng khoán sụt giảm.
Theo Reuters, các nhà kinh tế học dự kiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm xuống mức 4,5% trong Quý 1/2020, thấp hơn nhiều so với mức 6% của Quý 4/2019, dù đây đã là mức thấp nhất kể từ khi khủng hoảng tài chính.
Đứt gãy chuỗi thương mại toàn cầu
Việc mô hình kinh tế Trung Quốc bị chao đảo có khả năng sẽ dẫn đến hệ thống thương mại toàn cầu hóa vận hành xoay quanh Trung Quốc bị tê liệt, nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng dây chuyền.
Hiện tại, một số nhà sản xuất ô tô như Nissan và Hyundai phải tạm đóng cửa các cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc do thiếu phụ tùng. Đối tác sản xuất của Apple ở Trung Quốc, Foxconn cũng đang đối mặt với sự trì hoãn sản xuất.
Trong khi đó, giá dầu đang chạm mức thấp nhất trong hơn một năm qua (giảm 15% trong hai tuần qua), khi nhu cầu dầu mỏ sụt giảm do chủng virus corona làm đình trệ cả lĩnh vực sản xuất và giao thông. Trong báo cáo cuối tháng 1/2020, Cơ quan năng lượng thế giới (IEA) dự đoán sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ đầu tiên có thể diễn ra sau một thập kỷ.
“Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu đã bị đánh sập nặng nề bởi chủng virus corona mới và sự đóng cửa diện rộng của nền kinh tế Trung Quốc. Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu hiện giờ ước giảm 435.000 thùng trong Quý I/2020 so với cùng kỳ năm trước. Đây là đợt suy giảm đầu tiên trong suốt 10 năm qua” – theo IEA.
Nhiều triển lãm, sự kiện thể thao tại Trung Quốc và Châu Á đã bị huỷ và hoãn lại. Ngành công nghiệp lữ hành, du lịch bị tác động sớm nhất kể từ khi dịch bùng phát. Tổ chức hàng không dân sự Quốc tế (ICAO) cho biết doanh thu ngành hàng không toàn cầu ước tính giảm 4-5 tỷ USD trong Quý 1/2020 do các chuyến bay bị huỷ bỏ.
ICAO cũng ước tính Nhật Bản sẽ mất 1,29 tỷ USD doanh thu du lịch riêng trong Quý I do sự sụt giảm nhóm khách Trung Quốc, trong khi Thái Lan mất 1,15 tỷ USD.
Ngành dược toàn cầu cũng đang chuẩn bị gián đoạn bởi Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất và đôi khi là duy nhất cho thành phần hoạt chất của một số loại thuốc quan trọng như các thuốc điều trị ung thư vú, phổi, kháng sinh,… Trung Quốc cũng như đang kiểm soát phần lớn thị phần chất làm loãng máu trong phẫu thuật tim hở, lọc thận, truyền máu,…
Tại Việt Nam, hàng trăm container nông sản, hàng may mặc, linh kiện điện tử… bị ứ tắc tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Hoạt động xuất khẩu trái cây từ Myanmar, Chile, Úc, Malaysia… cũng đều rơi vào tình cảnh tương tự. Sự sụt giảm nhu cầu ở Trung Quốc và việc tăng cường kiểm soát cửa khẩu, biên giới khiến hàng hóa bị ứ đọng, giao hàng muộn… đã ảnh hưởng đến hệ thống chuỗi cung ứng toàn cầu một cách đáng kể.
Phụ thuộc hay tự chủ?
Ngày 21/2, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cung cấp số liệu cho biết tháng 1, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 2,85 tỷ USD, giảm 23,48% so với cùng kỳ 2019, giảm 18,59% so với tháng 12/2019. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,39 tỷ USD cũng giảm 28,5% so với cùng kỳ 2019 và 34,59% so với tháng liền trước.
