Theo xếp hạng của EF (Education First), năm nay Trung Quốc đứng thứ 91 (trong 116 quốc gia) về trình độ tiếng Anh, sụt giảm đáng kể so với 4 năm trước, đứng thứ 38 (trong 100 quốc gia). Theo Economist phân tích, có các lý do: Đại dịch Covid-19, cơ cấu nghề nghiệp, và chương trình (app) tự động phiên dịch.
Tạp chí Economist nhắc lại rằng, chính quyền Bắc Kinh năm 2008 đã phát động phong trào học tiếng ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, để đón dịp Thế vận hội năm đó. Mục tiêu đề ra là các nhân viên làm ngành phục vụ mà có thể liên quan tới người nước ngoài ở Bắc Kinh và một số thành phố lớn —lái xe tắc xi, cảnh sát giao thông, nhân viên khách sạn hay nhà hàng lớn, v.v.— phải có 80% người đều có thể giao tiếp bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, du khách nước ngoài hôm nay mà tới Bắc Kinh, như tạp chí miêu tả, thì thậm chí còn thấy ít người Hoa nói tiếng Anh hơn cả trước kia. Mục tiêu 80% của năm đó hiển nhiên giờ đã là ảo mộng, khi hầu hết tất cả các tài xế taxi ở Bắc Kinh không nói được ngôn ngữ nào ngoài tiếng Trung. Cụm từ “cơn sốt tiếng Anh” đã là khẩu hiệu cửa miệng của một thời xa vắng, mặc dù Trung Quốc là quốc gia đã có tới 40 năm mở cửa với phương Tây.
Nguyên nhân?
Tại sao người dân Trung Quốc muốn học tiếng Anh? Lý do chủ yếu là vì muốn có được công việc hấp dẫn hơn. Chẳng hạn như đi làm cho công ty nước ngoài có chi nhánh ở Trung Quốc, hoặc làm cho công ty của Trung Quốc nhưng cần giao tiếp với người nước ngoài. Một số nhỏ là kỳ vọng sẽ ra hải ngoại sinh sống.
Đại dịch Covid-19, rồi chính sách Zero-Covid của chính quyền, đã khiến Trung Quốc đóng cửa biên giới. Đừng nói công dân bình thường, ngay cả quan chức cũng giảm thiểu một cách đáng kể việc công du nước ngoài. Đó là một nguyên nhân khiến nhu cầu biết tiếng ngoại ngữ giảm đánh kể.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung cũng là một nguyên nhân góp phần vào đó. Nó làm thay đổi cả về số lượng và tỷ lệ các loại giao tiếp quốc tế, khi các đối tác của Trung Quốc giảm dần ở quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Úc, Anh, Canada, đồng thời tăng dần ở Nga, Trung Đông, và Châu Phi.
Chính sách dân tộc gần đây của Trung Quốc cũng có một số điều chỉnh, khi điểm thi tiếng Anh trong các bài thi tốt nghiệp và bài thi nhập trường Đại học đã giảm dần vai trò của nó so với trước kia. Một số nhà lập pháp của Trung Quốc, vào năm 2022 đã cho rằng người Hoa nên chú trọng hơn vào tiếng Hoa, và giảm bớt chú trọng vào tiếng Anh. Không chỉ các lãnh đạo ngành giáo dục cho là như vậy, mà một số thăm dò cũng cho thấy thanh niên Trung Quốc cũng cho rằng tiếng Anh không còn quan trọng như trước đây.
Một vấn đề nữa, là tình hình kinh tế và du lịch. Vẫn theo tạp chí Economist thì hiện nay người Trung Quốc ít đi du lịch nước ngoài hơn trước đây.
Kinh tế khó khăn cho người mới ra trường, đã cho thấy hiện nay thanh niên Trung Quốc khi tìm việc đã đặt mục tiêu nhiều hơn vào việc tìm một công việc ổn định mặc dù nhàm chán hơn là công việc có hứa hẹn thu nhập tốt nhưng lại không ổn định. Do đó, các việc làm của công ty quốc tế ở Trung Quốc đã giảm đi sức hấp dẫn.
Nguyên nhân cuối cùng mà tạp chí nêu ra, đó là sự phát triển và sự hoàn thiện của chương trình phiên dịch tự động (app) khiến cho nhu cầu phải bỏ công vất vả đi học tiếng Anh đã giảm. Tạp chí khẳng định rằng nguyên nhân này cũng đồng thời xuất hiện ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Các hãng quốc tế cũng không đòi hỏi khắt khe rằng nhân viên của họ phải thành thạo tiếng Anh như họ từng yêu cầu trước đây.
Nhật Tân
Tòa án ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, đã tuyên án tử hình…
Dòng họ Nguyễn Giáp làng hành thiện có truyền thống về khoa bảng và hành…
Trong cuốn Tam Quốc Chí có ghi lại một chuyện thú vị về tài giải…
Bộ Ngoại giao Brazil hôm thứ Sáu (27/12) cho biết, chính quyền Brazil đã đình…
Chuyện hài hước về người được mệnh danh “cha đẻ của nhạc giao hưởng”.