Bộ Công an: Nhiều trẻ em 13-15 tuổi dùng ma túy
- Sơn Nguyên
- •
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp, có tới 70 – 75% người trong độ tuổi 17 – 35 tuổi. Độ tuổi lần đầu sử dụng ma túy là từ 13-15 tuổi.
Thông tin trên do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an) đưa ra vào sáng 4/9, tại buổi phát động cuộc thi “Trường học không ma túy” do đơn vị này phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức.
Tính đến tháng 8/2024, cả nước có hơn 227.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy và người đang bị quản lý sau cai nghiện có hồ sơ quản lý (169.786 người nghiện ma túy, 37.943 người sử dụng trái phép chất ma túy, 19.408 người bị quản lý sau cai nghiện).
Khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 – 25, trong đó có nhiều trẻ ở độ tuổi 13 – 15 tuổi.
Trong tổng số 95% người sử dụng ma túy tổng hợp, có tới 70 – 75% người trong độ tuổi 17 – 35 tuổi, chiếm tỷ lệ lớn là thanh niên, học sinh, sinh viên.
Trang thông tin của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho hay tính từ ngày 15/12/2020 đến ngày 14/5/2023, trong tổng số trên 136.000 thanh, thiếu niên phạm tội thì tội phạm về ma túy chiếm gần 32%.
Năm 2023, số người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” là 1.459 người (chiếm 0,68 % trong tổng số người sử dụng, người nghiện ma túy). Số vụ phạm tội hình sự (giết người, cố ý gây thương tích…) do người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện loạn thần “ngáo đá” gây ra là 21 vụ.
Vẫn theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, tính riêng trong năm 2023, trên cả nước phát hiện 5 chất ma tuý mới (cần sa tổng hợp) chưa có trong danh mục các chất ma tuý và tiền chất quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 của Chính phủ.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm soát ma tuý thế giới đã có nghị quyết đưa 16 chất ma túy mới vào danh mục quản lý, nhưng lại chưa có trong danh mục chất ma túy của Việt Nam, tạo ra “kẽ hở” pháp lý, bị lợi dụng tuồn bán ma túy.
Hiện rất nhiều loại ma túy thế hệ mới có độc tính cao, hình thức bắt mắt được sản xuất, ngụy trang dưới dạng thực phẩm, đồ uống (như “nước vui”, nước dâu, cà phê (White Coffee) Chali, nước đông trùng, bánh kẹo…); dạng thuốc lá dùng để hút (thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới), thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc khô và dạng sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Việc sử dụng các loại này có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, như: Quán bar, cà phê, quán nước…
Người sử dụng ma túy tổng hợp kéo dài dẫn đến rối loạn tâm thần (thường gọi là “ngáo đá”), mất khả năng kiểm soát hành vi gây nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh.
Sơn Nguyên
Từ khóa ma tuý cà phê trẻ em nghiện ma túy