Bài 6: Tu luyện là tự nguyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký
- Thiên Đức
- •
Tại sao Bát giới thích xả giới? Hòa thượng thích hoàn tục? Vì họ là tu luyện mà không tự nguyện! Tu luyện vốn dĩ phải là tự nguyện thì mới có ý nghĩa!
(Tiếp theo bài 1, bài 2 , bài 3, bài 4 và bài 5)
Bát giới thích xả giới
Hồi 23 trong Tây Du Ký có đoạn khảo nghiệm về sắc giới như sau (lược trích) [1]:
Phấn son trẻ đẹp bội phần. Phong lưu hơn hẳn thanh tân thuở nào. Bà góa trông vừa trẻ đẹp vừa quý phái ra đón chào. Sau vài câu khách sáo, góa phụ ướm hỏi.
Góa phụ: Nơi đây là đất Tây Ngưu Hạ Châu. Tôi họ Giả, nhà chồng tôi họ Mạc. Bố mẹ chồng tôi không may mất sớm, vợ chồng tôi thừa hưởng gia tài, tiền của hàng vạn quan, ruộng tốt hàng nghìn khoảnh. Chúng tôi xấu số, chẳng có con trai, chỉ sinh được ba con gái. Năm ngoái, nhà tôi không may qua đời, một mình tôi góa bụa, đến nay đã mãn tang, cơ nghiệp ruộng nương để lại, anh em họ hàng thì không, chỉ có mẹ con tôi thừa kế, muốn đi bước nữa, chẳng lẽ, vứt bỏ cơ nghiệp. May có trưởng lão quá bộ tới đây, thầy trò đúng bốn người. Mẹ con tôi cũng bốn người, đang muốn ngồi nhà kén chồng, thật là hợp quá. Không biết tôn ý các ngài thế nào?
Đường Tăng: [… giả vờ câm điếc, lặng thinh không nói gì …]
Góa phụ: Nhà tôi đây có hơn ba trăm mẫu ruộng cấy, hơn ba trăm khoảnh ruộng màu, trang trại vườn tược cũng hơn ba trăm mẫu, trâu bò hơn một nghìn con, lừa ngựa hàng đàn, lợn dê vô số, bốn phía đông tây nam bắc có đến sáu bảy mươi cánh đồng cỏ, thôn trang, thóc lúa trong kho dùng tám chín năm không hết, lụa là mặc chục năm nay vẫn còn, tiền của tiêu xài suốt đời thừa thãi, đủ mọi thứ gấm vóc lụa là, bạc vàng châu báu. Nếu thầy trò nhà ngài đổi tâm chuyển ý, làm rể nhà này thì sẽ được thoải mái tự do, vui hưởng vinh hoa phú quý, chẳng hơn sang phương Tây vất vả sao?
Đường Tăng: [……]
Góa phụ: Tôi sinh năm Đinh Hợi, ngày ba tháng ba, vào giờ Dậu, chồng tôi hơn tôi ba tuổi. Năm nay tôi bốn nhăm. Con gái lớn của tôi tên gọi Chân Chân, năm nay hai mươi tuổi; cháu thứ hai là Ái Ái, mười tám tuổi; cháu út là Liên Liên, mười sáu tuổi. Cả ba cháu đều chưa hứa gả bán cho ai. Tôi tuy xấu xí, nhưng các cháu đều có chút nhan sắc, việc nữ công thêu thùa đều giỏi cả. Vì chồng tôi hiếm hoi không có con trai, nên nuôi nấng dạy dỗ các cháu như con trai vậy. Lúc nhỏ các cháu cũng được đi học, cũng biết làm câu đối, thơ phú. Tuy ở núi rừng, nhưng cũng khác xa hạng quê mùa thô kệch, tưởng cũng xứng đáng kết duyên cùng các ngài được. Các ngài hãy vứt bỏ ý muốn cũ, để tóc dài, ở đây làm chủ nhà này, ăn sung mặc sướng, chẳng hơn áo thâm bát sành, giày rơm nón lá sao?
Đường Tăng: [……]
Bát Giới: Thưa sư phụ, cô nương đây đã thưa chuyện với sư phụ, sao sư phụ cứ lặng thinh, phải chiếu cố một chút chứ!
