ĐCSTQ ra luật “trưng dụng tài sản tư nhân” để đối phó dịch corona
- Lê Xuân
- •
Nhân danh “chiến tranh nhân dân” với đại dịch corona, ĐCSTQ đang thực thi lại những chính sách hà khắc đối với quyền tư hữu cá nhân vốn đã trở thành những vết đen trong lịch sử. Động thái mới nhất của chính quyền tỉnh Quảng Đông đã khiến ngoại giới lo ngại rằng nó có thể là sự bắt đầu của việc thực hiện kiểm soát quân sự và chiếm đoạt tài sản của người dân.
Ngày 11/2, tỉnh Quảng Đông, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh viêm phổi COVID-19 sau tỉnh Hồ Bắc, đã bắt đầu áp dụng luật khẩn cấp để trưng dụng tài sản tư nhân. Theo đó, chính quyền cấp thành phố và cấp quận ở hai thành phố là Quảng Châu và Thâm Quyến có thể tạm thời trưng dụng nhà, địa điểm, phương tiện vận chuyển và các cơ sở khác từ các công ty hoặc cá nhân. Chính quyền cũng có thể buộc các tổ chức liên quan phải sản xuất hoặc cung cấp thiết bị kiểm soát dịch bệnh hoặc đồ dùng hàng ngày.
Trước đó, ngày 9/2 ở Trường Cao đẳng Phần mềm và Kỹ thuật Vũ Hán, ký túc xá nhà trường bị trưng dụng làm khu cách ly virus corona, hàng nghìn món đồ đạc của sinh viên đã bị thẳng tay ném bỏ như rác thải mà không có bất cứ thông báo nào. Những món đồ bị ném đi chất đống ngoài hành lang và trong khuôn viên trường, bao gồm các thiết bị gia dụng hàng ngày, chăn gối, sách vở, khung ảnh, thú nhồi bông, cùng rất nhiều những đồ cá nhân khác.
Ngày 6/2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc phải huy động hết sức mạnh để ứng phó, áp dụng những biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát kỹ lưỡng và nghiêm ngặt nhất, khởi động “chiến tranh nhân dân” để kiểm soát đại dịch.
Nhân danh “chiến tranh nhân dân” với đại dịch corona, ĐCSTQ đang thực thi lại những chính sách hà khắc đối với quyền tư hữu cá nhân vốn đã trở thành những vết đen trong lịch sử. Tờ Epoch Times nhận định động thái mới nhất của chính quyền tỉnh Quảng Đông đã khiến ngoại giới lo ngại rằng nó có thể là sự bắt đầu của việc thực hiện kiểm soát quân sự và chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cùng nhìn lại 4 lần ĐCSTQ thực thi việc trưng dụng tài sản cá nhân trong 30 năm đầu cầm quyền ở Trung Quốc:
Lần thứ nhất: Cải cách ruộng đất
Từ năm 1950 đến 1953, ĐCSTQ thực hiện chính sách “đánh cường hào, chia ruộng đất” với mục đích tiêu diệt địa chủ, chiếm đoạt tài sản của địa chủ và phú nông, đồng thời thiết lập quyền lực kiểm soát của ĐCSTQ đối với nông dân. Theo đó, ĐCSTQ khuyến khích nông dân thực hiện “phản gian”, “thanh toán”, tức là thực hiện đếm số “tội ác” của địa chủ và phú nông để đấu tố và trực tiếp yêu cầu những người này phải giao lại đất, tiêu hủy khế ước đất đai cho nông dân.
Cả nước Trung Quốc lúc bấy giờ có ít nhất 20 triệu người bị chụp mũ “Địa chủ, phú nông, chống cách mạng, thành phần xấu”, khiến họ trở thành “dân đen” mất quyền công dân, nhiều người trong số đó bị giết hại.
Vào thời điểm đó, tại tỉnh Quảng Đông, cải cách ruộng đất đã được thực hiện dữ dội với khẩu hiệu “làng làng đổ máu, nhà nhà đấu tranh”.