“Tình hình xuất nhập khẩu tháng 1/2020 của ngành dệt may chưa bao giờ giảm sâu đến thế”, Phó Chủ tịch Vitas, ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Ngành may mặc Việt Nam bị tác động lớn bởi Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc từ khâu nguyên phụ liệu đầu vào đến các đơn đặt hàng gia công. Để ứng phó với tình huống xấu nhất, Vitas cho biết một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Brazil… nhằm bù đắp nguồn nguyên liệu thiếu hụt.
Trong khi doanh nghiệp may lo không có nguyên liệu sản xuất thì ngành sợi lo không xuất khẩu được vì thị trường tiêu thụ sợi lớn nhất là Trung Quốc. Theo Hiệp hội bông sợi Việt Nam (VCOSA), Việt Nam xuất khẩu sợi vào Trung Quốc khá lớn (1,2 tấn sợi năm 2019) nên chưa dễ để doanh nghiệp tìm nơi tiêu thụ mới cho mặt hàng sợi.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê, dự kiến xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1/2020 sẽ bị giảm khoảng 21%, tương đương giảm 46,5 tỷ đô la. Trong đó, riêng xuất khẩu sang Trung Quốc bị giảm xuống còn 5,6 tỷ đô la (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2019). Nông nghiệp sẽ là lĩnh vực bị tổn thương nhiều nhất từ dịch virus nCoV Vũ Hán, bao gồm: thanh long, dưa hấu, hải sản, gạo…
Trong tác động kép về cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu, ở thời điểm khó khăn hiện tại, các doanh nghiệp có đủ năng lực để đổi mới phương thức sản xuất, thị trường hay không, câu trả lời vẫn bỏ ngỏ.
Trong khi một số quốc gia bị động trước biến động của thị trường Trung Quốc, một số nước khác quyết định tạm ngưng giao dịch với thị trường này để ngăn ngừa lây nhiễm dịch. Ngày 11/2, Công ty bảo hiểm tín dụng Hạ Môn (Trung Quốc) cho hay, Cục An toàn thực phẩm Ai Cập tuyên bố dừng nhập khẩu hành tây của Trung Quốc để phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Đồng thời, chính phủ nước này cũng tăng cường mức độ kiểm tra hải quan đối với tất cả các đơn hàng thực phẩm xuất khẩu từ châu Á, bao gồm: khoai tây, cam, đậu phộng…, khiến giá cả các mặt hàng này trong nước bị đẩy lên mức cao.
Bộ Nông nghiệp Jordan cũng công bố lệnh cấm nhập khẩu tạm thời đối với tất cả các sản phẩm từ động vật và thực vật của Trung Quốc, cho đến khi có thông báo mới.
Tại nền kinh tế Mỹ, chỉ số Dow Jones đóng cửa ngày 12/2 tăng kỷ lục 275 điểm, S&P 500 tăng gần 22 điểm, Nasdaq tăng 87 điểm. Trước đó quốc gia này đã kêu gọi các công ty Mỹ hồi hương, đem công ăn việc làm và dòng tiền đầu tư trở về lại đất Mỹ. Ở tầm vĩ mô hơn, Tổng thống Trump cũng táo bạo rút Mỹ ra khỏi các hiệp định thương mại đa phương cũng như các khối liên minh thương mại, thay vào đó là ưu tiên cho các hiệp định song phương và cục bộ – nơi mà Mỹ có thể đàm phán một – một với những thỏa thuận tốt nhất và ít bị tổn thương lên nền kinh tế nhất.
Thỏa thuận thương mại Mỹ – Canada – Mexico (USMCA) vừa được Tổng thống Trump phê chuẩn trong cuối tháng 1/2019 thay cho Thỏa thuận Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) là một điều như thế. Tòa Bạch Ốc dự kiến hiệp ước mới sẽ đưa việc sản xuất ô tô trở về nước Mỹ nhiều hơn, đông thời thúc đẩy xuất khẩu sữa, trứng, gà vịt… có khả năng tạo thêm gần 600.000 việc làm và khoảng 235 tỷ USD.
