Trong Tây Du Ký, cũng như trong văn hóa Thần truyền, đều có nhận thức “chính và tà”. Từ góc độ tu luyện, thì thế nào là chính phái hay tà phái, căn cứ vào đâu mà xác định? Hãy thử xét qua các diễn biến khái quát trong truyện [1].
(Tiếp theo bài 1, bài 2 , bài 3 và bài 4)
Thiên Đạo là gì đó vô hình, nhưng có mặt đằng sau mọi thứ. Thế giới ngũ hoa bát môn ấy, vạn sự vạn vật muôn màu kỳ ảo ấy, kỳ thực là có cái Đạo đằng sau.
Chuẩn mực chung, giá trị phổ quát, đạo lý sinh tồn của các tầng các giới, phải chăng chính là phản ánh của Thiên Đạo ở các tầng các giới đó?
“Đạo Trời” là đề tài ngoài phạm vi seri các bài viết này. Nhưng mà không thể nói đến đạo lý “chính và tà” trong tu luyện, mà không nói tới đề tài này. Cho nên, chúng ta cùng thử thoáng nhìn xem Thiên Đạo hiện diện thế nào trong Tây Du Ký?
Tây Du Ký, ngay mở đầu hồi 1 đã kể về vũ trụ này sinh thành là nhờ Bàn Cổ Đại Thần. Đây cũng là theo văn hóa truyền thống Trung Hoa. Bàn Cổ Đại Thần có lẽ tương tự khái niệm Chúa Sáng Thế hay Sáng Thế Thần của văn hóa phương Tây.
Đã là vậy, trật tự vận hành của vũ trụ ấy ắt phải thừa kế đặc tính mà Bàn Cổ Đại Thần an bài. Cái gì đó phù hợp với vũ trụ ấy thì được khuyến khích phát huy, hẳn là điều mà văn hóa truyền thống gọi là nhận được đức. Còn gì đó mà làm trái đi, thì ấy là tạo tội, tạo nghiệp, mà nhiều tội nghiệp quá thì bị trừng phạt hoặc bị đào thải.
Ở thế giới thần thoại của Tây Du Ký, nhân loại cực kỳ yếu đuối về võ lực. Thế tại sao lại phồn diễn mạnh mẽ đến thế? Lại còn được các sinh mệnh cao tầng bảo hộ?
Ví như hồi thứ 10, Kính Hà long vương đích thân đến Trường An, nhưng không dám ngang nhiên đến, vì e ngại thiên thượng quở trách là quấy nhiễu dân thường. Rất nhiều tình tiết khác đều chỉ ra rằng, các cao thủ từ cõi khác không dám trực tiếp can thiệp cõi người. Đồng thời cũng coi việc can thiệp thô bạo là tội lỗi rất nặng. Các phe chính phái đều thể hiện sự bảo hộ cõi người ở các mức độ khác nhau. Chỉ có đám yêu quái lâu la không hiểu chuyện mới hay làm ra những tội lỗi như ăn thịt người, hoặc can thiệp các sự việc ở nhân gian, và kết cục thường không tốt.
Vậy có thể hiểu là, từ khi Trời Đất sinh ra và diễn hóa tới nay, thì nhân loại là phạm vi được Thiên Đạo bảo hộ. Điều này cũng khớp với văn hóa truyền thống, mà trong đó có câu “tam tài” là Thiên-Địa-Nhân, xếp “con người” cùng với Thiên Địa.
Tại sao?
Đứng về góc độ đạo lý tu luyện mà nói, phải chăng chính là vì cõi người nơi đây là chỗ đặc thù chuyên dành cho tu luyện? Sinh mệnh từ cao tầng rơi rớt xuống dưới, thì cõi người nơi đây chính là nơi ẩn tàng cơ hội tu luyện quay trở về, phản bổn quy chân?
Nơi đây có cái “mê” để tỏ rõ người tu “ngộ” được đến đâu. Có cái “khổ” để hoàn trả tội nghiệp. Có cái “chính-tà giao thoa” mà qua đó có cơ hội bằng duy hộ chính Pháp để gây dựng uy đức. Ngoài ra, con người bẩm sinh đã đầy đủ tố chất để tu luyện, từ thân thể đến lý trí. Chúng sinh thấp hơn con người, như súc sinh, thì hầu như không có điều kiện đó. Quá hiếm súc sinh có thể khai linh trí. Mà ở tầng cao hơn con người, thì không có cái “khổ” như thế này, cũng không có cái “mê” như thế này.
