Erythritol là chất tạo ngọt không chứa calo (zero-calorie) dùng để thay thế đường, là một lựa chọn phổ biến cho những người muốn cắt giảm lượng đường mà không làm mất đi hương vị, nhưng tác dụng của nó đối với sức khỏe vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi. Nghiên cứu mới của Phòng khám Cleveland cho thấy một phát hiện đáng lo ngại: Erythritol làm cho tiểu cầu – các tế bào máu liên quan đến quá trình đông máu – hoạt động mạnh hơn, khiến chúng phản ứng mạnh hơn và làm tăng nguy cơ đông máu, đau tim và đột quỵ.

r shutterstock 2188713173
(Ảnh minh họa: PHLD Luca / Shutterstock)

Các nhà nghiên cứu của Phòng khám Cleveland cho biết, phát hiện này là một phần trong chuỗi khám phá về tác dụng sinh lý của các chất thay thế đường thông thường, có thể thúc đẩy việc đánh giá lại cách chúng ta sử dụng chất làm ngọt này.

Những phát hiện mới được xây dựng dựa trên kết quả nghiên cứu erythritol trước đây của nhóm nghiên cứu. Kết quả của nghiên cứu trước đây bị hạn chế vì một số người tham gia có sức khỏe kém, với hơn 70% gặp vấn đề về tim mạch. Nghiên cứu mới đã giải quyết được những hạn chế này bằng cách tuyển những người trưởng thành khỏe mạnh.

“Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy erythritol làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong một nhóm nhỏ tình nguyện viên khỏe mạnh, chúng tôi đã phát hiện ra việc ăn erythritol khiến tiểu cầu phản ứng nhanh hơn… điều này có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông,” tác giả cấp cao và tác giả liên hệ, Tiến sĩ Stanley Hazen, chủ tịch Khoa học Tim mạch và Chuyển hóa tại Viện nghiên cứu Lerner của Phòng khám Cleveland và là trưởng khoa Tim mạch dự phòng, đã nói với The Epoch Times trong một email.

Không giống như đường, Erythritol có thể thúc đẩy nhanh quá trình đông máu 

Erythritol là chất thay thế đường phổ biến được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm “low-carb” và “keto,” có độ ngọt khoảng 70% so với đường và được sản xuất bằng cách lên men tinh bột ngô hoặc lúa mì. Các chuyên gia về sức khỏe và giảm cân thường khuyến nghị, đây là lựa chọn thay thế an toàn hơn đường cho những người có yếu tố nguy cơ tim mạch cao, chẳng hạn như béo phì, tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa.

Mặc dù erythritol được cả Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu phân loại là an toàn (GRAS), và được tìm thấy tự nhiên trong trái cây và rau quả, nhưng các nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Hazen cho thấy việc tiêu thụ một lượng erythritol nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tiến sĩ Hazen cho biết: “Bài báo này dựa trên các nghiên cứu trước đây của chúng tôi về erythritol [xuất bản năm 2023 trên Nature Medicine (Tập san Y học Tự nhiên)],” trong đó nêu rõ rằng các kết quả nghiên cứu quan sát lâm sàng quy mô lớn ở Hoa Kỳ và Châu Âu cho thấy, những bệnh nhân tim có nồng độ erythritol trong máu cao có khả năng bị các biến cố nghiêm trọng về tim tăng gấp đôi – chẳng hạn như đau tim, đột quỵ hoặc tử vong – trong vòng 3 năm tới so với những người có nồng độ erythritol thấp hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc bổ sung erythritol vào máu hoặc tiểu cầu làm tăng sự hình thành cục máu đông. Các nghiên cứu tiền lâm sàng cũng đã xác nhận những phát hiện này.

Nghiên cứu trước đây còn có một số hạn chế. Tiến sĩ Jayne Morgan, bác sĩ tim mạch và giám đốc lâm sàng của Lực lượng Đặc nhiệm phòng chống COVID-19 tại Piedmont Healthcare ở Atlanta, nói với The Epoch Times rằng đây là một nghiên cứu bệnh chứng, có thể cho thấy mối tương quan, nhưng không xác định được mối quan hệ nhân quả. Ngoài ra, những người tham gia nghiên cứu này có sức khỏe kém; thừa cân, huyết áp cao, tiểu đường, có thói quen hút thuốc và các vấn đề về tim mạch. Vì vậy, vẫn chưa rõ liệu nguy cơ gia tăng của họ là do sức khỏe kém hay do tiêu thụ erythritol.

Tiến sĩ Hazen giải thích: Nghiên cứu can thiệp mới ở người, được công bố trên Arteriosclerosis, Thrombosis and Vascular Biology (Tập san Xơ cứng động mạch, Huyết khối và Sinh lý máu), được thiết kế để theo dõi chặt chẽ việc hấp thụ erythritol ảnh hưởng như thế nào đến tiểu cầu với liều lượng thường có “trong các sản phẩm thương mại”, chẳng hạn như soda hoặc bánh muffin có đường erythritol.

Các mẫu máu được lấy sau một đêm nhịn ăn từ 20 tình nguyện viên khỏe mạnh – những người không hút thuốc, không mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao hoặc tiểu đường. Sau đó, những người tham gia tiêu thụ một dung dịch có 30 gram glucose hoặc erythritol. Mẫu máu được lấy sau đó 30 phút cho thấy nồng độ erythritol tăng hơn 1.000 lần ở những người tiêu thụ erythritol.

Theo tiến sĩ Hazen, kết quả nghiên cứu đã “tiết lộ về việc có sự gia tăng đáng kể khả năng hình thành cục máu đông sau khi những người tham gia tiêu thụ erythritol. Ngược lại, không có sự thay đổi nào được quan sát thấy ở những người tham gia sau khi tiêu thụ một lượng glucose tương đương. Một phát hiện mới quan trọng từ những nghiên cứu này là sự so sánh trực tiếp về kết quả giữa tác dụng của việc tiêu thụ erythritol với đường (glucose) – loại đường không có tác dụng này.”

Tiến sĩ Hazen giải thích rằng erythritol làm cho tiểu cầu phản ứng nhanh hơn, nghĩa là sự phản ứng trở nên mạnh hơn và dễ hình thành cục máu đông. Do đó, ngay cả một tác nhân nhỏ cũng có thể kích hoạt tiểu cầu mạnh hơn, làm tăng khả năng hình thành cục máu đông. Khả năng đáp ứng tăng cao này có thể dẫn đến sự đông máu quá nhanh.

Ông nói thêm: “Cục máu đông được thấy [trong bài báo trước] trong toàn bộ máu, với huyết tương nhiều tiểu cầu, các tiểu cầu bị cô lập, trong các mô hình động vật mắc bệnh. Các kết quả của các nghiên cứu cơ học này phù hợp với dữ liệu quan sát lâm sàng quy mô lớn trước đây cho thấy nồng độ erythritol cao hơn có nguy cơ xảy ra các biến cố bất lợi nghiêm trọng về tim cao hơn.”

Việc sử dụng Erythritol có thể kích hoạt sự hình thành cục máu đông

Đồng tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ W. H. Wilson Tang, giám đốc nghiên cứu về Suy tim và Y học Cấy ghép Tim tại Phòng khám Cleveland, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Nghiên cứu này làm dấy lên một số lo ngại rằng khẩu phần ăn hoặc đồ uống có đường erythritol tiêu chuẩn có thể kích thích mạnh việc hình thành cục máu đông trực tiếp. Erythritol và các loại rượu đường khác thường được sử dụng làm chất thay thế đường, cần phải được đánh giá về những ảnh hưởng tiềm tàng lâu dài đến sức khỏe, đặc biệt là khi glucose không có những tác dụng đó.”

Ông nói thêm rằng những phát hiện này là đặc biệt quan trọng, vì có cùng kết quả với một nghiên cứu gần đây của cùng một nhóm nghiên cứu, cho thấy xylitol, một chất làm ngọt thông thường khác, cũng làm tăng nồng độ trong máu và ảnh hưởng đến cách các tế bào máu kết tụ lại với nhau ở những tình nguyện viên khỏe mạnh.

Tiến sĩ Hazen lưu ý trong email rằng giống như erythritol, “các cuộc điều tra với xylitol cũng bao gồm các nghiên cứu quan sát lâm sàng với quy mô lớn, cho thấy rằng việc tăng nồng độ xylitol trong huyết tương có liên quan đến việc làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong trong 3 năm theo dõi.”

Theo cả 2 nghiên cứu thì những phát hiện này nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc thực hiện thêm nghiên cứu lâm sàng dài hạn để đánh giá lại sự an toàn của erythritol và các chất thay thế đường khác.

Sự trỗi dậy của Erythritol: Một giải pháp thay thế ‘tự nhiên’ cho chất làm ngọt tổng hợp

Lo ngại về tác dụng lâu dài của chất làm ngọt tổng hợp đã khiến nhiều người tìm kiếm các chất thay thế “tự nhiên” như erythritol, một chất thay thế được sử dụng rộng rãi cho chất làm ngọt nhân tạo như sucralose (Splenda), saccharin (Sweet’N Low) và aspartame (Equal, Nutrasweet) .

Mặc dù những chất làm ngọt nhân tạo này từng được ưa chuộng vì vị ngọt không chứa calo, nhưng giờ đây chúng đang phải đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chẽ. Ví dụ, aspartame có liên quan đến nguy cơ ung thư tiềm ẩn, trong khi saccharin có liên quan đến béo phì và tiểu đường trong các nghiên cứu trên động vật.

Vào tháng 5/2023, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo không nên sử dụng chất làm ngọt không đường, trích dẫn bằng chứng cho thấy những chất này không những không trợ giúp cho việc giảm cân lâu dài, mà còn tiềm ẩn những nguy cơ khác về sức khỏe. Khuyến nghị được áp dụng cho tất cả mọi người ngoại trừ những người mắc bệnh tiểu đường từ trước.

Mặt khác, Erythritol thường được khuyên dùng cho bệnh nhân tiểu đường vì không làm tăng lượng đường trong máu và làm giảm mảng bám răng cũng như sâu răng.

Xem xét lại Erythritol: Nghiên cứu mới nhất có ý nghĩa gì đối với khẩu phần ăn uống của bạn

Dựa trên các bằng chứng, tiến sĩ Hazen cho biết: “Thỉnh thoảng chọn các món ăn có đường với số lượng nhỏ sẽ thích hợp hơn là tiêu thụ đồ uống và thực phẩm được làm ngọt bằng các loại rượu đường này, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao bị huyết khối như nhữngngười mắc bệnh tim, tiểu đường hoặc hội chứng chuyển hóa.”

Ông nói thêm rằng nghiên cứu trong tương lai sẽ “khám phá mức độ ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tạo huyết khối của các chất thay thế đường, bao gồm cả rượu đường thay thế và chất làm ngọt nhân tạo thông thường.”

Khánh Ngọc biên dịch, theo Cara Michelle Miller/ The Epoch Times

Xem thêm: