“Gà bốn chân” Nhật và “Gà công nghiệp” Việt

Hồi còn học tiểu học, chị gái thứ hai của tôi đã gây ra một sự kiện nho nhỏ ở trường học và gia đình khi tả con gà trống như sau: “Hai chân trước nó bấu vào cành chanh, hai chân sau bới xuống đất rồi cất tiếng gáy ò ó o”. Thật không ngờ, hơn 20 năm sau tôi lại gặp “gà bốn chân” khi tìm hiểu về lịch sử giáo dục Nhật Bản. Ở đó “gà bốn chân” đã trở thành một hiện tượng, một vấn đề gây tranh luận sôi nổi trong giới giáo dục nước này.

Hiện tượng “gà bốn chân” ở Nhật

Trong giai đoạn Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế, ở trường học nước này có không ít trường hợp khi giáo viên yêu cầu vẽ tranh mô tả con gà, nhiều học sinh Nhật đã vẽ gà có… bốn chân.

Hiện tượng này lần đầu tiên được đưa ra trước công luận vào năm 1963 khi thầy giáo Nagai Takao ra đề vẽ con gà cho 27 học sinh lớp 3 ở Trường Tiểu học Agi thuộc thành phố Nakatsu, tỉnh Gifu thì có đến 5 học sinh vẽ gà có bốn chân. Để kiểm chứng, năm 1973 thầy giáo Nagai Takao lại ra đề tương tự với khoảng 30 học sinh lớp 4 ở một trường tiểu học khác cùng tỉnh và kết quả có 3 học sinh vẽ “gà bốn chân” và 4 học sinh khác hoàn toàn không vẽ được gì.

Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở học sinh tiểu học mà còn xuất hiện ở cả sinh viên đại học. Giáo sư Osaga Ko, người chuyên nghiên cứu về chim ở Đại học Akita từ năm 1969 khi tiến hành loạt bài giảng về “sinh thái học” đã yêu cầu sinh viên phải vẽ gà. Kết quả là mỗi năm có 10-15% sinh viên (10-20 người) vẽ “gà bốn chân”. Kết quả này về sau đã được công bố trên báo Mainichi ngày 20.6.1974. Sự thật này làm dư luận Nhật choáng váng.

Để kiểm chứng cho chắc chắn, đến năm 1988 người Nhật lại làm thí nghiệm tương tự với các học sinh trung học cơ sở tại Trường Trung học cơ sở Yoshina thuộc thành phố Takehara, tỉnh Hiroshima. Kết quả cho thấy trong số các học sinh là đối tượng thí nghiệm, không chỉ có các học sinh vẽ gà có bốn chân mà còn có cả học sinh vẽ gà không có mào hoặc mỏ.

Hiện tượng học sinh vẽ “gà bốn chân” không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận mà còn làm nổ ra cuộc tranh luận gay gắt trong giới giáo dục Nhật. Nhà giáo dục học Sakamoto Tadayoshi cho rằng hiện tượng trên thể hiện “năng lực nhận thức của học sinh bị suy yếu” do nền tảng đời sống của các em bị phá vỡ. Vì vậy ông cho rằng việc cần làm là “sửa đổi đời sống địa phương” “tổ chức hóa đời sống, hoạt động của học sinh”.

Nhận định nói trên xuất phát từ việc phân tích bối cảnh của xã hội Nhật Bản trong những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi Nhật đã trở thành cường quốc kinh tế. Công nghiệp phát triển đã làm cho dân số Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp thu hẹp, hoạt động chăn nuôi gia đình dần biến mất, thay vào đó là hình thức chăn nuôi ở trang trại tập trung. Sự phổ cập của tủ lạnh đã làm cho việc tích trữ thức ăn đông lạnh trở nên dễ dàng. Hệ thống siêu thị ở các khu dân cư cung ứng thịt chế biến sẵn và tiện lợi. Hoàn cảnh đó đã làm học sinh mất đi cơ hội tiếp xúc và trải nghiệm với “vật thật” và nhiều góc cạnh của đời sống thực.

Trong bối cảnh đó, giáo dục Nhật Bản với sự mở rộng quy mô của hệ thống trường phổ thông và đại học đã làm cho tỉ lệ học lên bậc trung học phổ thông và đại học tăng cao. Đi kèm với nó là sự hình thành xã hội bằng cấp và “chiến tranh thi cử”. Giáo dục trường học khi tập trung vào thi cử đã coi nhẹ các trải nghiệm đời sống của học sinh.

Giáo sư Ogasa Ko, người đã tiến hành loạt bài giảng về sinh thái học và yêu cầu sinh viên vẽ gà nói trên cho rằng kết quả những “con gà bốn chân” ở trên nói lên “sự vô nghĩa của việc học để thi”. Nhận định này khớp với một sự thật khác được thầy giáo Nagai Takao công bố: trong số các học sinh vẽ gà bốn chân, “có nhiều em là những học sinh học tốt”.

Quote: Giáo dục trường học khi tập trung vào thi cử đã coi nhẹ các trải nghiệm đời sống của học sinh. Trường học đã rời xa khỏi đời sống và không giáo dục được những tri thức, trải nghiệm về đời sống.

Các nhà nghiên cứu người Nhật cho rằng sự mâu thuẫn giữa thành tích học tập và thi cử với hiểu biết về đời sống nói trên đã thể hiện rất rõ “sự phân ly rõ rệt giữa tri thức đời sống và tri thức trường học”. Nói một cách khác, nó phản ánh một thực tế: trường học đã rời xa khỏi đời sống và không giáo dục được những tri thức, trải nghiệm về đời sống.

Hiện tượng “gà bốn chân” cho tới gần đây vẫn tiếp tục được giới giáo dục Nhật Bản quan tâm. Chẳng hạn nhà nghiên cứu giáo dục mỹ thuật Miyawaki Osamu năm 1998 đã công bố cuốn sách Gà bốn chân – hiện đại và sự biểu đạt của trẻ em nhằm giải mã hiện tượng này. Gần đây nhất, giáo sư Masuda Hiromitsu (Đại học Gunma) cũng cho xuất bản cuốn Tại sao sinh viên lại vẽ gà có bốn chân? (NXB Jomoshimbun, 2014) để tiếp tục phân tích và lý giải hiện tượng nói trên.

Những chú “gà công nghiệp” ở Việt Nam

Chắc hẳn những ai quan tâm đến giáo dục Việt Nam khi đọc về hiện tượng trên của nước Nhật đều không khỏi giật mình. Nhìn một cách tổng thể, bối cảnh xã hội đương đại của Việt Nam có rất nhiều điểm tương đồng với xã hội Nhật Bản khi ấy. Đó là sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế và sự phát triển đô thị đã phá vỡ xã hội địa phương truyền thống (làng, xã) vốn là nơi rèn luyện và trưởng thành của trẻ em. Chức năng giáo dục của gia đình, xã hội địa phương dần dần được chuyển sang cho trường học. Trong khi đó, giáo dục trường học lại chậm đổi mới, cải cách và loay hoay trong vòng tròn tít mù của thi cử, thành tích.

Kết quả là môi trường sinh hoạt và trải nghiệm của học sinh ở trường học ngày một xa rời môi trường sinh hoạt ngoài đời thực. Điều này dẫn tới hệ quả đời sống trường học của học sinh bị giới hạn rất hẹp trong hoạt động thi cử và học các tri thức trong sách giáo khoa. Việc thiếu trải nghiệm và tri thức về đời sống dẫn tới hậu quả học sinh cho dù đã trưởng thành về tuổi tác vẫn không có được thói quen sinh hoạt và nền tảng thường thức của một người bình thường có thể sống tự lập. Người Việt vẫn quen gọi những học sinh như thế là những chú “gà công nghiệp”. Nếu chúng ta hy vọng vào sự kiến tạo xã hội ngày một tốt đẹp hơn trong tương lai, chúng ta hiển nhiên không thể không lo lắng về hiện tượng trường học đang cho “ra lò” ngày một nhiều những chú gà công nghiệp ấy.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Bài đã đăng trên báo Người Đô Thị

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video:

Nguyễn Quốc Vương

Published by
Nguyễn Quốc Vương

Recent Posts

BBC: Chuyên gia cảnh báo chiến tuyến Ukraine có thể sụp đổ

Trước bước tiến vững chắc của quân Nga, BBC chỉ ra trong một bài phân…

23 phút ago

Hà Nội: 150 bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo hệ thống thoát nước

Gần 150 bộ hài cốt được phát hiện khi công nhân thi công cải tạo…

49 phút ago

Nghiên cứu: Kẽm giúp chống lại tình trạng kháng kháng sinh ở vi khuẩn

Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tiểu bang Iowa đã phát hiện ra rằng,…

1 giờ ago

Tổng thống Putin cảnh báo sẽ trả đũa các quốc gia cung cấp vũ khí tấn công Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm thứ Năm (21/11) tuyên bố Moskva có quyền tấn…

2 giờ ago

Ông Trump chọn bà Pam Bondi là ứng cử viên mới cho chức tổng chưởng lý Hoa Kỳ

Tổng thống đắc cử Donald Trump vào tối thứ Năm (21/11) đã công bố rằng…

2 giờ ago

Gia Lai: Hiệu trưởng nhiều ngày không đến trường, giáo viên huyện biên giới bị chậm lương

Việc hiệu trưởng trường THCS Lê Văn Tám (xã Ia Piơr, huyện Chư Prông, tỉnh…

2 giờ ago