Trong Tây Du Ký, mấy học trò Đường Tăng tu luyện bao nhiêu năm, hàng trăm năm, cả nghìn năm, nhưng thu hoạch lớn nhất trên đường tu thì là ở mười mấy năm phò tá Đường Tăng thỉnh kinh đó thôi: Không những trả hết tội nghiệp mà còn đắc chính quả. Cùng đạo lý này, hồi 64, tại Kinh Cức Lĩnh, Đường Tăng có thơ rằng:
Nhân thân nan đắc Thân người khó được lắm
Trung Thổ nan sinh Sinh ra ở Trung Quốc cũng khó đấy
Chính Pháp nan ngộ Gặp được chính Pháp càng khó nữa
Toàn thử tam giả Ai được cả ba điều ấy
Hạnh mạc đại yên May mắn không biết to lớn nhường nào
Bức tranh về ngoài Tam giới trong Tây Du Ký tương đối rõ, và khá đơn giản: Phật gia, Đạo gia, và các phần khác.
Phật gia và Đạo gia là đã có “gốc” ở ngoài Tam giới. Từ viễn viễn cổ lâu lâu lắm rồi, đã có những vị đứng đầu gây dựng hệ thống của mình. Kiểu như người ta thường hiểu là các vị Như Lai là có thiên quốc do tự mình tổ chức: Đức Phật A Di Đà có thế giới Cực Lạc, đức Phật Dược Sư có thế giới Lưu Ly, v.v. Trong Tây Du Ký, những vị đó được miêu tả là có các thần thông tương ứng với khả năng tổ chức thế giới ấy.
Ví dụ, Như Lai Phật Tổ (hồi 7) có “chưởng trung thế giới”, thế giới trong lòng bàn tay, hễ xòe tay thì Tôn Ngộ Không dù nhảy thế nào cũng không thoát.
Trấn Nguyên Đại Tiên (hồi 25) có “tụ lý càn khôn”, trong ống tay áo có cả càn khôn, phất tay là thu sạch cả mấy thầy trò Đường Tăng, không thoát ra được.
Phật Di Lặc (hồi 66) được miêu tả là có “túi nhân chủng”, vung ra là thu sạch mọi thứ, thiên binh thiên tướng, v.v. thảy đều bị thu hết, không thoát ra được.
Trong giới tu luyện có những câu như: Thân thể là một tiểu thế giới, một vi trần một thế giới, trong hạt cát có 3000 đại thiên thế giới, v.v., hẳn cũng là có ý này.
Đã có gốc ở bên ngoài Tam giới, thế thì môn đệ các hệ phái này khi tu thành, sẽ có thể tới các thiên quốc tương ứng. Kiểu như người ta vẫn hiểu là ai tu theo đức Phật A Di Đà, thì khi tu thành sẽ rời khỏi Tam giới và được độ tới thế giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà. Trong truyện, cũng là đạo lý ấy, Đường Tăng tu thành là cũng trở về phạm vi hệ thống của Phật Tổ Như Lai.
Trong Tây Du Ký, những thành phần khác, không thuộc về hai hệ thống Đạo gia và Phật gia, thì không thấy kể rằng có vị nào chứng Đạo được đến mức độ đó [2]. Các thần thông không có đạt tới đẳng cấp như “chưởng trung thế giới” hay “tụ lý càn khôn” nói trên. Do đó, dù đã tránh khỏi luân hồi, thì vẫn không nhất định có thiên quốc để tới. Có lẽ đây cũng là khái niệm “địa thượng thần tiên” trong văn hóa Trung Quốc: Tuy đã tu luyện được trường sinh, nhưng vẫn ở tại nơi này thôi.
Nhìn chung, các vị từ ngoài Tam giới này, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp mà có gì đó ở bên trong Tam giới thậm chí trong phạm vi nhân loại. Đó là những cái mà ta thấy như là đạo quán, chùa chiền, thanh am, v.v. Tuy nhiên, những thứ “ngoại vi” này không phải là phần cốt lõi gì trong hệ thống của họ. Trong truyện, những đạo quán, chùa chiền, hay nhóm người tu nào mà không phù hợp, thì không được thừa nhận.
Tu luyện thuận theo Đạo Trời, tôn trọng đạo lý các tầng vũ trụ, đồng hóa với Pháp vũ trụ, thì đó là môn tu chính phái. Còn những thuyết kiểu như phải nghịch Thiên thì mới tốt, thì đó là theo tà phái.