Góa phụ trẻ tức giận vì Đường Tăng không đồng ý, đóng sập cửa bỏ vào nhà. Đường Tăng thử hỏi ý các đồ đệ:
Đường Tăng: Ngộ Không, con ở lại đây nhé?
Ngộ Không: Con từ bé không biết làm việc đó, sư phụ bảo Bát Giới ấy.
Bát Giới: Anh đừng đùa thế. Phải bàn bạc cho kỹ chứ!
Đường Tăng: Sa Tăng?
Sa Tăng: Con quyết đi tu rồi, không bàn lại nữa. Anh hai này, hay anh ở lại làm rể nhà này đi!
Bát Giới: Chú em đừng đùa như thế, nên bàn bạc kỹ đã!
Ngộ Không: Còn bàn bạc gì nữa. Nếu chú bằng lòng thì nói với sư phụ làm thông gia với bà ấy. Chú sẽ là một chàng rể gửi thoải mái. Nhà họ giàu có như thế, nhất định sẽ cho chú món của hồi môn kếch sù, sửa soạn một bữa tiệc thật to mời thông gia, chúng tớ cũng được đánh chén, còn chú ở lại đây hoàn tục, thế là vẹn cả hai bề.
Bát Giới: Nói ra thì đúng như thế đấy. Nhưng chẳng lẽ tôi thoát tục lại hoàn tục, bỏ vợ lại lấy vợ à?
Sa Tăng: Anh hai vốn trước đã có bà chị rồi à?
Ngộ Không: Chú chưa biết đấy thôi, chú ấy trước là con rể của ông Cao Thái Công ở thôn Cao Lão, nước Ô Tư Tạng, sau được lão Tôn đây thu phục, bị tôi bắt về làm hòa thượng, bỏ cô vợ trước theo sư phụ sang phương Tây lễ Phật. Chắc chú xa cách lâu ngày, bây giờ lại tưởng đến cái món ấy, nên vừa nghe đến là sinh lòng dục vọng ngay.
Bát giới: Đừng nói lôi thôi! Ai mà chẳng có bụng ấy, mà cứ độc mang lão Trư ra bêu giếu. Người ta thường nói: Hòa thượng là con ma đói về nữ sắc. Anh nào mà chẳng muốn như vậy? Chẳng qua chỉ vì sĩ diện giả vờ, làm bộ làm tịch, đem việc lành quành ra việc dữ. Bây giờ chè cháo chẳng có, đèn đóm cũng không, người tuy miễn cưỡng chịu đựng một đêm, nhưng còn con ngựa, ngày mai nào là chở người, nào là đi đường phải nhịn đói suốt đêm, có đem mà lột da cho rảnh! Các anh cứ ngồi đây, để lão Trư đi chăn ngựa vậy.
Chăn ngựa là mượn cớ thôi, chứ thực ra là lén vào bàn bạc với bà góa trẻ đó mà!
Còn nữa, đến tận hồi 95, nhóm thỉnh kinh đi qua vườn Cấp Cô Độc, tới kinh thành, gần đến đích sắp được gặp Như Lai Phật Tổ rồi, có đoạn kể về lúc Thái Âm tinh quân và các tiên nữ xuất hiện trên bầu trời:
Quốc vương vội vàng gọi hoàng hậu, phi tần cùng cung nga thái nữ chạy ra ngẩng lên trời tế bái. Còn mình cùng Đường Tăng và các quan cũng ngẩng lên trời lạy. Mọi nhà trong thành, nhà nào nhà nấy bày hương án, dập đầu niệm Phật.
Lúc ấy, Trư Bát Giới lòng dục xốn xang, không nhịn nổi, nhảy vút lên tầng không, ôm chặt lấy nàng tiên mặc xiêm y nghê thường nài nỉ: “Chị ơi, tôi là chỗ quen biết cũ với chị mà. Tôi và chị, ta đùa vui một tí đi!”
Phần khác trong truyện cũng toàn các tình tiết tương tự. Ví như hễ gặp vấn đề nan giải, thì Bát Giới lại nói: Ngựa trắng bán đi, hành lý chia ra, anh cả về làm vua Hoa Quả sơn, tôi về Cao Lão trang tiếp tục làm rể, chú Ngộ Tĩnh lại về Lưu Sa hà, v.v.
