Kinh tế Trung Quốc tháng 11: Dòng vốn thất thoát tiếp tục tăng mạnh
- Chu Thần
- •
Số liệu nhà chức trách Trung Quốc công bố hôm 16/12 cho thấy, tháng 11 dòng vốn chảy khỏi thị trường vốn của Trung Quốc đạt kỷ lục 45,7 tỷ USD. Có phân tích cho rằng do chính sách thuế quan được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đề xuất và khoảng cách lợi nhuận chứng khoán Mỹ-Trung đã làm trầm trọng thêm thất thoát vốn của Trung Quốc.
Theo dữ liệu do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố, thu nhập xuyên biên giới từ danh mục đầu tư của Trung Quốc trong tháng 11 là 188,9 tỷ USD, trong khi tổng số tiền chi ra là 234,6 tỷ USD. Nghĩa là số tiền ròng trong tháng 11 mà các ngân hàng trong nước Trung Quốc gửi ra nước ngoài cho khách hàng là 45,7 tỷ USD để đầu tư chứng khoán. Số tiền này bao quát hoạt động đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Trung Quốc và tiền của người dân tại Trung Quốc mua chứng khoán nước ngoài.
Mức thâm hụt khổng lồ này tăng so với mức trong tháng 10 là 25,8 tỷ USD, phản ánh niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu. Kể từ cuối tháng 9, Trung Quốc đã đưa ra một loạt chính sách để kích thích nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng bất động sản, tiêu dùng yếu và giảm phát liên tục, nhưng những chính sách này đã không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường.
“Liệu đà phục hồi có thể kéo dài đến quý 1/2025 hay không phụ thuộc vào tốc độ và quy mô của các biện pháp kích thích được đưa ra tại Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương (CEWC) và thời điểm Mỹ có thể áp thuế hàng Trung Quốc,” Ngân hàng Paris Pháp (BNP Paribas) cho biết trong một lưu ý dành cho khách hàng.
Hướng đến nơi mang lại lợi suất cao
Xu hướng gia tăng của dòng vốn chảy ra cho thấy tâm lý thị trường đối với Trung Quốc đang xấu đi. Tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế 60% đối với hàng hóa Trung Quốc, điều này ảnh hưởng đến thương mại giữa hai nước. Tình hình đồng Nhân dân tệ và cổ phiếu tại Trung Quốc suy yếu bên cạnh chênh lệch lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ đang làm tăng nguy cơ dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc sẽ tiếp tục.
Chiến lược gia Ken Cheung về ngoại hối châu Á tại Ngân hàng Mizuho cho biết: “Chính sách thuế quan và chênh lệch lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm áp lực dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Lợi thế lợi nhuận của đồng USD dự kiến sẽ gây áp lực lên các đồng tiền châu Á nói chung”.
Kể từ tháng 10, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất đà tăng, lý do các biện pháp kích thích mà nhà chức trách Trung Quốc công bố không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường. Lợi suất trái phiếu chính phủ tiêu chuẩn của Trung Quốc hiện thấp hơn 50% so với trái phiếu chính phủ Mỹ. Tỷ giá hối đoái trong nước của đồng Nhân dân tệ cũng dao động gần mức thấp nhất trong một năm, trong khi chỉ số USD gần mức cao nhất kể từ năm 2022.
Nhà đầu tư nước ngoài giảm nắm giữ trái phiếu Trung Quốc
Số liệu danh mục đầu tư do Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy xu hướng tương tự trong các số liệu thống kê vốn khác của Trung Quốc. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng, trong tháng 11 các tổ chức nước ngoài đã có tháng thứ ba liên tiếp cắt giảm nắm giữ trái phiếu trong nước của Trung Quốc.
Tính đến tháng 11, lượng trái phiếu Chính phủ Trung Quốc do các tổ chức nước ngoài nắm giữ đã giảm xuống còn 2,08 nghìn tỷ Nhân dân tệ (285,5 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023.
Dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF), cơ quan theo dõi dòng vốn đầu tư toàn cầu, cho thấy dòng vốn trong tháng trước chảy ra từ thị trường trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc. Cơ quan này cho biết sức mạnh của đồng USD sau cuộc bầu cử của Trump đã ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư ở các thị trường mới nổi, bao gồm cả Trung Quốc.
Goldman Sachs cho biết chỉ số chính của họ cho thấy dòng chảy ngoại hối của Trung Quốc trong tháng 11 là đáng kể, đạt 39 tỷ USD, trong khi mức của tháng 10 chỉ là 5 tỷ USD. Họ chia sẻ trong một lưu ý cho khách hàng: “Dòng ngoại hối khổng lồ chủ yếu đến từ dòng chảy Nhân dân tệ xuyên biên giới, có thể là do dòng chảy Nhân dân tệ qua các kênh danh mục đầu tư”.
Chương trình “Kết nối cổ phiếu” của Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông là kênh chính để các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu Đại Lục, cũng là nguồn quan trọng của dòng Nhân dân tệ xuyên biên giới. Giao dịch ngoại hối theo Chương trình này được thực hiện tại Hồng Kông. Hiện ĐCSTQ không còn cho “Kết nối cổ phiếu” công bố dữ liệu đầu tư nước ngoài hàng ngày, nhưng dòng tiền này được phản ánh trong dữ liệu thu chi xuyên biên giới của Trung Quốc.
Một vấn đề nữa, số nhà đầu tư Đại Lục mua chứng khoán Hồng Kông cũng đang gia tăng. Theo dữ liệu của Bloomberg, các nhà đầu tư Đại Lục trong tháng 11 đã mua ròng 125 tỷ đô la Hồng Kông (16 tỷ USD) chứng khoán niêm yết tại Hồng Kông, mức cao nhất trong hơn 3 năm.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Dòng sự kiện Recommend