Đặng Tất là một vị tướng tài, góp công lớn trong việc khiến nhà Hậu Trần đứng vững trước quân Minh. Tuy nhiên chỉ tiếc là ông không gặp được Minh Chúa.
Theo “Đặng gia tộc phả” ông tổ họ Đặng là Đặng Lộ ở vùng Sơn Minh, Sơn Nam (nay là huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội). Từ bé Đặng Lộ đã nổi tiếng hay chữ khắp vùng, ông làm quan dưới thời vua Trần Minh Tông và được xem là nhà thiên văn học đầu tiên của Việt Nam.
Sau này con trai của Đặng Lộ là Đặng Bá Kiển quyết định dời khỏi kinh kỳ Thăng Long đến Nghệ An. Ông có người con trai trưởng là Đặng Bá Tĩnh khôi ngô học giỏi, thi đỗ Thám hoa làm quan to đến chức Hành khiển.
Đặng Tất là cháu nội của Đặng Bá Tĩnh, là người học giỏi có tiếng, thi đỗ Thái học sinh (tương đương tiến sĩ) được bổ nhiệm làm Tri phủ Hoá châu (Quảng Trị ngày nay) vào năm 1391.
Năm 1400, nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần. Năm 1402, Hồ Hán Thương đưa quân đánh Chiêm Thành. Do yếu thế hơn, Chiêm Thành phải dâng vùng đất Chiêm Động (Quảng Nam), Cổ Lũy (phía bắc Quảng Ngãi) để xin nghị hòa. Nhà Hồ tiếp quản vùng đất này và lập thành 4 phủ là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa.
Nguyễn Cảnh Chân được cử làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa, còn Đặng Tất được bổ làm Đại tri châu Thăng Hoa. Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân vốn là bạn thân của nhau, nên được làm quan cùng Phủ thì càng gần gũi thân thiết hơn. Đến năm 1406 thì nhà Hồ cho Hoàng Hối Khanh đến cai quản vùng Thăng, Hoa thay cho Nguyễn Cảnh Chân.
Năm 1406, quân Minh tiến đánh nhà Hồ, quân Chiêm được sự ủng hộ của nhà Minh nên cũng tiến đánh nhà Hồ từ phía nam để lấy lại các vùng đất đã mất.
Quân Chiêm tiến đánh phủ Tư, Nghĩa (thuộc Cỗ Lũy tức phía bắc Quảng Ngãi ngày nay), rồi tiến tiếp vào phủ Thăng Hoa. Đặng Tất thấy thế mình yếu hơn nên quyết định cùng Hoàng Hối Khanh bỏ Thăng Hoa rút quân về Hóa châu.
Lúc này là tháng 6/1407, cha con Hồ Quý Ly thua trận và bị quân Minh bắt, các tướng nhà Hồ ở phía nam mâu thuẫn. Đặng Tất rút về Hóa châu nhưng trấn thủ Hóa châu không cho Đặng Tất vào thành. Đặng Tất phải đưa quân đánh bại và cùng Hoàng Hối Khanh chiếm giữ Hóa châu.
Ở phía nam, quân Chiêm sau khi lấy được các vùng đất đã mất thì thừa thắng tiến đến đánh tiếp Hóa châu. Phía bắc, quân Minh sau khi bắt được cha con Hồ Quý Ly thì tiếp tục tiến về phía nam đánh Nghệ An, quân nhà Hồ ở đây đầu hàng.
Tướng chỉ huy quân Minh là Trương Phụ cho người đến khuyên Hoàng Hối Khanh và Đặng Tất đầu hàng. Hoàng Hối Khanh không muốn hàng, nhưng biết không thể chống giữ được nên chọn cách bỏ trốn.
Đặng Tất lúc này đã ở thế yếu lại bị cả quân Minh và Chiêm Thành từ hai đầu đánh tới. Ông quyết định tạm hàng quân Minh trước để dồn sức đánh Chiêm Thành ở phía nam. Ông được Trương Phụ phong làm Đại tri châu Hoá châu.
Đặng Tất tìm cách gặp mặt Hoàng Hối Khanh tính kế lâu dài, nhưng Hoàng Hối Khanh đi thuyền đến cửa Hội thì bị sóng đánh lật thuyền, bị thổ binh theo quân Minh bắt được. Không để sa vào tay quân Minh, ông đã chọn cách tự sát.
Bằng kế đầu hàng, Đặng Tất đã tránh được mối lo quân Minh ở phương bắc, nên khi Chiêm Thành từ phía nam tiến đến Hóa châu, ông đã chỉ huy quân Việt đánh bại Chiêm Thành, khiến quân Chiêm thất bại trong việc lấn chiếm lãnh thổ của người Việt và phải rút lui trở về.
Đánh bại được quân Chiêm, Đặng Tất lo ổn định dân chúng, ngầm xây dựng lực lượng tránh tai mắt của các quan giám sát quân Minh, chờ thời cơ khởi nghĩa.
Năm 1407, con thứ của vua Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi dấy binh ở Yên Mô (Ninh Bình), lên ngôi Vua hiệu là Giản Định Đế lập ra nhà Hậu Trần.
Quân Minh hay tin liền đưa quân tới đánh. Quân Hậu Trần do mới tập hợp nên rất yếu, chỉ một trận đánh đã tan vỡ, Vua phải chạy đến Nghệ An.
Nghe tin, Đặng Tất cho rằng đây là cơ hội tốt để khôi phục nhà Trần, ông cho giết những viên quan giám sát của nhà Minh ở Hóa châu, rồi đưa hơn 1 vạn quân bản bộ đến Nghệ An, ra mắt Giản Định Đế.
Sự kiện này được Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép như sau: “Tháng 4, quân Minh đánh vào hành dinh, vì quân mới chiêu tập, không đánh mà tan vỡ. Vua liền đi về phía tây, đến Nghệ An tạm đóng tại đó. Đại Tri châu Hóa Châu là Đặng Tất nghe tin, giết viên quan nhà Minh, đem quân tới hội”.
Đặng Tất biết việc mình đã đầu hàng quân Minh, dù chỉ là kế sách tạm thời lúc đấy nhưng khó tránh khỏi sự nghi ngại của Vua, nên ông đã đưa con gái dâng cho Giản Định Đế để tỏ lòng thành.
Ngay sau khi Đặng Tất về với nhà Hậu Trần, Nguyễn Cảnh Chân cùng các tướng khác cũng đến Nghệ An theo Giản Định Đế chống quân Minh, khiến nhà Hậu Trần mạnh lên.
Đôi bạn thân Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân trở thành trụ cột của nhà Hậu Trần. Đặng Tất được phong làm Quốc Công chỉ huy toàn bộ quân nhà Hậu Trần. Nguyễn Cảnh Chân được phong làm Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự, tức quân sư cho Giản Định Đế.
Trần Hưng
Xem thêm:
Mời xem video:
Theo giới chức Hà Nội, diễn biến sự cố sạt lở mái đê, thân đê,…
Chính phủ Mỹ mới thêm 30 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm nhập…
George Galloway: Nga có 3 tên lửa “hoàn toàn không thể ngăn chặn” với “tên…
Tỉnh Khánh Hòa đang nghiên cứu phương án xây dựng đường hầm hơn 4km xuyên…
Theo thông tư mới ban hành có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, 12 đối tượng…
Sau hơn hai ngày gặp nạn, thi thể hai nạn nhân trên chiếc xe chở…