Có cái thiện-ác kiểu thế này. Bố thí cho kẻ nghèo, giúp đỡ dùm người khó, ấy là Thiện. Trộm cắp, cướp của, sát nhân, ấy là Ác.
Nhưng mà, còn có thiện-ác kiểu thế này nữa.
Không nhất định trộm cắp hay gì đó, mà chuyên đi phá hoại nguyên lý vận hành nền tảng của thế giới, chuyên đi ngược lại giá trị phổ quát. Vào trường thi thì chuyên đi nâng điểm. Vào cơ quan công quyền thì chuyên đi hối lộ tham nhũng. Về nhân sinh quan thì chuyên đi cổ xúy những thứ như đấu với Trời, đấu với Đất, đấu với người. Thế thì đó là đại tà đại ác. Vì đó chính là chuyên đi phá hoại Thiên Đạo, phá hoại Pháp vũ trụ.
Làm ác thì còn có thể thông qua trả hết nợ nghiệp mà vượt qua. Dù sao thế giới này vốn dĩ có cả thiện cả ác, cả chính cả tà. Nhưng mà kẻ làm đại tà đại ác thì sẽ đi đâu? Chuyên đi phá hoại Pháp vũ trụ, thì Trời Đất này sẽ còn chỗ dung thân chăng?
Cùng dạng đạo lý này, cũng có người hướng tới đại thiện thuần chính, cổ xúy giá trị phổ quát lành mạnh, có tâm duy hộ Pháp vũ trụ. Ai có thể làm được thế thì công đức không nhỏ. Giới tu luyện vẫn có câu rằng, người tu luyện làm ra gì ở thế gian, thì ấy là thuận theo Thiên Ý. Tây Du Ký phải chăng cũng là nói lên đạo lý đó?
Đường Tăng và Tôn Ngộ Không theo chính Pháp mà thành Đạo, duy hộ Pháp vũ trụ mà chứng đắc quả vị Như Lai. Tu luyện cực nhanh.
Trong truyện, hệ thống Phật gia và Đạo gia được tính là chính phái, là vì họ thuận theo Thiên Đạo, theo Pháp vũ trụ. Họ có những vị đứng đầu ở tầng thứ cực kỳ cực kỳ cao, hoàn toàn ngoài Tam giới. Như vậy, vì phù hợp Pháp vũ trụ nên Phật gia và Đạo gia mới là chính phái, chứ không phải giáo lý của Phật gia và Đạo gia là cơ sở gốc quyết định chính-tà.
Đồng dạng đạo lý ấy, khái niệm được đức, mất đức, tạo nghiệp, trả nghiệp, thiện ác hữu báo, v.v. mà văn hóa truyền thống nói tới ấy, thì đó là vận hành của Thiên Đạo, của Pháp vũ trụ. Phật gia và Đạo gia là gây dựng hệ thống của mình trên nền tảng này, chứ không phải đó là các khái niệm riêng của Phật gia hay Đạo gia.
Tây Du Ký cũng là khớp với đạo lý này. Vì trong truyện có tình tiết liên quan đến Phật gia, cho nên có người bèn cho rằng đây là tác phẩm thuộc về Phật giáo. Kỳ thực trong truyện còn rất nhiều tình tiết liên quan đến Đạo gia, và cũng không ít tình tiết không thuộc về cả Phật gia và Đạo gia. Hơn nữa, trong bức tranh về vũ trụ trong truyện, thì hiển nhiên Phật gia chỉ được miêu tả như là một phần trong đó. Còn Phật giáo ở thế gian (giáo hội, tăng đoàn, chùa chiền, v.v.) thì chẳng qua chỉ là phần ngoại vi rất là nhỏ bé của Phật gia mà thôi. Chùa chiền nào, hòa thượng nào mà không còn tốt, thì đều là “tà”. Đây chính là đạo lý: Áo cà-sa không làm nên hòa thượng.
Ví dụ, lão hòa thượng viện chủ Quán Âm Viện trộm áo cà-sa (hồi 16 và 17), thì sau đó chết là chết thôi. Bồ Tát Quán Âm cũng không có ý kiến gì. Mà lão này té ra là có giao tình với một con yêu tinh gấu ở khu vực đó.
Những gì trong chùa “Tiểu Lôi Âm” toàn do yêu quái biến thành (hồi 65), và đều trở thành đối tượng bị thanh trừ.
Cái đúng sai mà người đời nhìn nhận chưa chắc đã thật sự đúng như vậy. Chỉ có thuận theo Thiên Đạo, theo đặc tính vũ trụ, thì mới thật sự đúng là tốt. Mà trái ngược đi, thì thật sự đúng là xấu.
