Nguồn gốc của cách nói “Không rét mà run”
- An Hòa
- •
Thành ngữ cổ có câu: “Bất hàn nhi lật”, nghĩa là không rét mà run. Câu nói này thường được sử dụng trong đời sống thường ngày, nhằm miêu tả một người nào đó rơi vào cảnh sợ hãi đến mức cực điểm.
Về xuất xứ, câu thành ngữ “Không rét mà run” được ghi chép trong “Sử ký. Khốc lại liệt truyện” của sử gia Tư Mã Thiên đời nhà Hán. Trong đó có đề cập đến một điển cố như sau:
Vào thời Tây Hán, đời Hán Vũ Đế, có một người tên là Nghĩa Tung, quê ở Hà Đông, từng là đạo tặc chuyên chặn đường cướp của. Chị của Nghĩa Tung tên là Nghĩa Hủ là thầy thuốc của Hoàng thái hậu. Bởi vì y thuật cao siêu và y đức hơn người nên Nghĩa Hủ rất được Hoàng thái hậu sủng ái.
Nghĩa Hủ đã từng nói với Hoàng thái hậu rằng người em của mình không có đức hạnh, không thể làm quan. Nhưng dựa vào mối quan hệ thân tình này, Nghĩa Tung vẫn được Hoàng thái hậu cất nhắc lên làm quan trong triều.
Nghĩa Tung làm quan nghiêm khắc, dùng pháp trị, không phân biệt dân thường hay quan lại, càng không tránh né hay sợ hãi hoàng thân quốc thích. Ngoài ra, ông còn diệt trừ được không ít các thế lực ở địa phương từng gây hại cho triều đình. Nhờ vậy, tình hình trị an địa phương được cải thiện rất nhiều. Do đó, ông ta được Hán Vũ Đế tán dương, cất nhắc.
Về sau, Nghĩa Tung được phong làm Thái thú quận Nam Dương. Lúc ấy, quan đô úy quận Nam Dương là Ninh Thành rất hung ác tàn nhẫn, một tay che trời, không ai dám đắc tội với ông ta. Khi Nghĩa Tung đến địa phương nhậm chức, quan đô úy Ninh Thành một mực cung kính nghênh đón, đi theo kề cận hầu hạ nhưng Nghĩa Tung lại dùng thái độ hờ hững đối đãi với ông ta.
Sau khi đến quận phủ, Nghĩa Tung bắt đầu thẩm tra và xử lý các hành vi phạm tội của Ninh Thành và gia tộc ông ta, phàm những người có tội đều bị xử tử hết. Quá sợ hãi trước thái độ nghiêm khắc của Nghĩa Tung, hai gia tộc giàu có ở địa phương là gia tộc họ Khổng và gia tộc họ Bạo, bởi vì từng làm việc xấu, nên đã tự bỏ đi nơi khác sinh sống. Quan lại và dân chúng địa phương Nam Dương ai cũng sợ hãi, thận trọng từ lời nói đến việc làm, không dám phạm một sai trái nào.
Chu Cường ở huyện Bình Thị và Đỗ Chu ở huyện Đỗ Diễn đều là cấp dưới đắc lực của Nghĩa Tung và đều được thăng chức lên làm Đình Sử. Lúc ấy, quân đội nhà Hán liên tục xuất binh từ Định Tương tấn công Hung Nô. Quan lại và dân chúng Định Tương sợ hãi tán loạn, tình hình trị an rối ren, phong tục bị suy đồi, vì thế triều đình liền cử Nghĩa Tung đến nhậm chức Thái thú Định Tương.
Sau khi Nghĩa Tung nhậm chức đã lùng bắt hơn 200 người phạm trọng tội và nhốt vào trong nhà tù Định Tương. Ông ta còn cho bắt cả những người thân, bạn bè, hàng xóm của những người này khi họ đến thăm tội nhân, con số lên đến hơn 200 người.
Sau đó Nghĩa Tung đem toàn bộ những người này ra thẩm vấn, nói rằng những người thân thuộc này khi đến thăm là có ý đồ giải vây cho những người phạm trọng tội kia. Vì thế, ông ta đã ra lệnh xử trảm hết những người này. Trong báo cáo của ngày hôm đó, tổng cộng có tất cả hơn 400 người đã bị xử tử.
Sự kiện đó làm chấn động cả vùng Định Tương, đầu làng cuối xóm mọi người chạy báo nhau: “Không xong rồi! Thái thú đã giết hơn 400 người trong một ngày!” Cả quận ai ai cũng kinh tâm sợ hãi, dù trời không rét mà toàn thân run rẩy, lo sợ hoạ hoạn rơi xuống đầu mình không biết khi nào. Bởi vì, Nghĩa Tung tuy rằng chấp pháp nghiêm khắc nhưng cũng có lúc xảy ra vấn đề tùy tiện tàn sát nên dân chúng sợ hãi, và Tư Mã Thiên cũng xếp ông vào hạng ác quan.
Từ đó, câu thành ngữ “không rét mà run” được sử dụng để chỉ trạng thái hoảng sợ của con người nói chung.
Theo Epoch Times
An Hòa biên tập
Xem thêm: Câu chuyện thành ngữ: Ngọc bất trác bất thành khí
Mời xem video:
Từ khóa Câu chuyện thành ngữ Sử Ký Tư Mã Thiên