Sức Khỏe

Thức khuya: Nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ ở người trẻ tuổi

Dữ liệu gần đây từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cho thấy một xu hướng đáng lo ngại: Từ năm 2011 đến năm 2022, tỷ lệ đột quỵ của người lớn trong độ tuổi lao động tăng 15 %, chủ yếu là do căng thẳng liên quan đến công việc và thói quen lối sống.

(Ảnh: Chay_Tee/ Shutterstock)

Trong giai đoạn này, tỷ lệ đột quỵ nói chung ở Hoa Kỳ tăng 7,8 %. Sự gia tăng đặc biệt rõ rệt ở những người từ 18 đến 64 tuổi:

  • Tăng 14,6 % ở nhóm tuổi từ 18 đến 44
  • Tăng 15,7 % ở nhóm tuổi từ 45 đến 64

Việc nhận biết những dấu hiệu sớm và yếu tố nguy cơ gây đột quỵ có thể giúp người trẻ tuổi phòng ngừa căn bệnh nghiêm trọng này.

Các loại đột quỵ

Có hai loại đột quỵ:

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Xảy ra khi mạch máu bị tắc nghẽn (chiếm khoảng 87% các trường hợp đột quỵ)
  • Đột quỵ do xuất huyết: Xảy ra khi mạch máu bị vỡ

Trong Trung y, các triệu chứng của tắc mạch máu não hoặc xuất huyết não gọi chung là “đột quỵ”, được cho là có liên quan đến yếu tố gây bệnh gọi là “phong”. Trung y xem bệnh tật thông qua lăng kính năng lượng, trong đó “phong” đại diện cho một dạng năng lượng đặc trưng bởi chuyển động nhanh và thay đổi thường xuyên—phản ánh bản chất đột ngột và đa dạng của các triệu chứng đột quỵ.

Đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn, thường liên quan đến sự gián đoạn trong hệ thần kinh và tinh thần, biểu hiện dưới dạng các đặc điểm thể chất như liệt mặt, liệt nửa người hoặc co giật, thường ảnh hưởng đến các chức năng vận động và cảm giác.

Não kiểm soát mọi khía cạnh của cơ thể, bao gồm suy nghĩ, cảm xúc, chuyển động, ngôn ngữ, nhận thức và thậm chí cả hoạt động của các cơ quan nội tạng. Khi những triệu chứng xuất hiện đột ngột, cần phải nghĩ ngay đến khả năng bị đột quỵ.

Các dấu hiệu sớm của đột quỵ

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, gần 30% người lớn ở Hoa Kỳ dưới 45 tuổi không biết về các triệu chứng đột quỵ phổ biến nhất. Trong khi tỷ lệ đột quỵ nói chung đã giảm trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ đột quỵ và tỷ lệ nhập viện ở người trẻ tuổi đã tăng vọt lên 40%.

Đột quỵ thường biểu hiện bằng một số dấu hiệu cảnh báo sớm, bao gồm:

  • Đau đầu: Đột ngột và dữ dội, không giống bất kỳ cơn đau nào từng gặp trước đây
  • Các vấn đề về thị lực: Nhìn mờ đột ngột, nhìn đôi, chớp sáng, đốm đen hoặc mất các vùng trong trường nhìn.
  • Liệt mặt: Tê hoặc yếu ở mặt, thường ảnh hưởng đến một bên (có thể do các vấn đề về thần kinh ngoại biên hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương của não.)
  • Tê và yếu ở các chi: Tương tự như liệt mặt nhưng ảnh hưởng đến các chi.
  • Nói khó: Đột nhiên không thể nói, khó tìm từ hoặc khó hiểu lời nói.
  • Chóng mặt hoặc mất thăng bằng: Cảm thấy choáng váng, mất thăng bằng hoặc có cảm giác quay cuồng (Nếu mặt đất như không bằng phẳng hoặc bước chân mất thăng bằng, thì đó có thể là dấu hiệu sớm của đột quỵ.)

Các yếu tố góp phần gây đột quỵ ở người trẻ

Nguy cơ đột quỵ tăng ở người trẻ tuổi phần lớn là do:

  • Căng thẳng liên quan đến công việc
  • Thói quen lối sống không lành mạnh (hút thuốc, uống rượu, chế độ ăn uống kém lành mạnh)
  • Thiếu ngủ

Thức khuya đặc biệt có hại vì có thể:

  • Tăng huyết áp
  • Làm suy yếu hệ thống miễn dịch
  • Góp phần gây ra các bệnh viêm mãn tính

Viêm mãn tính có thể làm hỏng lớp nội mạc của mạch máu, dẫn đến sự tích tụ các yếu tố đông máu, fibrin, cholesterol và các tế bào trên thành mạch, cuối cùng có thể gây tắc mạch.

(Ảnh: Tirachard Kumtanom/Shutterstock)

Một tổng quan năm 2021 cho thấy tình trạng viêm do thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch—bắt đầu bằng các tổn thương xơ vữa động mạch (chất béo tích tụ trong động mạch) và tiến triển thành huyết khối, đây là nguyên nhân căn bản gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. Mặc dù cơ chế chính xác mà tình trạng thiếu ngủ gây hại cho sức khỏe tim mạch vẫn chưa được hiểu biết đầy đủ, nhưng nghiên cứu đã xác định được mối liên hệ giữa thiếu ngủ và các tình trạng như tiểu đường loại 2, tăng huyết áp, lipid máu bất thường, rối loạn chức năng nội mô và vôi hóa động mạch vành.

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Yale phát hiện ra rằng ngủ ít hơn 7 giờ hoặc nhiều hơn 9 giờ mỗi ngày có liên quan đến sức khỏe não bộ kém hơn ở người lớn tuổi trung niên, theo một nghiên cứu năm 2023 được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ. Những người ngủ quá ít tăng nguy cơ bị tổn thương chất trắng ở não, vốn liên quan đến lão hóa não và bệnh mạch máu nhỏ, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc mất trí nhớ.

Thiếu ngủ có liên quan đến tăng đông máu, do đó làm tăng nguy cơ huyết khối. Tóm lại, thức khuya thực sự gây tổn hại cho sức khỏe của chúng ta.

Cân bằng công việc và sức khỏe

Cân bằng công việc và sức khỏe là điều cần thiết. Đối với những người trẻ tuổi có công việc đòi hỏi phải thức khuya, điểm quan trọng cần nhớ là hiệu quả công việc và kết quả phụ thuộc trực tiếp vào các công cụ. Trong trường hợp này, “các công cụ” không phải là máy tính hay phần mềm, mà là cơ thể và tâm trí của bạn, đặc biệt là não bộ, nơi cần được chăm sóc nhiều nhất.

Việc tự chăm sóc bản thân luôn phải là ưu tiên hàng đầu.

Điều này bao gồm:

  • Tránh tiêu thụ quá nhiều caffeine, thực phẩm chế biến, đường và hút thuốc
  • Hạn chế uống rượu
  • Áp dụng các chiến lược lành mạnh để giải tỏa căng thẳng

Giải tỏa căng thẳng bằng cách uống rượu với bạn bè sau giờ làm việc chỉ gây hại thêm cho cơ thể bạn, đặc biệt là sau khi thức khuya. Thói quen này có thể dẫn đến béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và đường huyết tăng, cuối cùng làm tăng nguy cơ đột quỵ ở độ tuổi trẻ.

Huyết áp cao và béo phì ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi. Tại Hoa Kỳ, 50,4% nam giới và 43% phụ nữ trên 20 tuổi bị tăng huyết áp và hơn 71% người lớn ở Mỹ bị thừa cân hoặc béo phì, theo số liệu thống kê mới nhất từ ​​Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia (NIH).

Khi giải toả với căng thẳng, chúng ta nên áp dụng các chiến lược lành mạnh, chẳng hạn như duy trì chế độ ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc, bổ sung thêm nhiều dưỡng chất và dành thời gian để tập thể dục. Các hoạt động như thiền cũng có thể giúp thư giãn tâm trí và kiểm soát cảm xúc.

Ngồi thiền theo phương pháp khí công của Pháp Luân Công

Thói quen lành mạnh phòng ngừa đột quỵ

Một lối sống lành mạnh không chỉ giúp phòng ngừa đột quỵ mà còn kéo dài tuổi thọ.

Một nghiên cứu kéo dài 30 năm của Harvard với hơn 120.000 người Mỹ đã phát hiện ra rằng người càng có nhiều thói quen lành mạnh thì càng có xu hướng sống lâu hơn. Trong số những người 50 tuổi, nếu áp dụng năm thói quen lành mạnh chính thì nữ giới có thể sống lâu hơn 14 năm và nam giới sống lâu hơn 12 năm, so với những người không áp dụng các thói quen này. Nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cũng giảm 82 %.

5 thói quen này bao gồm:

  • Không hút thuốc
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh, với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 24,9
  • Tập thể dục thường xuyên, với ít nhất 30 phút hoạt động thể chất vừa phải đến mạnh mỗi ngày
  • Hạn chế lượng rượu uống vào ở mức vừa phải
  • Chế độ ăn uống lành mạnh giàu rau, trái cây, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo không bão hòa, đồng thời hạn chế thịt đỏ, thịt chế biến, đồ uống có đường, chất béo chuyển hóa và natri

Như vậy nhờ áp dụng những thói quen kể trên, chúng ta có thể phòng ngừa đột quỵ, đồng thời có thể kéo dài được tuổi thọ thêm 12-14 năm.

Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan, The Epoch Times
Đại Hải biên dịch

Xem thêm:

Dương Cảnh Đoan

Published by
Dương Cảnh Đoan

Recent Posts

TP.HCM: Thêm một ca tử vong do sởi, là bé gái 12 tháng tuổi

Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, TP.HCM ghi nhận 2.438 ca bệnh sởi,…

4 giờ ago

[VIDEO] Câu chuyện xúc động về “chuyến đi cuối cùng” của một tài xế taxi ở New York

Một ngày nọ, một tài xế taxi ở New York nhận được cuộc gọi xe…

5 giờ ago

38 du khách Việt Nam “mất tích” ở Jeju, Hàn Quốc

The Korea Times ngày 3/12 dẫn tin từ nhà chức trách cho biết một nhóm…

8 giờ ago

Xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch sẽ có màu tem kiểm định riêng

Từ 1/1/2025, xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện…

9 giờ ago

Tổng Công ty Đường sắt VN nợ hàng trăm tỷ đồng, giữ 630 cơ sở nhà đất sau cổ phần hóa

Chỉ riêng tại Cơ sở 551 Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội), Tổng công ty Đường…

9 giờ ago

Nguồn tin nội bộ: Bộ trưởng TQ tham vọng dùng Pháp Luân Công làm bàn đạp

Trần Nhất Tân là một Bộ trưởng mới của Bộ An ninh Quốc gia, với…

9 giờ ago