Kỳ thực, đức Phật Thích Ca năm xưa từng giảng rằng, sau này tới thời mạt pháp, yêu ma quỷ quái sẽ làm loạn thế gian, và loạn đến tận nội bộ Phật giáo, rằng khi ấy, hòa thượng muốn tự độ còn rất khó, huống là độ nhân. Xem ra, ý tứ trong Tây Du Ký cũng là khớp với điều mà đức Phật Thích Ca từng giảng.
Thiên Đạo chiếu cố nhân loại, cho nên khi một môn tu luyện chính phái truyền rộng ra ở cõi người, tức là môn phái từ cao tầng truyền ra cõi người, thì cũng mang lại lợi ích cho quần chúng. Mặc dù phần đông đảo quần chúng tham gia không phải là phần cốt lõi của môn phái vì họ không phải là phần tử tinh anh giỏi về tu luyện, nhưng họ cũng được môn phái cân nhắc đến một cách rất nghiêm túc. Nếu không như thế, thì e rằng không phải là chính phái.
Tức là có 2 phương diện.
Thứ nhất, phần tinh anh nhất định phải là người chân tu. Nếu môn phái biến thành cộng đồng quản lý, kiểu như dân chủ gì đó, thì sẽ là không đúng. Đây là tu luyện, chân lý không nhất định là thuộc về số đông.
Thứ hai, phần đông đảo quần chúng tham gia tuy không phải toàn là chân tu và tự nhiên sẽ không trở thành cốt lõi, nhưng môn phái sẽ dùng một cách thức hồng truyền thế nào đó để đem lại lợi ích cho phần đông đảo quần chúng tham gia ấy, từ đó đem đến lợi ích cho xã hội nói chung.
Hồi 8, khi Như Lai Phật Tổ quyết định sẽ đưa kinh điển của mình sang phương Đông, thì Ngài không chỉ là để phát triển người chân tu và tôn giáo của mình, mà cũng là để tạo phúc cho chúng sinh nơi ấy. Do đó mới có câu “phổ độ chúng sinh”.
Đại chúng vào đây tu luyện, thì chỉ một phần sẽ đắc chính quả thôi, không phải ai đi tu luyện cũng đều thành chính quả, nhưng mà, khi chính Pháp truyền ra, vẫn luôn có tác dụng cổ xúy đạo đức xã hội.
Trong giáo lý của môn chính phái vì thế sẽ có một phần giảng về đạo đức nhân loại, lấy đó làm cơ sở nền tảng cho việc tu luyện lên cao tầng.
Người tu luyện của môn chính phái, khi giao tiếp với xã hội thì nhất định sẽ tôn trọng và duy hộ Pháp ở tầng thứ nhân loại. Sẽ không làm ra những thứ bất thường, khác thường. Kiểu như cho rằng cứ phải làm đạo sỹ điên, hòa thượng khùng, v.v. hay gì đó thì mới tốt [3]. Người chân tu sẽ không làm thế đâu.
Nếu là môn phái tính mệnh song tu, thì nhất định sẽ đem lại lợi ích sức khỏe cho đại chúng. Ai chỉ cần làm người tốt, sống cuộc sống bình thường, thì dù không tu lên cao, cũng được lợi ích sức khỏe.
Tuy trở thành một môn truyền rộng ra đại chúng, như một hoạt động quần chúng, nhưng phần tinh anh luôn luôn phải là chân tu, không để lẫn những thứ của tầng thấp vào môn phái, cũng không thể biến thành phong trào quần chúng thuần túy. Người chân tu càng không thể biến chỗ tu luyện thành nơi tham quan du lịch gì đó.
Bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Có gì chưa thấu tình đạt lý, mong độc giả lượng thứ.
Thiên Đức
Tác giả gửi Trí Thức VN
_____
[1] Tây Du Ký, làm một danh tác cổ điển có sức ảnh hưởng lớn, đáng tiếc thay, đã không được truyền đạt hoàn toàn nguyên vẹn cho độc giả hậu thế chúng ta! Kỳ thực, không chỉ Tây Du Ký vốn chỉ là tác phẩm văn học phải chịu cái nạn này, mà ngay cả kinh điển của đức Phật Thích Ca còn bị người đời sửa chữa không ít.
