Sức Khỏe

Dùng cần sa lâu dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong

Một nghiên cứu được công bố vào ngày 6/6 trên JAMA Network Open (Tập san Y tế của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) phát hiện ra rằng việc sử dụng Cannabis sativa lâu dài làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư và các nguyên nhân nói chung. Một nghiên cứu khác được công bố trên Tập san của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAHA) vào tháng 2 cũng cho thấy khi tần suất sử dụng cần sa tăng lên thì nguy cơ đau tim và đột quỵ cũng tăng mạnh.

(Ảnh minh họa nghiên cứu cần sa: Shutetrstock)

Theo dữ liệu mới nhất từ kết quả của cuộc ​​Khảo sát Quốc gia về Sử dụng Ma túy và Sức khỏe (NSDUH) của Mỹ, số lượng người sử dụng cần sa hàng ngày vào năm 2022 đã tăng lên đến 17,7 triệu, vượt qua con số 14,7 triệu người sử dụng rượu hàng ngày lần đầu tiên. Trong khoảng thời gian từ năm 1992 đến năm 2022, khi nhận thức tiêu cực về việc sử dụng cần sa giảm xuống, tỷ lệ những người báo cáo sử dụng cần sa hàng ngày hoặc gần như hàng ngày đã tăng gấp 15 lần.

Ngoài ra, do những thay đổi trong phương pháp canh tác nên nồng độ thành phần gây ảo giác delta-9-tetrahydrocannabinol (THC) trong cần sa đã tăng gấp 1 đến 2 lần so với trước đây. Do đó, việc hiểu được những tác động của việc sử dụng cần sa thường xuyên đối với sức khỏe ngày càng trở nên quan trọng.

Trong khi luật liên bang Hoa Kỳ vẫn cấm sử dụng cần sa và các chất dẫn xuất của cần sa (ngoại trừ cannabidiol (CBD) – chiết xuất từ ​​cần sa – được phép sử dụng cho mục đích y tế với mức THC dưới 0,3%), thì hiện tại cần sa lại được hợp pháp hóa để sử dụng cho mục đích y tế tại 38 tiểu bang, 3 vùng lãnh thổ và Quận Columbia. Ngoài ra, 24 tiểu bang, 3 vùng lãnh thổ và Quận Columbia cũng cho phép dùng cần sa để giải trí ở mức độ hạn chế.

Cần sa là loại ma túy bất hợp pháp được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn cầu, với 2 trong số các hợp chất hoạt động chính là THC và CBD. THC có tác dụng kích thích thần kinh, trong khi cần sa y tế với thành phần chính là CBD được dùng để điều trị các tình trạng như động kinh nặng, đau mạn tính và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD).

Trước đó Trí Thức VN đã đưa tin, theo thông tin do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đưa ra vào sáng 4/9/2024, tại Việt Nam tính đến tháng 8/2024, cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý (169.786 người nghiện ma túy, 37.943 người sử dụng trái phép chất ma túy, 19.408 người bị quản lý sau cai nghiện). Khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 – 25, trong đó có nhiều trẻ ở độ tuổi 13 – 15 tuổi. Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp, có tới 70 – 75% người trong độ tuổi 17 – 35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.

Trang thông tin của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho hay tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/5/2023, trong tổng số trên 136.000 thanh, thiếu niên phạm tội thì tội phạm về ma túy chiếm gần 32%.

Năm 2023, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” là 1.459 người (chiếm 0,68 % trong tổng số người sử dụng, người nghiện ma túy). Số vụ phạm tội hình sự (giết người, cố ý gây thương tích…) do người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” gây ra là 21 vụ.

Vẫn theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính riêng trong năm 2023, trên cả nước phát hiện 5 chất ma tuý mới (cần sa tổng hợp) chưa có trong danh mục các chất ma tuý và tiền chất quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.

Hiện rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, hình thức bắt mắt được sản xuất, ngụy trang dưới dạng thực phẩm, đồ uống (như “nước vui”, nước dâu, cà phê (White Coffee) Chali, nước đông trùng, bánh kẹo…); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Việc sử dụng các loại này có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, như: Quán bar, cà phê, quán nước…

Sử dụng cần sa nhiều làm tăng nguy cơ, đặc biệt là ở phụ nữ

Tang vật thu giữ tại hiện trường. (Ảnh: Công an cung cấp/dẫn qua suckhoedoisong.vn)

Nghiên cứu JAMA Network Open (Tập san Y tế của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) đã phân tích dữ liệu từ hơn 120.000 cá nhân tại UK Biobank. Khoảng 55% người tham gia là nữ, với độ tuổi trung bình là 55 và khoảng 45% là nam, với độ tuổi trung bình là 56. Thời gian theo dõi trung bình là gần 12 năm. Trong nghiên cứu này, cụm từ “sử dụng nhiều” được định nghĩa là đã sử dụng cần sa hơn 100 lần trong đời. Có 1 bảng câu hỏi tự báo cáo được dùng để xác định việc sử dụng cần sa.

