“Dương dương tự đắc” (điếp điếp tự hỷ) là thành ngữ dùng để diễn tả thái độ tự mãn, vênh váo, tự cho rằng mình là tài giỏi hơn người hoặc cảm thấy thỏa mãn đắc chí với thành tích của mình và biểu hiện ra một cách lỗ mãng. Câu thành ngữ này có xuất xứ từ “Sử ký – Ngụy Kỳ Hầu liệt truyện”.
Chuyện chép rằng triều đại nhà Hán, Ngụy Kỳ Hầu Đậu Anh là cháu trai họ của Đậu Thái Hậu, mẹ của Hán Cảnh Đế. Thời kỳ đầu của Hán Cảnh Đế, Đậu Anh là người rất hiếu khách. Lúc Hán Cảnh Đế vừa lên ngôi, Đậu Anh đảm nhiệm chức chiêm sự, phụ trách sự việc trong cung cho Thái tử và Thái hậu.
Em trai của Hán Cảnh Đế là Lương Hiếu Vương được Đậu Thái Hậu vô cùng yêu quý. Có một ngày, Lương Hiếu Vương tiến cung, Hán Cảnh Đế tổ chức tiệc rượu. Lúc ấy, Hán Cảnh Đế còn chưa lập Thái tử. Đang lúc thưởng rượu, Hán Cảnh Đế cao hứng nói với Đậu Thái Hậu: “Nếu như con chết con sẽ đem hoàng vị truyền cho Lương Vương”. Đậu Thái Hậu nghe thấy vậy thì rất vui mừng.
Lúc ấy Đậu Anh lại nói: “Triều Hán từ Hán Cao Tổ lập ra, hoàng vị đều phải là truyền từ cha sang con, Hoàng thượng sao có thể tự tiện truyền cho Lương Vương được?” Đậu Anh can ngăn kịp thời, khiến Hán Cảnh Đế không gây ra lỗi gì lớn, nhưng Đậu Thái Hậu vì thế rất căm ghét Đậu Anh.
Sau này, Đậu Anh lấy lý do có bệnh để xin từ chức. Đậu Thái hậu bèn trục xuất Đậu Anh và không cho ông vào cung nữa.
Vào năm Hán Cảnh Đế thứ ba, Ngô, Sở và bảy nước khác tạo phản. Hán Cảnh Đế phát hiện trong hoàng tộc và họ hàng bên ngoại không có người nào tài năng hơn Đậu Anh nên đã ban cho Đậu Anh ngàn cân vàng, phong ông làm đại tướng quân. Nhưng Đậu Anh lại kiên quyết thoái thác từ chối. Lúc này Đậu Thái Hậu cũng rất hối hận. Hán Cảnh Đế nói khó, Đậu Anh mới chịu nhận làm đại tướng quân. Đậu Anh chỉ huy quân đội bình định được phản loạn, được phong làm Ngụy Kỳ Hầu.
Năm Hán Cảnh Đế thứ tư, Hoàng đế lập người con trai cả làm thái tử, Đậu Anh là thầy giáo của thái tử Lật. Bốn năm sau, thái tử Lật bị phế bỏ địa vị vì mâu thuẫn nội cung, Ngụy Kỳ Hầu mấy lần ra sức tranh biện cũng không có kết quả, bèn lại một lần nữa lấy lý do bị bệnh để từ quan. Ông sống ẩn dật dưới chân núi Nam Sơn ở huyện Lam Điền trong vài tháng. Những vị tân khách và biện sĩ đã đến thuyết phục nhưng cuối cùng họ không thuyết phục được ông.
Sau này, Cao Toại, người đất Lương đã đến thuyết phục ông: “Người có thể cho ông phú quý chính là Hoàng thượng, người có thể khiến ông trở thành thân tín triều đình chính là Thái hậu. Hiện giờ ông làm thầy giáo của thái tử, thái tử bị phế bỏ không thể tranh biện lại được, mà tranh biện cũng không được tiếp nhận, lại cũng không thể vì thế mà xả thân. Ông mượn cớ ốm để từ chức, về quê ở ẩn không tham dự triều chính. Đây là ông đang công khai lỗi của Hoàng đế. Nếu Hoàng đế và Thái hậu vì điều này mà giận thì gia đình ông phải làm sao đây?” Đậu Anh cảm thấy những lời này rất có đạo lý nên đã trở về triều làm quan.
Sau này chức vị Tể tướng bị để trống, Đậu Thái Hậu nhiều lần đề cập đến việc để Đậu Anh kế nhiệm. Nhưng Hán Cảnh Đế nói: “Thái hậu chẳng lẽ cho rằng trẫm keo kiệt không chịu để Ngụy Kỳ Hầu làm tể tướng sao? Ngụy Kỳ Hầu, người này kiêu ngạo tự đại, điếp điếp tự hủy (dương dương tự đắc), làm việc khinh suất, thực sự khó có thể gánh vác trọng trách Tể tướng”. Cuối cùng Hán Cảnh Đế cũng không bổ nhiệm Ngụy Kỳ Hầu làm Tể tướng.
Về sau, câu thành ngữ “Dương dương tự đắc” dùng để miêu tả những người cảm thấy hài lòng và tự mãn, tự cho là mình tốt mà đắc ý. Ngụy Kỳ Hầu tuy tài giỏi nhưng bởi vì quá tự cao, khiến Hoàng đế cảm thấy khó dùng, không hợp với nghĩa quân thần, đây cũng là lỗi của ông vậy.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Ngày 14/1, Ủy ban Châu Âu đã cáo buộc Trung Quốc hạn chế quyền tiếp…
Ông Nguyễn Đức Thái bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù với…
Bộ Thương mại Mỹ chính thức thông báo ô tô kết nối mạng trong nước…
Công an vừa phát hiện nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội…
Hai giáo viên Trường Mầm non Thiên Hương (TP. Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) bị…
Hệ thống tín hiệu cửa chắn ke ga tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên…