Mẹ tôi thuộc thế hệ vấn khăn – nhuộm răng – nhai trầu, nên khi chỉ vài tháng tuổi, vừa nhận biết được cảnh vật chung quanh tôi đã nhìn, đã ngửi thấy mùi trầu cau. Tới tuổi bắt đầu ăn vụng thì trầu cau có lẽ là món “hành nghề” đầu tiên của tôi, nhưng chỉ một lần đủ tởn đến tận giờ. Trầu cau vừa đắng, vừa chát, vừa hăng nồng.

Cau đúng là vừa đắng và chát. Chát nhiều hơn đắng. Chát là do trong cau, cả vỏ lẫn hạt chứa hàm lượng chất tannin khá bộn.

Trong cau có nhóm alkaloid, mà nổi bật nhất là chất arecoline. Chất này tác động đến hệ thần kinh, làm co con ngươi (mắt), co thắt cuống phổi, giảm nhịp tim, tăng nhu động ruột… Hiện nay, khoa học thừa nhận arecoline có cải thiện phần nào nhận thức, trí nhớ của người bệnh alzheimer. Arecoline trong cau cũng làm giun sán không bám vào thành ruột, nên thường được dùng là thành phần trong thuốc trị giun.

Những lợi ích sức khỏe về trị giun sán, co thắt cuống phổi… công hiệu tới mức nào, tôi không biết chắc, nhưng về trí nhớ và nhận thức thì mẹ tôi minh mẫn cho đến lúc ra đi. Bà mất vì tuổi già, thọ 94 tuổi.

Mùi hăng nồng là do lá trầu. Có bằng chứng cho thấy, lá trầu (có hoặc không có thuốc lào) có thể gây ung thư vòm miệng. Còn hạt cau cũng được xác định gây ung thư trên động vật. Những nghiên cứu về trầu cau đã bỏ qua thành phần vôi, nên có phản biện cho rằng, nhờ vôi mà độc tính của arecoline bị vô hiệu hóa.

Cau nhai với lá trầu thấy thơm ngon, nên buồn miệng ăn hoài. Một số nhà khoa học ở Đài Loan giải thích, nghiện là do chất arecoline có trong cau. Thực ra, chưa có nghiên cứu nào nói đến việc ăn trầu cau đưa đến hậu quả “nghiện”. Tôi thì nghĩ là ăn trầu cũng bị nghiện. Mẹ tôi ăn trầu từ hồi con gái, và ăn đủ bộ: trầu-cau-vôi, có khi còn thêm chút thuốc lào. Chỉ trước khi mất vài tháng, bỗng dưng bà không ăn trầu nữa. Lúc đó tôi cảm thấy có điều gì bất ổn.

Nhiều nước vùng Đông Nam Á có thói quen ăn trầu cau, có hoặc không có thuốc lào. Chỉ riêng Việt Nam là phải quệt thêm chút vôi vào lá trầu thì mới đủ bộ, như trong sự tích trầu cau.

Vôi ở đây là đá vôi đem nung, rồi ngâm nước thành vôi tôi (hydroxide calcium (Ca(OH)2). Vôi có tính kiềm rất mạnh, nhờ vậy mà nước trầu mới đỏ, “môi thắm chỉ hồng”.

Sự tích trầu cau của Việt Nam là chuyện tình buồn. Hai anh em ruột cùng yêu một thiếu nữ. Cô gái lấy người anh. Người em bỏ đi, chết bên bờ suối hóa thành tảng đá (vôi). Người anh đi tìm em, chết hóa thành cây cau bên tảng đá. Vợ đi tìm chồng, chết hóa thành lá trầu quấn quanh cây cau.

Tình nghĩa gia đình quấn quýt giữa Trầu – Cau – Vôi để cho ra môi thắm chỉ hồng như thế, liệu có phải là nguyên nhân mà người Việt dùng trầu cau trong lễ cưới xin hay không, tôi không chắc.

Thời buổi này lễ dạm hỏi ít ai còn nói đến trầu cau. Hồi con gái tôi lập gia đình, nhà trai hỏi lễ vật thế nào. Tôi chỉ xin vài lá trầu, vài quả cau và chút vôi, để trên bàn thờ. Nơi đó vẫn còn lưu giữ cái cối giã trầu của mẹ tôi.

Vũ Thế Thành

Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Mời bạn đọc tìm mua các tác phẩm của tác giả Vũ Thế Thành:

Xem thêm cùng tác giả:

Mời xem video:

Vũ Thế Thành

Published by
Vũ Thế Thành

Recent Posts

Hoàng tử nhà Mạc trở thành người thầy nổi tiếng của đất học Yên Thành

Huyện Yên Thành, Nghệ An trở thành đất học nổi tiếng vào thời Lê Trung…

38 phút ago

Từ một bức tranh Baroque ngẫm về thói quen phán xét

Đã bao giờ bạn nghĩ rằng phán xét là một "hành vi đạo đức"? Hãy…

43 phút ago

Ông Biden lần đầu nói về bệnh ung thư di căn của mình

Ông Joe Biden lần đầu nói về căn bệnh ung thư di căn của bản…

50 phút ago

Chiến lược của Nguyễn Cư Trinh trong việc mở rộng lãnh thổ

Nguyễn Cư Trinh chủ trương phải nương dựa vào dân, nếu không cố kết vào…

52 phút ago

Iran kêu gọi giải quyết bất đồng thông qua con đường đối thoại

Iran cho rằng trật tự thế giới đa cực mới nổi đòi hỏi các nước…

1 giờ ago

3 điểm nhận biết người phụ nữ có phúc khí

Người phụ nữ có phúc khí được coi là cội nguồn hạnh phúc của gia đình,…

1 giờ ago