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ sử dụng cần sa nhiều có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 1,5 lần so với những người không sử dụng. Sau khi điều chỉnh toàn diện để loại trừ các yếu tố ảnh hưởng khác, người ta thấy rằng nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong do bệnh tim mạch và tử vong do ung thư ở phụ nữ tăng lần lượt là 49%, 167% và 61%. Những rủi ro này tăng lần lượt là 28%, 0% và 9% đối với nam giới. Điều này cho thấy, việc sử dụng cần sa nhiều có tác động lớn hơn đến nguy cơ tử vong ở phụ nữ, đặc biệt là làm tăng đáng kể nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.

Ngoài ra, dữ liệu cho thấy, những người sử dụng cần sa nhiều có xu hướng trẻ hơn, có nhiều khả năng hút thuốc hơn, nhưng lại có mức độ sử dụng rượu, tăng huyết áp (huyết áp cao), rối loạn lipid máu (mức lipid bất thường), béo phì và tiểu đường thấp hơn. Họ cũng có xu hướng có trình độ học vấn và thu nhập thấp hơn.

Phân tích sâu hơn cho thấy, những phụ nữ thừa cân sử dụng cần sa nhiều có nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do ung thư tăng đáng kể – lần lượt là 123% và 179%. Đối với những phụ nữ không bị tăng huyết áp, những rủi ro này tăng lần lượt là 114% và 143%. Ngoài ra, những phụ nữ không bị tiểu đường có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng gần gấp đôi (192%).

Mặc dù việc sử dụng cần sa nhiều có tác động rõ rệt hơn đến nguy cơ tử vong ở phụ nữ, đặc biệt là liên quan đến bệnh tim mạch nhưng một nghiên cứu tương tự về bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch được thực hiện vào năm 2023 lại cho thấy việc sử dụng cần sa trong thời gian dài có tác động mạnh hơn đến nguy cơ phát triển tình trạng này ở nam giới so với nữ giới.

Sử dụng cần sa thường xuyên làm tăng nguy cơ

Nghiên cứu quan sát được công bố trên JAHA (Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) đã nghiên cứu gần 435.000 người trên 27 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ.

Trái ngược với nghiên cứu đã đề cập trước đó, nghiên cứu này đã đánh giá tác động của việc sử dụng cần sa đối với nguy cơ mắc bệnh tim mạch dựa trên tần suất sử dụng. Nghiên cứu phát hiện ra rằng việc sử dụng thường xuyên làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim và đột quỵ, nguy cơ sẽ tăng mạnh khi tần suất sử dụng tăng lên.

Cụ thể, việc sử dụng cần sa hàng ngày có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành, đau tim, đột quỵ và bệnh tim mạch nói chung lần lượt là 16%, 25%, 42% và 28% so với việc không sử dụng. Ngay cả những người sử dụng cần sa ít thường xuyên hơn, chẳng hạn như 1 lần/tuần, cũng có khả năng bị đau tim và đột quỵ tăng nhẹ.

Ngoài việc kiểm soát các yếu tố nhân khẩu học và việc sử dụng thuốc lá, nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngay cả với những người không hút thuốc thì việc sử dụng cần sa hàng ngày cũng làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim là 49%, đột quỵ là 116% và bệnh tim mạch nói chung là 77%.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Hệ thống Giám sát Yếu tố Nguy cơ Hành vi do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.

Nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch sớm, việc sử dụng cần sa cũng có liên quan tương tự đến bệnh tim mạch nhưng có tác động tương đối đáng kể hơn.

Theo nghiên cứu, gần 75% số người được hỏi chủ yếu sử dụng cần sa bằng đường hút, trong khi 25% sử dụng thông qua việc hút thuốc lá điện tử, uống hoặc ăn. Khi được đốt, cần sa sẽ giải phóng các chất độc tương tự như những chất có trong khói thuốc lá.

“Chúng ta đã biết từ lâu rằng hút thuốc lá có liên quan đến bệnh tim,” Abra Jeffers, một nhà phân tích dữ liệu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và là cựu nghiên cứu viên tại Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Kiểm soát Thuốc lá thuộc Đại học California – San Francisco, cho biết trong một thông cáo báo chí. “Nghiên cứu này là bằng chứng cho thấy hút cần sa dường như cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch – loại bệnh gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ.”

Các nhà nghiên cứu cho biết rằng mặc dù cơ chế liên kết chính xác giữa cần sa với bệnh tim mạch vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một số yếu tố có thể liên quan. Ngoài việc giải phóng độc tố, sự hiện diện rộng rãi của các thụ thể endocannabinoid – protein trên các tế bào chịu trách nhiệm phát hiện THC trong cần sa – trong các mô tim mạch có khả năng làm tăng nguy cơ đau tim.

Sử dụng cần sa sớm ở tuổi vị thành niên dẫn đến những tác động nghiêm trọng hơn

Việc sử dụng cần sa đã được chứng minh là có liên quan đáng kể đến việc tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở người lớn tại Hoa Kỳ, đặc biệt là những người bắt đầu sử dụng trước 18 tuổi. Một nghiên cứu được công bố trên American Journal of Preventive Medicine (Tập san Y học Dự phòng Hoa Kỳ) năm 2020 cho thấy rằng những người bắt đầu sử dụng cần sa trước 18 tuổi có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao gấp đôi so với những người không sử dụng.

Ngoài ra, việc bắt đầu sử dụng cần sa trong thời kỳ vị thành niên, đặc biệt là sử dụng thường xuyên hoặc nhiều, có thể có tác động lâu dài đến não bộ đang phát triển của thanh thiếu niên và làm tăng đáng kể nguy cơ nghiện. Vào năm 2021, gần 5 triệu thanh thiếu niên từ 18 đến 25 tuổi và 1,3 triệu thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi tại Hoa Kỳ có thể đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn sử dụng cần sa. (trang này bị block rồi em nhé)

Vào năm 2022, gần 31% học sinh lớp 12 tại Hoa Kỳ báo cáo có sử dụng cần sa. Viện Hàn lâm Tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên Hoa Kỳ lưu ý rằng việc sử dụng cần sa ở thanh thiếu niên đã đạt mức cao nhất trong 30 năm, khuyến nghị rằng các cha mẹ nên giúp con mình hiểu được tác dụng phụ của cần sa, khuyến khích các con trì hoãn việc sử dụng lần đầu và theo dõi những thay đổi về hành vi. Nếu nghi ngờ trẻ sử dụng cần sa, cha mẹ nên trợ giúp trẻ một cách trung thực và cởi mở.

7 chiến lược hiệu quả để cai cần sa

Để giải quyết tình trạng nghiện cần sa, ngoài việc tìm kiếm tư vấn chuyên nghiệp và các chương trình cai nghiện, một số vấn đề liên quan đến tâm lý và thói quen có thể được giải quyết độc lập hoặc với sự trợ giúp của gia đình.

Phòng khám Cleveland đã phỏng vấn Tiến sĩ David Streem, một bác sĩ tâm thần về chứng nghiện, người đã phác thảo 7 chiến lược sau đây giúp cai cần sa:

