Cuộc tranh giành ngôi Vua của 10 hoàng tử nhà Tiền Lê
- Trần Hưng
- •
Lê Hoàn đi theo cha con Đinh Tiên Hoàng lập được công lớn, đánh dẹp 12 sứ quân, thống nhất Giang Sơn về một mối. Sau này ông lên ngôi Vua, khiến Đại Việt đứng vững trước uy hiếp của nhà Tống. Tuy nhiên sau khi qua đời, vua Lê Đại Hành cũng để lại 10 hoàng tử nắm giữ 10 phương cùng tranh giành ngôi Vua, khiến Giang Sơn một phen rơi vào loạn lạc.
Lúc đầu, vua Lê Đại Hành lập con trưởng là Lê long Thâu làm Thái tử, tuy nhiên năm 1000 thì Thái tử qua đời. Năm 1004, Vua cho lập con là Long Việt làm Thái tử.
Theo sử sách thì vua Lê Đại Hành có 5 hoàng hậu cùng các phi tần khác, có tất cả 12 hoàng tử, trong đó có 1 hoàng tử là con nuôi, các hoàng tử đều được phong Vương, cụ thể như sau:
- Lê Long Thâu làm Kình Thiên đại vương (phong năm 989, mất năm 1000).
- Lê Ngân Tích (Long Tích) làm Đông Thành vương (phong năm 989).
- Lê Long Việt làm Nam Phong vương (phong năm 989).
- Lê Long Đinh làm Ngự Man vương, đóng ở Phong Châu (phong năm 991).
- Lê Long Đĩnh làm Khai Minh vương, đóng ở Đằng Châu (phong năm 992).
- Lê Long Cân làm Ngự Bắc vương, đóng ở Phù Lan (phong năm 991).
- Lê Long Tung làm Định Phiên vương, đóng ở Tư Doanh (phong năm 993).
- Lê Long Tương làm Phó vương, đóng ở Đỗ Động Giang (phong năm 993).
- Lê Long Kính làm Trung Quốc vương, đóng ở Càn Đà, Mạt Liên (phong năm 993).
- Lê Long Mang làm Nam Quốc vương, đóng ở Vũ Lung (phong năm 994).
- Lê Long Đề (Minh Đề) làm Hành Quân vương, đóng ở Bắc Ngạn, Cổ Lãm (phong năm 995).
- Con nuôi làm Phù Đái vương, đóng ở Phù Đái (phong năm 995).
Tháng 3/1005, vua Lê Đại Hành mất, trong số 12 hoàng tử thì ngoại trừ 2 hoàng tử là Lê Long Thâu đã mất và Lê Long Đề đang đi sứ nhà Tống, còn lại 10 hoàng tử đều muốn tranh giành ngôi Vua.
10 hoàng tử gây cuộc chiến loạn, chỉ mưu tính lên ngôi Vua mà không quan tâm đến Xã Tắc. Chiến loạn xảy ra trong khoảng 10 tháng, nước không có chủ, nhưng sử sách ghi chép rất ít về cuộc chiến này. Sách An Nam chí lược viết rằng: “Lê Hoàn đã chết, mấy người con đều tụ tập binh mã, chia đặt trại sách, quan thuộc ly tán, nhân dân lo sợ”.
Trước khi vua Lê Đại Hành mất có nhờ Lý Công Uẩn phò giúp Thái tử Lê Long Việt lên ngôi, nhờ đó mà trong 10 hoàng tử thì Lê Long Việt có ưu thế hơn nhờ có tướng giỏi Lý Công Uẩn phò tá.
Cuộc chiến kéo dài đến tháng 10/1005 thì ưu thế thuộc về 2 hoàng tử là Ngân Tích và Long Việt. Cũng tháng 10/1005 xảy ra cuộc giao chiến giữa 2 hoàng tử này, ai thắng sẽ chiếm được Kinh đô Hoa Lư và lên ngôi Vua. Kết quả quân của Ngân Tích bị đánh bại phải chạy sang đất Cử Long, quân của Long Việt đuổi theo khiến Ngân Tích phải đưa quân chạy dến Chiêm Thành, nhưng đến cửa biển Hà Tĩnh thì Ngân Tích bị người ở đây giết chết.
Lê Long Việt chiến thắng trở về Kinh thành Hoa Lư lên ngôi Vua, hiệu là Lê Trung Tông. Lê Trung Tông vẫn dè chừng các hoàng tử khác, nhưng không e dè Lê Long Đĩnh vì là em ruột của mình.
Long Việt lên ngôi mới chỉ 3 ngày thì Long Đĩnh cho quân trèo tường thành ban đêm, giết chết anh ruột. Trong cung mọi người hay tin Vua bị giết thì hoảng sợ bỏ chạy vì sợ liên lụy, duy chỉ có Lý Công Uẩn hay tin vội chạy đến ôm xác vua Lê Trung Tông mà khóc.
Sau này, theo dã sử chép, phi tần của của Lê Đại Hành là Chi Hậu Diệu Nữ một lần đi cầu tự, lúc trở về cung nằm mơ thấy hai con rồng từ trên trời sa xuống đất hóa thành hai đứa trẻ tranh nhau mặt trời, một đứa nói “Ta là anh sao dám giành với ta”; đứa kia ngần ngừ trao mặt trời rồi quay đi.
Nhưng suy nghĩa thế nào mà chỉ một lát sau nó quay lại cầm dao đâm vào anh rồi nói: “Mặt trời là của báu của thiên hạ, anh thì anh ta, cứ giành cho được”, cướp lấy mặt trời rồi chạy đi.
Bà Diệu Nữ giật mình tỉnh giấc, nhớ lại giấc mơ thì lo lắng, ít lâu sau bà có mang, năm 983 sinh được hoàng tử, đặt tên con là Long Việt; năm 986 thì sinh thêm một hoàng tử nữa đặt tên là Long Đĩnh.
Dẫu câu chuyện này là biên từ lịch sử ra hay là sự thật, thì cuối cùng việc huyết nhục tương tàn đã xảy ra. Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Đại Hành băng, Trung Tông vâng di chiếu nối ngôi. Long Đĩnh làm loạn, Trung Tông vì anh em cùng mẹ không nỡ giết, tha cho. Sau Long Đĩnh sai bọn trộm cướp đêm trèo tường vào cung giết Trung Tông.”
Lê Long Đĩnh giết anh xong thì lên ngôi Vua. Hai anh em hoàng tử là Long Cân và Long Kính không phục, liền cho quân chiếm trại Phù Lan, tập hợp thêm binh mã. Long Đĩnh liền thân chinh dẫn quân đi đánh.
Quân của hai anh em hoàng tử đóng chặt trại Phù Lan cố thủ, quân của Long Đĩnh đánh không thắng được liền bao vây chặt suốt mấy tháng liền.
Quân trong trại bị bao vây thời gian dài, lương thực cạn kiệt, rơi vào đường cùng. Long Cân biết nếu đầu hàng thì bị giết chết. Vì thế Long Cân đành sai thủ hạ thân tín bất ngờ bắt sống Long Kính rồi dâng nộp cho Long Đĩnh để đầu hàng. Long Đĩnh liền sai giết chết Long Kính, tha cho Long Cân
Sau đó Long Đĩnh đưa quân đến đánh Long Đinh ở Phong Châu, cuối cùng Long Đinh phải đầu hàng.
Lúc này các hoàng tử còn lại đều có phần sợ Long Đĩnh, lực lượng lại không mạnh bằng, vì thế mà đều quy phục.
Nhân định về việc Long Đĩnh giết anh là Long Việt cướp ngôi, sử thần Ngô Sĩ Liên viết như sau: “Trung Tông về tình anh em tuy là hậu, nhưng việc đứng chủ cúng tế, nối dõi tổ tiên thì xã tắc là trọng, anh em là khinh, huống chi là em bất đễ! Lúc ấy Trung Tông phải nêu việc Quản Thúc, Thúc Nha mà trị tội thì mới phải, nếu không làm thế thì đem giam cầm ở một nơi riêng cho đến khi chết cũng được. Nhưng Trung Tông lại thả lỏng thì sao cho khỏi bị phản, rốt cuộc tan họ, diệt dòng là tự Trung Tông làm ra cả. Ngọa Triều thì có bõ trách làm chi? Cho nên người làm vua tất phải cư xử cho thật đúng đắn và phải xét hết lẽ vậy”.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời nghe radio:
Từ khóa lịch sử Việt Nam nhà tiền Lê