Hòa thượng kiểu gì mà hễ đụng một tí là muốn hoàn tục, lấy vợ, hưởng thụ gia tài? Tại sao lại thế? Quá hiển nhiên, là vì họ không phải tự nguyện đi tu! Tâm không tự nguyện, thì trì giới ích gì?!
Đương nhiên, Bát Giới là có tu tâm, chỉ là chưa sạch hết chấp trước thôi. Ngoài ra, còn bị kiềm chế và kiểm soát nghiêm khắc. Về hành động, cũng không thực sự bị coi là phạm giới. Trư Bát Giới không sàm sỡ phụ nữ, không tham ô công khoản [2]. Kết thúc truyện, thì Trư Bát Giới là có tiến bộ và đạt thành tựu xứng đáng.
>> Vụ nhà sư Thích Thanh Toàn: Sau hoàn tục, tài sản có cả trăm tỷ đồng
Giới luật
Giới trong Phật giáo không chỉ đơn thuần là các quy định mà người tu phải theo, mà đó là Giới trong Giới-Định-Huệ, là phương pháp tu hành của môn phái này. Từ Giới mà có Định, từ đó mà có Huệ. Thông qua phương pháp đó mà tu [3].
Coi Giới như một phương pháp tu hành, có một ý nghĩa ấy là thông qua việc vứt bỏ vật chất, vứt bỏ hành động, để đạt mục đích vứt bỏ cái tâm, buông bỏ các tâm chấp trước.
Nhưng nếu đương sự không tự nguyện, thế thì sẽ trở thành ép buộc, và không nhất định có ý nghĩa và sẽ thành công. Nói cách khác, cái căn bản của tu luyện là tu tâm. Giới luật chỉ là một phương tiện để đạt tới điều ấy.
Thời hiện đại, có phản ánh không ít hòa thượng Phật giáo phạm giới. Phải chăng là vì bố cục xã hội hôm nay đã dẫn đến hiện tượng trong các hòa thượng đi tu, thì nhiều người không phải vì tự nguyện muốn tu, mà họ đi tu là vì lý do nào đó khác?
Tu luyện là tu tâm
“Phật tại tâm”, nghĩa là, đề cao tâm tính ấy, không nhất định cứ phải “giới” mới được. Vấn đề cốt lõi là ở tu tâm, không phải ở hành động hay vật chất.
Nếu không có cái tâm chấp trước ấy, thì khi việc đó không cần thiết, thì tự nhiên sẽ không làm. Còn nếu vẫn có cái tâm ấy, không sao bỏ được, thì dù có bảo đừng làm, thì e rằng vẫn cứ làm chứ không bỏ được. Nghĩa là, chướng ngại thật sự của đề cao tâm tính là ở cái tâm.
Trong nhóm thỉnh kinh ở Tây Du Ký, chỉ có duy nhất Đường Tăng là thực sự theo bộ Giới luật đầy đủ của hòa thượng. Mấy đồ đệ khác thì không. Tôn Ngộ Không thậm chí còn không đả tọa nhập tĩnh, như vậy hiển nhiên là không tu theo phương pháp Giới-Định-Huệ, nhưng vẫn tu thành chính quả. Phải chăng Tây Du Ký muốn chỉ ra rằng, đó là tu theo con đường tu khác với con đường Giới-Định-Huệ?
Điều ấy cũng phù hợp với những gì đức Phật Thích Ca từng giảng. Ngài giảng rằng tu Phật có tám vạn bốn nghìn pháp môn, đã từng có chư Phật từng xuống thế gian, và cũng còn chư Phật khác sẽ xuống thế gian này, cứu thế độ nhân.
Dĩ Pháp vi Sư
Nếu lấy giáo dục ở xã hội hiện đại làm ví dụ, thì có một phương án kiểu như sau. Chương trình giáo dục của chúng ta học 20 năm 30 năm từ bé chưa biết chữ cho đến thành tiến sỹ. Nhưng mà chúng ta không buộc tất cả đều thành tiến sỹ. Ta triển khai mỗi năm một lớp. Có thi, có học đúp nếu cần, v.v.
Tu luyện được chia ra thành bậc thang như thế. Ai nhận thức cao đến đâu, thì tu đến đó, bỏ các tâm xấu đến đó. Càng bỏ nhiều chấp trước thì tu càng cao. Nếu học giữa chừng không lên được nữa, không thành tiến sỹ thì cũng thành con người hữu ích cho đời, không hề phí hoài công sức đã bỏ ra.
