“Cạnh tranh vô ích”, “nằm ườn” và “vượt biên”: Sự bế tắc của xã hội Trung Quốc
- Tiêu Nhiên
- •
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngày 4/12 đăng một bài viết nói rằng không thể dùng GDP để đánh giá kinh tế Trung Quốc. Bài báo nêu rõ rằng tốc độ tăng trưởng dưới 5% là có thể chấp nhận được. Kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, xu hướng phát triển chính trị, kinh tế và xã hội của Trung Quốc đã có sự đảo chiều lớn. Người dân bình thường ở Trung Quốc đang “cạnh tranh vô ích”, “nằm ườn” và “vượt biên”. Bà Thái Hà – cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương, chỉ ra rằng nhà kinh tế học Daron Acemoğlu – người đoạt giải Nobel về kinh tế, đã dự đoán tính không bền vững của mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc ngay từ 10 năm trước, dẫn đến sự gia tăng các xung đột xã hội và sự suy thoái môi trường sống.
Sự bình thường hóa của “nội quyển” (cạnh tranh vô ích và cạnh tranh không lành mạnh)
Bà Thái Hà gần đây cho biết trong chương trình “VOA – Thái Hà có lời muốn nói” của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) rằng “nội quyển” (tạm dịch là cạnh tranh vô ích) là một một thuật ngữ xã hội học, đã trở thành một hiện tượng phổ biến rộng rãi trong xã hội Trung Quốc sau năm 2018. Thuật ngữ này mô tả một cách sinh động vòng luẩn quẩn trong giáo dục, việc làm và cạnh tranh tại nơi làm việc. Sinh viên, nhân viên và người tìm việc đều bị cuốn vào cuộc cạnh tranh không ngừng nghỉ. Họ làm việc chăm chỉ nhưng không thể nhận được kết quả tương xứng.
Sự cạnh tranh này không chỉ là vấn đề nan giải trong lĩnh vực kinh tế, mà còn làm biến dạng các giá trị xã hội. Ở Trung Quốc, hy vọng vào được trường danh tiếng và có được công việc ổn định đã trở thành mục tiêu duy nhất của nhiều người. Tuy nhiên, sự cạnh tranh quá mức khiến tình trạng kiệt sức về thể chất và tinh thần trở thành hiện tượng phổ biến. “Cạnh tranh vô ích” không chỉ giới hạn ở các phấn đấu cá nhân, mà còn thể hiện ở sự méo mó trong phân phối nguồn lực xã hội, và sự khan hiếm của các dịch vụ công như giáo dục và chăm sóc y tế.
Đằng sau hiện tượng này là sự mất cân bằng giữa chính sách xã hội và môi trường thị trường. Việc tập trung nguồn lực giáo dục và sự cạnh tranh gay gắt trong kỳ thi tuyển sinh đại học đã khiến khoảng cách giữa học sinh nông thôn và thành thị ngày càng xa hơn. Các gia đình trung lưu ở thành thị đầu tư nhiều nguồn lực để cạnh tranh các cơ hội giáo dục chất lượng cao, càng làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng và mức độ cạnh tranh vô ích.
Đồng thời, “văn hóa làm thêm giờ” ở nơi làm việc đã trở thành hiện tượng phổ biến. Nhân viên buộc phải làm việc không ngừng nghỉ trong sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng đổi lại thường là nhận được mức lương ít ỏi và điều kiện làm việc không ổn định. Cơ cấu lao động mất cân bằng này đã khiến thị trường lao động rơi vào một vòng luẩn quẩn, hy vọng phấn đấu cá nhân ngày càng bị đè xuống thấp.
“Nằm ườn”: Một biểu hiện xã hội của sự bất lực
Đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt và tương lai vô vọng, “nằm ườn” đã trở thành lựa chọn của nhiều thanh niên Trung Quốc. “Nằm ườn” có nguồn gốc từ bộ phim hài kinh điển Trung Quốc “Cát Ưu nằm” và cuối cùng diễn biến thành một cuộc phản kháng thầm lặng đối với cuộc sống. Hiện tượng này về bản chất là một sự kháng cự thầm lặng trước sự thất vọng đối với xã hội.
“Nằm ườn” không chỉ tượng trưng cho sự trốn tránh của cá nhân, mà còn là sự thất vọng sâu sắc về tương lai. Nhiều người trẻ lựa chọn không kết hôn, không sinh con, thậm chí không tiêu dùng và sống với chi phí sinh hoạt thấp nhất. Đằng sau xu hướng này là sự cố định của các tầng lớp xã hội và sự bế tắc nghiêm trọng trên con đường vươn lên.
Sự thất bại của mô hình phát triển kinh tế đã đẩy nhanh sự lan rộng của văn hóa “nằm ườn”. Việc thiếu cạnh tranh công bằng và an sinh xã hội khiến người dân không nhìn thấy được giá trị của phấn đấu. Thị trường việc làm khắc nghiệt và giá nhà đất cao đã buộc nhiều người trẻ phải lựa chọn rút lui để tránh rơi vào áp lực tài chính và áp lực cuộc sống vô tận.
Sự lan rộng của hiện tượng “nằm ườn” cho thấy một cuộc khủng hoảng xã hội sâu sắc hơn – sự mất lòng tin của xã hội. Những nỗ lực của cá nhân bị coi là vô nghĩa, và sự mất tác dụng của của hệ thống xã hội khiến người ta lựa chọn từ bỏ. Sự không chắc chắn về tương lai của giới trẻ phản ánh mong muốn sâu sắc về sự thay đổi mang tính hệ thống.
“Mỏ nhân lực”: Biến con người thành công cụ lao động và cướp bóc vốn
Đằng sau sự “cạnh tranh vô ích” và “nằm ườn” là vấn đề nan giải về sinh tồn của người dân lao động Trung Quốc. “Mỏ nhân lực” đã trở thành một từ đồng nghĩa tàn nhẫn để mô tả những người lao động, tiết lộ quá trình biến con người thành công cụ lao động vật chất và tiêu hao của tư bản.
Ngành Internet thực hiện chế độ làm việc “996” (9h sáng đến 9h tối, 6 ngày một tuần), đã trở thành hình ảnh thu nhỏ của sự bóc lột sức lao động một cách tàn nhẫn của tư bản. Trong trường hợp không có công đoàn độc lập và bảo hộ lao động thì quyền và lợi ích của người lao động khó được bảo vệ. Bản chất tìm kiếm lợi nhuận của tư bản là điều dễ hiểu, nhưng do thiếu các ràng buộc thể chế hiệu quả, nên việc vi phạm quyền lao động của nó ngày càng trở nên rõ ràng.
Hệ thống này không chỉ tồn tại trong ngành Internet, mà còn xuất hiện rộng rãi trong các ngành sản xuất, dịch vụ. Lao động giá rẻ quy mô lớn được coi là một cỗ máy sản xuất, và để theo đuổi lợi nhuận các công ty hiếm khi quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của người lao động. Thời gian làm việc kéo dài và điều kiện làm việc tồi tệ đã trở thành bình thường trong cuộc sống của người lao động.
Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội không hoàn thiện càng làm cho hoàn cảnh của người lao động trở nên trầm trọng hơn. Việc thiếu chăm sóc y tế, lương hưu và bảo hiểm thất nghiệp khiến lực lượng lao động có rất ít khả năng chống chọi với rủi ro trong cuộc sống. Những nỗ lực của họ không mang lại một cuộc sống ổn định mà là sự nghèo đói và tuyệt vọng sâu sắc hơn.
