Bài 2: Tính mệnh song tu – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký
- Thiên Đức
- •
Trong giới tu luyện có cụm từ “tính mệnh song tu”, đó là gì? Trong tâm thì nghĩ Thiện hành Thiện, buông các tâm danh lợi ích kỷ xuống mà phát huy từ bi, vô vi thanh tịnh; ngoài thì gần gũi cái Thiện xa rời cái ác. Ấy là tu tâm, cũng gọi là tu tính. Luyện tập thân thể, sức khỏe dồi dào, luyện đến trường sinh trẻ mãi. Ấy là luyện mệnh. Vừa tu tính vừa luyện mệnh, thì ấy là tính mệnh song tu. Đại để là vậy.
Tiếp theo Bài 1
Có lẽ khỏi cần nói về Tôn Ngộ Không: xuất xứ là con khỉ làm bằng đá quý. Học được thần thông quảng đại. Hái bàn đào, trộm tiên đan. Ăn lắm thế rồi còn được luyện thêm trong lò của Lão Quân. Sau còn xơi mấy trái nhân sâm nữa. Luyện thân thể kiểu này, làm độc giả không khéo cảm thấy mình mà hưởng nhiều đồ tẩm bổ thế thì có khi nằm ngủ cũng luyện thành. Vậy khỏi nói về vị này.
Bài này thử mạn đàm về Đường Tăng. Thử hỏi Đường Tăng có tính mệnh song tu hay không?
Tính mệnh song tu trong Đạo gia, Phật gia, và Phật giáo
Theo nhận thức chung, người ta thường hiểu là Đạo gia có giảng về tính mệnh song tu, còn Phật giáo thì không giảng.
Luyện mệnh, nội dung gồm những thứ như luyện khí thế nào, chuyển hóa năng lượng ra sao, rồi thì thành quả luyện công ấy sẽ là những gì… Đạo gia có đề cập đến những điều ấy: Nào là tiểu chu thiên, đại chu thiên, luyện nội đan, nguyên anh… Vậy Đạo gia là có nội dung về tính mệnh song tu.
Khi một môn tính mệnh song tu truyền rộng ra thế gian, nó sẽ đem lại lợi ích to lớn cho xã hội: Sức khỏe.
Năm đó đức Phật Thích Ca không giảng những điều này, không giảng về diễn hóa năng lượng. Do đó người đời cho rằng Phật giáo là không giảng tính mệnh song tu.
Nhưng mà, như đức Phật Thích Ca nói, rằng tu Phật là có tám vạn bốn nghìn pháp môn. Ngài cũng nói, rằng không chỉ Ngài đến thế gian, mà trước Ngài đã có nhiều vị Phật khác từng đến thế gian này, và rằng sau này sẽ có chư Phật khác cũng đến thế gian này. Tức là, rất có thể cũng có môn tu luyện tính mệnh song tu, cùng hệ thống Phật gia, nhưng không phải là Phật giáo của đức Phật Thích Ca. Trong đó cũng sẽ giảng về những điều như diễn hóa năng lượng, chu thiên, v.v.
>> Tu luyện – một nền khoa học bị lãng quên
Đường Tăng có luyện công không, có luyện mệnh không?
Rất nhiều yêu quái cho rằng ăn thịt Đường Tăng thì sẽ trường thọ. Như vậy thân thể Đường Tăng nhất định có chỗ hơn người bình thường.
Trong tác phẩm Tây Du Ký, hồi 46 kể rằng, khi bị một kẻ xưng là Hổ Lực gì đó thách thức đấu pháp ở Xa Trì quốc, thì Đường Tăng nói ông ta có thể ngồi tĩnh tọa 3 năm không thành vấn đề – tức không ăn không uống, khô tọa 3 năm. Hiển nhiên đây là cao thủ luyện công. Nếu không luyện ra được một cơ chế diễn hóa năng lượng hoàn hảo, thì tuyệt đối là làm không được.
Hồi 98, bến Lăng Vân, Đường Tăng đứng trên thuyền và thấy xác của mình trôi ra. Đó chính là ông ta đã luyện thành công ra một thân thể mới, và khi tới lúc thì trút bỏ thân thể phàm nhân cũ kia đi. Cái xác trôi ra ấy chính là cái xác phàm bị bỏ đi đó. Xác phàm bỏ đi, không cần nữa. Luyện mệnh đại viên mãn, thân thể mới đã là Phật thể, từ đó trở đi có thể đạp mây cưỡi gió được rồi.