Sự thật ấy cũng được phản ánh trong Tây Du Ký. Hồi 8 và hồi 98 trong Tây Du Ký ghi rằng, “tam tạng giáo điển” mà đức Phật Như Lai truyền ra là gồm Pháp, Luận (luận Địa), và Kinh. Đây là khác với khái niệm “tam tạng giáo điển” Kinh, Luật, và Luận, mà Phật giáo nói tới. Luận trong Phật giáo là do các hòa thượng làm ra, không phải của đức Phật Thích Ca, không phải “luận Địa” nói trên, nhưng được đặt trong “tam tạng giáo điển” ngang cấp với điều của đức Phật trao truyền. Hồi 99, có đoạn miêu tả kinh sách bị tổn hại và mất một phần trong khi phơi. Phải chăng Tây Du Ký muốn chỉ ra rằng “tam tạng giáo điển” mà tôn giáo đang lưu hành hiện nay kỳ thực không phải là bản gốc?
Kinh Phật còn vậy, huống là một tác phẩm văn học như Tây Du Ký. Đương nhiên, bài viết này không hề có ý định đàm luận gì về vấn đề truy tìm bản gốc Tây Du Ký. Đây chỉ là muốn nói rằng, bài viết này, vì muốn thử tìm hiểu thế giới quan của Tây Du Ký, cho nên sẽ căn cứ vào các diễn biến khái quát trong truyện (điều mà rất khó bị sửa ngang), chứ không quá dựa vào tình tiết cụ thể (điều mà dễ bị cải biến theo ý kiến riêng).
[2] Trong giới tu luyện còn có truyền thuyết về “Kỳ Môn”, thuộc về Tiên Thiên Đại Đạo, rất hiếm gặp, nằm ngoài Phật gia và Đạo gia. Biểu hiện của Kỳ Môn là họ có tuyệt chiêu đặc thù vì tu luyện của họ rất đặc thù. Mỗi môn phái trong nhóm Kỳ Môn này là có tuyệt chiêu riêng. Rất có thể, Trấn Nguyên Đại Tiên là thuộc về Kỳ Môn. Trong truyện kể rằng, Ngài chỉ phụng thờ Thiên Địa, không thờ Tam Thanh, và cách tu luyện của môn phái này đúng là khác thường (phần lớn dựa vào ăn trái nhân sâm). Trực tiếp thờ Thiên Đạo, có lẽ đó là biểu hiện của Tiên Thiên Đại Đạo.
[3] Trong lịch sử quả thực có những đạo sỹ điên, hòa thượng điên, và họ đích thật là chân tu. Nhưng mà trường hợp đó hiếm lắm vì đó là tình huống đặc biệt của cá nhân họ thôi, và họ không cố ý chạy ra quảng bá cái điên khùng của mình nơi công chúng, họ càng không chủ trương cứ phải tu luyện khác thường hoặc khùng điên giống như họ thì mới tốt. Các thánh nhân xuất hiện đều duy hộ đạo lý nơi nhân loại này. Nhân loại là phạm vi được Thiên Đạo chiếu cố, cho nên người chân tu sẽ không làm ra những việc như thế.
Bài 1: Vô sở cầu khi phát tâm tu luyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du KýLàm gì đó mà không xuất phát từ tâm truy cầu. Không vì danh lợi mà làm. Không vì ái hận mà làm. Không vì lợi ích dẫn dụ hay khó khăn thúc ép mà làm. Ấy là vô sở cầu. | |
Bài 2: Tính mệnh song tu – Đạo lý tu luyện trong Tây Du KýTrong giới tu luyện có cụm từ “tính mệnh song tu”, đó là gì? | |
Bài 3: Phản bổn quy chân – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Có lẽ chỗ hay nhất ở Tây Du Ký là miêu tả quá trình hoàn thiện của một sinh mệnh nguyên thủy. | |
Bài 4: Ngộ tính – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Cùng theo một thầy học Đạo, cùng đi một chặng đường tu, nhưng mà, thành quả mỗi người một khác. Điều đầu tiên làm nên khác biệt ấy chính là: NGỘ TÍNH. | |
Bài 5: Chính và tà – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Trong Tây Du Ký, cũng như trong văn hóa Thần truyền, đều có nhận thức “chính và tà”. Từ góc độ tu luyện, thì thế nào là chính phái hay tà phái, căn cứ vào đâu mà xác định? Hãy thử xét qua các diễn biến khái quát trong truyện. | |
Bài 6: Tu luyện là tự nguyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký |
Trong cuốn sách "Dũng tràng tiểu phẩm" của tác giả Chu Quốc Trinh đời nhà…
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…