“Bỏ chạy”: Làn sóng trốn chạy và sự sụp đổ niềm tin xã hội
Trong thời gian phong tỏa vì dịch bệnh năm 2022, “bỏ chạy” (phiên âm tiếng Trung là “run”, từ này đọc giống phát âm của từ “run” trong tiếng Anh) trở thành từ nóng trong xã hội. Người giàu rời khỏi Trung Quốc thông qua nhập cư đầu tư, trong khi người bình thường trốn thoát bằng cách vượt biên bất hợp pháp. Làn sóng chạy trốn này không chỉ là phản ứng trước tình trạng trì trệ kinh tế mà còn là biểu hiện của sự mất niềm tin vào xã hội.
Sự nổi lên của làn sóng “chạy trốn” phản ánh sự không chắc chắn đối với tương lai và sự biến mất của cảm giác an toàn. Dù người giàu và người nghèo đã chọn những con đường khác nhau, nhưng điểm chung của họ là sự thất vọng sâu sắc với môi trường trong nước. Nhiều người không còn chịu nổi nỗi sợ hãi và tương lai không chắc chắn, họ chọn cách bỏ phiếu bằng đôi chân, rời bỏ quê hương.
Sự trỗi dậy của làn sóng di dân không chỉ giới hạn ở tầng lớp giàu có, mà còn bao gồm một lượng lớn nhân tài về chuyên môn và kỹ thuật. Tầng lớp trung lưu có trình độ học vấn cao và tay nghề cao bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài, điều này càng làm suy yếu khả năng đổi mới và sức sống của nền kinh tế Trung Quốc. Xu hướng này phản ánh những kỳ vọng phổ biến bi quan về triển vọng phát triển của đất nước.
Đồng thời, tác động xã hội của chạy trốn vượt xa lĩnh vực kinh tế. Với việc mất lực lượng trung kiên của xã hội, kết cấu xã hội bắt đầu lung lay, niềm tin xã hội và sự gắn kết tập thể ngày càng suy yếu. Tương lai xã hội của Trung Quốc ngày càng trở nên khó dự đoán.
Khủng hoảng xã hội và bùng phát các vụ việc gây thương vong bừa bãi
Trong bối cảnh xung đột kinh tế và xã hội ngày càng gay gắt, những bi kịch về các sự kiện gây thương vong cho người khác và tự sát tập thể đã bắt đầu xuất hiện trong xã hội Trung Quốc. Những hành vi cực đoan này cho thấy xã hội đã bước vào giai đoạn khủng hoảng sâu sắc, con người sống dưới áp lực lớn phải thể hiện sự tuyệt vọng một cách bạo lực.
Sự gia tăng tỷ lệ tự tử và sự xuất hiện thường xuyên của các vụ việc gây thương vong bừa bãi phản ánh sự sụp đổ niềm tin cơ bản vào xã hội và cảm giác không an toàn lan rộng. Điều gây sốc nhất là nạn nhân không còn chỉ giới hạn ở những người bình thường mà thậm chí còn bao gồm cả con cái của giới tinh hoa xã hội. Điều này có nghĩa là khủng hoảng xã hội đã thâm nhập vào mọi tầng lớp.
Khủng hoảng xã hội bùng nổ bắt nguồn từ sự thất bại nghiêm trọng của các dịch vụ công và thiếu hệ thống trợ giúp xã hội. Người ta không biết phải làm gì khi đối mặt với những căng thẳng trong cuộc sống và khủng hoảng sức khỏe tâm thần ngày càng trầm trọng hơn. Việc thiếu các cơ chế can thiệp xã hội và hỗ trợ tâm lý hiệu quả đã khiến vấn đề trở nên trầm trọng hơn và dẫn đến những vụ việc bi thảm thường xuyên xảy ra.
Bà Thái Hà tin rằng hoàn cảnh khó khăn của xã hội Trung Quốc không chỉ là sự thất bại của mô hình kinh tế mà còn là kết quả tất yếu của sự cứng nhắc của hệ thống chính trị. Chỉ bằng cách xây dựng một hệ thống kinh tế và chính trị toàn diện, đồng thời bảo vệ quyền lao động và sự công bằng xã hội cơ bản, xã hội mới có thể hồi sinh và tránh được một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Thái Hà kinh tế Trung quốc