Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, nhiều quan lại hùa theo ủng hộ Mạc Đăng Dung. Tuy nhiên cũng có những trung thần của nhà Lê, thà chết chứ không theo nhà Mạc, có người một lòng phò tá vua Lê trong cơn nguy khốn, trở thành tấm gương trong lịch sử.
Trương Phu Duyệt sinh năm 1746 ở làng Kim Đâu, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng (nay thuộc tỉnh Hải Dương), thi đỗ Hoàng giáp năm 1505, làm quan trải qua 4 đời vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và Lê Cung Hoàng. Đến thời vua Lê Cung Hoàng, ông là bậc nguyên lão đại thần, giữ chức Thượng thư bộ Lại.
Năm 1527, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng phải nhường ngôi cho mình, nhiều quan lại đều hùa theo, yêu cầu Trương Phu Duyệt thảo chiếu nhường ngôi, tuy nhiên ông cự tuyệt không chịu viết. Sau Mạc Đăng Dung phải sai Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo chiếu nhường ngôi.
Khi Mạc Đăng Dung hoàn tất cướp ngôi nhà Lê, nhiều người phản đối, có người khởi binh chống lại, Trương Phu Duyệt trở về quê nhà.
Sách “Công dư tiệp ký” có ghi chép lại một câu chuyện về ông khi ở quê nhà như sau:
Một hôm, viên quan huyện sở tại có việc đi ngang qua quán rượu, mọi người trông thấy liền đứng dậy chào, chỉ có mỗi mình ông là vẫn điềm nhiên ngồi. Bọn lính hầu của quan thấy vậy liền quát mắng và toan đánh ông. Viên quan huyện thấy ông có bộ râu rất đẹp, vội bảo lính hầu rằng:
– Ta trông người này râu ria đạo mạo, hẳn phải là có học, vậy để ta ra cho một vế đối, nếu không đối được thì đánh cũng chẳng muộn gì.
Quan huyện nói xong, liền ra một vế đối như sau:
– “Thanh Miện huyện quan, kiến vô lễ nhi dục công” (nghĩa là Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh).
Ông liền ứng khẩu đối ngay:
– “Kim Đâu Tiến sĩ, vị hữu tu nhi đắc miễn” (nghĩa là Tiến sĩ làng Kim Đâu nhờ có râu nên được miễn).
Quan huyện nghe xong lời đối, biết đó là ông nghè quê làng Kim Đâu, liền vội bái tạ và xin ông thứ lỗi nhưng ông nghè Kim Đâu chỉ cười.
Sau khi Trương Phu Duyệt mất, ông được dân lập đền thờ ở đình Xuân Quan (Văn Giang – Hưng Yên). Sau này nhà Lê Trung Hưng cũng phong ông làm Phúc Thần – Thành Hoàng của hai thôn Kim Trang Tây và Kim Trang Đông ở xã Lam Sơn (Hải Dương).
Họ Đặng trước khi ra bắc có nguồn gốc từ làng Tiên Điền (Hà Tĩnh). Gia phả “Đặng tộc Đại tông chi ất” của dòng họ Đặng làng Tiên Điền có ghi chép rằng: “Ông Đặng Thọ Cương và Nguyễn Thị Liệu sau khi sinh hạ 2 con trai, lớn là Đặng Giáp, nhỏ là Đặng Ất rồi cả nhà di cư không rõ”.
Dòng họ Đặng xác nhận rằng cụ Đặng Thọ Cương di cư đến Bãi Sậy tỉnh Hưng Yên (thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu) sau đó lại dời đến định cư ở xóm Hương Hà, làng Nguyên Xá, xã Phúc Hải, tổng Tống Xuyên, huyện Ngự Thiên (nay là thôn Hà Nguyên, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà). Đặng Ất học hành thành tài, thi đỗ tiến sĩ, làm quan cho nhà Lê.
Lúc này trong Triều đình, Mạc Đăng Dung nắm mọi quyền hành uy hiếp khiến vua Lê Chiêu Tông phải bỏ trốn khỏi kinh thành chiêu tập lực lượng chống Mạc Đăng Dung.
Mạc Đăng Dung liền đưa em của vua Chiêu Tông lên ngôi Vua, hiệu là Lê Cung Hoàng. Trước sự lộng hành của Mạc Đăng Dung, vua Lê Cung Hoàng chỉ tin tưởng những đại thần nào trung thành nhà Lê, vì thế mà Đặng Ất được Vua phong làm Giám sát Ngự sử.
Sau thấy Mạc Đăng Dung ngày càng lộng hành quá mức ở xứ Thanh Hoa (sau đổi tên thành Thanh Hóa), vua phong cho ông làm “Triều liệt đại phu đạo Thanh Hoa” (Thanh Hoa đẳng sứ) nhằm giảm bớt sự lộng hành của Mạc Đăng Dung.
Năm 1526, Mạc Đăng Dung giết được vua Chiêu Tông. Năm 1527, Mạc Đăng Dung tập hợp Triều đình (không có vua Lê Cung Hoàng) rồi tuyên bố lên ngôi Vua bằng chiếu nhường ngôi. Đông các đại học sĩ Đạo Nguyên bá Nguyễn Văn Thái thảo chiếu.
Chiếu nhường ngôi được chuyển đến cho các quan để cùng ký vào. Tuy nhiên nhà Lê vẫn còn đó những trung thần, như Thiêm đô Ngự sử Nguyễn Văn Kiệt bẻ gãy bút, trút bỏ mũ áo quan ra rồi đi thẳng về quê.
Đặng Ất phò tá vua Lê Cung Hoàng cùng gia đình chạy đến làng Hà Nguyên, xã Phúc Hải, huyện Ngự Thiên. Tuy nhiên đến năm 1531 thì nhà Mạc bắt được Vua.
Lê Cung Hoàng bị phế làm Cung vương và bị giam ở nội điện phía Tây cùng với người mẹ là Trịnh Thị Loan hoàng Thái hậu. Sau đó cả hai mẹ con bị ép phải tự tử chết.
Là bề tôi trung thành với nhà Lê, Đặng Ất cũng tuẫn tiết chết theo Vua, di hài ông được an tang ở làng Nguyên Xá.
Sau khi Đặng Ất mất, nhà Mạc cho tìm và phá hủy hết các tư liệu ghi chép về công lao khi làm quan của Đặng Ất, vì thế mà ngày nay các ghi chép về ông rất ít không có nhiều.
Sau này khi nhà Lê Trung Hưng đánh bại được nhà Mạc, Đặng Ất được sắc phong làm phúc thần, Triều đình có chỉ cho dân làng Hà Nguyên phụng thờ ông. Ngày nay Đình làng Hà Nguyên còn lưu giữ 14 đạo sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn.
Trần Hưng tổng hợp
Xem thêm:
Mời xem video:
Đâu đó và ngay đây, vẫn có những người với người vẫn tin và thương…
Đề xuất của Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Google phải bán trình duyệt Chrome…
Đội hình Phalanx gắn liền với những cuộc chinh phục của Alexander Đại Đế.
Phát biểu của bà Zakharova vào thứ Năm (21/11) mô tả Estonia và các quốc…
Xinh đẹp là một loại phúc báo, nhưng nhan sắc là yếu tố bên ngoài…
Nhà Hậu Trần giằng co cản bước quân Minh nam tiến sau khi Trương Phụ…