Thế nhưng niềm vui có đất của người nông dân chẳng được bao lâu. Chỉ vài năm sau, vào năm 1955, hợp tác xã ra đời, Đảng cưỡng bức người nông dân phải nộp lại đất đai vào hợp tác xã. Đất đai cuối cùng lại thuộc sở hữu của Đảng, người nông dân chỉ là công cụ để giúp Đảng thực hiện việc sở hữu này một cách hợp pháp.
Cho đến tận ngày nay, ĐCSTQ vẫn quy định ruộng đất là sở hữu công, cũng tức là sở hữu của nhà nước cộng sản Trung Quốc, từ đó tạo cơ hội cho các thế lực lợi ích nhóm trong Đảng cấu kết với doanh nghiệp chiếm dụng, giải tỏa đền bù bất công, gây ra thảm cảnh cho biết bao gia đình. Các cuộc biểu tình và đàn áp biểu tình xảy ra liên tiếp.
Cải cách ruộng đất đã làm thay đổi nhận thức của người dân Trung Quốc, từ người nông dân hiền lành chân chất ngày nào dưới sự tuyên truyền của Đảng đã trở nên hung hăng và trong lòng chỉ biết có thù hận. Khi tâm đố kỵ bị kích lên đến đỉnh điểm, họ thù hận tất cả những ai giàu có hơn mình mà không cần phân biệt xem của cải kia thực sự đến từ đâu. Đây cũng là hệ quả của việc các chuẩn mực đạo đức trong văn hóa truyền thống bị thủ tiêu để thay bằng văn hóa Đảng với thú tính tranh đấu sinh tồn.
Xem thêm:
- Nhìn lại hậu quả tai hại của cuộc “Cải cách ruộng đất” tại Trung Quốc
- Cải cách Ruộng đất ở Trung Quốc, vì sao thôn thôn đổ máu?
Lần thứ hai: “Tam phản”, “Ngũ phản” và “Quan hệ sở hữu tài sản công – tư”
Từ năm 1951 – 10/1952, ĐCSTQ triển khai phong trào “Tam phản” và “Ngũ phản”. “Tam phản” là phong trào “chống tham ô lãng phí” trong doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, “chống chủ nghĩa quan liêu”; “Ngũ phản” là phong trào “chống hối lộ, trốn thuế” đối với giới doanh nghiệp tư nhân, “chống ăn cắp tài sản quốc gia”, “chống đánh cắp thông tin tình báo kinh tế quốc gia”.
Phong trào “Tam phản” để xử lý cán bộ ĐCSTQ hủ bại, nhưng rồi ĐCSTQ cho rằng cán bộ biến chất là do bị nhà tư bản dụ dỗ, hệ quả là sau đó đã thực hiện “Ngũ phản”. Các nhà tư bản thường xuyên bị buộc phải “khai báo tội trạng”, họ đã buộc phải bàn giao tài sản của họ, rất nhiều người không khuất phục chịu nhục đã tự tử bằng cách nhảy lầu hoặc uống thuốc độc. Trong mục «Lịch sử giết người của ĐCSTQ» trong «Cửu bình» có ghi: “Buổi tối mỗi ngày thị trưởng thành phố Thượng Hải ngồi trên ghế xô-pha bưng ly trà nghe báo cáo, hỏi câu hờ hững: Hôm nay có bao nhiêu lính nhảy dù?” Thực tế ý câu này là hỏi có bao nhiêu thương nhân nhảy lầu.
Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc đặt ra quy định về “quan hệ sở hữu [tài sản] công – tư” cơ bản diễn biến như sau: (1) doanh nghiệp thay đổi sở hữu từ tư bản sang sở hữu công; (2) nhà tư bản mất dần quyền điều hành và quản lý doanh nghiệp; (3) phần lớn lợi nhuận nộp cho nhà nước.
Với thủ đoạn đàn áp này, chỉ trong vài năm ĐCSTQ đã xóa bỏ hoàn toàn giai cấp tư sản và sở hữu tư nhân trong cả nước, đưa doanh nghiệp vào quản lý của ĐCSTQ. Có thể nói, thực tế cái gọi là “ngũ phản” là cướp của cải của các nhà tư bản.
Đến năm 1956, Trung Quốc tuyên bố “đã cơ bản hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa”, “kinh tế công hữu xã hội chủ nghĩa chiếm tới 93%”, “kinh tế tư doanh từ 6,9% giảm xuống chỉ còn dưới 0,1%, kinh tế cá thể giảm từ 71,8% xuống còn 7,1%”. Vì vậy, có thể coi năm 1956 là thời điểm Trung Quốc hoàn thành quá trình xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ sở hữu XHCN gồm sở hữu quốc doanh và sở hữu tập thể chiếm tỷ trọng tuyệt đối.
> Đại dịch Corona và lịch sử dối trá của ĐCSTQ
Lần thứ ba: Đại Nhảy vọt
Từ 1958 – 1962, Mao Trạch Đông thực hiện kế hoạch “Đại nhảy vọt”, cưỡng chế tập thể hóa nông nghiệp và chế độ nhà ăn tập thể, đã làm số người chết đói la liệt khắp nơi.
Nếu như “Cải cách ruộng đất” đã chia rẽ địa chủ và nông dân, thì “Đại nhảy vọt” chia rẽ chính những người nông dân, tịch thu nông cụ của họ.
Chính sách “Đại nhảy vọt” đưa ra chỉ tiêu thu hoạch cao cho các địa phương, trưng thu cao… dẫn đến phải giảm tối đa khẩu phần lương thực của người nông dân. Khi số lương thực nộp lên không đủ để báo cáo chính phủ, người nông dân bị ép phải bớt khẩu phần của mình, phải nộp cả phần hạt giống, vì thế mà gây ra thảm họa nạn đói.
Nhà sử học Frank Dikötter, tác giả cuốn “Nạn đói lớn của Mao” đã tóm tắt “Đại nhảy vọt” của Mao như sau: “Mao đã nghĩ rằng ông ta có thể giúp đất nước của mình vượt qua đối thủ cạnh tranh bằng cách tập hợp dân làng trên khắp đất nước thành những công xã khổng lồ. Nhằm theo đuổi một thiên đường không tưởng, tất cả mọi thứ phải là sở hữu tập thể. Người ta bị lấy đi công việc, nhà cửa, đất đai, đồ đạc và sinh kế. Trong bếp ăn tập thể, thức ăn, được phân phối theo thìa dựa theo công tội, đã trở thành một vũ khí để buộc người dân phải theo sát từng mệnh lệnh của Đảng. Động lực làm việc bị tiêu tan, thay vào đó cưỡng chế và bạo lực đã được sử dụng để bắt những nông dân đói khát phải lao động trên những công trình thủy lợi quy hoạch kém, còn những cánh đồng lúa thì rơi vào quên lãng.”
Theo các tài liệu giải mật nội bộ của ĐCSTQ tiết lộ, sau khi giải mật hồ sơ lưu trữ từ năm 1959 đến 1962, tổng cộng toàn Trung Quốc Đại Lục có hơn 37 triệu người đã chết vì đói. Còn các nhà điều tra độc lập bên ngoài cho rằng số người chết đói thời kỳ đó tại Trung Quốc từ 40 – 45 triệu người.
Xem thêm:
Lần thứ tư: Cách mạng văn hóa
“Cách mạng Văn hóa” là phong trào chính trị do cố lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông cùng “Tổ Cách mạng Văn hóa Trung ương” khởi xướng và lãnh đạo kéo dài cả thập kỷ (từ 5/1966 – 10/1976). Giới sử học xem đây là “mười năm hỗn loạn” hay “mười năm thảm họa” của Trung Quốc.