  • Xác định nguyên nhân gốc rễ: Khi muốn cố gắng thay đổi một thói quen không lành mạnh, nên suy nghĩ về cách nó phát triển ngay từ đầu. Hiểu được những nguyên nhân gốc rễ này là điều cần thiết để phá vỡ thành công những thói quen xấu. Mọi người thường sử dụng cần sa với hy vọng làm giảm các vấn đề như trầm cảm, lo lắng, căng thẳng xã hội, các vấn đề về giấc ngủ hoặc chấn thương. Tuy nhiên, cần sa chỉ mang lại sự giải tỏa tạm thời và không giải quyết được các vấn đề tiềm ẩn. Nên trao đổi với gia đình hoặc một nhà trị liệu để tìm ra các giải pháp thay thế an toàn và hiệu quả hơn. Khi tìm ra được những cách mới để giải quyết các vấn đề gốc rễ, việc cai cần sa sẽ trở nên dễ dàng.
  • Lên kế hoạch cai thuốc: Đánh giá cuộc sống của bạn và xác định chiến lược cai thuốc hiệu quả nhất. Bạn có thể chọn cai thuốc đột ngột hoặc cai dần dần. Cai thuốc đột ngột diễn ra nhanh chóng nhưng có thể dẫn đến các triệu chứng do cai thuốc và nhiều thách thức khác nhau. Tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác có thể giúp vượt qua những khó khăn này. Đối với những người sử dụng cần sa lâu năm, muốn có phương pháp tiếp cận dần dần, nên đặt ra thời hạn và giảm dần lượng sử dụng. Một chuyên gia về chứng nghiện hoặc cố vấn về sử dụng chất gây nghiện có thể trợ giúp bạn trong suốt quá trình.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp: Chia sẻ quyết định cai cần sa của bạn với những người xung quanh. Điều này sẽ thúc đẩy ý thức trách nhiệm và mang đến cho bạn sự động viên từ những người khác. Ngoài ra, nên cân nhắc tham gia các nhóm trợ giúp như Marijuana Anonymous. Các nhóm này tuân theo chương trình 12 bước có cấu trúc, tổ chức các cuộc họp thường xuyên để trợ giúp và động viên lẫn nhau. Bạn cũng có thể tham dự các cuộc họp của Alcoholics Anonymous, ngay cả khi bạn không uống rượu. Thực hiện theo quy trình phục hồi được sử dụng trong các chương trình cai nghiện rượu có thể giúp bạn thay đổi hành vi sử dụng cần sa của mình. Ngoài ra, tìm kiếm sự trợ giúp từ một nhà trị liệu cũng là một giải pháp hữu ích, đặc biệt nếu những nhà trị liệu này được đào tạo hoặc có chứng chỉ về điều trị chứng nghiện.
  • Tránh các tác nhân kích thích: Mọi người có xu hướng liên kết một số vật phẩm, hoạt động, địa điểm và con người nhất định với những thói quen cụ thể, điều này có thể làm tăng ham muốn dùng cần sa. Cách tiếp cận đơn giản nhất là loại bỏ các vật dụng như thuốc lá điện tử và giấy cuốn thuốc ra khỏi nhà của bạn. Ngoài ra, điều cần thiết là phải tránh xa những người sử dụng cần sa.
  • Tập trung vào điều tích cực: Chống lại sự cám dỗ sẽ trở nên khó khăn hơn nếu bạn chỉ nghĩ đến việc không sử dụng cần sa. Thay vào đó, nên tập trung vào các hoạt động và sở thích mới để chiếm hết tâm trí và thời gian của bạn. Bạn cũng có thể tập thiền, dành nhiều thời gian hơn cho thú cưng và kết nối lại với bạn bè và gia đình. Việc thay đổi thói quen sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn tập trung vào những khía cạnh tích cực của cuộc sống.
  • Vượt qua cơn thèm: Khi cơn thèm dùng cần sa trở nên mạnh mẽ, nên đánh lạc hướng bản thân và tránh các tác nhân gây nghiện. Liên hệ với mạng lưới trợ giúp của bạn bằng cách gọi điện cho bạn bè hoặc thành viên gia đình hoặc tham dự các cuộc họp nhóm trợ giúp. Tham gia vào các hoạt động khiến bạn không thể sử dụng cần sa cùng lúc, chẳng hạn như chơi bowling, chạy bộ quanh khu nhà hoặc mua sắm. Những hành động này có thể giúp củng cố quyết tâm cai cần sa của bạn cho đến khi cơn thèm qua đi. Bạn cũng có thể cân nhắc việc dùng N-acetyl cysteine ​​(NAC), một chất chống oxy hóa bảo vệ tế bào. Nghiên cứu cho thấy NAC có thể giúp những người đang cố gắng cai cần sa bằng cách giảm cơn thèm.
  • Nên kiên trì và đừng bỏ cuộc: Việc thay đổi thói quen có thể rất khó khăn và nếu bạn bị lỡ thì cố gắng đừng quá khắt khe với bản thân. Điều chỉnh kế hoạch của bạn dựa trên những gì bạn đã học được và tiếp tục cố gắng. Thành công thường đòi hỏi phải trải qua nhiều lần thử thách. Khi những nỗ lực lặp đi lặp lại đều thất bại, bạn dễ cảm thấy nản lòng và tin rằng thành công nằm ngoài tầm với của mình. Tuy nhiên, suy nghĩ này là sai lầm, vì mỗi lần thử đều đại diện cho một sự tiến bộ. Bạn càng thử nhiều, cơ hội thành công trong tương lai của bạn càng lớn. Nên đặt ngày cai cần sa mới càng sớm càng tốt và bắt đầu lại quá trình.

Khánh Ngọc (dịch và t/h), theo The Epoch Times

Khánh Ngọc

Published by
Khánh Ngọc

Recent Posts

Hà Nội công bố tình huống khẩn cấp do đê ở huyện Chương Mỹ sạt lở

Theo giới chức Hà Nội, diễn biến sự cố sạt lở mái đê, thân đê,…

4 giờ ago

Thêm 30 công ty Trung Quốc bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì cưỡng bức lao động

Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…

6 giờ ago

Nga có 3 tên lửa nhắm vào Anh với tổng công phá 15.000 quả ở Hiroshima — Cựu nghị viên Anh

George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…

7 giờ ago

Khánh Hòa muốn làm hầm xuyên núi Cù Hin dài hơn 4km

Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…

8 giờ ago

12 đối tượng được miễn thu tiền dịch vụ sử dụng phà từ ngày 1/1/2025

Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…

8 giờ ago

Vụ xe chở rác rơi khỏi cầu treo: Thi thể hai nạn nhân trôi xa 3-6km

Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…

8 giờ ago