Truyện kể rằng, khi đi thỉnh kinh thì phải trèo đèo lội suối như phàm nhân. Nhưng khi trở về, thì không như thế nữa, đi lại như là thần tiên vậy.
Đạo gia luyện ra nguyên anh, ấy là nương theo thân thể của mình làm khuôn mẫu, lấy công (năng lượng) làm vật liệu, mà ngưng tụ ra một thân thể mới, trông giống như bản thân của mình hồi còn trẻ, hồi còn bé. Còn trong Phật gia, thì thân kim cương bất hoại, cũng là nói cái này. Tên gọi là khác, nhưng ý tứ là về cùng một loại.
Luyện thân, ngoài cách luyện ra thêm một thân mới như nguyên anh nói trên, còn có cách trực tiếp chuyển hóa cái bản thể của mình, tức là cái xác phàm nguyên vốn có của mình, trở thành thân thể kiểu như thân kim cương bất hoại.
Tại bến Lăng Vân, chỉ có Đường Tăng trút đi xác phàm. Còn Tôn Ngộ Không và Sa Ngộ Tĩnh, tuy cũng đắc chính quả, nhưng không cần trút đi xác phàm mà vẫn đắc Đạo. Vì sao? Vì phép luyện thân của họ là trực tiếp chuyển hóa cái bản thể xác phàm ấy, trở thành cùng loại thân kim cương bất hoại rồi, không cần bỏ đi.
Còn về Đường Tăng, tại sao có thể luyện ra thân kim cương bất hoại? Phật giáo không giảng diễn hóa công kia mà? Ấy là vì Đường Tăng tu luyện môn khác? Hay là vì còn ẩn tình khác?
Đức Phật Thích Ca không giảng diễn hóa công, nhưng môn của Ngài là có diễn hóa công. Trong các môn tu Phật khác là có môn giảng về tính mệnh song tu.
Thời đó người ta miêu tả đức Phật Thích Ca là mắt như hoa sen xanh, thân như vàng kim. Sau khi hỏa táng thì để lại rất nhiều hạt xá-lợi. Đó đều là biểu hiện rằng kỳ thực đức Phật Thích Ca là có luyện cả thân thể bản thể của mình. Trong chi tiết về việc đức Phật Thích Ca nhập niết-bàn, thì trước khi niết-bàn, Ngài ăn một chất cực độc. Trong kinh sách Phật giáo có chép về chuyện này. Rằng trong bữa ấy đức Phật Thích Ca chọn riêng cho mình món đó, phần còn thừa thì đem chôn đi, chứ không để chúng tỳ kheo ăn. Đây là biểu hiện ý nói rằng nếu không bởi vì ăn chất kịch độc thì Ngài chính là bất tử.
>> Giải mã bí mật ngàn năm của xá lợi Phật
Các cao tăng có người là khô tọa nhiều năm, có nhiều người sau khi viên tịch rồi nhưng thân thể mãi vẫn không bị hủy. Ở Việt Nam chúng ta có hai hòa thượng Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường cũng là có biểu hiện này. Những chi tiết đó đều nói lên rằng trong tu luyện mà đức Phật Thích Ca truyền ra, kỳ thực, là có phần luyện mệnh. Chẳng qua là Ngài không nói ra mà thôi. Giấu đi, không giảng.
Tại sao? Giới tu luyện xưa nay vẫn bí truyền câu này “tu tại tự kỷ, công tại sư phụ”, người tu luyện chỉ cần để tâm vào tu bản thân là được rồi, còn phần diễn hóa năng lượng chân chính là do sư phụ làm cho. Tức là, trong giới tu luyện, phần luyện mệnh đó là bí truyền, và chỉ có ai chân tu thì mới đắc được.
Tây Du Ký quả nhiên cũng ẩn giấu trong nó đạo lý ấy.
Đường Tăng tuy chỉ thấy ngồi tĩnh tọa vậy thôi, nhưng hóa ra đã có một thân công lực kinh người.
Cũng thế, những ai chân tu theo đức Phật Thích Ca, thì khi ngồi đả tọa, nhập tĩnh không minh, thì tự sẽ thấy năng lượng lưu chuyển. Cảm nhận rõ ràng. Chỉ là vì đức Phật Thích Ca không giảng ra, cho nên người tu không nhất định có thể tự hiểu được đó là gì và dùng để làm gì.
Tình hình như vậy cũng dẫn đến những câu chuyện như sau, khá điển hình trong lịch sử.