Điều này cho thấy trong cơn khủng hoảng, các quốc gia có được sự tự chủ về sản xuất, khối doanh nghiệp tư nhân vững mạnh cùng với một thị trường nội địa có sức mua vừa phải sẽ ít phải hứng chịu tác động hơn so với các quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào xuất khẩu và nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện từ bên ngoài.
“Toàn cầu hóa” và một nửa sự thật
Trong môi trường hậu Chiến tranh thế giới thứ 2, phong trào toàn cầu hóa được thúc đẩy bởi mục đích truy tìm nguồn tài nguyên và nhân công giá rẻ vừa khớp đã đặt Trung Quốc – nơi hội đủ điều kiện dân số đông và tài nguyên phong phú – trở thành trung tâm của mô hình toàn cầu hóa, nhanh chóng đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu và được biết đến như là “công xưởng thế giới”.
Với đà lây lan của dịch nCoV Vũ Hán từ công xưởng này, chuỗi cung ứng toàn cầu không chỉ bị gián đoạn nghiêm trọng mà còn cho thấy tính dễ bị tổn thương của kinh tế thế giới bị chi phối bởi “toàn cầu hóa”. Thực tế, nguy cơ này không phải mới chỉ xuất hiện sau đợt dịch bệnh bùng phát, mà nó đã được dự báo từ trước đó.
Nhà kinh tế học đạt giải Nobel Joseph E. Stiglitz đã từng mở đầu trong cuốn sách kinh điển “Toàn cầu hóa và những mặt trái” của ông rằng: “… những chính khách bảo thủ như Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng đã bày tỏ lo ngại rằng toàn cầu hóa đang không làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn cho đa số những người cần đến những lợi ích hứa hẹn của nó”.
Nếu như trước đây những lập luận của các chính trị gia ủng hộ “toàn cầu hóa” đều chỉ nói một nửa sự thật rằng, toàn cầu hóa sẽ mang đến cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn cho cả các nền kinh tế phát triển lẫn các thị trường mới nổi, nhưng lại bỏ qua thực tế rằng các quốc gia mới nổi đã phải lựa chọn đánh đổi tài nguyên thiên nhiên để đón dòng tiền đầu tư, vấn nạn môi trường do phát triển công nghiệp ồ ạt và nền kinh tế cổ súy cho chi tiêu công cao nhằm đổi lấy tăng trưởng, trong khi người lao động bị vắt kiệt sức với mức lương không tương xứng. Nông nghiệp truyền thống bị thay thế bằng công nghiệp và nông nghiệp cơ giới lấy sản lượng làm mục tiêu tăng trưởng. Điều này khiến định sai giá trị hàng hóa nông nghiệp, lao động nông nghiệp bị thiếu hụt, mô hình gia đình nông thôn bị phá hủy. Các quốc gia mới nổi đuổi theo xu hướng bán tài nguyên, bán nhân lực, cho nhà đầu tư nước ngoài thuê đất giá rẻ làm khu công nghiệp bất chấp các tác động môi trường, bất động sản tăng nóng trong khi nội lực sản xuất thấp kém với những công nghệ lạc hậu.
Điều quan trọng, trong đợt xảy ra dịch nCoV Vũ Hán còn cho thấy mối nguy hại ở cấp độ toàn cầu khi dịch bệnh cũng theo hiệu ứng “toàn cầu hóa” mà lan rộng một cách nhanh chóng sang nhiều quốc gia trên thế giới. Virus corona không chỉ làm bộc lộ điểm yếu của chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn chỉ ra điểm huyệt về tình trạng nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc. Dịch COVID-19 không chỉ chỉ ra bài học về đa dạng chuỗi cung ứng mà còn tái khẳng định sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế nội địa bền vững và tự chủ.
Nguyên Hương – Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa toàn cầu hóa virus corona COVID-19 phụ thuộc Trung Quốc