Không cần xuất gia, cũng không buộc người ta phải “giới” tất cả một lúc. Không buộc người ta phải rơi vào trạng thái bị thúc ép, và rơi vào tình cảnh dẫn đến tâm lý được ăn cả ngã về không: Tu thành chính quả thì tốt, nhưng nhỡ tu không thành thì đời này trót xuất gia rồi vậy hỏi làm sao bây giờ?
Vả lại, “giới” tất cả một lúc, cũng không nhất định là đương sự có thể bỏ tất cả các tâm đó một lúc. Vì bản thân việc buông bỏ tâm chấp trước vốn dĩ là một quá trình.
Đương nhiên, đây phải có một loạt an bài hoàn toàn khác với Phật giáo để phương án đó có thể thành hiện thực. Ví dụ, đã không dựa vào Giới để chặt bỏ các tâm chấp trước, thế thì cần phải có một phương thức khác thay vào đó. Tức là cần có một hệ thống Pháp Lý tương ứng để chỉ đạo tu luyện theo cách này.
Giống như đi học ở nhà trường thì phải có một hệ thống giáo trình được biên soạn từng năm từng cấp độ, từ chưa biết chữ cho đến thành tiến sỹ. Cần một bộ giáo trình chuyên được soạn ra theo cách như thế. Nếu vẫn dùng bộ giáo trình được soạn ra theo phong cách “Dĩ Giới vi Sư” thì không thể nào [4].
Không dựa vào Giới, mà dựa vào Pháp Lý. Dùng Pháp Lý mà chỉ đạo tu luyện. Môn tu luyện như thế sẽ thay nguyên lý “Dĩ Giới vi Sư” trong nền tảng tu luyện, đổi thành nguyên lý “Dĩ Pháp vi Sư”.
Pháp vũ trụ được giảng ra, tiêu chuẩn tâm tính của các tầng thứ khác nhau được giảng ra. Người tu không cần xuất gia. Tu luyện là tự nguyện. Dĩ Pháp vi Sư, chỉ cần căn cứ theo Pháp, tùy theo ngộ tính và nhẫn lực, ý chí và khả năng xả bỏ, mà tu đến đâu thì thành tựu đến đó.
Tu luyện là tự nguyện. Do đó các hình thức như bái sư, quy y, v.v. kỳ thực không quá quan trọng nữa. Dù sao thì tôn giáo cũng không phải là tu luyện. Phật là nhìn vào tâm của người tu. Vốn dĩ là như thế mà.
Tu càng lên cao, thì đòi hỏi về hiểu Pháp, đòi hỏi về ngộ tính càng cao. Ép buộc máy móc sẽ càng ngày càng vô dụng. Bố nông dân, mẹ nông dân, dùng roi vọt dạy ra một anh nông dân. Điều đó là có tính khả thi. Nhưng mà, bố nhạc sỹ, mẹ nhạc sỹ, có thể dùng roi vọt để đào tạo ra một anh nhạc sỹ không? E rằng tính khả thi không cao. Do đó, trên thực tiễn, tu luyện then chốt vẫn là ở chỗ “Dĩ Pháp vi Sư” đó!
Bài viết này chỉ là quan điểm cá nhân của tác giả. Có gì chưa thấu tình đạt lý, mong độc giả lượng thứ.
Thiên Đức
Tác giả gửi Trí Thức VN
_____
[1] Lược trích từ bản dịch của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh.
[2] Nói một cách chính xác thì là “Bát Giới chưa từng thành công sàm sỡ phụ nữ và tích trữ tiền tài”. Dù sao nhóm thỉnh kinh là có kiểm soát nghiêm túc. Hồi 76, Ngộ Không lừa lấy đi chỗ bạc mà Bát Giới dành dụm cất giấu trong tai. Hồi 95, Bát Giới sàm sỡ tiên nữ thì bị Ngộ Không ngăn cản. Cho nên, về “giới luật” theo phương diện hành vi biểu hiện ra, thì Bát Giới chưa được tính đã gây tội lỗi gì đáng trách.