Mao tuyên bố rằng “các phần tử tư sản đã xâm nhập vào chính phủ và xã hội”, chúng đang có âm mưu “khôi phục chủ nghĩa tư bản”. Để tiêu diệt các đối thủ của mình trong ĐCSTQ cũng như thành phần chống đối trong các trường học, nhà máy và các tổ chức chính phủ, Mao nhấn mạnh rằng những người theo chủ nghĩa xét lại cần phải bị loại bỏ thông qua đấu tranh giai cấp bạo lực. Giới trẻ Trung Quốc hưởng ứng bằng việc thành lập các nhóm Hồng vệ binh trên khắp đất nước.
“Cách mạng văn hoá” với mục tiêu “bài trừ mọi tư tưởng cũ, văn hóa cũ, phong tục cũ, tập quán cũ đầu độc nhân dân do giai cấp bóc lột dựng nên”, từ đây phong trào “phá tứ cựu” bắt đầu lên cao. Trên khắp cả nước, Hồng vệ binh bắt đầu đập phá chùa chiền di tích, hủy hoại miếu thờ tượng Phật, đốt sách vở, tranh chữ. Ngoài ra, tình trạng đào mộ thiêu hủy xương cốt đặc biệt phổ biến tại nhiều nơi.
Hàng triệu người bị buộc tội là “phần tử cánh hữu”, họ bị bức hại hoặc chịu sự sỉ nhục công khai, bị cầm tù, bị tra tấn, phải chịu lao động khổ sai, bị tịch thu tài sản và thậm chí bị xử tử hoặc bị ép phải tự tử. Nhiều thanh niên trí thức thành thị đã bị gửi đến các vùng nông thôn.
“Cách mạng văn hóa” cũng là một cuộc cướp bóc quy mô lớn khác của ĐCSTQ đối với tài sản riêng của người dân. Khối tài sản bị tịch thu thời đó tương đương với 25% GDP của Trung Quốc vào năm 1966.
Trung Quốc năm 2020: ĐCSTQ muốn mở rộng quốc hữu hoá?
Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân thành phố Quảng Châu đã ban hành một tuyên bố trên trang web chính thức của mình ngày 12/2, liệt kê Luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phòng chống và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, Luật của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc về ứng phó khẩn cấp và Quy định của tỉnh Quảng Đông về ứng phó khẩn cấp, cùng các quy định pháp lý khác để chứng minh rằng Quyết định phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh viêm phổi do COVID-19 mới được công bố, trong đó có việc trưng dụng tài sản cá nhân là có đủ cơ sở pháp lý.
Đằng Bưu, cựu luật sư nhân quyền Trung Quốc lưu vong ở Hoa Kỳ, nói với VOA rằng “dưới sự cai trị của môi trường luật pháp ở Trung Quốc, loại hình chiếm quyền này có thể dễ dàng trở thành vi phạm nhân quyền. Trên thực tế, chính phủ đang cướp tài sản dân sự.”
Ông nói rằng các nhà chức trách đã không quy định rõ ràng những gì có thể được trưng dụng trong những trường hợp nào, khi nào cần trả lại và những khoản bồi thường nào sẽ có. Ngay cả khi có quy định, chính quyền các cấp có thể không tuân thủ. Vì lý do này, cưỡng chế đất đai xảy ra ở Trung Quốc mỗi ngày.
Có nhiều ý kiến bình luận lo sợ rằng chính quyền trung ương thông qua thí điểm ở tỉnh Quảng Đông và sau đó áp dụng cho cả nước. Các học giả thân cận với quân đội tin rằng đây là việc huy động thời chiến của ĐCSTQ để tịch thu tất cả tiền của, vật chất của nhân dân và mở rộng quốc hữu hóa.
Lê Xuân (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa virus corona trưng dụng tài sản Cách mạng Văn hóa Đại nhảy vọt Cải cách ruộng đất quốc hữu hóa Dòng sự kiện