Đánh một ván cờ, lỡ đi sai một nước thì xin đi lại, chuyện có vẻ rất bình thường nhưng đó lại một trong những mầm mống dẫn đến “Thất quốc chi loạn” nổi tiếng trong lịch sử nhà Hán.
Khi chưa thống nhất được thiên hạ, Hán Cao Tổ Lưu Bang vẫn phong Vương cho các công thần. Nhưng sau khi thống nhất thiên hạ, nhận thấy công lao của nhiều người quá lớn, Lưu Bang nghi kỵ tìm cách trừ khử. Vì thế mà các công thần như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt đều bị hại chết dù mới đầu họ không có chủ ý làm phản.
Hán Cao Tổ còn đưa ra giao ước rằng: “Ai không phải họ Lưu mà làm vương thì thiên hạ cùng đánh”, rồi chỉ phong Vương cho các thân thích họ Lưu. Tuy nhiên người được Hoàng đế phong Vương có thể thoát khỏi tai họa hay không?
Trong những người được phong Vương thì Ngô vương Lưu Tỵ ở Đông Nam rất mạnh. Theo Sử Ký của Tư Mã Thiên thì năm 174 TCN, con trai của Lưu Tỵ là Thế tử Lưu Hiền đến thăm Thái tử Lưu Khải. Ông nội của Lưu Hiền và Lưu Khải là anh em ruột của nhau. Lưu Hiền đến thăm Thái tử, hai người uống rượu trò chuyện, đánh cờ.
Chơi cờ có thắng thua qua lại, nhưng có lần Thái tử Lưu Khải đi xong một nước cờ thì nhận ra đây là nước sai lầm, liền muốn rút lại nước đi lỡ, nhưng Lưu Hiền không cho, hai bên to tiếng. Lưu Khải thấy Lưu Hiền không kiêng nể, đang lúc tức giận không kiềm chế được liềm cầm lấy bàn cờ rồi đập vào đầu Lưu Hiền. Lúc nguôi ngoai thì thấy Lưu Hiền đã chết rồi.
Hán Văn Đế hay tin thì chấn động, cho đưa thi thể Lưu Hiền đến nước Ngô an táng và chuộc lỗi. Ngô vương Lưu Tỵ uất ức quá, bèn nói rằng: “Thiên hạ đều là của Lưu gia, con của ta chết tại Trường An, thì chôn cất tại Trường An, đưa về nước Ngô làm gì”. Sau đấy thi thể Lưu Hiền được đưa đến chôn cất ở Trường An.
Từ đó Lưu Tỵ bất mãn không đến Trường An để vào chầu, sứ giả Triều đình đến hỏi thăm nhưng Lưu Tỵ không gặp mặt. Triều Thố là người của Thái tử Lưu Khải, được sủng ái bèn tâu lên rằng cần trị tội Ngô vương nhưng Hán Văn Đế vì tình huynh đệ, nghĩ Lưu Tỵ giận vì mất con nên không truy cứu chuyện này.
Năm 157 TCN, Hán Văn Đế mất, Thái tử Lưu Khải lên ngôi hiệu là Hán Cảnh Đế. Bấy giờ là lúc chiến loạn đã qua, triều đình cần củng cố thực quyền, Hoàng đế cũng cần tập trung quyền lực để tránh mối lo chư hầu phân tranh. Do đó các đại thần tấu lên cần làm giảm thế lực của các chư hầu.
Hán Cảnh Đế liền cắt bớt đất của các chư hầu. Theo tấu của Triều Thố, nhà Hán sẽ tước bớt quận Đông Hải của Sở vương, tước bớt quận Dự Chương và quận Cối Kê của Ngô vương Tỵ, tước bớt quận Thường Sơn của Triệu vương và 6 huyện của Giao Tây vương.
Ngô vương Lưu Tỵ vốn lo sợ mấy chục năm không vào chầu thì sẽ bị triều đình bắt phạt, thêm việc bị cắt đất tước bỏ thế lực, lại hận Hán Cảnh Đế khi làm thái tử đã giết con mình, liền quyết định mưu phản, liên kết chư hầu chống Triều đình, lấy danh nghĩa trừ bỏ gian thần Triều Thố.
Tại nước Ngô, Lưu Tỵ giết hết các quan lại theo nhà Hán, tuyển binh tăng lính và có 20 vạn quân. 7 chư hầu tham gia làm phản bao gồm:
Quân chư hầu làm chủ phía đông và tiến đến Kinh đô Trường An.
Quân nước Ngô và nước Sở tiến đến nước Lương. Em của Hán Cảnh Đế là Lưu Vũ được phong Vương cai quản ở đây, đã cầm chân được quân nước Ngô và Sở. Quân của 4 Vương khác thì tiến quân vào nước Tề.
Trong tình thế nguy cấp, Hán Cảnh Đế liền phong Chu Á Phu làm Thái úy chỉ huy toàn quân dẹp loạn.
Nghe tin quân Triều đình đến, Lưu Tỵ bố trí quân mai phục sẵn. Tuy nhiên Chu Á Phu không cứu viện nước Lương, mà lại bất ngờ chặn đường tiếp lương của quân Ngô, cắt đường liên lạc của liên quân chư hầu.
Liên quân Ngô, Sở liên tiếp chiến thắng. Lưu Vũ thấy Chu Á Phu không chịu cứu viện thì tức giận cho người về báo với Hán Cảnh Đế. Hay tin Hán Cảnh Đế sai sứ đến giục Chu Á Phu cứu viện, nhưng Chu Á Phu nói: “Tướng ngoài trận có thể không nghe lệnh vua”.
Lưu Vũ không được tiếp viện, không thể dựa dẫm nên đành tính kế tự mình chống cự, quả nhiên đánh thắng mấy trận liền. Thấy không thể thắng được Lưu Vũ, quân Ngô Sở quay sang tiến đánh Chu Á Phu đang đóng ở Hạ Ấp.
Quân Ngô, Sở nhiều lần khiêu chiến, nhưng Chu Á Phu không đưa quân ra ngoài đánh mà chỉ cố thủ vững trong thành. Quân Ngô, Sở bị cắt mất đường tiếp lương nên cần đánh nhanh, Chu Á Phu biết thế nên thủ vững chứ không ra ngoài nghênh chiến.
Khi quân Ngô, Sở hết lương, Chu Á Phu mới bất ngờ đem quân ra đánh khiến quân Ngô, Sở tan tác, phần lớn đầu hàng.
Lưu Tỵ thua trận bèn bỏ chạy đến Đông Việt. Triều đình sai sứ đến thuyết phục Đông Việt bắt Ngô vương và treo giải thưởng 1.000 lượng vàng cho ai làm được. Người Đông Việt liền lừa giết được Ngô vương để lĩnh thưởng. Còn Sở vương thấy không thoát được nên tự sát.
Trong khi đó chư hầu 4 nước Giao Đông, Giao Tây, Tế Nam và Tri Xuyên đánh nước Tề suốt 3 tháng nhưng không thắng được. Thấy quân Ngô, Sở thua trận, quyết định rút quân, sau đó cả 4 Vương phải tự sát.
Lịch sử Trung Quốc gọi thời kỳ này là “Thất quốc chi loạn”, 7 chư hầu nổi loạn, mà một trong những mầm mống là từ một ván cờ.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Sau khi hé lộ một số chi tiết và hình ảnh vụ Nga đáp trả…
Theo ĐBQH Dương Minh Ánh, biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng…
Do có các sai phạm, khuyết điểm trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm…
Hôm Thứ Năm, ICC tuyên bố bắt các quan chức cao cấp của Israel quy…
Nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml dự kiến phải chịu thuế tiêu…
Trong vòng một tuần, huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã phát hiện 5 con…