[3] Năm xưa, đức Phật Thích Ca từng yêu cầu rằng, sau khi Ngài nhập niết-bàn, thì các đồ đệ của Ngài phải lấy Giới làm thầy. Đây là nói về Giới trong Giới-Định-Huệ. Đây là nói về bộ giới luật cho người xuất gia. Hiện nay người ta thường hiểu đó là bộ 250 giới cho tỳ-kheo, bộ 348 giới cho tỳ-kheo-ni. Chỉ có bộ giới luật này mới thật sự mang ý nghĩa như một phương pháp tu luyện, có thể dùng nó để đạt tiêu chuẩn người tu luyện chân chính của môn tu luyện này. Các bộ giới luật khác, như ngũ giới, bát quan trai giới, v.v. là các bộ giản lược, mang tính dẫn dắt nhập môn, mang tính quy định hay quy chế, chứ không đủ hàm nghĩa nói trên. Nói nôm na là, nếu một hòa thượng thực hành đúng bộ giới luật xuất gia, thì ai cũng thừa nhận đó là người tu luyện. Nhưng một cư sỹ thực hành đúng ngũ giới, thì chỉ được coi là người hợp cách theo tiêu chuẩn cư sỹ, chứ không thể nói tôi chỉ cần giữ đủ ngũ giới hoặc bát quan trai giới thì tôi đã là người tu luyện chân chính và tôi sẽ tu thành. Đây là đang nói về nguyên lý trong pháp tu Giới-Định-Huệ của đức Phật Thích Ca.
Trong nhóm thỉnh kinh ở Tây Du Ký, chỉ có Đường Tăng là thực sự thực hành bộ Giới luật đầy đủ ấy mà thôi. Còn mấy đồ đệ thì không. Tôn Ngộ Không thậm chí còn không đả tọa nhập tĩnh, như vậy hiển nhiên là không tu theo Giới-Định-Huệ này.
Chính vì đức Phật Thích Ca năm đó đã định ra “Dĩ Giới vi Sư”, lấy Giới làm thầy như thế, cho nên, tu luyện mà không trì giới, thì không được tính là tu theo phương pháp tu luyện của đức Phật Thích Ca nữa.
[4] Ví như hai bộ giáo trình, một là soạn trên nguyên lý “Dĩ Giới vi Sư”, một là soạn trên nguyên lý “Dĩ Pháp vi Sư”. Cứ cho là cùng hướng đến một đích, nhưng mà đường tu là khác nhau. Ví như ta đi từ Hà Nội vào Sài Gòn, thì có đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường không, v.v. Các đường đó là khác nhau. Bộ giáo trình nhất định sẽ khác nhau rất nhiều. Các trạng thái chứng ngộ cũng nhất định sẽ khác nhau. Cho nên không thể lấy cái này lắp vào cái kia được. Bất nhị pháp môn.
Bài 1: Vô sở cầu khi phát tâm tu luyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Làm gì đó mà không xuất phát từ tâm truy cầu. Không vì danh lợi mà làm. Không vì ái hận mà làm. Không vì lợi ích dẫn dụ hay khó khăn thúc ép mà làm. Ấy là vô sở cầu. | |
Bài 2: Tính mệnh song tu – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký | |
Bài 3: Phản bổn quy chân – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Có lẽ chỗ hay nhất ở Tây Du Ký là miêu tả quá trình hoàn thiện của một sinh mệnh nguyên thủy. | |
Bài 4: Ngộ tính – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Cùng theo một thầy học Đạo, cùng đi một chặng đường tu, nhưng mà, thành quả mỗi người một khác. Điều đầu tiên làm nên khác biệt ấy chính là: NGỘ TÍNH. | |
Bài 5: Chính và tà – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Trong Tây Du Ký, cũng như trong văn hóa Thần truyền, đều có nhận thức “chính và tà”. Từ góc độ tu luyện, thì thế nào là chính phái hay tà phái, căn cứ vào đâu mà xác định? Hãy thử xét qua các diễn biến khái quát trong truyện. | |
Bài 6: Tu luyện là tự nguyện – Đạo lý tu luyện trong Tây Du Ký Tại sao Bát giới thích xả giới? Hòa thượng thích hoàn tục? Vì họ là tu luyện mà không tự nguyện! Tu luyện vốn dĩ phải là tự nguyện thì mới có ý nghĩa! |
Từ khóa Đường Tăng đạo lý tu luyện Trư Bát Giới Sắc giới tu luyện Tôn Ngộ Không Tây Du Ký