Phật giáo không thừa nhận tính mệnh song tu
Ví như có chú tiểu làm cơm, do chịu khổ và tu hành rất tốt, cho nên có ngày xuất thần thông, và tự hiểu ra nhiều đạo lý cao thâm. Các hòa thượng trong chùa vì thế phục lắm, thường hay đến hỏi han và chia sẻ. Nhưng mà đại hòa thượng, trụ trì, phương trượng lại không hài lòng, bèn gọi đó là tẩu hỏa nhập ma và đuổi chú tiểu ra khỏi chùa. Kỳ thực, khi gọi thần thông là tẩu hỏa nhập ma, thì họ quên rằng chính đức Phật Thích Ca cũng giảng không ít về thần thông.
Ví như thời Phật Đạo chi tranh, có những hòa thượng lý luận rằng người tu Đạo mà giảng luyện mệnh thì đó là chấp trước vào thân xác, rằng cứ nhất định phải coi cái thân xác này như hồng phấn khô lâu, rằng phải vứt nó đi như túi da thối, cứ nhất định phải như thế thì mới là giải thoát chân chính. Kỳ thực, khi chụp cái mũ “chấp trước” lên tính mệnh song tu, thì họ không biết rằng chính đức Phật Thích Ca cũng tính mệnh song tu, Ngài có đại pháp cao thâm và có luyện mệnh.
>> Giải mã bí ẩn thiên cổ của thuật trường sinh
Đức Phật Thích Ca, năm đó Ngài không giảng ra về diễn hóa công, không giảng ra về luyện mệnh, cho nên đã dẫn đến tình trạng sau này có những kẻ mang danh đồ đệ của Ngài, nhưng thực ra không học được chân truyền của Ngài, mà làm ra những việc oái oăm như thế!
Môn tu Phật khác, đương nhiên, không nhất định đều ẩn giấu phần luyện mệnh đó đi. Bồ Đề Tổ Sư trong tác phẩm Tây Du Ký, theo không ít độc giả nhìn nhận, là thuộc về Phật gia, và ông đã dạy Tôn Ngộ Không về đạo trường sinh, tức là phần luyện mệnh này.
Phải chăng Tây Du Ký muốn nói: Trong Phật gia cũng có môn giảng dạy tính mệnh song tu, có thể phổ cập điều ấy ra đông đảo quần chúng?
Luyện mệnh, trong các môn chính phái, thì nhất định phải tu tâm. Chỉ có ai tu luyện chân chính thì mới có thể đạt được những điều cao siêu nói trên. Cho nên, dù đã phổ cập ra rồi, nhưng vẫn phải tu tâm thì mới đắc được điều tốt nhất.
Tuy nhiên, hễ một môn tu luyện tính mệnh song tu phổ cập ra đại chúng, thì thông thường sẽ có đặc điểm này: Nếu ai dù chưa tu được cao đến thế, mới chỉ tu luyện sống làm một người bình thường đạo đức tốt, thì cũng nhất định nhận được lợi ích về sức khỏe. Đem lại lợi ích sức khỏe cho xã hội.
Bài viết chỉ là nhận thức cá nhân. Có gì chưa thỏa đáng, mong đọc giả lượng thứ.
Thiên Đức
Tác giả gửi Trí Thức VN
Bài 1: Vô sở cầu khi phát tâm tu luyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du KýLàm gì đó mà không xuất phát từ tâm truy cầu. Không vì danh lợi mà làm. Không vì ái hận mà làm. Không vì lợi ích dẫn dụ hay khó khăn thúc ép mà làm. Ấy là vô sở cầu. | |
Bài 2: Tính mệnh song tu – Đạo lý tu luyện trong Tây Du KýTrong giới tu luyện có cụm từ “tính mệnh song tu”, đó là gì? | |
Bài 3: Phản bổn quy chân – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Có lẽ chỗ hay nhất ở Tây Du Ký là miêu tả quá trình hoàn thiện của một sinh mệnh nguyên thủy. | |
Bài 4: Ngộ tính – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Cùng theo một thầy học Đạo, cùng đi một chặng đường tu, nhưng mà, thành quả mỗi người một khác. Điều đầu tiên làm nên khác biệt ấy chính là: NGỘ TÍNH. | |
Bài 5: Chính và tà – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Trong Tây Du Ký, cũng như trong văn hóa Thần truyền, đều có nhận thức “chính và tà”. Từ góc độ tu luyện, thì thế nào là chính phái hay tà phái, căn cứ vào đâu mà xác định? Hãy thử xét qua các diễn biến khái quát trong truyện. | |
Bài 6: Tu luyện là tự nguyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký |
Từ khóa Phật giáo trường sinh Đường Tăng Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Đạo gia Tây Du Ký